Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Bình Định: Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sáng kiến trong triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719

T.Nhân - H.Trường - 07:23, 20/04/2024

Chiều 19/4, tại Tp. Quy Nhơn, Ủy ban Dân tộc phối hợp với UBND tỉnh Bình Định tổ chức Hội thảo chia sẻ kinh nghiệm sáng kiến trong triển khai thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030, giai đoạn I: Từ năm 2021 - 2025), với sự tham gia của các đại biểu đến từ 18 tỉnh, thành phố khu vực miền Trung - Tây Nguyên và Đông Nam bộ.

Quang cảnh Hội thảo
Quang cảnh Hội thảo

Chủ trì Hội thảo có ông Lò Quang Tú - Vụ trưởng Vụ Công tác Dân tộc địa phương; ông Đặng Tiến Hùng -  Phó Chánh Văn phòng Chương trình MTQG 1719; ông Đinh Văn Lung - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định và ông Bùi Tiến Dũng - Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Định.

Thay mặt lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh Bình Định, ông Bùi Tiến Dũng đã báo cáo sơ lược về tình hình triển khai Chương trình MTQG 1719 tại địa phương. Theo đó, đồng bào DTTS của tỉnh sinh sống ở 33 xã, thị trấn thuộc 6 huyện (có 21 xã đặc biệt khó khăn thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi, 7 thôn đặc biệt khó khăn của 5 xã, thị trấn không thuộc vùng đồng bào DTTS và miền núi). Trên địa bàn tỉnh có 39 thành phần DTTS, đến cuối năm 2023 có 11.670 hộ/42.847 người, chiếm 2,8% dân số toàn tỉnh; trong đó chủ yếu là 3 dân tộc Chăm, Ba Na và Hrê (đây là 3 dân tộc thuộc các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn sinh sống ổn định thành cộng đồng trên địa bàn các xã khu vực III và các thôn đặc biệt khó khăn tại Quyết định số 1227 ngày 14/7/2021 của Thủ tướng Chính phủ Phê duyệt danh sách các dân tộc còn gặp nhiều khó khăn, có khó khăn đặc thù giai đoạn 2021 - 2025).

Ông Bùi Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc Bình Định phát biểu tại Hội thảo
Ông Bùi Tiến Dũng, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc Bình Định phát biểu tại Hội thảo

Kinh phí được giao từ nguồn ngân sách Trung ương và nguồn vốn đối ứng ngân sách tỉnh thực hiện Chương trình đến năm 2024 là 782.335 triệu đồng. Đến ngày 31/3/2024 đã giải ngân 346.203/748.155 triệu đồng, tỷ lệ 46,25%.

Việc triển khai thực hiện Chương trình nhận được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của Tỉnh ủy, HĐND, UBND tỉnh và các cấp chính quyền địa phương. Ban Dân tộc tỉnh cùng các sở, ngành, địa phương đã chủ động, tích cực tham mưu cho UBND tỉnh trong việc thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh và đạt được những kết quả tích cực. Mục tiêu của tỉnh là giảm tỷ lệ hộ nghèo vùng đồng bào DTTS từ 3% trở lên. Đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS là 40,7% giảm hơn 10% so với năm 2022; 100% xã có đường ô tô đến trung tâm xã được trải nhựa hoặc bê tông; 90% trường, lớp học và trạm y tế được xây dựng kiên cố; 70% người từ 15 tuổi trở lên đọc thông, viết thạo tiếng phổ thông; tỷ lệ dân cư nông thôn sử dụng nước hơp vệ sinh đạt 100%; trong đó, tỷ lệ dân cư sử dụng nước sạch từ công trình cấp nước tập trung đạt trên 31%...

Tại Hội thảo, đại biểu các tỉnh, thành đã cùng chia sẻ nhiều kinh nghiệm, cách làm hay trong việc triển khai thực hiện chương trình. Đó là phát huy vai trò của Người có uy tín trong đồng bào DTTS; kinh nghiệm trong việc thực hiện dự án đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu, phục vụ sản xuất, đời sống trong vùng đồng bào DTTS và miền núi theo cơ chế đặc thù; kinh nghiệm về việc tuyên truyền cho đồng bào DTTS nắm rõ về ý nghĩa của chương trình; kinh nghiệm về triển khai chính sách hỗ trợ khởi sự, khởi nghiệp trong vùng đồng bào DTTS và miền núi…

Ông Lê Xuân Hải, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo
Ông Lê Xuân Hải, Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế phát biểu tại Hội thảo

Ông Lê Xuân Hải - Phó Trưởng ban Ban Dân tộc tỉnh Thừa Thiên Huế tham gia tham luận, chia sẻ kinh nghiệm về tổ chức triển khai thực hiện các dự án, tiểu dự án thuộc Chương trình MTQG 1719. Sau 03 năm thực hiện Chương trình, được sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của cấp ủy, chính quyền các cấp, nhất là các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi là yếu tố quyết định đến việc tổ chức thực hiện thành công của Chương trình. Cấp ủy, chính quyền các địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi phải xem Chương trình là nguồn lực quan trọng để lãnh đạo, chỉ đạo góp phần thực hiện thắng lợi mục tiêu, các chỉ tiêu mà nghị quyết Đại hội Đảng bộ nhiệm kỳ 2020 - 2025 của địa phương mình.

Năng lực và trách nhiệm của cán bộ, công chức và sự phối hợp chặt chẽ, đồng bộ của cơ quan tham mưu thực hiện Chương trình các cấp đóng vai trò quan trọng để tham mưu cụ thể hóa các cơ chế, chính sách, hướng dẫn thực hiện Chương trình trên địa bàn tỉnh một cách chủ động, kịp thời. Thường xuyên bám sát tình hình cơ sở, phát hiện các hạn chế, khó khăn, vướng mắc để kịp thời hướng dẫn, giải quyết xử lý hoặc kiến nghị, báo cáo cấp có thẩm quyền; đồng thời phát hiện các nhân tố tích cực, cách làm hay, chủ động, sáng tạo để tuyên truyền, phổ biến nhân rộng sang các địa phương khác.

Nhận thức đúng và phát huy hiệu quả vai trò của cộng đồng, người dân trong tham gia thực hiện Chương trình trong công tác lập kế hoạch, lựa chọn và tham gia ý kiến trước khi xây dựng các công trình, dự án bảo đảm phù hợp với tình hình thực tế của địa bàn, công tác giải phóng mặt bằng và giám sát đầu tư của cộng đồng. Phải thực sự xem đồng bào DTTS là chủ thể của Chương trình để có các biện pháp, giải pháp phát huy tốt vai trò người dân trong thực hiện chính sách dân tộc của Chương trình.

Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng ban Ban Dân tộc Bình Thuận phát biểu tại Hội thảo
Ông Nguyễn Minh Tân, Trưởng ban Ban Dân tộc Bình Thuận biểu tại Hội thảo

Còn ông Nguyễn Minh Tân - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Bình Thuận tham gia chia sẻ một số kinh nghiệm trong việc xây dựng các chính sách dân tộc đặc thù của địa phương và tổ chức thực hiện Nội dung hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị (Nội dung số 01, Tiểu dự án 2, Dự án 3).

Theo ông Tân, ngoài triển khai thực hiện các chính sách dân tộc theo quy định của Trung ương; trong các năm qua, Ban Dân tộc tỉnh đã phối hợp tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh ban hành và thực hiện 09 chính sách đặc thù đối với vùng đồng bào DTTS. Trong đó, có 03 chính sách đặc thù quan trọng đó là: Chương trình Hỗ trợ đầu tư kết cấu hạ tầng vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021 - 2025 theo Nghị quyết 36/NQ-HĐND ngày 28/9/2021 của HĐND tỉnh. Chính sách hỗ trợ học sinh, sinh viên người DTTS trên địa bàn tỉnh theo Nghị quyết 04/2021/NQ-HĐND ngày 17/8/2021 của HĐND tỉnh. Chính sách đầu tư hỗ trợ phát triển sản xuất và khoán bảo vệ rừng cho vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2021-2030 theo Nghị quyết 18/2022/NQ-HĐND ngày 18/11/2022 của HĐND tỉnh và Nghị quyết số 19/2023/NQ-HĐND ngày 10/11/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị quyết số 18/2022/NQ-HĐND ngày 18/11/2022.

Thông qua việc thực hiện các chính sách đặc thù của địa phương đã giúp các hộ đồng bào DTTS có điều kiện cho con em đến trường học tập, nâng cao trình độ dân trí; tạo việc làm; đủ vật tư, giống phục vụ sản xuất; từng bước chuyển sang sản xuất hàng hóa, tăng thu nhập, xóa đói giảm nghèo. Cơ sở hạ tầng nhất là hạ tầng phục vụ sản xuất được sửa chữa, nâng cấp đáp ứng yêu cầu của địa phương.

Ông Đặng Tiến Hùng, Phó Chánh Văn phòng Chương trình MTQG 1719 phát biểu tại Hội thảo
Ông Đặng Tiến Hùng, Phó Chánh Văn phòng Chương trình MTQG 1719 phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu tại Hội thảo, ông Đặng Tiến Hùng - Phó Chánh Văn phòng Chương trình MTQG 1719 chia sẻ: Việc phê duyệt Đề án tổng thể và chủ trương đầu tư Chương trình MTQG DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 là đóng góp quan trọng trong công tác dân tộc. Lần đầu tiên Việt Nam có một Chương trình MTQG dành riêng cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

Tuy nhiên, đây là Chương trình MTQG mới, được triển khai trên một địa bàn rộng, tập trung vào nhóm đối tượng đặc thù là đồng bào dân tộc thiểu số đang sinh sống trên địa bàn có điều kiện tự nhiên khó khăn nhất, địa hình phức tạp và bị chia cắt, dân cư sống thưa thớt, không tập trung, sinh kế còn nhiều khó khăn, tỉ lệ hộ nghèo cao nhất cả nước, nhu cầu nguồn lực đầu tư lớn trong bối cảnh ngân sách nhà nước còn hạn chế như hiện nay. Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương thẳng thắn nhìn nhận việc triển khai Chương trình MTQG 1719 cần phải có sự nỗ lực rất lớn của cả hệ thống chính trị, đặc biệt là các cấp chính quyền địa phương.

Ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Ban Dân tộc Bình Định phát biểu tại Hội thảo
Ông Đinh Văn Lung, Trưởng ban Ban Dân tộc Bình Định phát biểu tại Hội thảo

Phát biểu kết thúc Hội thảo, ông Đinh Văn Lung - Trưởng ban Dân tộc tỉnh Bình Định cho hay: Vùng đồng bào DTTS và miền núi tỉnh Bình Định có nhiều tiềm năng, lợi thế riêng, thuận lợi cho phát triển trên nhiều lĩnh vực. Tuy nhiên, nơi đây cũng có địa hình vô cùng phức tạp, khí hậu khắc nghiệt, đời sống của người dân còn nhiều khó khăn. Chương trình MTQG 1719 là một chương trình nhiều ý nghĩa, đầu tư tập trung và bao quát cho vùng đồng bào DTTS và miền núi.

“Đây là thời cơ để các địa phương miền núi rút ngắn khoảng cách với các địa phương miền xuôi. Tuy nhiên, qua 3 năm triển khai còn gặp nhiều khó khăn, trở ngại nên kết quả chưa như mong đợi. Qua Hội thảo lần này, Bình Định sẽ học hỏi kinh nghiệm của các tỉnh bạn trong việc tháo gỡ các khó khăn, vướng mắc, đẩy nhanh tiến độ thực hiện chương trình để đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng các DTTS đang sinh sống ở địa bàn khó khăn", ông Lung khẳng định.

Tin cùng chuyên mục
Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc

Hành trình vun đắp khối đại đoàn kết dân tộc

78 năm qua, từ Nha Dân tộc thiểu số đến Ủy ban Dân tộc – Cơ quan công tác dân tộc đã làm tốt sứ mệnh tham mưu, xây dựng để Nhà nước ban hành hệ thống chính sách phát triển vùng DTTS và miền núi. Việc triển khai hiệu quả chính sách dân tộc đã tạo cơ hội phát triển bình đẳng giữa các dân tộc, qua đó không ngừng củng cố niềm tin của đồng bào với Đảng, Nhà nước, tăng cường khối đại đoàn kết dân tộc.