Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Nghĩa trang của tình hữu nghị

Thanh Hải - 18:58, 27/07/2022

Nắng cuối hạ vẫn gay gắt. Thế mà dòng người từ mọi miền đổ về nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Việt-Lào lại không ngớt. Lạc vào đoàn người ấy, rồi lặng lòng trước những hàng bia trắng, mà dưới đó là những người lính trẻ và chuyên gia tình nguyện Việt Nam đã từng chiến đấu, hi sinh trên đất bạn Lào.

Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại các phần mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Việt – Lào
Thủ tướng Phạm Minh Chính dâng hương tại các phần mộ trong Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Việt – Lào

Tình Việt – Lào anh em

Sau khi nước Việt Nam Dân chủ cộng hòa ra đời năm 1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh đã mời Hoàng thân Xuphanuvông, lúc đó đang ở Vinh ra Hà Nội và tiếp Hoàng thân vào ngày 4/9/1945. Cuộc gặp gỡ ấy đã có tác động mạnh mẽ, mang tính quyết định đối với Hoàng thân trong việc chọn lựa con đường làm cách mạng.

Thế rồi, dấu mốc quan trọng đánh dấu mối quan hệ thắm thiết, keo sơn giữa hai dân tộc, hai đất nước Việt – Lào là ngày 30/10/1945. Ngày này, Chính phủ Lào Ít-xa-la và Chính phủ Việt Nam Dân chủ cộng hòa chính thức ký kết bản “Hiệp định hợp tác tương trợ Việt - Lào” và quyết định thành lập “Liên quân Lào - Việt” nhằm bảo vệ nền độc lập ở mỗi nước mà hai dân tộc vừa giành được. Hiệp định và quyết định trên là cơ sở pháp lý đầu tiên thể hiện mối quan hệ liên minh chiến đấu giữa hai dân tộc với tư cách hai nhà nước độc lập.

Giữa những ngày tháng cam go khi Thực dân Pháp tái chiếm Đông Dương, Trung ương Đảng Cộng sản Đông Dương quyết định thành lập Ban Cán sự hải ngoại của Đảng vào ngày 16/5/1948, với nhiệm vụ giúp nhân dân Lào xây dựng phong trào cách mạng, đẩy mạnh kháng chiến ở phía Tây.

Một góc Nghĩa trang liệt sĩ
Một góc Nghĩa trang liệt sĩ

Ngay sau lễ xuất quân ngày 19/8/1948, Đội liên quân Việt – Lào gồm 240 người, trong đó có 44 người Lào và 196 người Việt Nam đã tiến thẳng đến Bến Giằng (miền Tây tỉnh Quảng Nam), qua biên giới Việt – Lào, rồi vào vùng Hạ Lào - Đông Bắc Campuchia. Nhưng, tên gọi “quân tình nguyện” được bắt đầu từ ngày 30/10/1949, khi Bộ Chính trị Trung ương Đảng ra Quyết định chỉ rõ “Các lực lượng quân sự Việt Nam chiến đấu và công tác giúp Lào tổ chức thành hệ thống riêng và lấy danh nghĩa là Quân tình nguyện”.

Trong hai cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp và đế quốc Mỹ, quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam làm nhiệm vụ quốc tế ở Lào, đã luôn kề vai, sát cánh và cùng với bạn, vừa chiến đấu chống địch càn quét, lấn chiếm; vừa tiến hành xây dựng và củng cố các đoàn thể, chính quyền kháng chiến, xây dựng và bảo vệ vùng giải phóng, tăng cường lực lượng vũ trang, phát triển chiến tranh du kích trên khắp các khu vực Thượng, Trung và Hạ Lào.

Thực tiễn đã cho thấy, các chiến sĩ Việt Nam đã coi đất nước Lào, như quê hương thứ hai của mình và thực hiện đúng như lời Bác Hồ đã dạy: “Phải biết yêu thương sông núi, cỏ cây, nhân dân Lào như yêu thương chính cỏ cây, sông núi, nhân dân Tổ quốc Việt Nam”... Có lẽ vì thế mà quân tình nguyện Việt Nam đi đến đâu, cũng nhận được tình cảm yêu mến của Nhân dân các bộ tộc Lào.

Hàng ngàn quân tình nguyện và chuyên gia quân sự Việt Nam, đã anh dũng ngã xuống trên đất nước Triệu Voi. Nói về những người lính Việt sát cánh cùng quân dân Lào trong các cuộc chiến, Đại tướng Võ Nguyên Giáp từng khẳng định: “Mồ hôi, xương máu của chiến sĩ và chuyên gia Việt Nam hòa quyện cùng xương máu, mồ hôi của chiến sĩ và Nhân dân Lào góp phần vun đắp, bảo vệ, phát triển tình hữu nghị đoàn kết liên minh chiến đấu đặc biệt Việt Nam – Lào. Đó là một quy luật, một nhân tố hết sức quan trọng bảo đảm thắng lợi cách mạng hai nước, một mẫu mực về mối quan hệ quốc tế trong sáng, một di sản vô cùng quý giá của hai dân tộc”.

Những ngọn nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Việt - Lào
Những ngọn nến tri ân tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Việt - Lào

Nghĩa trang của tình hữu nghị

Tri ân và ghi nhớ các Anh hùng liệt sĩ quân tình nguyện Việt Nam, đã kề vai sát cánh với quân giải phóng Pa-thét chiến đấu bảo vệ 2 đất nước, Đảng và Nhà nước ta đã cho xây dựng một nghĩa trang đặc biệt mang tên cả 2 dân tộc. Đó là Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Việt – Lào tại huyện Anh Sơn (Nghệ An). Đó cũng là nghĩa trang lớn nhất, quy tập các mộ liệt sĩ của quân tình nguyện và chuyên gia Việt Nam, từng tham gia chiến đấu và hy sinh tại Lào. Điều rất đặc biệt, đây là nghĩa trang duy nhất của Việt Nam mang tên hai quốc gia, hai dân tộc.

Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Việt - Lào có diện tích gần 7ha, bắt đầu xây dựng từ năm 1976. Đến năm 1982, Đảng và Nhà nước ta đã quyết định đưa toàn bộ hài cốt liệt sĩ hy sinh ở nước bạn Lào về nước, quy tập tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Việt - Lào. Tại nghĩa trang, được phân chia thành 2 khu: A và B. Trong đó, khu A gồm 9 lô với tổng số 5.381 ngôi mộ. Khu B gồm có 13 lô với tổng số 5.219 ngôi mộ và một lô với 11 ngôi mộ tử sĩ.

Hàng năm, đội quy tập hài cốt liệt sĩ thuộc Quân khu IV, đã tổ chức hàng chục đội quy tập trên khắp những ngả đường Trường Sơn, vùng thượng Lào, Sa-va-na-khẹt, Xiêng Khoảng, Khăm Muộn... để kiếm tìm những người con đất Việt hi sinh trên nước bạn Lào năm xưa.

Tính từ khi xây dựng cho đến nay, nghĩa trang đã tiếp nhận và chăm sóc gần 11.000 hài cốt các liệt sĩ hi sinh trên chiến trường nước bạn Lào về đây an nghỉ.

Nhiều phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Việt – Lào vẫn chưa rõ tên, quê quán
Nhiều phần mộ tại Nghĩa trang liệt sĩ quốc gia Việt – Lào vẫn chưa rõ tên, quê quán

Thăm viếng nghĩa trang, nhiều người đã lặng lòng trước hàng ngàn phần mộ chưa rõ tên và quê cũng như có tên mà chưa rõ quê. Cả nghĩa trang, đã có hơn 7.400 ngôi mộ như thế. Các anh là ai? Quê quán từ đâu tới? 

Cựu binh Nguyễn Đức Truyền quê ở huyện Yên Thành (Nghệ An) xúc động: “Mỗi lần đến nghĩa trang viếng đồng đội, tôi lại thêm nghẹn ngào. Chiến tranh quá khốc liệt, mất mát quá lớn lao. Nhiều đồng đội về yên nghỉ tại đây nhưng chưa rõ thông tin, đang là day dứt chưa nguôi với những người lính một thời chung trận mạc như chúng tôi”.

Chiều muộn,lặng lẽ rời nghĩa trang tôi chợt nhớ đến nhận xét mà Tổng Bí thư, Chủ tịch Ban Chấp hành trung ương Đảng Nhân dân cách mạng Lào Cayxỏn Phômvihản từng nói: “Trong mọi sự thành công của cách mạng Lào, đều có sự đóng góp trực tiếp của cách mạng Việt Nam. Trên mỗi chiến trường của Tổ quốc thân yêu của chúng tôi, đều có xương máu của các chiến sĩ quốc tế Việt Nam hòa lẫn với xương máu của cán bộ, chiến sĩ và nhân dân các bộ tộc Lào chúng tôi”.

Tin cùng chuyên mục
Bất ổn ... Quỹ bình ổn giá xăng dầu!

Bất ổn ... Quỹ bình ổn giá xăng dầu!

Quỹ bình ổn giá xăng dầu đang dư hàng nghìn tỷ đồng nhưng lại không sử dụng để điều tiết giá xăng dầu trên thị trường. Đặc biệt người dân ở nhiều địa phương vùng đồng bào DTTS và miền núi phải mua giá xăng dầu theo giá vùng 2, gánh thêm một khoản chi phí, khiến cho cuộc sống đã khó khăn lại càng khó khăn hơn.