Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Kết nối hoạt động văn hóa vùng biên giới Việt - Lào

Ngọc Ánh- Tấn Vịnh - 11:45, 28/09/2023

Trong những năm qua, hoạt động giao lưu văn hóa giữa Việt Nam - Lào trở nên sâu sắc vì truyền thống hữu nghị, quan hệ lâu đời giữa hai nước, 2 dân tộc. Nhiều địa phương đã làm tốt công tác kết nghĩa, giao lưu văn hóa. Đơn cử như các tỉnh miền Trung Việt Nam và Nam Lào được xem như mô hình nổi trội trong hoạt động giao lưu văn hóa đối ngoại, kết nghĩa giữa các tỉnh trong cả nước.

Đoàn nghệ thuật cố đô Luang Brabang biểu diễn vũ điệu cung đình tại Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam)
Đoàn nghệ thuật cố đô Luang Brabang (Lào) biểu diễn vũ điệu cung đình tại Đô thị cổ Hội An (Quảng Nam)

Hoạt động giao lưu văn hóa là một trong những nội dung cần ưu tiên hàng đầu trong các hoạt động hữu nghị, kết nghĩa giữa các tỉnh, các huyện có chung đường biên giới. Các DTTS sinh sống ở vùng biên giới Việt - Lào không những tiếp giáp nhau về địa bàn cư trú mà còn có chung những di sản văn hóa, làm nên bản sắc của quốc gia, dân tộc. Các loại hình di sản của đồng bào rất đa dạng, phong phú như lễ hội cổ truyền, nghệ thuật diễn xướng dân gian, kiến trúc và nghệ thuật tạo hình, văn học truyền miệng, nghề thủ công, trang phục truyền thống dân tộc...

Hiện nay, có 3 di sản là múa Tân tung da dá, nói lí hát lí của dân tộc Cơ Tu, nghề dệt thổ cẩm của 2 dân tộc Cơ Tu và Tà Ôi đã được công nhận là Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia. Trong các di sản nêu trên, rất cần ưu tiên hỗ trợ loại hình di sản làng nghề đặc sắc, mang đậm dấu ấn tộc người, hiện đang có nguy cơ mai một, thất truyền, đó là nghề dệt thổ cẩm của dân tộc Cơ Tu và dân tộc Tà Ôi. Trong đó, ưu tiên đầu tư trọng điểm, hỗ trợ một số làng dệt ở huyện Nam Giang (Quảng Nam), A Lưới (Thừa Thiên Huế) giữ gìn, phát triển nghề theo phương thức truyền thống.

Đoàn nghệ thuật tỉnh Champasak (Lào) biểu diện tại khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam)
Đoàn nghệ thuật tỉnh Champasak (Lào) biểu diện tại khu di tích Mỹ Sơn (Quảng Nam)

Đối với loại hình di sản nghệ thuật diễn xướng dân gian như dân ca, dân vũ, âm nhạc cồng chiêng,... cần có sự hỗ trợ, tác động nhiều mặt để các loại hình nghệ thuật này phát triển sâu rộng trong sinh hoạt văn hóa, lễ hội cộng đồng. Đây là những di sản tinh hoa hàng đầu trong kho tàng di sản văn hóa phi vật thể của các dân tộc. Do đó, cần tạo môi trường diễn xướng, truyền dạy, kế thừa cho thế hệ trẻ. Quan tâm đầu tư, hỗ trợ cho các thôn, thị trấn, trường học, đơn vị hình thành nhóm, CLB diễn tấu, sưu tầm nhạc cụ dân tộc, dạy đánh chiêng, trống, dạy múa, hát lý, nói lý, hát dân ca, dàn dựng các tiết mục văn nghệ dân gian đặc sắc tham gia hội diễn, giao lưu văn hóa ở cấp huyện, cấp tỉnh, cấp khu vực.

Bên cạnh đó, cần có hướng nghiên cứu, sưu tầm tư liệu, tổ chức hội thảo khoa học, tham vấn của các chuyên gia, phối hợp với Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch các tỉnh Quảng Nam, Thừa Thiên Huế, Sê Kông, Champaxắc, Xalavan, Cục Di sản văn hóa Lào và Cục Di sản Việt Nam xây dựng hồ sơ di sản trình UNESCO công nhận vũ điệu Tân tung da dá của người Cơ Tu (Lào) và Cơ Tu (Việt Nam) là Di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại.

Đoàn nghệ thuật quốc gia Lào biểu diễn giao lưu tại tỉnh Quảng Nam.
Đoàn nghệ thuật quốc gia Lào biểu diễn giao lưu tại tỉnh Quảng Nam.

Năm 2019, hoạt động giao lưu văn hóa các tỉnh biên giới Việt Nam - Lào tại huyện A Lưới, do tỉnh Thừa Thiên Huế đăng cai tổ chức đã tái hiện sinh động bức tranh văn hóa tộc người, văn hóa vùng miền ở hai quốc gia, tạo động lực để các nghệ nhân, diễn viên tích cực tham gia giữ gìn bản sắc văn hóa của dân tộc mình. Trong khuôn khổ ngày hội, các hoạt động trưng bày, triển lãm giới thiệu những hình ảnh, hiện vật đặc trưng, nghề thủ công truyền thống của các dân tộc, trình diễn các điệu múa, bài dân ca, giới thiệu các trích đoạn lễ hội, thi trình diễn trang phục truyền thống... được tổ chức rất bài bản, sôi nổi, thu hút đông đảo đồng bào và các tầng lớp học sinh, sinh viên, cán bộ, công chức, viên chức giữa 2 nước Việt- Lào tham gia.

Tại tỉnh Quảng Nam, trong những năm gần đây, các hoạt động văn hóa nghệ thuật của cư dân vùng biên giữa 2 nước Việt Nam và Lào cũng được đặc biệt quan tâm. Một số sự kiện văn hóa lớn như Festival ở cố đô Huế, Festival Di sản Quảng Nam cũng đã có sự tham gia của các đoàn nghệ thuật, nghệ nhân, diễn viên các bộ tộc Lào như Đoàn Văn công quốc gia Lào, Đoàn Nghệ thuật dân gian Chămpasăc, Đoàn Nghệ thuật cố đô Luang Prabang. Lưu học sinh Lào theo học tại các Trường Đại học Quảng Nam, các trường đại học, cao đẳng ở Huế cũng thường tham gia các hoạt động giao lưu, giới thiệu văn hóa truyền thống vào dịp Tết truyền thống của Lào.

Các cô gái Lào trong trang phục truyền thống tham gia Lễ hội đường phố tại Hội An (Quảng Nam)
Các cô gái Lào trong trang phục truyền thống tham gia Lễ hội đường phố tại Hội An (Quảng Nam)

Có thể khẳng định, các hoạt động giao lưu văn hóa giữa cấp địa phương, vùng, liên vùng giữa hai quốc gia là nhân tố tích cực, là chính sách “hợp lòng dân” để góp phần bảo tồn, phát huy di sản văn hóa các dân tộc thuộc nhánh Katuic (Cơ Tu) nói riêng, cộng đồng các bộ tộc Lào và cộng đồng các dân tộc Việt Nam nói chung.