Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Kinh tế

Thanh niên Nậm Pồ làm giàu trên vùng đất khó

Mai Hương - 15:58, 28/07/2021

Với khát vọng thoát nghèo, vươn lên làm giàu bằng ý chí, nghị lực của mình, nhiều đoàn viên, thanh niên người DTTS ở huyện miền núi Nậm Pồ (Điện Biên), đã có nhiều cách làm sáng tạo trong xây dựng và thực hiện mô hình kinh tế tổng hợp, mang lại hiệu quả cao.

Mô hình nuôi lợn của đoàn viên Thùng Văn Huy ở bản Nà Ín, xã Chà Nưa
Mô hình nuôi lợn của đoàn viên Thùng Văn Huy ở bản Nà Ín, xã Chà Nưa

Nậm Pồ là huyện nghèo của tỉnh Điện Biên, địa hình đồi núi cao chia cắt phức tạp, đời sống Nhân dân còn gặp nhiều khó khăn. Trong tổng số hơn 9.000 đoàn viên, thanh niên toàn huyện, thì có hơn 8.000 đoàn viên, thanh niên là người DTTS (Mông, Thái, Dao, Khơ Mú, Kháng, Cống…). Phần lớn, các đoàn viên, thanh niên đều có ý thức vươn lên trong học tập, lao động, lập thân, lập nghiệp, quyết tâm thoát khỏi đói nghèo.

Nắm bắt được tâm tư, nguyện vọng của đông đảo các bạn trẻ, Huyện đoàn Nậm Pồ đã tiến hành khảo sát thực trạng nhu cầu của thanh niên. Trên cơ sở đó, đứng ra tổ chức ký kết các văn bản thỏa thuận với Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) của huyện để tạo điều kiện thuận lợi cho đoàn viên, thanh niên có cơ hội tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi của Chính phủ để phát triển kinh tế.

Theo đó, để nguồn vốn vay được sử dụng đạt hiệu quả cao nhất, Ban Thường vụ Huyện Đoàn đã tổ chức tuyên truyền, quán triệt nâng cao nhận thức, trách nhiệm cho đội ngũ cán bộ Đoàn về mục đích, ý nghĩa, yêu cầu của các chương trình vay vốn. Chỉ đạo các tổ chức cơ sở Đoàn phối hợp tốt với cấp ủy, chính quyền địa phương xã, thôn, bản, hướng dẫn các hộ thanh niên lập hồ sơ vay vốn; bình chọn những hộ thanh niên có các điều kiện để sử dụng và quản lý tốt nguồn vốn; thành lập các tổ tiết kiệm và vay vốn, tổ chức tập huấn nghiệp vụ cho vay; tập huấn chuyển giao khoa học - kỹ thuật cho thanh niên; hướng dẫn xây dựng đề án cụ thể, phù hợp từng địa phương để các hộ thanh niên căn cứ lập kế hoạch xây dựng trang trại, phát triển kinh tế....

Theo chân anh Nguyễn Văn Thúy, Bí thư Huyện đoàn Nậm Pồ, chúng tôi đến thăm mô hình chăn nuôi của đoàn viên Thùng Văn Huy ở bản Nà Ín, xã Chà Nưa, huyện Nậm Pồ. Trước đây, anh Huy cũng đã từng nuôi gà, vịt nhưng hiệu quả kinh tế không cao mà mất nhiều công chăm sóc.

Năm 2018, anh vay 50 triệu đồng vốn của NHCSXH qua kênh của Đoàn Thanh niên để chuyển sang mô hình nuôi lợn giống và lợn thịt. Sau 2 năm, anh đã thu được hơn 100 triệu đồng, anh trả bớt nợ cho ngân hàng và đầu tư thêm để nhân rộng con giống. Hiện tại, anh đã có trong tay hơn 50 con lợn giống và lợn thịt, với tổng thu nhập hơn 200 triệu đồng/năm.

Anh Huy chia sẻ, việc chăn nuôi lợn giống và lợn thịt không chỉ mang lại kinh tế cao cho gia đình mà còn giải quyết việc làm cho thanh niên ở địa phương.

Ngoài anh Thùng Văn Huy còn có rất nhiều đoàn viên có mô hình kinh tế xuất phát từ vốn vay NHCSXH như: Anh Sùng A Páo, Bí thư Chi đoàn bản Nậm Nhừ 1, xã Nậm Nhừ, anh Sùng A Sử, đoàn viên Chi đoàn bản Mốc 4, xã Nậm Tin có mô hình chăn nuôi lợn, trâu, bò sinh sản với tổng thu nhập hàng năm hơn 100 triệu đồng/năm…

Ông Nguyễn Văn Lâm, Giám đốc Phòng giao dịch NHCSXH huyện Nậm Pồ cho biết, hiện nay, toàn huyện đang triển khai thực hiện cho vay vốn tại 15 xã, với tổng dư nợ ủy thác của NHCSXH đạt 342,7 tỷ đồng với 7.769 hộ vay (tăng 22,4 tỷ đồng). Nhiều thanh niên khi được tiếp cận nguồn vốn vay ưu đãi đã sử dụng có hiệu quả, góp phần vào công tác xóa đói giảm nghèo ở địa phương.

Bí thư Huyện đoàn, Chủ tịch Hội Liên hiệp Thanh niên Việt Nam huyện Nậm Pồ-Nguyễn Văn Thúy cho biết, nguồn vốn vay ưu đãi của NHCSXH qua kênh của Đoàn Thanh niên đã trở thành động lực thúc đẩy khát vọng và ý chí quyết tâm lập nghiệp, làm giàu trên quê hương của thanh niên địa phương; tạo nên phong trào thi đua sản xuất, lập thân, lập nghiệp trong thanh niên toàn huyện.

Theo đó, toàn huyện đã có hàng chục mô hình làm kinh tế nổi bật trên nhiều lĩnh vực do thanh niên làm chủ với mức thu nhập trên 100 triệu đồng/năm. Đây chính là cơ sở quan trọng để Đoàn Thanh niên tham mưu cho chính quyền địa phương nhân rộng những điển hình tiên tiến, góp phần tăng cường thu hút, tập hợp thanh niên, xây dựng tổ chức Đoàn, Hội vững mạnh. Từ đó tạo nên phong trào thanh niên thi đua phát triển kinh tế, xóa nghèo, mang lại hiệu quả thiết thực, góp phần tích cực vào sự phát triển kinh tế - xã hội của địa phương.

Tin cùng chuyên mục
Sinh lời an toàn, hiệu quả cùng trái phiếu BAC A BANK phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1

Sinh lời an toàn, hiệu quả cùng trái phiếu BAC A BANK phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1

Đón đầu cơ hội khởi sắc trên thị trường trái phiếu ngân hàng đầy tiềm năng, từ ngày 27/05/2024, Ngân hàng TMCP Bắc Á (BAC A BANK) chính thức chào bán 20 triệu trái phiếu phát hành ra công chúng Lần 2 - Đợt 1, với tổng giá trị chào bán 2.000 tỷ đồng.