Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cần giữ gìn làng truyền thống của đồng bào Xơ-đăng

PV - 11:06, 10/06/2020

Đồng bào Xơ-đăng huyện Nam Trà My (Quảng Nam) trước đây sống trên vùng núi cao, giao thông đi lại khó khăn, mùa mưa lũ thường bị sạt lở, đe dọa đến an toàn tính mạng. Những năm gần đây, chính quyền địa phương đã thực hiện di dời đồng bào đến nơi ở mới để bảo đảm an toàn, cải thiện chất lượng cuộc sống.

Làng mới Lâng Loan
Làng mới Lâng Loan

Từ khi có chủ trương của cấp trên, người dân trong làng Măng Klâng (với 69 hộ, 291 nhân khẩu), huyện Nam Trà My (Quảng Nam) nhanh chóng hưởng ứng, đã đi tìm một vị trí thuận lợi cách làng cũ không xa để dời làng. Họ đã đặt tên làng mới của mình là Lâng Loan.

Nhà nước hỗ trợ mỗi hộ 20 triệu đồng di chuyển nhà, 30 triệu đồng san nền nhà và hỗ trợ kinh phí kéo dây điện, đường ống dẫn nước sinh hoạt từ khe núi về tận làng, giúp cho bà con có điều kiện dựng lại nhà, ổn định nơi ăn chốn ở. Việc di dời chỗ ở đến nơi mới để giúp bà con có cuộc sống ổn định, an toàn, thuận tiện về giao thông, học hành của con em là việc làm rất cần thiết, kịp thời, thể hiện sự quan tâm của chính quyền địa phương. Tuy nhiên, trong quá trình thực hiện còn những vấn đề bất cập, nhất là việc duy trì, giữ gìn “hồn cốt” của làng.

Làng cũ Măng Klâng

Làng cũ của đồng bào là nơi sinh sống của nhiều thế hệ với bao nhiêu kỷ niệm và ký ức. Những người đi trước đã dành bao công sức để chăm sóc, gây dựng hình thành ngôi làng. Làng có cây đa lớn tỏa bóng mát trên lối mà người dân sớm chiều lên rẫy về nương. Làng còn lưu giữ những ngôi nhà sàn mái lá, vách nứa với những cây cột vững chắc.

Đối với người Xơ-đăng, làng không thể thiếu máng nước, vì máng nước là mạch sống, nguồn sống của làng. Máng nước giữa làng trong mát, tuôn chảy suốt ngày đêm. Bà con trong làng nhặt những tảng đá lớn về kè, lót nền, giữ cho máng nước không bị ngập, vấy bùn, thuận tiện cho người đi lấy nước giặt giũ, tắm rửa. Những tảng đá chẳng những tôn tạo vẻ đẹp, sự kiên cố, vững chắc cho máng nước mà còn tạo ra hình ảnh, âm thanh của núi rừng.

Cuối năm, khi lúa đã vào kho, đồng bào Xơ-đăng làm lễ cúng máng nước. Đây là lễ cúng quan trọng nhất của cộng đồng làng, là dịp để bà con tu sửa máng nước, thay những đoạn máng tre bị hư mục bằng những máng tre mới; là dịp đồng bào vui chơi, nghỉ ngơi sau những ngày vất vả với nương rẫy.

Làng cũ của đồng bào còn giữ nguyên những kho lúa được làm bằng vật liệu truyền thống. Đây là nơi giữ thóc lúa, hạt giống, làm cách biệt với làng, vừa phòng hỏa hoạn, chống chuột phá hoại, để bà con “giữ an ninh lương thực” ăn đủ qua ngày giáp hạt. Kho lúa có kiến trúc nhỏ gọn, đẹp, xây cất thành từng cụm, từng dãy nằm trên các sườn dốc, nhìn xa giống như ngôi làng thu nhỏ. Kho lúa càng nhiều chứng tỏ làng sung túc, là biểu tượng của no ấm.

Trẻ em vui đùa nơi bến nước
Trẻ em vui đùa nơi bến nước

Làng mới Lâng Loan

Cũng như người dân ở làng cũ Măng Klâng dọn qua thành làng mới, nhưng Lâng Loan đã nhiều đổi khác. Làng mới không còn một nếp nhà sàn truyền thống nào mà thay bằng những ngôi nhà mái tôn trắng lóa. Một vài máng nước sơ sài, nước chảy yếu ớt, có lẽ do vào mùa nắng nên khe suối khô cạn.

Làng được lấy tên Lâng Loan, trong tiếng Xơ-đăng nghĩa là rừng cây, nhưng tuyệt nhiên không có bóng cây xanh nào. Trong quá trình san ủi làm mặt bằng, người ta đã chặt hạ hết cây cối, làm cho cả vùng trống trơn.

Những cái cần cho ngôi làng mới thì rất nhiều, có thể hình thành về sau một thời gian nữa, nhưng những gì thuộc về văn hóa nếp sống như kiến trúc nhà ở, nhà làng truyền thống, máng nước, kho lúa thì cần phải phục hồi, tránh sự mất mát, đứt đoạn. Các thiết chế văn hóa truyền thống được đồng bộ triển khai như nhà làng truyền thống, nhà sàn của dân... Khi phục dựng nhà truyền thống thì các loại hình văn hóa dân gian được phát huy như văn hóa cồng chiêng, lễ hội ăn lúa mới, ẩm thực, dệt thổ cẩm, đan lát... Có như vậy, văn hóa truyền thống mới được bảo tồn, phát huy, tính kết cấu cộng đồng được gắn chặt; tình làng nghĩa xóm được thắt chặt.

Với chủ trương đúng, hợp lòng dân, làng truyền thống dân tộc Xơ-đăng vùng Nam Trà My không bị mất đi mà được bổ sung nhiều nét mới, đó là công trình cơ sở hạ tầng, bố trí dân cư thuận tiện trong sinh hoạt, sản xuất, phát huy được các giá trị văn hóa dân gian. Nét mới đó không làm lạ, mai một yếu tố cổ truyền mà làm cho làng truyền thống phát triển bền vững hơn, cải thiện cơ bản chất lượng cuộc sống của cộng đồng DTTS.

Tin cùng chuyên mục