Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Người có uy tín

Điểm du lịch cộng đồng Khuổi Khon và dấu ấn của Người có uy tín

Thuận Thanh - 07:25, 05/05/2024

“Năm nay, bà con trong xóm Khuổi Khon được Nhà nước quan tâm làm đường bê tông vào tận bản, hỗ trợ, hướng dẫn nhiều cây trồng, vật nuôi cho năng suất cao hơn, đời sống không còn khó khăn như trước nữa. Bà con phấn khởi lắm”, ông Chi Viết Hải, dân tộc Lô Lô, Người có uy tín xóm Khuổi Khon, xã Kim Cúc, huyện Bảo Lạc, tỉnh Cao Bằng phấn khởi thông tin.

Ông Chi Viết Hải trao đổi việc giữ gìn bản sắc văn hóa với người dân bản Khuổi Khon
Ông Chi Viết Hải trao đổi việc giữ gìn bản sắc văn hóa với người dân bản Khuổi Khon

Cuộc sống của bà con thay đổi, ngoài chính quyền địa phương, ông Chi Viết Hải là người vui nhất, bởi bao năm qua, với vai trò là già làng, Người có uy tín, ông đã góp công lớn trong việc giúp đồng bào Lô Lô vươn lên từ khó khăn, lạc hậu.

Ông Hải nhớ lại, trước kia, đời sống kinh tế của đồng bào dân tộc Lô Lô ở xóm Khuổi Khon còn nhiều khó khăn. Bản có 62 hộ, với gần 300 nhân khẩu trong đó hộ nghèo, hộ cận nghèo chiếm 50% dân số của bản. Vốn là cán bộ xã nghỉ hưu, nhìn thấy cuộc sống khó khăn của dân bản, ông Hải rất trăn trở. Thế rồi, ông Hải đã bắt tay vào phát triển chăn nuôi bò, nuôi lợn và trồng rừng mang lại thu nhập cao cho gia đình, để bà con nhìn thấy, tin tưởng rồi học tập ông làm theo.

Đặc biệt, khi triển khai thực hiện Quyết định 2086/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án hỗ trợ phát triển kinh tế - xã hội các DTTS rất ít người giai đoạn 2016 - 2025, Khuổi Khon được cấp 500 triệu đồng từ nguồn vốn của Đề án. Ông Hải đã cùng chính quyền tuyên truyền, vận động đồng bào tập trung phát triển kinh tế, đồng thời gìn giữ, bảo tồn văn hóa truyền thống của dân tộc Lô Lô.

Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống giúp tăng thu nhập cho đồng bào Lô Lô. (Ảnh: Mạnh Cường)
Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống giúp tăng thu nhập cho đồng bào Lô Lô. (Ảnh: Mạnh Cường)

Từ nguồn vốn đầu tư thực hiện Đề án, chính quyền địa phương đã hỗ trợ cho người dân trồng cây hồi, cây sở lấy tinh dầu bán. Nhờ đó, nhiều hộ đồng bào dân tộc Lô Lô ở Khuổi Khon từng bước thoát nghèo, nâng cao đời sống.

Năm 2019, phụ nữ xóm Khuổi Khon được Nhà nước hỗ trợ dạy nghề dệt hoa văn trên khăn, áo; sợi bông để phát triển nghề dệt vải. Theo đó, ngoài làm ra sản phẩm truyền thống để sử dụng, người dân Khuổi Khon còn vừa có thể bán sản phẩm thổ cẩm làm quà lưu niệm cho du khách. Sản phẩm dệt thổ cẩm truyền thống của người Lô Lô đang được nhiều du khách biết đến, giúp tăng thu nhập cho người dân… Đến nay, Khuổi Khon không còn hộ nghèo.

Ông Chi Viết Hải chia sẻ, UBND huyện Bảo Lạc chủ trương lồng ghép nguồn kinh phí Chương trình xây dựng nông thôn mới (NTM), Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 - 2030 nhằm thúc đấy phát triển bền vững kinh tế - xã hội trên địa bàn. Trong đó, Đề án quy hoạch phát triển điểm du lịch cộng đồng xóm Khuổi Khon được quan tâm thực hiện, góp phần thúc đẩy du lịch Khuổi Khon phát triển.

Ông Chi Viết Hải giới thiệu văn hóa của người Lô Lô
Ông Chi Viết Hải giới thiệu văn hóa của người Lô Lô

Để hiện thực hóa các chủ trương và nâng cao hiệu quả nguồn lực đầu tư, ông Hải đã đứng ra vận động các hộ dân cùng chung tay xây dựng NTM, đồng thời gìn giữ bản sắc văn hóa truyền thống để phát triển du lịch cộng đồng. Ông tiên phong hiến 900m2 đất của gia đình để xây dựng nhà văn hóa, là điểm sinh hoạt cộng đồng của bản. Ông Hải còn vận động các hộ di dời chuồng gia súc, gia cầm ra khỏi gầm sàn nhà ở, giữ gìn vệ sinh làng bản.

Đặc biệt, ông vận động người dân trong bản khôi phục một số nghi lễ, lễ hội của người Lô Lô, cải tạo nhà sàn làm homestay thu hút khách du lịch đến địa phương, đồng thời, thành lập các tổ thêu, dệt vải, may trang phục truyền thống để cho du khách đến trải nghiệm và bán sản phẩm cho du khách mua làm quà lưu niệm.

Từ khi làm homestay, trong thời gian cao điểm mùa du lịch, gia đình ông Hải có nhiều khách nước ngoài đến tham quan, lưu trú. Ngoài thu nhập từ trồng trọt, chăn nuôi, thu nhập từ du lịch của gia đình ông đạt khoảng 40 triệu đồng/năm. Với nguồn thu nhập tăng thêm từ du lịch, gia đình ông đã có cuộc sống khấm khá hơn. Người dân trong bản nhìn thấy hiệu quả từ gia đình ông cùng với sự hỗ trợ của Nhà nước cũng đầu tư làm homestay đón khách du lịch, đưa Khuổi Khon thành điểm du lịch cộng đồng tiêu biểu của tỉnh Cao Bằng.

Ông Nông Văn Khánh, Chủ tịch UBND xã Kim Cúc cho biết, tuy tuổi đã cao nhưng ông Chi Viết Hải vẫn luôn nhiệt tình, trách nhiệm với các hoạt động ở cơ sở. Ở địa phương, ông Chi Viết Hải là tấm gương sáng trong phát triển kinh tế - xã hội của xã Kim Cúc. Ông đã thể hiện tốt vai trò là “cầu nối” giữa cấp ủy Đảng, chính quyền với Nhân dân được bà con tin yêu.