Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Triển khai Chương trình MTQG 1719 ở Trà Vinh: Hệ thống chính trị vào cuộc- Người dân đồng thuận

Như Tâm - Lê Vũ - 11:01, 04/12/2023

Nhờ thực hiện tốt công tác truyền thông, tuyên truyền; sự vào cuộc chỉ đạo kịp thời của hệ thống chính trị và sự đồng thuận của Nhân dân, nhất là đồng bào ở những địa bàn thụ hưởng các chương trình dự án, chính sách dân tộc thời gian qua việc triển khai Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế – xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn I: Từ năm 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719), ở tỉnh Trà Vinh đã đạt được những kết quả tích cực

Hệ thống chính trị vào cuộc

Nhận định tầm quan trọng của Chương trình MTQG 1719, tỉnh Trà Vinh đã sớm ban hành nhiều Nghị quyết, chương trình, kế hoạch triển khai thực hiện, cụ thể như Nghị quyết số 05/2022/NQ-HĐND tỉnh về quy định, nguyên tắc, tiêu chí, định mức phân bổ vốn ngân sách nhà nước thực hiện Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn tỉnh Trà Vinh; Nghị quyết số 24/2022/NQ-HĐND tỉnh về giao kế hoạch vốn đầu tư phát triển nguồn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021 – 2025 thực hiện 3 chương trình MTQG; Quyết định số 1333/QĐ-UBND ngày 19/7/2022 của UBND tỉnh Trà Vinh ban hành kế hoạch thực hiện Chương trình MTQG 1719; Quyết định số 1320/QĐ-UBND về việc giao vốn kế hoạch đầu tư phát triển vốn ngân sách Trung ương giai đoạn 2021-2025 thực hiện 3 chương trình MTQG; và các văn bản hướng dẫn của ban chỉ đạo các chương trình MTQG, các văn bản của sở, ngành tỉnh có liên quan.

Ông Kiên Ninh - Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh chia sẻ tại Hội nghị phổ biến giáp dục pháp luật cho đồng bào DTTS năm 2023 tổ chức tại huyện Tiểu Cần
Ông Kiên Ninh,Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh chia sẻ tại Hội nghị phổ biến giáo dục pháp luật cho đồng bào DTTS năm 2023 tổ chức tại huyện Tiểu Cần

Ông Kiên Ninh, Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh cho biết: Với sự quan tâm chỉ đạo sâu sát của Đảng bộ, chính quyền các cấp trong tỉnh, cùng với sự phối hợp tổ chức thực hiện của các sở, ngành liên quan, đến nay tỉnh Trà Vinh đã triển khai thực hiện đồng bộ 10 dự án của Chương trình MTQG 1719.

 Cụ thể, trong năm 2022, Trà Vinh được Trung ương phân bổ 315,3 tỷ đồng để thực hiện 3 Chương trình MTQG. Tỉnh phân bổ 172 tỷ đồng vốn đối ứng thực hiện Chương trình MTQG xây dựng NTM. Kết quả giải ngân vốn đến hết năm 2022, là trên 320 tỷ đồng, đạt 66%. Trong đó, vốn ngân sách Trung ương giải ngân 165,8 tỷ đồng, đạt 52,6%; vốn ngân sách tỉnh đối ứng giải ngân trên 155 tỷ đồng, đạt 90,2%.

Năm 2023, thực hiện Chương trình MTQG 1719, Trà Vinh được phân bổ trên 451 tỷ đồng; trong đó Ngân sách Trung ương là trên 407 tỷ 203 triệu đồng (trong đó, vốn kế hoạch giao là 301 tỷ 876 triệu đồng; vốn năm 2022 chuyển sang là trên 105 tỷ 324 triệu đồng); vốn sự nghiệp là gần 233 tỷ đồng. 

Tính đến ngày 15/11/2023, đã giải ngân được hơn 119 tỷ đồng, đạt 26,48% kế hoạch vốn. Tỉnh đang ước đạt giải ngân đến 31/12/2023, là 312 tỷ 054 triệu đồng, đạt 71,66%.

Hạ tầng vùng đồng bào DTTS tại tỉnh Trà Vinh đã có những đổi thay đáng kể. (Ảnh: Một đoạn đường Nông thôn mới tại Huyện Trà Cú, với cờ, hoa rực rỡ)
Hạ tầng vùng đồng bào DTTS tại tỉnh Trà Vinh đã có những đổi thay đáng kể. (Ảnh: Một đoạn đường xã NTM ở huyện Trà Cú sạch đẹp với cờ, hoa rực rỡ)

Tuy nhiên, việc thực hiện các nội dung, dự án Chương trình MTQG 1719 trên địa bàn cũng đang gặp một số vướng mắc cả chủ quan lẫn khách quan, dẫn đến tiến độ giải ngân nhiều dự án còn chậm. "Để giải quyết những khó khăn trên, Ban Dân tộc tỉnh- cơ quan thường trực Chương trình cũng đang tiếp tục tham mưu cho tỉnh thực hiện tốt chức năng điều phối; tăng cường công tác phối hợp với các cấp, ban ngành để tổ chức thực hiện Chương trình đúng tiến độ, kế hoạch giai đoạn 2021-2025. Chú trọng tăng huy động vốn từ ngân sách địa phương, các nguồn lực huy động hợp pháp để nâng cao chất lượng, hiệu quả các nội dung, dự án...”, ông Kiên Ninh chia sẻ

Người dân đồng thuận.

Trên thực tế, sau gần 3 năm triển khai thực hiện Chương trình MTQG 1719, đến nay, nhiều vùng đồng bào DTTS trên địa bàn tỉnh Trà Vinh đã đạt được những kết quả ban đầu đáng khích lệ. Nhiều dự án, tiểu dự án bước đầu đã mang lại hiệu quả rõ rệt, hỗ trợ đồng bào phát triển kinh tế, từng bước vươn lên thoát nghèo, nâng cao mức sống.

Ông Thạch Miêne, Người có uy tín tại ấp Sóc Ớt, xã Ngũ Lạc, huyện Duyên Hải chia sẻ: Nhờ những chính sách của Đảng, Nhà nước, đặc biệt là Chương trình MTQG 1719 gần đây, không chỉ giúp người dân chí thú làm ăn, mà còn là điểm tựa để đồng bào Khmer vươn lên. Bà con rất rất tin tưởng vào chính sách khi nhận thức được, nhìn thấy được sự đổi thay, phát triển của địa phương qua từng ngày. Cũng nhờ đó mà mọi vận động, tuyên truyền cũng dễ dàng hơn.

 Ông Thạch Miêne cho biết thêm, cũng từ sự đồng thuận của bà con, nên trong thời gian qua mọi vấn đề về an ninh, trật tự xã hội tại địa phương luôn được đảm bảo, công tác hòa giải, giải quyết các vấn đề tại ấp, tại xã, nhất là vấn đề Dân tộc, Tôn giáo luôn được thuận lợi. Đặc biệt với sự đồng thuận cao, ông và bà con tại địa phương đã hiến hơn 10.000 mét vuông đất để làm đường, đồng thời đóng góp ngày công để tham gia làm đường và kênh mương thủy lợi.

Ông Lâm Văn Tín, Chi Hội trưởng, Chi Hội Nông dân ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú chia vui cùng gia đình anh Thạch Tiên trước ngôi nhà mới xây khang trang từ nguồn vốn hỗ trợ của chương trình MTQG 1719
Ông Lâm Văn Tín, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú chia vui cùng gia đình anh Thạch Tiên trước ngôi nhà mới xây khang trang từ nguồn vốn hỗ trợ của Chương trình MTQG 1719

Tương tự, ông Lâm Văn Tín, Chi hội trưởng Chi hội Nông dân ấp Mộc Anh, xã Lưu Nghiệp Anh, huyện Trà Cú phấn khởi cho biết: ”Nhà nước triển khai Chương trình MTQG 1719, bà con phấn khởi lắm, đặc biệt là việc được hỗ trợ xây nhà, hỗ trợ vốn chăn nuôi, cho vay vốn làm ăn… đó là động lực lớn lắm. Động lực để đổi đời, để thoát nghèo. Ấp tôi đang cố gắng phấn đấu hỗ trợ nhau cùng với chính sách của Nhà nước, mục tiêu đến năm sau không còn hộ nghèo nữa”

Ông Kiên Ninh,Trưởng ban Dân tộc tỉnh Trà Vinh nhận định: Nhìn chung, tình hình kinh tế - xã hội trong vùng đồng bào DTTS tỉnh Trà Vinh hiện nay, đặc biệt là dân tộc Khmer, có tỷ lệ dân số cao nhất trong các DTTS trên địa bàn đang có nhiều chuyển biến tích cực. Đời sống đồng bào tiếp tục ổn định và phát triển; các chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước và các chỉ thị, nghị quyết của tỉnh ban hành phù hợp với thực tiễn, nhất là các chính sách dân tộc, chính sách an sinh xã hội, đã tạo không khí phấn khởi. 

Từ đó, hệ thống chính trị vùng đồng bào dân tộc cũng ngày càng được củng cố; công tác đào tạo, bồi dưỡng, quy hoạch, quản lý, sử dụng đội ngũ cán bộ dân tộc được quan tâm bồi dưỡng đào tạo, qua đó, đã xây dựng được đội ngũ cán bộ người dân tộc đủ năng lực để bố trí giữ các chức vụ chủ chốt trong cấp ủy, chính quyền các cấp, đảm bảo tính kế thừa.

Đồng bào tại huyện Càng Long với niềm vui, tích cực tham gia trồng hoa, dọn vệ sinh làm sạch đẹp đường nông thôn mới.
Đồng bào tại huyện Càng Long với niềm vui, tích cực tham gia trồng hoa, dọn vệ sinh làm sạch đẹp đường nông thôn mới.

Có thể thấy, với sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và chính sự nỗ lực vươn lên của đồng bào DTTS, đã góp phần phát huy hiệu quả Chương trình MTQG 1719 ở Trà Vinh. Đây là động lực, là niềm tin để Trà Vinh đồng lòng phát triển kinh tế – xã hội, giảm nghèo bền vững vùng đồng bào DTTS, góp phần nâng cao đời sống Nhân dân.

Tin cùng chuyên mục
Đắk Lắk: Huyện Cư M’gar tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV

Đắk Lắk: Huyện Cư M’gar tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS lần thứ IV

Ngày 17/5, UBND huyện Cư M’gar, tỉnh Đắk Lắk tổ chức Đại hội Đại biểu các DTTS huyện Cư M’gar lần thứ IV - năm 2024. Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo Đại hội Đại biểu các DTTS tỉnh Đắk Lắk Nguyễn Thiên Văn dự và chỉ đạo Đại hội. Tham dự Đại hội còn có đại diện lãnh đạo các sở, ban, ngành, lãnh đạo huyện và 150 đại biểu chính thức đại diện cho gần 95 nghìn người đồng bào các DTTS trên địa bàn huyện.