Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Pà Vầy Sủ – xa mà gần

Thanh Hải - 18:11, 04/09/2023

Phải mất hơn 400km đèo dốc quanh co, chúng tôi mới đặt chân tới Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần (Hà Giang). Điều đọng lại sau chuyến ngược ngàn lên mảnh đất địa đầu Tổ quốc không phải là cung đường khó nhọc, là những thửa ruộng bậc thang, những rẫy ngô mướt xanh, mà là những gương mặt thuần hậu, chất phác của những người đồng bào Mông ở vùng đất biên viễn này.

Trụ sở UBND xã Pà Vầy Sủ, huyện Xín Mần (Hà Giang) nằm trên đỉnh dốc
Đường lên Pà Vầy Sủ

Pà Vầy Sủ đón chúng tôi vẻ tươi mới, dịu dàng, ấm áp của tiết trời đã sang thu. Thành ra, những uể oải của quãng đường rừng mấy trăm km dường như tan biến. Mà nếu không có sắc thu, nắng thu, gió thu… thì những mệt mỏi của chuyến đường dài cũng chẳng thể trú ngụ được lâu. Những cái bắt tay thật chặt, những nụ cười của cán bộ địa phương, của bà con dân bản, của các cháu học sinh… dành cho khách phương xa, khiến chúng tôi ấm lòng.

Một góc bản làng ở Pà Vầy Sủ
Một góc bản làng ở Pà Vầy Sủ

Nhắc đến Hà Giang là nhắc đến nhiều nơi còn khó khăn, thiếu thốn… nhưng bỏ qua Pà Vầy Sủ thì quả là một thiếu sót lớn lao. Đây là vùng đất biên viễn với hơn 98% là đồng bào Mông sinh sống. Pà Vầy Sủ có 7 thôn bản, 416 hộ với 2.300 khẩu nhưng hộ nghèo có đến hơn 71%. Một trong những nguyên nhân dẫn đến đói nghèo, đó là đường giao thông khó khăn, thiếu đất sản xuất, một bộ phận người dân nhận thức, tư duy về phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống vẫn còn hạn chế… 

Bí thư Đảng ủy xã Pà Vầy Sủ Lê Văn Tiến xuýt xoa: Đời sống bà con rất khó khăn, thu nhập chủ yếu dựa vào sản xuất nông nghiệp từ trồng lúa rẫy, ngô, chăn nuôi… nhưng tự cung tự cấp là chính.

Trước khi nghe vị lãnh đạo xã bộc bạch, nhìn vào địa thế vùng đất dốc cao, nhìn vào những cung đường đã đi qua… chúng tôi cũng đã hiểu phần nào. Có lẽ, đó chính là lý do, là động lực để những người làm Báo Dân tộc và Phát triển chủ trì phối hợp cùng các cơ quan Thanh tra Bộ công an, Bệnh viện Mắt Hà Nội, Công an tỉnh Hà Giang thực hiện chương trình thiện nguyện, tình nghĩa xã hội hướng về đồng bào xã biên giới Pà Vầy Sủ. 

Tâm sự với bà con người Mông ở Pà Vầy Sủ, Đại tá Lương Ngọc Dùng, Phó Chánh thanh tra Bộ Công an bày tỏ: Chúng tôi luôn xác định “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” là mục tiêu, lí tưởng của người chiến sĩ Công an Nhân dân. Bởi vậy, trong rất nhiều nỗ lực, cố gắng để bà con vùng miền núi từng bước thoát nghèo, những năm qua Bộ Công an đã triển khai nhiều chương trình, hành động như hỗ trợ xây dựng nhà tình nghĩa, hỗ trợ sinh kế, tuyên truyền tư vấn pháp luật; phối hợp với các đơn vị, bộ ngành tổ chức những chuyến thiện nguyện về với người dân, nhất là người dân ở những địa bàn vùng sâu, vùng biên giới...

Cuộc sống chủ yếu tự cung, tự cấp khiến cuộc sống bà con người Mông ở Pà Vầy Sủ khó khăn hơn
Kinh tế chủ yếu tự cung, tự cấp khiến cuộc sống bà con người Mông ở Pà Vầy Sủ khó khăn hơn

Có mặt trong chương trình thiện nguyện hôm đó, là những hộ gia đình nghèo, đặc biệt khó khăn; những em học sinh nghèo học giỏi ở 7 thôn, bản của Pà Vầy Sủ. Khi trò chuyện cùng lãnh đạo địa phương, chúng tôi được biết một con số đầy nhói buốt. Trong số hơn 71% hộ nghèo nơi đây, thì có chừng 70 hộ nằm trong diện đói giáp hạt. Nghĩa là, cứ vào mùa giáp hạt hàng năm (khoảng tháng 9, tháng 10- PV), khi những bông lúa rẫy chưa chín vàng, những nương bắp hạt chưa căng mẩy… người dân đã hết lương thực dự trữ trong nhà.

Phó Tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển Bùi Thị Hạ trao quà cho học sinh tại xã Pà Vầy Sủ
Bà Bùi Thị Hạ , Phó tổng Biên tập Báo Dân tộc và Phát triển trao những phần quà cho các em học sinh mần non và tiểu học tại xã Pà Vầy Sủ

Chương trình thiện nguyện về vùng khó mang đến cho đồng bào Mông ở Pà Vầy Sủ gạo, sữa, mì tôm, nước mắm; ngoài ra, đó còn là những tập vở, cây viết, cặp sách cho những đứa trẻ miền sơn cước trước mùa tựu trường.

Một bao gạo nhỏ, một thùng mì tôm, một thùng sữa nhỏ cùng chai nước mắm… chẳng thấm vào đâu so với những khó khăn, vất vả của cư dân miền biên viễn. Nhưng đó là tình cảm, sự sẻ chia, là động lực tinh thần lớn lao mà đoàn thiện nguyện mang đến, gieo vào lòng người dân nơi đây niềm tin, nghị lực để vươn lên trong cuộc sống.

 Đón nhận món quà từ chương trình, anh Vàng Seo Páo ở thôn Thào Chư Ván rưng rưng: “Mình cảm ơn rất nhiều. Nhà mình sẽ có thêm gạo ăn, có thêm mì tôm, nước mắm rồi. Mình rất vui”. Là hộ gia đình nghèo có 8 miệng ăn, người đàn ông trụ cột sinh năm 1978 này hẳn đã phải vất vả, khó nhọc đến nhường nào để những đứa con đủ ăn, đủ mặc, được cắp sách đến trường. Thành ra, món quà phần nào để gia đình Vàng Seo Páo đỡ đần trong những ngày giáp hạt này.

Đại tá Lương Ngọc Dùng – Phó Chánh thanh tra Bộ Công an bày tỏ: Chúng tôi luôn xác định “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” là mục tiêu, lí tưởng của người chiến sĩ công an nhân dân
Đại tá Lương Ngọc Dùng, Phó Chánh thanh tra Bộ Công an bày tỏ: "Chúng tôi luôn xác định “vì nước quên thân, vì dân phục vụ” là mục tiêu, lí tưởng của người chiến sĩ Công an Nhân dân

Còn với cụ ông Tráng Seo Páo (60 tuổi) ở thôn Seo Lử Thận thì cứ mãi nắm chặt tay tôi. Hồi lâu, ông mới nói: “Nhà ta cảm ơn lắm. Thằng Tráng Văn Vinh (cháu nội học lớp 4A2-PV) đã có sách vở, bút viết năm học mới rồi. Nhà ta đỡ một khoản tiền rồi”. Vinh là học sinh học giỏi của Trường Tiểu học Pà Vầy Sủ. Thành tích học tập năm học vừa qua của cậu học trò người Mông này đáng để nhiều bạn nhỏ phải noi theo. Nhà Vinh rất nghèo, bố mẹ chạy ăn từng bữa, nhưng Vinh rất ham học và nằm trong tốp đầu của lớp. Suốt những năm học vừa qua, cậu học trò ấy cũng không bỏ dở bữa học nào.

Khám, cấp phát thuốc và hướng dẫn bà con Pà Vầy Sủ chăm sóc các bệnh về mắt
Khám, cấp phát thuốc và hướng dẫn bà con Pà Vầy Sủ chăm sóc các bệnh về mắt

Không chỉ Vinh, nhiều đứa trẻ miền sơn cước Pà Vầy Sủ cũng đang háo hức với những tập sách, cây viết mà chương trình thiện nguyện mang đến. Xã nghèo, dân nghèo… lo bữa ăn đã khổ, nói gì đến chuyện sách vở cho con em khai trường. Tập sách, cây viết mà đoàn thiện nguyện dành tặng cho những đứa trẻ nghèo học giỏi chính là món quà quý lúc này đối với các em.

Sau những phần quà ấm áp, đong đầy sẻ chia, cán bộ; nhân viên bệnh viện Mắt Hà Nội đã thăm khám, kê đơn, phát thuốc cho nhiều người dân có bệnh về mắt ở Pà Vầy Sủ. Do điều kiện cuộc sống còn khó khăn, nhận thức chưa đầy đủ… việc chăm sóc sức khỏe nói chung, các bệnh về mắt chưa được quan tâm chú ý đúng mức. Phó Giám đốc Bệnh viện Mắt Hà Nội Phạm Thị Hồng Lê cho biết: Bà con chưa chú ý nên một số người xuất hiện các bệnh về mắt như mộng, đau mắt đỏ… Ngoài kê đơn, phát thuốc, chúng tôi đã tư vấn đầy đủ để các biện pháp chăm sóc, vệ sinh, bảo vệ mắt… để người dân biết và có ý thức hơn.

Những suất quà gói ghém niềm cảm thông, sẻ chia, quan tâm tới đồng bào Pà Vầy Sủ
Những suất quà gói ghém niềm cảm thông, sẻ chia, quan tâm của đoàn công tác thiện nguyện tới hộ nghèo ở Pà Vầy Sủ

Pà Vầy Sủ - vùng đất còn bộn bề khó khăn đấy…dù xa đấy, nhưng sao vẫn thấy thật gần. Có lẽ,  những tình cảm ấm áp mà bà con người Mông dành tặng cho khách phương xa sau chuyến ngược ngàn đã khiến cho miền biên viễn thêm gần hơn chăng. Hay còn một lý do khác, như lời của Bí thư Đảng ủy xã Pà Vầy Sù Lê Văn Tiến nói trước khi đoàn thiện nguyện rời xa: Các anh, chị trong đoàn thiện nguyện chính là những “sứ giả” mang thêm niềm tin, động lực sống, ý chí vượt khó vươn lên để bà con người Mông nơi đây nỗ lực thoát nghèo. Chính quyền và Nhân dân Pà Vầy Sủ trân trọng hơn tình cảm nồng ấm, trách nhiệm này và tự hứa sẽ cố gắng nhiều hơn nữa trong cuộc sống.


Tin cùng chuyên mục
Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở về một miền di sản: Gặp những người “níu giữ” di sản (Bài 2)

Trăn trở, đau đáu với những giá trị, bản sắc văn hoá của dân tộc trước nguy cơ mai một, biến mất… những người có trách nhiệm đã đánh cược với thời gian, chỉ để níu giữ di sản cho hậu thế.