Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Quảng Ngãi: Cây mắc ca mang lại kỳ vọng xóa nghèo cho đồng bào Ca Dong

Thành Nhân - 06:12, 19/07/2022

Sau nhiều năm trồng thử nghiệm, vượt qua những hoài nghi, lo ngại, "quả ngọt" từ cây mắc ca đã chứng minh là cây trồng phù hợp với điều kiện tự nhiên trên vùng đất Sơn Tây (Quảng Ngãi). Từ kết quả ban đầu, huyện Sơn Tây đang có chủ trương phát triển cây mắc ca lên 200ha, với kỳ vọng đưa cây mắc ca trở thành cây xóa đói giảm nghèo cho đồng bào Ca Dong ở huyện vùng cao này.

Những cây mắc ca đầu tiên ở Sơn Tây đã cho quả ngọt
Những cây mắc ca đầu tiên ở Sơn Tây đã cho quả ngọt

Bén rễ trên vùng đất mới

Lâu nay, đồng bào DTTS tại huyện Sơn Tây sống chủ yếu dựa vào các loại cây trồng như cau, keo, mì... nhưng giá cả bấp bênh nên còn nhiều khó khăn. Tuy nhiên, giai đoạn 2015 - 2020, huyện đã tập trung chuyển đổi cơ cấu cây trồng. Theo đó, Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện đã tổ chức trồng thử nghiệm 12ha cây mắc ca tại một số xã trên địa bàn huyện.

Trưởng phòng NN&PTNT huyện Sơn Tây Phạm Hồng Khuyến chia sẻ: Mắc ca là loại cây rất “kén” đất và khí hậu nên không phải vùng đất nào cũng có thể trồng được. Tuy nhiên, kết quả thử nghiệm cho thấy, khí hậu và thổ nhưỡng nơi đây phù hợp để cây mắc ca sinh trưởng, phát triển và cho năng suất khá. Đặc biệt, người dân nào có nhu cầu cũng đều trồng được vì kỹ thuật trồng loại cây này không khó.

Bên cạnh đó, cây mắc ca còn là cây lâm nghiệp đa mục tiêu, tuổi thọ dài trên 100 năm rất phù hợp cho việc chuyển đổi một số diện tích đất rừng sản xuất đang trồng keo nguyên liệu, sang trồng mắc ca, góp phần thực hiện hiệu quả đề án cây gỗ lớn, tăng độ che phủ rừng bền vững, tăng thu nhập cho người dân. 

Một lợi thế khác là, huyện Sơn Tây hiện có nhiều diện tích đất quy hoạch cho rừng phòng hộ, nhưng là nương rẫy của người dân, nên việc phát triển cây mắc ca sẽ giúp họ sử dụng có hiệu quả diện tích đất và giữ vững chức năng phòng hộ theo quy hoạch.

Ông Nguyễn Ngọc Trân, Chủ tịch UBND huyện Sơn Tây cho biết, việc phát triển cây mắc ca ở huyện sẽ góp phần chuyển đổi, thay thế bớt diện tích cây keo, mì (sắn) có giá trị kinh tế thấp, sang loại giống cây trồng có giá trị kinh tế cao, tạo hướng đi mới bền vững trong phát triển nông-lâm nghiệp của địa phương; đồng thời mở ra cơ hội thoát nghèo, vươn lên làm giàu cho người dân.

Người dân chăm sóc cây mắc ca
Người dân chăm sóc cây mắc ca

Những quả ngọt đầu tiên

Sau một thời gian chăm sóc, 6 ha mắc ca trồng thử nghiệm phát triển mạnh nhất, cành lá xum xuê và bắt đầu ra hoa, kết trái. Ở lứa đầu tiên thử nghiệm, mỗi cây cho thu hoạch từ 3- 5kg quả tươi. Kết quả này đã xóa bỏ sự hoài nghi của người dân về loại cây trồng này.

Ông Đinh Văn Chiến, ở xã Sơn Liên, bày tỏ: Tôi từng lo ngại, mắc ca rồi cũng giống như một số cây trồng mới từng thử nghiệm rồi thất bại. Thế nhưng, khi tận mắt chứng kiến mắc ca sai quả, tôi mới có niềm tin về hiệu quả của cây trồng này.

Người dân vui một, thì lãnh đạo huyện vui mười, bởi khi quyết định đưa loại cay trồng này về Sơn Tây không khác gì một “canh bạc”. Ông Lê Văn Tùng, Bí thư Đảng ủy huyện Sơn Tây nhớ lại: Vào năm 2014, khi chính quyền huyện Sơn Tây quyết định chi tiền tỷ trồng thí điểm hàng nghìn cây mắc ca trên diện tích 6 ha, dư luận, nhiều người bày tỏ sự hoài nghi về tính khả thi của loại cây này.

“Sự hoài nghi không phải là không có cơ sở, khi đây là cây trồng còn mới mẻ với người dân, tính hiệu quả trước mắt không có. Thế nhưng, bằng sự quyết tâm, táo bạo, kiên định với con đường đã chọn, đến hôm nay mô hình cho quả ngọt như mong đợi, giải tỏa sự lo lắng của huyện nhà từ nhiều năm nay”, ông Tùng bộc bạch.

Theo tính toán, so với các loại cây trồng khác, vốn đầu tư ban đầu trồng mắc ca nhưng cho giá trị kinh tế cao hơn rất nhiều so với các loại cây trồng khác. Trung bình mỗi ký mắc ca tươi tại vườn có giá khoảng 100.000 đồng. Như vậy, mỗi héc ta mắc ca mang lại giá trị trên 70 triệu đồng/năm. Nhiều năm sau đó, giá trị càng cao hơn.

Những vườn cây mắc ca giống được người dân chăm sóc chu đáo để chuẩn bị
Những vườn cây mắc ca giống được người dân chăm sóc chu đáo để chuẩn bị cho việc mở rộng diện tích

Trước tiềm năng của cây mắc ca, Bộ NN&PTNT đã xây dựng Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050”. Theo đó, huyện Sơn Tây đã góp ý dự thảo xây dựng Đề án “Phát triển bền vững mắc ca giai đoạn 2021 - 2030”, tại địa phương với diện tích 200ha; trong đó, 150ha trồng thuần và 50ha trồng xen.

Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng cho hay: Thực tiễn đã kiểm chứng và trả lời cây mắc ca phù hợp với điều kiện tự nhiên ở vùng đất Sơn Tây. Việc quan trọng nhất của huyện nhà trong thời gian tới, đó là nhân rộng mô hình, mà trước hết là giúp người dân nhận thức đúng về tiềm năng, giá trị của mắc ca.

“Khi người dân đã hiểu, đồng hành, chính quyền địa phương tìm cách tạo điều kiện cho họ, nhất là hộ nghèo, sớm tiếp cận từ các nguồn vốn, chính sách phù hợp để triển khai mô hình. Vấn đề kỹ thuật đã có các cán bộ, chuyên gia nông nghiệp hỗ trợ. Trong tương lai, có thể hướng đến việc chế biến tại chỗ, nâng tầm giá trị cho sản phẩm, từng bước xóa đói giảm nghèo cho đồng bào DTTS ở địa phương”, Bí thư Huyện ủy Sơn Tây Lê Văn Tùng nhấn mạnh.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Nghệ An: Hàng loạt khó khăn vướng mắc trong giao đất, giao rừng gắn với cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp

Vị trí đất được cấp ở xa, địa hình giao đất giao rừng đi lại khó khăn, sai lệch diện tích giữa hồ sơ và thực địa, nhu cầu người dân lớn nhưng quỹ đất ít… là những khó khăn, vướng mắc đang gây ảnh hưởng lớn đến việc giao đất, giao rừng và cấp giấy chứng nhận quyền sử dụng đất lâm nghiệp ở Nghệ An.