Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Ngẫu hứng cùng Dagout Đoát

Tường San - 15:28, 23/02/2024

Không chỉ nổi tiếng với chuyện tình huyền thoại nàng Ka Lang và chàng Ha Biang, bên triền núi Lang Biang hùng vĩ còn có một “làng hát”. Đây là cái nôi sản sinh ra nhiều nhạc sĩ, ca sĩ người DTTS đã thành danh như Krajan Dick, Krajan Plin, Bonneur Trinh… Trong mùa Xuân mới này, tôi có cơ duyên được gặp gỡ, trò chuyện cùng Dagout Đoát, chàng trai người Lạch (thuộc dân tộc Cơ Ho) - một ngôi sao mới trên bầu trời âm nhạc Tây Nguyên.

Ca sĩ Dagout Đoát biểu diễn trong Chương trình khai mạc Festival Hoa Đà Lạt 2022
Ca sĩ Dagout Đoát biểu diễn trong Chương trình khai mạc Festival Hoa Đà Lạt 2022

Cuộc hẹn của chúng tôi được đẩy lên sớm hơn vì buổi chiều Dagout Đoát đã có lịch tại studio với ban nhạc Lang Biang của anh. Tôi đến điểm hẹn chờ, chừng năm phút sau thì Đoát đến. Xuất hiện trước mắt tôi là một chàng trai cao lớn “cưỡi” mô tô với mái tóc dài bồng bềnh và khoác trên mình chiếc áo da sáng bóng - hình ảnh của những tay chơi nhạc Rock chính hiệu.

Trong không gian của quán cà phê ở góc núi thuộc huyện Lạc Dương, tỉnh Lâm Đồng, câu chuyện âm nhạc của chúng tôi trở nên thân tình, cởi mở. “Dạo trên kênh youtube của anh, tôi thấy anh chỉ đăng nhạc cover. Có phải anh đang làm album nhưng còn chưa công bố?”. Đoát trả lời khiêm tốn: “Thực ra album, tôi cũng rất muốn làm nhưng nghĩ là sẽ còn lâu vì cảm thấy chưa đủ…” . “Giữa chơi nhạc và đóng phim, anh thích việc nào hơn?”, tôi hỏi khi biết anh mới thủ vai nhân vật chính trong bộ phim “Chuyện tình Lang Biang”. Đoát đáp: “Thực ra việc nào cũng thích nhưng ca hát là công việc chính vì đó là niềm đam mê, là con người thực sự của tôi”.

Trong mạch dự liệu, tôi hỏi tiếp: “Nguồn cảm hứng ca hát của anh đến từ lúc nào?”. “Nó luôn luôn đến, từ việc đi xe trên đường, khi đang nghỉ ngơi hay cả khi đang làm những việc không liên quan đến âm nhạc”, Đoát mở lòng. “Tôi thấy anh hát khá nhiều thể loại, từ ballad trữ tình, nhạc nước ngoài đến opera. Nhưng xin phép được phỏng đoán, dòng nhạc mà anh theo đuổi là rock đúng không?”. Không cần nghĩ, Đoát nói ngay: “Đúng, tôi chọn rock! Rock có tính chất mạnh mẽ, dữ dội nhưng lại phóng khoáng, rất phù hợp với tôi. Nhưng mạnh mẽ không có nghĩa là không buồn. Tôi vẫn có thể hát về nỗi buồn với rock, đương nhiên là buồn một cách… mạnh mẽ”, anh nói và cười lớn.

“Các bài anh hát, đã có rất nhiều người hát rồi. Theo anh, đâu là cách để khán giả phân biệt giữa Dagout Đoát và các ca sĩ khác?”. “Cách nhanh nhất là xem MV! Tôi không dám chắc là đã thể hiện đủ tốt nhưng luôn cố gắng để “cái tôi” vào trong cách hát của mình. Đặc biệt là cách nhấn, ngân…”. Nói rồi Dagout Đoát cất lên tiếng hát đầy cảm hứng: “Về với nơi đây, về với cội nguồn… Hỡi những người con của khắp mảnh đất!...Cùng nhau thao thức đêm nay… Để chia sẻ với nhau những vui buồn cuộc sống… Trong niềm hân hoan…”

Chân dung ca sĩ Dagout Đoát, người Lạch
Chân dung ca sĩ Dagout Đoát, người Lạch

Dagout Đoát đã có thời gian học tập tại Học viện Âm nhạc Thành phố Hồ Chí Minh. Trong thời gian đó, cảm nhận của anh về cuộc sống, về âm nhạc đã có sự trưởng thành mạnh mẽ. Từ một ca sĩ hát theo bản năng, các giảng viên của Học viện Âm nhạc đã tận tình chỉ dạy anh kỹ thuật hát trọn vẹn hơn, mang lại hiệu quả cảm xúc cao hơn. Ở Thành phố Hồ Chí Minh, Đoát cũng có cơ hội gặp nhiều bạn bè, cùng chơi nhạc để giao lưu và học hỏi. Tuy nhiên, anh không giấu nổi lòng mình, nhiều lúc rất cô đơn, nhớ nhà, nhớ núi rừng, suối thác.

“Bây giờ trở về với đại ngàn rồi, chắc là anh không còn cô đơn nữa nhỉ?”, tôi chạm vào góc khuất tâm hồn anh. Dagout Đoát cười: “Thực ra vẫn có. Nhưng không phải kiểu cô đơn đó nữa. Tôi thích những lúc được ở một mình. Một mình lái xe lên núi, được ngắm đất trời, sông suối. Cảm giác rất yên bình khi được trở về nơi thuộc về mình. Tôi là Dagout Đoát - con của Tây Nguyên mà…” Nói rồi, chàng trai núi cất lên câu hát bằng tiếng Lạch: “Trôs tam do tàng hae tơ manpơ ngai ci krong ơ tong ci grơipơn rinh pơn đơng tàm hàng pơ neh…(Về với nơi đây…về với cội nguồn…trong niềm hân hoan…)

                                                        * * *

Câu chuyện của chúng tôi bị gián đoạn bởi một lý do bất ngờ khi Đoát nói: “Tôi muốn hát quá! Đợi tôi về lấy cây đàn… nhà gần đây thôi.” Và rồi một “chương trình ca nhạc đặc biệt” với một nghệ sĩ và một khán giả đã diễn ra ngẫu hứng trong quán cà phê ở góc núi. Tôi chợt nghĩ, lúc này mà có thêm bầu trời đêm cao vời phóng khoáng, bếp lửa rực hồng và cạnh bên là ché rượu cần thì tuyệt vời biết bao. Dagout Đoát vừa đệm đàn, vừa hát. Vẫn những ca khúc Tây Nguyên mà tôi đã thuộc đến từng giai điệu nhưng ở Dagout Đoát là một sắc thái hoàn toàn khác, có điều gì đó hết sức đặc biệt. Có lẽ đây là sự hòa kết của một tâm hồn trong trẻo, một tính cách rất hồn nhiên, mộc mạc nhưng tràn đầy nhiệt huyết của người con Tây Nguyên đã được tôi luyện, đào tạo bài bản để trở thành ca sĩ. Anh say mê hát, hết bài này đến bài khác. Đan xen từng khoảng lặng luôn thường trực một nụ cười rất tươi như nụ cười của một người con đi xa trở về nhà, nụ cười của một ca sĩ đắm chìm trong âm nhạc. Có lẽ đây là chương trình “đặc biệt” nhất mà tôi đã có đặc ân được thưởng thức.

Ca sĩ Dagout Đoát biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật
Ca sĩ Dagout Đoát biểu diễn trong một chương trình nghệ thuật

Không chỉ đắm mình trong không gian ca hát, Dagout Đoát còn là một trong những thành viên mang trọng trách truyền dạy và trình diễn của đội cồng chiêng địa phương. Anh chia sẻ: “Bộ chiêng Cơ Ho - Lạch cần có 5 người liên kết với nhau, mỗi người phải nắm kỹ nhịp điệu và bắt buộc phải thuộc bài thì mới có thể phối hợp tốt được”. Anh giải thích thêm: “Bản chất của cồng chiêng là phương thức giao tiếp bằng âm nhạc của người DTTS. Ở dân tộc tôi, mọi lễ nghi đều sử dụng cồng chiêng. Chỉ cần cất lên tiếng chiêng thì mọi người có thể hiểu được tâm sự của nhau”. Khi bày tỏ về tinh thần bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc của giới trẻ ở buôn làng, Dagout Đoát tỏ ra tiếc nuối: “Gần đây, các bạn trẻ không còn hứng thú với cồng chiêng nữa, số lượng các bạn tham gia học và trình diễn cồng chiêng rất ít”.

Với mong muốn giữ gìn, phát huy vốn quý văn hóa các DTTS ở Tây Nguyên, Dagout Đoát chia sẻ thêm về những dự định: “Khao khát của tôi là được mang những màu sắc âm nhạc của Tây Nguyên kết hợp với những tinh hoa của nền âm nhạc thế giới. Tôi muốn đưa những thanh âm núi rừng quê hương tôi vào các sáng tác và biểu diễn của mình. Âm thanh của cồng chiêng, của đàn t’rưng, đàn đá là bản hòa ca mô phỏng thiên nhiên hùng vĩ của đại ngàn, nó rất hay, rất thú vị nhưng chưa được khai thác triệt để.”

Tôi hiểu khao khát của Dagout Đoát. Những người mê âm nhạc đã biết đến những mô hình thành công rực rỡ trong việc kết hợp âm nhạc truyền thống với âm nhạc hiện đại. Tiêu biểu có thể kể đến nhóm nhạc Wagakki Band của Nhật Bản với tiếng đàn Shamisen trứ danh hay The HU của Mông Cổ với phong cách hát throat - singing (kỹ thuật hát bằng cách sử dụng cuống họng để tạo ra âm thanh của người Mông Cổ và người Tuva). Tại Việt Nam, không thể không nhắc đến ban nhạc Ngũ Cung với những ca khúc mang đặc trưng âm hưởng Tây Bắc như “Cướp vợ - Tục lệ người Mông” hay “Cao nguyên đá” đã để lại dấu ấn sâu sắc trong lòng công chúng.

Hiện nay, Dagout Đoát và ban nhạc Lang Biang của anh đang nỗ lực hết mình để góp phần đưa âm nhạc hiện đại của Tây Nguyên đến với công chúng. Chia sẻ thêm về “sứ mệnh” này, Đoát nói: “Âm nhạc của Tây Nguyên rất hay nhưng lâu nay không có gì mới thêm nữa. Những ca khúc nổi tiếng đã được rất nhiều người hát và trở nên quá quen thuộc với công chúng rồi. Tôi muốn bản thân có thể vận dụng những kiến thức đã học kết hợp với nguồn cảm hứng dồi dào bất tận về quê hương để có thể đóng góp vào kho tàng âm nhạc Tây Nguyên những màu sắc mới”.

Không khỏi tò mò, tôi mạn phép hỏi anh về những ca khúc anh đang ấp ủ, bày tỏ mong muốn được nghe. Đáp lại tôi, anh không ngại ngần đệm đàn và “trình diễn” ngay. Tôi đã nghe Đoát hát trong dòng cảm xúc lạ lẫm. Những ca khúc ấy, vẫn là những hình ảnh biểu tượng Tây Nguyên, vẫn thân quen núi rừng, suối thác nhưng quả thật, nó đã mang một sắc màu mới lạ, hiện đại. Hy vọng một ngày gần nhất, những tác phẩm này sẽ chạm đến trái tim những người trẻ yêu âm nhạc dân tộc…