Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Chiếc khăn mat’ra của phụ nữ Chăm An Giang

Phương Nghi - 20:39, 10/08/2020

Hình ảnh những cô gái Chăm duyên dáng, dịu dàng ngồi bên khung cửa sổ dệt vải, thêu thùa đã đi vào bao áng thơ ca. Gắn liền với phụ nữ Chăm theo đạo Hồi Islam là bộ trang phục truyền thống với điểm nhấn là chiếc khăn mat’ra lấp lánh nhiều màu sắc.

Thiếu nữ Chăm theo đạo Hồi Islam luôn trùm chiếc khăn mat’ra trên đầu
Thiếu nữ Chăm theo đạo Hồi Islam luôn trùm chiếc khăn mat’ra trên đầu

Cũng như nón lá của người Việt, khăn mat’ra là biểu tượng cho nét đẹp văn hóa, sự dịu dàng, hồn hậu của phụ nữ Chăm bao thế hệ. Với phụ nữ Chăm An Giang, khăn mat’ra không đơn thuần là trang phục, nó còn là nét duyên dáng, thể hiện sự nhẹ nhàng, e ấp.

Ông Go Sa Ly, Chánh Văn phòng Ban Đại diện Cộng đồng Hồi giáo Islam tỉnh An Giang, giải thích: “Với phụ nữ Chăm theo đạo Hồi Islam, áo dài là trang phục thiêng liêng và quý giá nhất, thường mặc vào những lễ hội lớn hay lễ cưới, hỏi. Còn chiếc khăn mat’ra giúp che trọn mái tóc dài đen óng lại là một điểm nhấn độc đáo, tạo nên vẻ đằm thắm, thùy mị của phụ nữ. Đối với phụ nữ Chăm theo đạo Hồi, trang phục khi đi ra nơi công cộng phải hết sức kín đáo. Người phụ nữ càng kín đáo thì càng được cộng đồng tôn trọng, thể hiện nhân phẩm, tiết hạnh của phụ nữ dân tộc Chăm”.

Bạn Na Y Sah, một thiếu nữ Chăm tại xã Châu Phong, thị xã Tân Châu chia sẻ: “Em rất yêu quý chiếc khăn mat’ra, em cảm thấy mình đẹp hơn, tự tin hơn khi khoác lên mình trang phục truyền thống của dân tộc mình”.

Tại cơ sở dệt thổ cẩm của ông Mohamad ấp Phũm Soài, xã Châu Phong, thị xã Tân Châu trưng bày rất nhiều sản phẩm thổ cẩm Châu Giang truyền thống, trong đó có nhiều chiếc khăn mat’ra sắc màu rực rỡ. Theo ông Mohamad, chiếc khăn mat’ra chủ yếu được làm bằng tơ và có họa tiết, đường nét rất tinh xảo. Ngày trước, phụ nữ Chăm thường tự thêu khăn cho mình. “Người ta có thể thêu họa tiết hoặc kết cườm lấp lánh lên chiếc khăn. Tuy nhiên, mỗi cách làm lại mang ý nghĩa riêng. Những cô gái trẻ sử dụng khăn thêu họa tiết, hoa văn là chủ yếu. Với những chiếc khăn kết cườm chỉ sử dụng cho cô dâu hay phụ nữ vừa lấy chồng đi ra mắt họ hàng. Tuy nhiên, cách phân biệt này hiện nay chỉ mang tính tương đối”, ông Mohamad cho hay.

Còn chị Saymah ở ấp Hà Bao 2, xã Đa Phước, huyện An Phú chia sẻ: “Để có một chiếc khăn mat’ra, người con gái Chăm phải rất kỳ công. Trước tiên, họ cắt một tấm lụa dài và bỏ thời gian ngồi thêu họa tiết. Nếu phải kết cườm thì còn phải tỉ mẩn hơn nữa. Bởi vậy, mỗi sản phẩm làm ra đều là sự kết tinh từ đôi bàn tay khéo léo và sự sáng tạo thẩm mỹ của người thêu. Do đó, tôi chỉ bán những chiếc khăn thủ công cho khách du lịch mà không sử dụng máy thêu hiện đại”.

Có thể nói, những chiếc khăn mat’ra chính là tác phẩm nghệ thuật được trau chuốt bằng kỹ thuật thêu nổi, rua chìm, tạo nét duyên thầm của phụ nữ Chăm. Vẻ đẹp của họ toát lên từ thần thái, đặc biệt là đôi mắt của các cô gái Chăm đầy quyến rũ, trắc ẩn đến nao lòng. 

Tin cùng chuyên mục
Ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch ở Đà Lạt

Ra mắt mô hình văn hóa cồng chiêng phục vụ du lịch ở Đà Lạt

Câu lạc bộ văn hóa cồng chiêng của người Cơ Ho - một dân tộc sinh sống lâu đời nhất ở Tp. Đà Lạt (tỉnh Lâm Đồng) vừa được hình thành và ra mắt tại xã Tà Nung, hứa hẹn có nhiều hoạt động hấp dẫn thu hút du khách.