Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Sắc xuân ở vùng cực Bắc Tây Nguyên

Ngọc Chí - 13:09, 01/02/2024

Khi những cánh hoa Mai Anh Đào nở rộ, một mùa xuân mới lại về trên khắp các thôn, làng ở Kon Tum - vùng đất cực Bắc Tây Nguyên. Đồng bào các dân tộc nơi đây đã có được cuộc sống ổn định, ấm no và sung túc hơn. Những kết quả đó thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước và chính quyền địa phương dành cho đồng bào DTTS.


Hoa Mai Anh Đào nở rộ báo hiệu một mùa xuân mới lại về ở vùng cực Bắc Tây Nguyên
Hoa Mai Anh Đào nở rộ báo hiệu một mùa xuân mới lại về ở vùng cực Bắc Tây Nguyên

Tết này có lẽ là Tết đầy đủ và sung túc nhất của hơn 100 hộ đồng bào Xơ Đăng ở khu tái định cư thôn Long Nang, thị trấn Đăk Glei, huyện Đăk Glei. Bởi giá cả các mặt hàng nông sản, như: Cà phê, sắn, bời lời tăng cao giúp người dân có nguồn thu nhập ổn định.

Anh A Ráp, thôn trưởng thôn Long Nang kể: 3 năm trước, hơn 100 hộ dân đã thống nhất, đồng lòng cùng nhau di chuyển khỏi khu vực dọc sông Pô Kô thường hay sạt lở mỗi khi mùa mưa đến để lên khu tái định cư. Với số tiền nhà nước hỗ trợ 20 triệu và gần 300m2 đất ở được cấp, các hộ đã dành dụm số tiền tích lũy và cùng giúp nhau ngày công để xây dựng nhà cửa khang trang. Chỗ ở ổn định, bà con chăm lo sản xuất nên giờ đây thôn chỉ còn 12 hộ nghèo.

Anh A Thay (đứng giữa) vui mừng bởi gia đình đã ổn định cuộc sống ở khu tái định cư thôn Long Nang
Anh A Thay (đứng giữa) vui mừng bởi gia đình đã ổn định cuộc sống ở khu tái định cư thôn Long Nang

Lên khu tái định cư này gia đình dùng số tiền tích lũy hơn 200 triệu đồng mua vật liệu để xây nhà, còn công thợ thì bà con trong thôn cùng giúp nhau làm. Nhà cửa khang trang, đường sá thuận lợi, trường học, điện, nước đầy đủ nên ai ai cùng phấn khởi. Năm nay gia đình thu nhập được hơn 150 triệu từ cây cà phê, sắn, bời lời. Tết này thì vui rồi, mua sắm đầy đủ, gia đình sum vầy đón tết - anh A Thay ở khu tái định cư thôn Long Nang phấn khởi cho biết.

Tết đầy đủ và sung túc, nhưng niềm vui ấy càng nhân lên gấp bội đối với 120 hộ đồng bào Gié Triêng ở làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi. Bởi năm 2023, làng đã được tỉnh công nhận là Làng du lịch cộng đồng. Kết quả đó chính là sự quan tâm đầu của tỉnh, huyện và sự nỗ lực của bà con trong quá trình gìn giữ những giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc.

Đồng bào Gié Triêng ở Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc
Đồng bào Gié Triêng ở Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng còn lưu giữ những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc

Già làng Brôl Vẻ, làng Đăk Răng, xã Đăk Dục, huyện Ngọc Hồi chia sẻ: Tỉnh đã công nhận là Làng du lịch cộng đồng, đây được xem là bước ngoặc để làng Đăk Răng tiếp tục phát triển hơn trong thời gian đến. Chúng tôi vẫn luôn nỗ lực gìn giữ lại nguyên bản những giá trị văn hóa đặc sắc, bởi đó không chỉ giúp thế hệ trẻ tự hào về văn hóa dân tộc mà còn giới thiệu đến với du khách gần xa. Hy vọng khi được công nhận làng du lịch cộng đồng sẽ giúp cho bà con có thêm nguồn thu nhập từ hoạt động du lịch.

Quán triệt chủ trương, đường lối của Đảng, trong những năm qua, công tác dân tộc, thực hiện các chính sách dân tộc của tỉnh Kon Tum đã có nhiều đổi mới, góp phần củng cố và tăng cường hơn nữa niềm tin của đồng bào các dân tộc đối với sự lãnh đạo của Đảng và sự quản lý điều hành của Nhà nước. Đặc biêt, với nguồn lực đầu tư của Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030, giai đoạn I: Từ năm 2021-2025 (gọi tắt là Chương trình MTQG 1719), kết cấu hạ tầng và bộ mặt nông thôn ở vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào DTTS đã có nhiều chuyển biến, hệ thống giao thông nông thôn, điện, trường học, trạm y tế được đầu tư khang trang. Từ đó, góp phần quan trọng thúc đẩy phát triển kinh tế - xã hội, nâng cao dân trí, từng bước cải thiện và nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của đồng bào DTTS. Hiện toàn tỉnh có 32 thôn, làng vùng đồng bào DTTS đạt chuẩn nông thôn mới; hơn 98% đồng bào DTTS có đất ở và đất sản xuất; năm 2023 tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn toàn tỉnh giảm 4,19%. Đặc biệt, đồng bào DTTS đã dần thay đổi nếp nghĩ, cách làm và biết áp dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật vào sản xuất.

Nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 đã làm thay đổi diện mạo các thôn, làng đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum
Nguồn lực đầu tư từ Chương trình MTQG 1719 đã làm thay đổi diện mạo các thôn, làng đồng bào DTTS ở vùng sâu, vùng xa của tỉnh Kon Tum

Bà Y Thanh, Chủ tịch UBND huyện Đăk Glei cho biết: Với sự đồng lòng, chủ động, quyết tâm cao của hệ thống chính trị, sự nỗ lực, kiên trì, chung tay của các dân tộc trên địa bàn huyện, việc triển khai Chương trình MTQG 1719 đã bước đầu tạo nên những thay đổi căn bản trên mọi mặt. Trong đó, có một số điểm sáng khi so sánh giữa năm 2021 và cuối năm 2023 như: Thu nhập bình quân đầu người nâng lên từ 36 triệu đồng thành 42 triệu đồng; tỷ lệ hộ nghèo 18,9% giảm xuống còn 10,4%; tỷ lệ thôn làng vùng đồng bào dân tộc thiểu số có nhà rông truyền thống tăng từ 65% lên thành 86%; tỷ lệ hộ dân tộc thiểu số có đất ở từ 93% tăng lên thành 95%; số xã đạt chuẩn nông thôn mới từ 01 xã thành 04 xã.

Cùng với lĩnh vực kinh tế, đời sống văn hóa của đồng bào DTTS cũng không ngừng được nâng cao, trong tổng số 503 làng đồng bào DTTS có tại chỗ, có 479 làng có nhà rông, nhà sàn cộng đồng; các làng đồng bào DTTS đều có cồng chiêng và xây dựng đội nghệ nhân dân gian. Tình hình an ninh chính trị và trật tự an toàn xã hội vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh tiếp tục được giữ vững ổn định. Niềm tin của đồng bào DTTS đối với Đảng và Nhà nước tiếp tục được củng cố, các dân tộc đoàn kết, gắn bó, giúp đỡ nhau cùng phát triển.

Đồng bào Gié Triêng ở Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng đón khách du lịch đến thăm quan
Đồng bào Gié Triêng ở Làng du lịch cộng đồng Đăk Răng đón khách du lịch đến thăm quan

Ông A Gởi ở thôn Kroong Klah, xã Kroong, thành phố Kon Tum cho biết: Bà con rất phấn khởi, rất tin tưởng vào sự lãnh đạo của Đảng. Trước kia đời sống bà con khó khăn, bây giờ nhờ sự hỗ trợ của Nhà nước và bà con tích cực làm ăn cho nên đời sống thay đổi rõ nét. Đặc biệt, con cái được học hành đến nơi đến chốn, rất nhiều con em trong thôn đi học Đại học.

Một mùa xuân mới lại về, cờ hoa rực rỡ trên khắp nẻo đường từ trung tâm huyện đến các thôn, làng vùng sâu, vùng xa và những ngôi nhà mới khang trang, cho thấy đời sống của đồng bào DTTS ở vùng cực Bắc Tây Nguyên đã đổi thay rõ rệt. Tin tưởng rằng, với truyền thống cách mạng, tinh thần đoàn kết, đồng thuận cao trong Đảng bộ và Nhân dân các dân tộc, tỉnh Kon Tum sẽ vững niềm tin thực hiện thắng lợi các mục tiêu, nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XVI đề ra, xây dựng tỉnh Kon Tum phát triển nhanh và bền vững.

Tin cùng chuyên mục
Ủy ban Dân tộc: Chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp

Ủy ban Dân tộc: Chuẩn bị tốt cho Đại hội Đảng các cấp

Ngày 31/10/2024, Đảng ủy cơ quan Ủy ban Dân tộc tổ chức Hội nghị Ban Chấp hành lần thứ 61, nhiệm kỳ 2020 -2025. Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban Cán sự Đảng, Bí thư Đảng ủy, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh chủ trì Hội nghị. Tham dự Hội nghị có đồng chí Nguyễn Khắc Tiến, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ, Phó Trưởng Ban Thường vụ Đảng ủy Khối các cơ quan Trung ương; các đồng chí Ủy viên Ban Thường vụ, Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ.