Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sắc màu 54

Thức dậy tiếng khèn Mông

PV - 10:12, 04/06/2019

Đồng bào dân tộc Mông ở Bắc Kạn hiện vẫn giữ nhiều giá trị đặc sắc văn hóa khá nguyên sơ, đặc biệt là nghệ thuật múa khèn và chế tác khèn Mông. Năm 2015, nghệ thuật múa khèn của người Mông tỉnh Bắc Kạn đã vinh dự được Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch đưa vào danh mục Di sản văn hóa phi vật thể quốc gia.

Nghệ nhân khèn Mông ở Bản Nghè, xã Cổ Linh, huyện Bác Nặm(Bắc Kạn) miệt mài truyền dạy những điệu khèn truyền thống cho con cháu. Ảnh TL Nghệ nhân khèn Mông ở Bản Nghè, xã Cổ Linh, huyện Bác Nặm(Bắc Kạn) miệt mài truyền dạy những điệu khèn truyền thống cho con cháu. Ảnh TL

Nếu như trước đây, khèn Mông được sử dụng khá phổ biến trong những dịp lễ hội, đám táng thì hiện nay chỉ còn lẻ tẻ một vài thôn, bản còn thực hành múa khèn. Múa khèn chỉ xuất hiện trong các chương trình biểu diễn văn hóa, văn nghệ. Việc duy trì thực hành múa khèn cũng như chế tác khèn tại các địa bàn cư trú của đồng bào Mông ở Bắc Kạn đang có dấu hiệu phai lạt do nhiều yếu tố tác động như kinh tế thị trường, hội nhập văn hóa…

khèn Mông Câu lạc bộ khèn Mông tại Pác Nặm biểu diễn trong Lễ hội Mù Là Xuân Kỷ Hợi 2019.

Anh Phạm Văn Hanh, chủ hộ kinh doanh du lịch tại thôn Đồng Luông, xã Quảng Chu, huyện Chợ Mới cho biết, khi xây dựng và kinh doanh vườn hoa thung lũng suối hoa, chúng tôi có lợi thế là ở ngay trên khu vực cư trú của đồng bào Mông nên rất muốn phát triển du lịch gắn với văn hóa bản địa. Tuy nhiên hiện nay, văn hóa của đồng bào Mông ở xã Quảng Chu đã không còn đặc sắc như trước, nhất là những di sản văn hóa du khách mong muốn được thưởng thức như dân ca, dân vũ, nhạc cụ dân tộc, khèn Mông… đã không còn phổ biến. Nếu xây dựng được những nhóm, những câu lạc bộ (CLB) phục vụ du khách, chắc chắn sẽ thu hút được lượng khách đáng kể. Tuy nhiên việc này rất khó thực hiện, vì đồng bào Mông ở Đồng Luông hiện không còn chơi nhạc cụ này. Chúng tôi cũng có thể dựng mô hình khèn Mông ở tại vườn hoa để du khách có thể cảm nhận và ghi hình lưu niệm khi đến vườn.

Anh Lý Hồng Quân huyện Pác Nặm, người được mệnh danh “thánh Khèn” đã có nhiều năm lặn lội khắp các lễ hội để đem nghệ thuật múa khèn Mông đến với công chúng. Anh cho biết, không có cách nào khác tốt hơn ngoài việc cố gắng hết mình để được tham gia biểu diễn trên mọi sân khấu, mọi nơi để mọi người thấy tầm quan trọng và sự độc đáo của văn hóa tộc người mình. Từ đó tập hợp truyền dạy, để nghệ thuật múa khèn trở lại với đời sống văn hóa tại địa phương.

Theo anh Quân, việc làm cho nghệ thuật múa khèn trở lại trong đời sống văn hóa của đồng bào Mông tại địa phương gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế tại huyện Pác Nặm quê anh hay Ba Bể cũng đã xây dựng được những CLB khèn Mông. Tuy nhiên, người đam mê thì ít mà lớp trẻ còn mải lo kiếm tiền, nên việc tập trung số lượng người để truyền dạy không hề đơn giản.

“Người trẻ bây giờ phần lớn đi làm công nhân cho các công ty, chỉ còn các ông, các bà trông nhà cửa, ruộng vườn mà thôi. Như CLB khèn Mông thôn Bản Nghè, Cô Linh hiện nay các thành viên đi làm công nhân hết cả rồi, đi làm ít nhất cũng có thu nhập 5 triệu đồng/tháng nên khó giữ chân họ lắm”, anh Quân thở dài.

Mỗi năm, Lễ hội Mù Là (huyện Pác Nặm) thu hút hàng ngàn người dân và du khách tham gia, trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông. Ảnh TL Mỗi năm, Lễ hội Mù Là (huyện Pác Nặm) thu hút hàng ngàn người dân
và du khách tham gia, trải nghiệm văn hóa dân tộc Mông. Ảnh TL

Trao đổi với chúng tôi, ông Hà Văn Trường, Giám đốc Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn cho biết, để đánh giá thực trạng việc duy trì thực hành di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mông nói chung, múa khèn nói riêng từ năm 2011, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch đã triển khai Kế hoạch kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể của dân tộc Mông trên địa bàn toàn tỉnh Bắc Kạn. Trong đó, tiến hành thống kê các địa điểm có di sản văn hóa phi vật thể về múa khèn, tri thức chế tác khèn Mông. Đồng thời, xác định mức độ thực hành di sản múa khèn tại các địa phương, báo cáo đánh giá về kết quả kiểm kê di sản văn hóa phi vật thể múa khèn của dân tộc Mông. Đây là cơ sở quan trọng để Sở xây dựng kế hoạch, chương trình bảo tồn, phát huy giá trị di sản.

Xác định được tầm quan trọng của văn hóa khèn Mông, Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch tỉnh Bắc Kạn đã và đang tiếp tục triển khai thực hiện các chương trình, kế hoạch nhằm gìn giữ, bảo tồn và phát huy giá trị của di sản văn hóa độc đáo này.

Bên cạnh đó, Sở cũng phối hợp với các địa phương mở lớp truyền dạy múa khèn cho học viên là con em dân tộc Mông; tổ chức các chương trình sự kiện văn hóa tại địa phương, tham gia các chương trình, hội diễn cấp khu vực, toàn quốc nhằm tăng cường giới thiệu về di sản khèn Mông; chỉ đạo các địa phương thường xuyên quan tâm, động viên, khuyến khích nghệ nhân tích cực truyền dạy múa khèn và tri thức chế tác khèn Mông cho các thế thế trẻ.

Đồng thời, tăng cường công tác tuyên truyền về giá trị văn hóa truyền thống của di sản khèn Mông nhằm nâng cao nhận thức của đồng bào về giá trị văn hóa của dân tộc, nâng cao lòng từ hào dân tộc, từ đó tích cực gìn giữ di sản văn hóa của dân tộc mình.

HOÀNG CHIẾN THẮNG

Tin cùng chuyên mục