Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Quốc hội thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi)

Hoàng Quý - 17:00, 15/06/2022

Chiều 15/6, tiếp tục chương trình Kỳ họp thứ 3, Quốc hội khóa XV, dưới sự chủ trì của Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn, Quốc hội tiến hành biểu quyết thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp

Kết quả biểu quyết cho thấy, có 424/437 đại biểu tham gia biểu quyết tán thành, chiếm 85,14%. Như vậy, Quốc hội đã chính thức thông qua Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi). Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có hiệu lực thi hành từ ngày 1/1/2024.

Luật Thi đua, khen thưởng (sửa đổi) có bố cục gồm 8 chương, 96 điều, quy định về đối tượng, phạm vi, nguyên tắc, hình thức, tiêu chuẩn, thẩm quyền, trình tự và thủ tục thi đua, khen thưởng. Luật áp dụng đối với cá nhân, tập thể, hộ gia đình người Việt Nam; cá nhân, tập thể người Việt Nam định cư ở nước ngoài; cá nhân, tập thể người nước ngoài.

Luật quy định mục tiêu của thi đua là nhằm động viên, thu hút, khuyến khích mọi cá nhân, tập thể, hộ gia đình phát huy truyền thống yêu nước, đoàn kết, đổi mới, năng động, sáng tạo vươn lên hoàn thành tốt nhiệm vụ, đạt được thành tích tốt nhất trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh; mục tiêu của khen thưởng là nhằm khuyến khích, động viên cá nhân, tập thể, hộ gia đình hăng hái thi đua; ghi nhận công lao, thành tích của cá nhân, tập thể, hộ gia đình trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.

Để bảo đảm tính công bằng, minh bạch trong công tác thi đua, khen thưởng, Luật quy định việc thi đua được thực hiện trên các nguyên tắc tự nguyện, tự giác, công khai, minh bạch; đoàn kết, hợp tác và cùng phát triển

Bên cạnh đó, việc khen thưởng được thực hiện trên các nguyên tắc chính xác, công khai, minh bạch, công bằng, kịp thời; bảo đảm thống nhất giữa hình thức, đối tượng khen thưởng và công trạng, thành tích đạt được.

Các đại biểu tham dự phiên họp
Các đại biểu tham dự phiên họp

Các loại hình khen thưởng theo Luật quy định gồm có: Khen thưởng công trạng, là khen thưởng cho cá nhân, tập thể thường xuyên có thành tích xuất sắc trong xây dựng và bảo vệ Tổ quốc; khen thưởng đột xuất, là khen thưởng kịp thời cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình lập được thành tích xuất sắc đột xuất; khen thưởng phong trào thi đua, là khen thưởng cho cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích xuất sắc trong các phong trào thi đua do cấp có thẩm quyền phát động, chỉ đạo trong thời gian cụ thể, hoặc thi đua theo chuyên đề phục vụ nhiệm vụ chính trị của Đảng, Nhà nước.

Để bảo đảm tính khả thi, Luật đã quy định cụ thể trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, đơn vị trong công tác thi đua, khen thưởng. Theo đó, người đứng đầu cơ quan, tổ chức, đơn vị trực tiếp lãnh đạo, chỉ đạo và chịu trách nhiệm về kết quả công tác thi đua, khen thưởng; phát hiện cá nhân, tập thể, hộ gia đình có thành tích để khen thưởng theo thẩm quyền hoặc đề nghị cấp trên khen thưởng; nhân rộng điển hình tiên tiến; đánh giá thành tích; chịu trách nhiệm về quyết định khen thưởng và việc trình cấp trên khen thưởng…