Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

“Bản hạnh phúc” trên đỉnh Sơn Bạc Mây

Thuỳ Anh - 19:12, 27/07/2022

Bản văn hóa Sin Suối Hồ được UBND tỉnh Lai Châu công nhận là bản du lịch cộng đồng vào năm 2015, có lịch sử hơn 300 năm. Chỉ cách thành phố Lai Châu khoảng 30km, nhưng phải mất gần 3 giờ đồng hồ từ tỉnh lộ 130 mới lên đến nơi. Nơi đây có 142 hộ với hơn 700 nhân khẩu là đồng bào dân tộc Mông sinh sống gắn với những câu chuyện cổ tích đời thường, không phải ở đâu cũng gặp.

Tấm biển “Sin Suối Hồ kính chào quý khách” đơn giản nhưng khác biệt
Tấm biển “Sin Suối Hồ kính chào quý khách” đơn giản nhưng khác biệt

Bản Mông thay áo mới

Tấm biển “Sin Suối Hồ kính chào quý khách” hướng dẫn tôi vào bản trên con đường bê tông cấp phối. Trên các ngả đường có hàng trăm giỏ hoa địa lan được sắp xếp ngay ngắn, những giỏ đựng rác bằng tre được đan dòng chữ “cho tôi xin rác” đặt xen hai bên đường. Đến đây, tôi được “mục sở thị” những câu chuyện cổ tích ngoài đời thường trên đỉnh Sơn Bạc Mây quanh năm khí hậu mát mẻ, nhiệt độ hằng ngày dao động từ 15-25 độ C. Nhiều ngôi nhà của người Mông vẫn giữ được những bức tường đất truyền thống từ hàng trăm năm. Những gốc cây cổ thụ hơn 300 tuổi, những tảng đá “bìa đỏ” xưa vẫn được bảo vệ và giữ gìn.

Bản Sin Suối Hồ với 100% là người đồng bào dân tộc Mông sinh sống, không có bóng dáng của ma tuý, thuốc lá, rượu. Con người chỉ sống với nhau chan hoà đầy yêu thương, họ cùng nhau làm du lịch bằng chính bản sắc và những di sản thiên nhiên vẫn được bảo tồn.

Người dân mang nông sản ra bán tại chợ phiên vào mỗi sáng thứ 7 hằng tuần
Người dân mang nông sản ra bán tại chợ phiên vào mỗi sáng thứ 7 hằng tuần

Đi chợ phiên, được người già trong bản kể chuyện Sin Suối Hồ khoảng 30 năm về trước, “bản mình xưa toàn đường mòn, đường rừng, bà con hằng tuần xuống thị xã đi chợ rồi về là mất 2 ngày chỉ để mua dầu và muối. Dân không biết làm kinh tế, có biết du lịch là gì đâu, cuộc sống lạc hậu và đói khổ, hằng ngày chỉ ăn rau rừng và củ rừng. Trai bản xưa trồng nhiều cây thuốc phiện nên nghiện nhiều lắm, không đi làm được. Sau đấy rồi trộm cắp, đánh nhau; có những năm, bệnh lây nhiễm tràn lan có tuần chết 1-2 người”.

Đến thăm căn nhà nhỏ của ông Hảng A Xà, tôi rất ngỡ ngàng trước một gian phòng khách nhỏ được trang trí bởi hàng trăm tấm Bằng khen của các cấp dành cho cá nhân ông. Một người với động lực mạnh mẽ chỉ là để quê giàu đẹp hơn, người thân mình bớt khổ, năm 2007, ông Xà được chính quyền công nhận là Người có uy tín.

Ông Xà chia sẻ, “tôi may mắn hơn nhiều anh em trong bản, được học hết lớp 5 ở thị xã. Tôi đã tự hỏi, tại sao cũng là con người mà nhiều dân tộc khác họ phát triển, còn dân tộc mình thì không. Sau này, được đọc nhiều sách viết về lịch sử và con người Việt Nam, tôi hiểu thêm một điều rằng, đời sống của bà con biên giới nghèo khổ là do lịch sử chiến tranh để lại. Để phát triển được, mỗi người phải có nghị lực sống vươn lên, không được ỉ lại và đặc biệt phải thật sự đoàn kết, có lập trường vững vàng để không bị mua chuộc bởi bất kỳ thế lực nào khác”.

Tiết mục văn nghệ mô phỏng lại sinh hoạt thường ngày của người dân do chính bà con trong bản biểu diễn
Tiết mục văn nghệ mô phỏng lại sinh hoạt thường ngày của người dân do chính bà con trong bản biểu diễn

Lộ trình từ “khó đến có”

Những người cao niên trong bản kể, “từ 1995 - 2005 các anh ấy (ông Hảng A Xà và Trưởng bản Vàng A Chỉnh-PV) đưa những người nghiện lên núi để cai. Hằng ngày cho họ uống ít thuốc bổ và chăm sóc họ như một đứa trẻ sơ sinh. Ngày xưa đói khổ, lại không biết xin hỗ trợ nên thức ăn không có, chỉ có thịt thú rừng và rau rừng. Cứ mỗi tháng 1 đợt đưa khoảng 10 người vào rừng, nhưng chỉ 2 người có kết quả, có người tái nghiện đến 10 lần rồi cũng cai được. Sau 10 năm ròng rã, bản mình không còn ai nghiện thuốc phiện, thuốc lào, thuốc lá và rượu nữa.

Sau đó, các anh ấy giúp chúng tôi thay đổi suy nghĩ, nhận thức đúng hơn về cuộc sống. Từ những suy nghĩ đơn sơ về cuộc sống, đến cách ăn ở hằng ngày phù hợp vệ sinh. Chăn nuôi thì phải sạch sẽ thì mới không bị bệnh được. Người Mông chúng tôi nghĩ đến năm 20 tuổi là đã có con lo cho mình, chỉ cần có nhà ở là được rồi. Nên khi cán bộ lên vận động về kế hoạch hoá gia đình, không tảo hôn để tránh nghèo khổ, thì người dân không đồng tình. Vì năm nào giáo viên lên bản dạy học, chúng tôi cũng phải làm nhà cho họ ở, nên chúng tôi cho rằng, những người này mới là những nghèo, còn chúng tôi đang sống rất sung sướng rồi.

Mỗi tuần anh Xà cùng cán bộ dành ra 2 buổi gọi dân chúng tôi đến học và thực hành từng môn như học chữ, học nhạc, học về đạo đức, lịch sử Việt Nam... Rồi mỗi tháng các anh đến từng nhà 2 lần, hướng dẫn chúng tôi làm từng việc nhỏ: rửa bát, quét nhà, làm nhà vệ sinh, chăm sóc cây cối và vật nuôi, chăm sóc gia súc gia cầm… Thế mà cũng mất 5 năm (từ 2005-2010) trong bản không còn người bị bệnh lây nhiễm nữa, nên chúng tôi mới hiểu và làm theo.

Anh Xà còn tư vấn cho bà con sửa nhà cửa, quy hoạch lại chuồng gà chuồng lợn, không thả rông vật nuôi ra đường; dọn vệ sinh chuồng nuôi gà, lợn; không vứt rác bừa bãi, giữ gìn vệ sinh môi trường chung; trang trí lại nhà cửa sao cho đẹp và bắt mắt hơn… đến nay thì cứ đúng 5h chiều, bà con đi nương về lại cùng nhau quét sân nhà và đường làng ngõ xóm”.

Ông Hảng A Xà giới thiệu cho du khách về nguồn gốc và tác dụng của cây Tung Qua Sủ (để nhuộm vải của người Mông) đã hơn 300 tuổi
Ông Hảng A Xà giới thiệu cho du khách về nguồn gốc và tác dụng của cây Tung Qua Sủ (để nhuộm vải của người Mông) đã hơn 300 tuổi

“Trường ca” thoát nghèo mộc mạc

Anh Vàng A Chỉnh, Trưởng bản Sin Suối Hồ kể, “năm 2015 bản mình được tỉnh công nhận là Bản Du lịch cộng đồng, tôi với anh Xà thống nhất với bà con trong bản, là làm kinh tế địa phương kết hợp với làm du lịch. Rất may mắn, thời điểm đó bản mình có sự vào cuộc hỗ trợ của cấp uỷ, chính quyền xã, huyện và tỉnh nữa, cho nên chúng tôi mạnh dạn thành lập 15 đội phục vụ du lịch và cử họ đi Hà Nội học cho bài bản.

Gồm các đội lái ô tô, xe ôm, làm “porter” mang hàng cho khách du lịch leo núi, nấu ăn các món Châu Âu – Châu Á, dọn phòng, pha chế, hướng dẫn viên du lịch… Rồi về dạy lại cho những người dân khác trong bản cùng làm. Gia đình tôi và nhà anh Xà cũng mạnh dạn làm homestay, hồi mới làm cũng nhiều gian nan, nhưng là người dẫn đường, chúng tôi cần làm trước thì bà con mới làm theo.

Thổ cẩm được người dân làm cách tân cho phù hợp với thị hiếu của du khách
Thổ cẩm được người dân làm cách tân cho phù hợp với thị hiếu của du khách

Tôi nghĩ, để phát triển kinh tế thì cần kiên cố hoá đường sá và trường học, cần có chợ mới kéo được du khách về. “Cái khó ló cái khôn”, chúng tôi không chờ đợi có vốn mới làm, nên đã xin chính quyền xã hỗ trợ xi măng và vận động bà con tự chở cát về làm đường, xếp đá làm nền, hiến đất làm đường giao thông và xây chợ. Ngày họp chợ đầu tiên, tôi huy động bà con nhà nào có gì là mang ra chợ bán. Từ đồng hồ đeo tay, quần áo, khăn thổ cẩm, cho đến rau rồi con lợn, con gà cũng nên mang ra chợ họp càng đông càng vui”, ông Xà kể.

Anh Vàng A Cháng ngậm ngùi chia sẻ chuyện ngày đầu đi chợ bán hàng, “nhà mình chỉ có duy nhất 1 con gà đẻ trứng, nhưng nghe chú Xà vận động, mình cũng mang ra chợ, bị cô giáo mua mất con gà. Vợ chồng mình rất buồn, không biết từ ngày mai sẽ sống như thế nào. Nhưng chú Xà bảo: bán con gà đó có tiền, mình lại mua thêm gà con về nuôi lớn rồi lại bán sẽ có nhiều tiền hơn. Giờ gia đình tôi có hàng trăm con gà, mỗi năm nhà tôi cũng để ra được khoảng 20 - 30 triệu đồng”.

Chị Hảng Thị Dở, có một gian hàng thổ cẩm trong chợ chia sẻ, “lớn lên đi lấy chồng, làm ruộng vất vả mà vẫn không đủ ăn. Được chú Xà khích lệ các chị em, mình đã nghĩ là mình sẽ vẽ sáp ong truyền thống, rồi mình thêu, may hoa văn của người Mông lên quần áo cách tân và may túi để bán. Đến giờ mỗi năm mình cũng để ra được khoảng hơn 20 triệu đồng”.

Ông Chảo Quẩy Hoà, Chủ tịch xã Sin Suối Hồ chia sẻ, “ông Hảng A Xà, Người có uy tín của bản, cùng Trưởng bản Vàng A Chỉnh đã đóng góp công sức rất lớn để xây dựng bản Sin Suối Hồ được như ngày hôm nay. Toàn bản có khoảng hơn 30 hộ kinh doanh du lịch, nhà hàng và homestay. Ngày xưa cả bản toàn là hộ nghèo, nhưng đến nay chỉ còn khoảng hơn 10 hộ nằm trong diện hộ nghèo và cận nghèo, đến nay kinh tế của bà con vừa làm nông vừa làm du lịch, thu nhập ổn định hơn, có hộ thu nhập hàng trăm triệu 1 năm”.

Bản văn hoá này được du khách đặt cho rất nhiều tên gọi thân thiện như “bản nhiều không”, “bản du lịch văn hoá, còn tôi gọi đây là bản “hạnh phúc”. Bởi trong suốt hành trình gần nửa đời người, những con người nơi đây, từ người dân đến cấp uỷ, chính quyền địa phương đã đồng lòng và sáng tạo trong thực hiện áp dụng các chủ trương, chính sách. Đã thắp sáng ánh đèn nơi “thâm sơn cùng cốc” với bao hủ tục lạc hậu, bản Mông nay khoác trên mình một diện mạo mới và trở thành một điểm sáng về du lịch văn hoá cộng đồng của tỉnh Lai Châu.

Tin cùng chuyên mục
Nông dân Lai Châu thi hái, sao chè

Nông dân Lai Châu thi hái, sao chè

Thi hái, sao chè là một trong các hoạt động sôi nổi tại “Lễ hội trà và Tuần Văn hóa du lịch huyện Tân Uyên, tỉnh Lai Châu lần thứ nhất năm 2024”. Lễ hội nhằm tôn vinh, lưu giữ, phát triển giá trị của cây chè, người làm chè; gặp gỡ, giao lưu, chia sẻ kinh nghiệm của người trồng, chế biến, sản xuất, kinh doanh chè ở Than Uyên. Đây là dịp để quảng bá tiềm năng kinh tế, thế mạnh du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, giới thiệu cây chè, sản phẩm trà Tân Uyên tới du khách.