Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bắc Giang với công tác giữ gìn ngôn ngữ các DTTS: Người có uy tín, nghệ nhân nỗ lực giữ gìn tiếng “mẹ đẻ” (Bài 2)

Mỹ Dung - 04:56, 20/11/2023

"Thế hệ chúng tôi hết, tiếng nói của người DTTS sẽ không còn đâu!", đó là trăn trở, trải lòng của không ít Người có uy tín trong vùng đồng bào DTTS và miền núi ở Bắc Giang khi chia sẻ về vấn đề này. Trước nỗi lo ấy, đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn đã và đang bằng mọi cách, với sự tận tâm trách nhiệm nhằm đóng góp cho việc giữ gìn tiếng dân tộc tại địa phương.

Ông Đàm Văn Tình dạy tiếng Sán Chay tại thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động
Ông Đàm Văn Tình dạy tiếng Sán Chay tại thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động

Tận tụy truyền dạy ngôn ngữ DTTS

Hơn 15 năm qua, Người có uy tín Bàn Văn Cương, thôn Thanh Chung, thị trấn Tây Yên Tử vẫn miệt mài "giữ lửa, truyền lửa" ngôn ngữ dân tộc Dao cho các thế hệ trẻ. Ông đã vinh dự được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân ưu tú do đã có những cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa phi vật thể (lĩnh vực bảo tồn tiếng nói, chữ viết tỉnh Bắc Giang).

Nghỉ hưu từ năm 2007, ông Cường đã chủ động, tích cực trong việc sưu tầm những cuốn sách cổ của người Dao. Khi được tham gia "Đề án bảo tồn và phát triển tri thức bản địa các dân tộc thiểu số Việt Nam" thuộc Trung tâm vì Sự phát triển bền vững miền núi, ông có được "Bộ sách dạy và học chữ Dao Việt Nam".

Đây là bộ sách cổ, viết bằng chữ Hán - Nôm; đã có từ hàng trăm năm, được người Dao chấp thuận, sử dụng trong sinh hoạt gia đình, cộng đồng và xã hội, thể hiện một phần bản sắc văn hóa và lịch sử phát triển của dân tộc Dao ở Việt Nam.

Cũng từ đó, ông tâm huyết mở lớp truyền dạy tiếng dân tộc Dao đầu tiên trong thôn miễn phí. Thấm thoắt đã 15 năm, với hơn 10 lớp được ông truyền dạy. Ông chia sẻ, vui nhất là mỗi khi lên lớp, số người học tăng lên so với ngày hôm qua; buồn là khi số học viên cứ "rơi rụng" dần, có lớp ban đầu tới 35 học viên, cuối khóa học chỉ còn lại vài người.

“Lương hưu nhà nước trả tôi hàng tháng đã đủ chi tiêu rồi, cái tôi mong muốn là được tận mắt nhìn thấy lớp lớp con cháu còn nói đượng tiếng Dao, còn giữ được bản sắc văn hóa của mình”, ông Cường trải lòng.

Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Cường với sách cổ của người Dao ở Bắc Giang
Nghệ nhân ưu tú Bàn Văn Cường với sách cổ của người Dao ở Bắc Giang

Cũng với tâm huyết ấy, Người có uy tín Đàm Văn Tình, người Sán Chay, thôn Đồng Bây, xã An Lạc, huyện Sơn Động đã âm thầm dày công biên soạn tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc Sán Chí, Cao Lan, tổ chức được nhiều lớp truyền dạy tiếng Sán Chí, Cao Lan tại thôn mình.

Hiện nay, thôn đang duy trì được 2 lớp truyền dạy tiếng Sán Chí và Cao Lan; mỗi lớp gần 20 học viên, học vào buổi sáng ngày Chủ Nhật hàng tuần, chủ yếu là các cháu đang học bậc THCS.

Cháu Đặng Thị H bày tỏ niềm vui khi được tham gia lớp học của ông Tình: “Cháu cũng đang học lớp dạy tiếng Sán Chỉ, hầu như học vào cuối tuần nên cũng rất tiện. Giờ chúng cháu cũng không còn biết tiếng dân tộc mình nhiều. Tham gia lớp học như thế này, chúng cháu thêm hiểu, thêm yêu về dân tộc mình hơn”.

Thành lập câu lạc bộ

Không chỉ mở các lớp truyền dạy, không ít Người có uy tín cũng thành lập câu lạc bộ nhằm khôi phục và phát triển làn điệu dân ca, đẩy mạnh việc sử dụng ngôn ngữ, trang phục văn hóa truyền thống của dân tộc. Ông Lưu Đình Tiến, xã Vô Tranh huyện Lục Nam là một trong những Người có uy tín như thế. Ông đã cố gắng gìn giữ bản sắc văn hóa người Sán Dìu qua tiếng hát Soọng cô.

"Câu lạc bộ Soọng cô xã Vô Tranh" được thành lập vào năm 2009, lúc đầu có hơn 10 thành viên là những người lớn tuổi, lão thành. Đến nay, Câu lạc bộ có 35 hội viên trong đó có cả thành viên trẻ tuổi, các cháu học sinh.

Ông Tiến chia sẻ, hiện nay tài liệu truyền dạy tiếng dân tộc còn chưa có, nhiều người còn chưa quan tâm tới việc truyền dạy trong gia đình...Chính vì vậy, việc bảo tồn tiếng DTTS trên địa bàn còn nhiều khó khăn.

Người có uy tín Lưu Đình Tiến (người cầm micro) cùng hội viên người cao tuổi xã Vô Tranh hát Soọng cô
Người có uy tín Lưu Đình Tiến (người cầm micro) cùng hội viên người cao tuổi xã Vô Tranh hát Soọng cô

Trao đổi với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, ông Vi Thanh Quyền, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang cho biết, trước nguy cơ mai một tiếng DTTS trên địa bàn, nhiều Người có uy tín đã có ý thức cao trong việc giữ gìn bản sắc văn hoá dân tộc nói chung, giữ gìn ngôn ngữ các dân tộc nói riêng.

“Trong những năm qua, với nhiều hoạt động cụ thể (mở lớp truyền dạy tiếng dân tộc, cung cấp thêm tài liệu dạy, vận động thành lập các CLB...), đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Bắc Giang đã có vai trò tích cực và có nhiều đóng góp trong công tác bảo tồn tiếng nói vùng đồng bào DTTS", ông Quyền nhấn mạnh.

Nhận thức rõ vị trí, vai trò của việc bảo tồn ngôn ngữ các DTTS, cũng như tiếp nhận các kiến nghị của những Người có uy tín trong đồng bào DTTS về bảo tồn tiếng dân tộc, Ban Dân tộc tỉnh Bắc Giang đã đề xuất việc xây dựng Đề án "Bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các DTTS tỉnh Bắc Giang".

Theo đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã xây dựng Đề án "Bảo tồn, phát huy tiếng DTTS trên địa bàn tỉnh Bắc Giang" tập trung bảo tồn, phát huy tiếng dân tộc của cộng đồng các dân tộc Nùng, Tày, Sán Dìu, Hoa, Sán Chay (Cao Lan, Sán Chí) và Dao, trọng tâm tại 73 xã vùng đồng bào DTTS các huyện Sơn Động, Lục Ngạn, Lục Nam, Yên Thế và Lạng Giang.

Đây là hoạt động nhằm triển khai có hiệu quả các nội dung của Dự án 6 về "Bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống tốt đẹp của các dân tộc thiểu số gắn với phát triển du lịch" giai đoạn I của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 trên địa bàn tỉnh Bắc Giang.

Sinh hoạt CLB hát Dân ca dân tộc Sán Dìu tại huyện Lục Ngạn
Sinh hoạt CLB hát Dân ca dân tộc Sán Dìu tại huyện Lục Ngạn

Mục tiêu của Đề án nhằm từng bước tăng tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc bình quân từ 2- 3%/năm; phấn đấu đến năm 2030 tỷ lệ người DTTS nói được tiếng dân tộc đạt từ 15 - 20%. Từ năm học 2024 - 2025, đến hết năm học 2029 - 2030, phấn đấu 100% các trường học vùng đồng bào DTTS&MN tổ chức được lớp học tiếng dân tộc và duy trì thường xuyên việc dạy và học tiếng dân tộc. Đồng thời, triển khai thí điểm việc dạy và học tiếng dân tộc trong cộng đồng ở 73 xã vùng đồng bào DTTS&MN; mỗi xã chọn 01 thôn/bản để làm điểm và rút kinh nghiệm cho triển khai những năm sau.

Đề án đã đề ra các nhiệm vụ, giải pháp nhằm thực hiện mục tiêu trên gồm: Đẩy mạnh công tác thông tin, tuyên truyền, vận động, nâng cao nhận thức của cấp ủy, chính quyền cơ sở và người dân về sự cần thiết phải bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các DTTS. Xây dựng cơ chế, chính sách hỗ trợ cho các hoạt động bảo tồn, phát huy ngôn ngữ các DTTS.

Hi vọng rằng, với những giải pháp quyết liệt và sự vào cuộc tích cực của các cấp, các ngành và đông đảo đội ngũ Người có uy tín trên địa bàn tỉnh Bắc Giang, sẽ góp phần tạo môi trường gìn giữ, bảo tồn và phát huy ngôn ngữ các DTTS.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Đắk Lắk: Bộ đội giúp người dân vùng biên qua cơn khát...

Hạn hán, nắng nóng kéo dài khiến cho hàng nghìn người dân ở các xã biên giới tỉnh Đắk Lắk thiếu nước sinh hoạt. Để giúp người dân vùng biên qua cơn khát, các đơn vị bộ đội đóng quân ở khu vực biên giới đã huy động nguồn lực khoan giếng làm công trình nước sinh hoạt tập trung, chở từng bồn nước khu dân cư hỗ trợ người dân.