Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Nguy cơ biến mất di vật, cổ vật của đồng bào DTTS

PV - 10:18, 25/01/2019

Mục tiêu Chính phủ giao cho các bộ, ngành, địa phương liên quan là đến năm 2020 hoàn thành việc kiểm kê, tiến tới sưu tầm, bảo quản và trưng bày các di vật, cổ vật điển hình của đồng bào các DTTS. Nhưng đến thời điểm này, chưa nói đến công tác sưu tầm, bảo quản hay trưng bày mà ngay cả việc kiểm kê di vật, cổ vật điển hình vẫn gần như dẫm chân tại chỗ.

Bài 2: Đừng “ôm cây đợi thỏ”

Vốn cổ vẫn đang lưu lạc

Ngày 22/12/2016, Thủ tướng Chính phủ đã ký Quyết định 2493/QĐ-TTg phê duyệt Đề án “Kiểm kê, sưu tầm, bảo quản trưng bày, tuyên truyền di sản văn hóa truyền thống điển hình của các DTTS Việt Nam, giai đoạn 2017-2020” (gọi tắt là Đề án). Một trong những nhiệm vụ trọng tâm là đến năm 2020 phải hoàn thành việc lập tổng danh mục di sản văn hóa truyền thống điển hình các DTTS ở Việt Nam đang tồn tại trong cộng đồng các dân tộc.

Theo nội dung Đề án đã được phê duyệt thì các bộ, ngành liên quan và 53 tỉnh, thành phố (trừ 10 tỉnh, thành phố vùng Đồng bằng sông Hồng) sẽ tiến hành kiểm kê di sản truyền thống theo 3 nhóm đối tượng, gồm: di vật, cổ vật; di tích; di sản văn hóa phi vật thể. Từ kết quả của việc kiểm kê sẽ thực hiện bảo quản, trưng bày nhằm phát huy giá trị di sản văn hóa truyền thống điển hình của các DTTS Việt Nam (trong đó có các di vật, cổ vật) một cách lâu dài, bền vững.

Đề án được phê duyệt đến nay đã hơn 2 năm, nhưng công tác kiểm kê di vật, cổ vật trong cộng đồng các DTTS vẫn chưa có nhiều tiến triển. Như kỳ báo trước đã phản ánh, đến thời điểm này, ngay cả việc có bao nhiêu di vật, cổ vật của đồng bào các DTTS đã rời khỏi buôn làng, thôn bản cũng chưa kiểm đếm được chứ chưa nói tới việc lập được danh mục di vật, cổ vật truyền thống của cộng đồng các dân tộc.

Đề án bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được triển khai từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn còn nhiều trăn trở. Đề án bảo tồn, phát huy văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên được triển khai từ năm 2005 nhưng đến nay vẫn còn nhiều trăn trở.

Và một thực tế đang hiện hữu là rất nhiều di vật, cổ vật truyền thống điển hình của các DTTS đang lưu lạc; một số di vật, cổ vật đang do những người có tâm huyết với văn hóa truyền thống giữ gìn, bảo quản; một số lại lưu lạc khắp nơi theo những con đường kinh doanh đồ cổ của giới “thời thượng”.

Đơn cử như trường hợp một đại gia ở TP. Đà Lạt (Lâm Đồng) đang sở hữu hơn 10 nghìn hiện vật, từ những cổ vật đơn sơ trong đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào DTTS đến các báu vật quý hiếm của vua chúa ngày xa xưa, được sưu tầm từ khắp mọi miền. Trong bộ sưu tập đồ cổ này, các báu vật quý giá được cho là của vua Chăm còn sót lại như: con dao lệnh, bộ chiêng Arap của hoàng tộc Chăm và một tấm xà rông được cho là báu vật quý giá của giới vua chúa người Chăm. Ngoài ra, ông này có số lượng lớn cồng chiêng Tây Nguyên với 70 chiếc.

Một “tay chơi” khác cũng ở TP. Đà Lạt đang sở hữu hơn 3 nghìn hiện vật của cộng đồng các DTTS Tây Nguyên, được trưng bày đẹp mắt tại nhà riêng. Ông này có bộ trống da voi; những bộ đàn đá, tinh ning, cha pi, tơ rưng; chiếc ché “mẹ bồng con” giá trị tương đương với 11 con trâu; chiếc ghế “vua voi” làm bằng nhiều đốt xương voi kết lại bằng dây rừng và được cài hai răng nanh…

Đừng để mất di sản văn hóa

Phải khẳng định, nhiều di vật, cổ vật truyền thống điển hình của đồng bào các DTTS sẽ biến mất vĩnh viễn nếu không kịp thời thực hiện việc kiểm kê, bảo quản theo nội dung Đề án đã được phê duyệt. Dù biết rằng, việc kiểm kê không thể đòi hỏi ngày một ngày hai là hoàn thành, nhưng nếu cứ “ôm cây đợi thỏ” như hiện nay thì không chỉ di vật, cổ vật mà nhiều di sản truyền thống điển hình khác của đồng bào cũng không còn.

Lấy việc bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa cồng chiêng các DTTS Tây Nguyên làm dẫn chứng. Để bảo tồn, phát huy di sản văn hóa phi vật thể của nhân loại “Không gian Văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên (được UNESCO công nhận tháng 11/2005), Nhà nước đã có quy định quản lý chặt việc mua bán cồng chiêng, nhất là những bộ cồng chiêng cổ. Cũng từ năm 2005, Đề án bảo tồn, phát triển không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt.

Vậy nhưng tình trạng săn lùng cồng chiêng cổ vẫn diễn ra, dù âm thầm nhưng lại rất ráo riết. Để đến nay đưa lại một thực tế, cộng đồng các DTTS ở Tây Nguyên không còn giữ được những bộ cồng chiêng cổ.

Số liệu đưa ra tại Hội thảo “Bảo tồn và phát huy giá trị di sản Không gian văn hóa Cồng chiêng Tây Nguyên” tổ chức tại Gia Lai ngày 01/12/2018 cho thấy, toàn Tây Nguyên hiện có hơn 10 nghìn bộ cồng chiêng. Tuy nhiên, đại đa số bộ cồng chiêng ở 5 tỉnh Tây Nguyên hiện nay đều mới hoàn toàn; rất hiếm bộ cồng chiêng có tuổi đời hàng chục năm, chứ đừng nói tới những bộ cồng chiêng hàng trăm năm tuổi trở lên.

Như kỳ báo trước đã nêu vấn đề là, khi những hiện vật cổ không còn thì “dân chơi” chuyển hướng sang săn tìm những hiện vật gắn liền với đời sống sinh hoạt hằng ngày của đồng bào các DTTS. Những chiếc chiêng, chiếc trống, ché, vòng tay, con dao, chén bát, chày cối giã gạo, cung nỏ… có tuổi đời hàng chục năm cũng được thu mua bằng mọi giá.

Trong khi đó, khoa học kỹ thuật phát triển, đời sống người dân được nâng cao, bà con nơi đây biết sắm sửa nhiều phương tiện nghe nhìn nên những hiện vật này bị bỏ trong góc nhà bụi bặm bám đầy. Đây là môi trường thuận lợi nhất để đưa di vật, cổ vật rời khỏi buôn làng, thôn bản một cách chóng vánh.

Trước thực trạng này, các bộ, ngành, địa phương liên quan cần thực hiện ngay việc kiểm kê, bảo quản, tiến tới trưng bày di vật, cổ vật của cộng đồng các DTTS, không thể cứ “ôm cây đợi thỏ”. Hãy nhìn di sản cồng chiêng làm bài học kinh nghiệm. Đến nay, “tiếng vọng của đại ngàn” cơ bản đã về với các buôn làng. Nhưng vẫn còn trăn trở khi mà chặng đường bảo tồn, phát huy không gian văn hóa cồng chiêng Tây Nguyên vẫn còn rất nhiều thách thức.

SỸ HÀO