Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Gieo “hạt giống đỏ” ở những bản làng dân tộc La Hủ: Chi bộ mạnh thì đời sống dân bản mới ấm no (Bài 1)

Tào Văn Đạt - 16:51, 11/10/2024

Ẩn mình dưới những tán rừng tại khu vực biên giới tỉnh Lai Châu là bản làng của người La Hủ. Trong những năm qua, dưới sự lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền các cấp, sự vào cuộc của hệ thống chính trị, đồng lòng của cộng đồng các DTTS trong việc thực hiện hiệu quả công tác dân tộc, chính sách dân tộc...,nhờ đó diện mạo nơi các bản làng La Hủ đã có sự thay đổi tích cực, đời sống đồng bào đã được cải thiện. Góp phần làm nên kết quả này là chính những người con của bản làng La Hủ được ví là những “hạt giống đỏ” ở vùng đất biên giới này.

Dân tộc La Hủ với 12.113 nhân khẩu (theo kết quả điều tra kinh tế - xã hội 53 DTTS từ năm 2019) và sinh sống tập trung hầu hết ở huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu. Khi thực hiện tuyến bài này, chúng tôi đã có dịp gặp gỡ những Bí thư Chi bộ, các đảng viên người La Hủ tiêu biểu. Dù có thể khác nhau về độ tuổi, công việc… nhưng họ đều cùng có một điểm chung là những “hạt nhân” làm “cầu nối” giữa Đảng với bản làng, với đồng bào mình; giúp bà con “sáng cái đầu, ấm cái bụng”…

Nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bản làng của bà con La Hủ đang dần đổi thay
Nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước, bản làng của người La Hủ đang dần đổi thay

"Vào Đảng để giúp dân bản xóa nghèo..."

Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất khó ở bản Chà Kế, hơn 10 tuổi cuộc sống du canh, du cư đã đưa gia đình Pờ Lò Hừ đến với bản Pha Bu, xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu, cách quê hương hơn 60km. Tuổi thơ của Hừ cũng như bao người dân La Hủ nơi đây đều phải trải qua những tháng ngày rong ruổi theo bố mẹ, ông bà nay đây, mai đó qua các cánh rừng để mưu sinh. Quãng thời gian không ổn cư là nguyên nhân dẫn đến tỷ lệ đói nghèo của đồng bào La Hủ cao nhất nhì trong 54 dân tộc trên cả nước.

Anh Hừ tâm sự: “Thời gian đó, phải du canh du cư đời sống rất vất vả, làm kinh tế cũng khó, lương thực cũng thiếu rất nhiều. Còn bây giờ, nhờ các chính sách của Đảng, Nhà nước mà đời sống bà con La Hủ đã thay đổi, ở tại chỗ và ổn định. Nhà nước cũng giúp cho dân bản đường sá đi lại tốt, làm ăn cái gì cũng dễ hơn”.

Anh Pờ Lò Hừ là tấm gương đảng viên tiêu biểu đã có nhiều đóng góp tích cực cho cồng đồng
Anh Pờ Lò Hừ là tấm gương đảng viên tiêu biểu đã có nhiều đóng góp tích cực cho cộng đồng

Năm 2011, khi vừa tròn 30 tuổi, anh Pờ Lò Hừ là quần chúng ưu tú được vinh dự được đứng trong hàng ngũ của Đảng và là đảng viên người La Hủ đầu tiên của bản Pha Pu. Lúc ấy, anh Hừ được ông Ly Sạ Pu, khi đó là Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ giúp đỡ, giới thiệu để bồi dưỡng kết nạp Đảng.

Anh Hừ cho biết, năm 2010, khi được ông Ly Sạ Pu tuyên truyền, vận động vào Đảng, anh nhớ mãi lời ông Pu nói rằng, vào Đảng để giúp dân bản xóa nghèo. Lời nói mộc mạc, gần gũi ấy đã chạm vào trái tim của chàng thanh niên trẻ, bùng cháy trong anh một khao khát cống hiến cho dân, cho Đảng ngay từ chính bản làng của mình.

(BÀI PV) Gieo “hạt giống đỏ” ở những bản làng dân tộc La Hủ: “Cầu nối” giữa Đảng với Nhân dân (Bài 1) 2

Sinh sống ở nơi “ngửa mặt thấy trời, cúi mặt thấy vực sâu, rừng thẳm”, thời tiết khắc nghiệt, cộng với xuất phát điểm thấp của gia đình cũng như dân tộc mình, là đảng viên, Bí thư Chi Bộ kiêm Trưởng bản, anh Pờ Lò Hừ đã mày mò tìm tòi, học hỏi để xây dựng kinh tế gia đình. Sau nhiều năm cần mẫn, đến nay, anh Hừ đã có trong tay tài sản hàng tỷ đồng, với đàn trâu bò hơn 100 con, hàng chục ha quế, sa nhân, thảo quả, sâm...

Nhiều năm qua, anh Pờ Lò Hừ cũng giúp đỡ hàng trăm hộ dân trong bản, trong xã. Không chỉ tạo việc làm, hàng năm các gia đình thiếu đói giáp hạt anh Hừ cho thóc, cho gạo; hộ không có vốn và kinh nghiệm làm ăn anh cho vay tiền không tính lãi, rồi hướng dẫn cách làm kinh tế. Từ mô hình kinh tế trang trại của Bí thư Chi bộ, Trưởng bản Pha Bu Pờ Lò Hừ, đến nay ở xã Pa Ủ đã xuất hiện nhiều mô hình khác tại các bản Mu Chi, Thăm Pa, Nhú Ma, Ứ Ma, Xà Hồ...

Tâm sự với chúng tôi, chị Ly Mò Nu, người dân ở bản Pha Bu, xã Pa Ủ hồ hởi chia sẻ, anh Pờ Lò Hừ là tấm gương để bà con dân bản học theo. Những năm qua, nhờ sự giúp đỡ của anh Hừ, bà con dân bản đã đỡ được cảnh đói nghèo.

"Bây giờ không còn khó khăn như trước nên các con mình cũng được cho theo học chữ tốt hơn. Không chỉ có gia đình nhà mình đâu, mà nhiều hộ ở trong bản giờ đây cũng sống đủ đầy hơn trước. Bà con trong bản vui lắm", chị Ly Mò Nu bộc bạch.

Thay đổi từ sự lãnh đạo của tổ chức đảng

Năm 2014, Chi bộ bản Pha Bu được thành lập, anh Pờ Lò Hừ được tín nhiệm bầu là Bí thư Chi bộ. Đến thời điểm hiện tại, Chi bộ bản Pha Bu có 6 đảng viên. Kể từ khi thành lập được Chi bộ đến nay, đời sống người dân thay đổi thấy rõ.

“Cả bản Pha Bu hiện có 102 hộ dân, với 452 nhân khẩu. Trước năm 2014, tỷ lệ hộ nghèo của bản Pha Bu là gần 100%. Thế nhưng, từ khi thành lập được Chi bộ, các đồng chí đảng viên đã luôn gương mẫu, đi đầu, đưa các chủ trương, chính sách của Đảng, Nhà nước đến với Nhân dân, qua đó bà con đã thay đổi rất nhiều. Hiện, nhiều hộ đã thoát nghèo. Tỷ lệ hộ nghèo của bản chỉ còn hơn 70%”, anh Hừ nói.

Anh Pờ Lò Hừ là đảng viên đi đầu giúp bản làng đồng bào La Hủ đổi thay
Anh Pờ Lò Hừ là đảng viên đi đầu giúp bản làng đồng bào La Hủ đổi thay. (Ảnh: Nhân vật cung cấp)

"Đối với những địa bàn khó khăn, đời sống bà con còn hạn chế trong nhận thức cũng như trình độ phát triển, những gương điển hình như thế này rất đáng trân trọng. Những đảng viên như anh Pờ Lò Hừ vừa là người trực tiếp ở tại cơ sở, vừa là người trong đồng bào dân tộc thiểu số đã có uy tín với Nhân dân. Qua việc làm thực tế của các anh ấy đã tạo sức lan tỏa và là tấm gương để động viên và giúp đỡ, vận động bà con Nhân dân địa phương học và làm theo, cũng giúp cho kinh tế - xã hội của xã từng bước được nâng lên".

Ông Đao Văn Thức, Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ, huyện Mường Tè, tỉnh Lai Châu


Nhớ đến những tháng ngày dày công thực hiện việc xóa bản “trắng đảng viên” tại vùng đồng bào dân tộc La Hủ ở xã Pa Ủ, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Ly Sạ Pu vẫn không thể quên, chính ông là một trong những người đầu tiên “ươm mầm” đảng viên ở nơi khó khăn ấy.

Theo ông Ly Sạ Pu, trong điều kiện cuộc sống còn nhiều hủ tục lạc hậu, ngày này qua tháng khác, đàn ông, đàn bà người La Hủ uống rượu và hút thuốc lào, trong nhà rượu nhiều hơn gạo, cuộc sống chỉ trông chờ vào thiên nhiên, du canh, du cư, thì đối với họ: nhắc đến hai tiếng "đảng viên" như một khái niệm mơ hồ, xa xăm.

“Nhớ năm 2000 về trước, các Chi bộ rất ít đảng viên và khi đó xã cũng chỉ là Chi bộ chứ chưa là Đảng bộ. Vì thế, để thành lập được Đảng bộ với 30 đảng viên thì phải động viên mọi người đi học cũng như tham gia lớp bồi dưỡng về Đảng. Nhờ đó, dần dần cũng thành lập được Đảng bộ. Khó khăn không kể hết được nhưng tôi phải cố gắng rất nhiều, tìm được nhân tố nào đáp ứng yêu cầu, là tôi động viên để họ phấn đấu vào Đảng”, nguyên Bí thư Đảng ủy xã Pa Ủ Ly Sạ Pu kể lại.

Con trai, con gái người La Hủ thời điểm trước những năm 2015, cứ đi học cho biết mặt chữ rồi nghỉ học, 13 - 15 tuổi lập gia đình, từ đó trở đi quẩn quanh với việc đào củ măng, củ sắn trong rừng, không biết trồng lúa nước, quen với cảnh nghèo đói. Khi cái ăn, cái mặc còn khó khăn, thì nhận thức về Đảng của đồng bào hẳn là chưa thể đầy đủ, họ không mấy mặn mà với việc vào Đảng. 

Phóng viên có dịp được đến với đồng bào La Hủ để tìm hiểu về cuộc sống sự thay đổi thay đổi trong vùng đồng bào La Hủ
Phóng viên có dịp được đến với đồng bào La Hủ để tìm hiểu về cuộc sống, sự thay đổi trong vùng đồng bào La Hủ

Cùng với đó, còn chưa tính đến những điều lệ của Đảng, các đối tượng kết nạp Đảng phải học hết bậc Trung học cơ sở, không vi phạm chính sách dân số... Trong khi đó, hầu hết người dân tộc La Hủ và nhiều dân tộc khác ở đây trình độ văn hóa còn thấp, đa số đều sinh từ 3 đến 4 con trở lên. Vì vậy, tìm được những quần chúng ưu tú để bồi dưỡng, giới thiệu cho Đảng, là những tháng ngày khó khăn của ông Ly Sạ Pu, cũng như tập thể Đảng ủy xã Pa Ủ.

Tuy nhiên, nhờ các chủ trương, chính sách của Đảng, hôm nay, người dân La Hủ ở Pa Ủ đã từ bỏ tập tục phát nương trọc lỗ bỏ hạt, thay vào đó là những thửa ruộng bậc thang trồng lúa nước. Bà con không còn thả rông con gà, con lợn như trước để thay bằng đàn bò có chuồng, có vùng chăn thả theo các chính sách hỗ trợ đầu tư từ chương trình mục tiêu Chương trình xây dựng nông thôn mới, giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030. Nhờ đó, đời sống bà con ngày càng ấm no.

Tính từ đầu nhiệm kỳ đến ngày 09/10/2024, Đảng bộ xã Pa Ủ đã kết nạp được 61 đảng viên, trong đó có 56 đồng chí là người dân tộc La Hủ. Để có được kết quả này, nếu không có những đảng viên tâm huyết, trách nhiệm như ông Ly Sạ Pu và về sau này, còn nhiều đồng chí khác nữa, thì chắc khó phát triển thêm được đảng viên trẻ; và khó có được những Chi bộ mới được thành lập ở vùng heo hút, xa xôi này. Mà có Chi bộ mạnh, thì đời sống bà con La Hủ mới ấm no và đổi thay được như vậy...

Tin cùng chuyên mục
Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024

Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024

Sáng 30/12, tại Hà Nội, Ủy ban Dân tộc đã tổ chức Hội nghị toàn quốc tổng kết công tác dân tộc năm 2024, triển khai nhiệm vụ năm 2025. Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Thường trực Chính phủ Nguyễn Hòa Bình đến dự và phát biểu chỉ đạo tại Hội nghị.