Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Phóng sự

Người đào ao ở lưng chừng núi

Phạm Việt Thắng - 05:48, 16/11/2022

Hai lần bị thương, anh bộ đội Vang Hồng Phong mới chịu rời quân ngũ. Trở về với bản làng, thay vì an hưởng chế độ thương tật, người thương binh ấy vẫn hăng say lao động, miệt mài đi tìm cái mới, cái hay để phát triển kinh tế gia đình, làm gương cho bà con noi theo. “Có ai như tôi không, dám đào ao ở lưng chừng núi”, ông Vang nói về tinh thần dám nghĩ dám làm của mình.


Ông Phong bên dàn phong lan thơ mộng
Ông Phong bên giàn phong lan thơ mộng

Hai lần bị thương

Ngôi nhà sàn khang trang, xinh xắn của ông Vang Hồng Phong sang trọng, đẹp đẽ hơn bởi giàn phong lan thơ mộng đầu hè, chứng tỏ chủ nhân của ngôi nhà chắc chắn là người rất có tâm hồn và cuộc sống phải ở mức khá giả. Ông Phong vội khóa vòi phun nước, mà theo ông, là thói quen mỗi sáng tưới cho giàn phong lan, ông xuống tận chân cầu thang để đón chúng tôi.

Khỏe bọ (tiếng Thái là khỏe không)? Ông vồn vã hỏi thăm sức khỏe, thân mật và ấm áp vô cùng. Chúng tôi xin được ngồi ngoài hiên để trò chuyện, nhưng ông nhất quyết không đồng ý: “Khách quý mà, phải vào trong nhà, phải uống một chén rượu đã”.

Tôi gợi lại chuyện chiến chinh, ông Phong rực sáng, giọng ông hùng hồn: Ác liệt lắm và cũng vinh quang lắm, chiến đấu để bảo vệ Tổ quốc mà. Rồi ông xắn tay áo lên, nói về vết thương trong trận đánh ở Mộ Đức, Ba Tơ. “Vết thương này làm cho tay tôi không thể bóp cò súng được nữa, đành phải rời chiến trường” – ông Phong nhớ lại một thời hào hùng.

Ông kể, năm 18 tuổi – 1968, ông lên đường nhập ngũ. Đơn vị ông chiến đấu ở chiến trường B5, rất ác liệt. Ta và địch giành nhau từng mét đất. Trong một trận đánh vào đồn địch, ông đã bị thương, khi tỉnh lại thì đã nằm trong trạm xá, đồng đội không còn mấy người sống sót. Hồi phục, ông được chuyển vể sư đoàn 2, do tướng Nguyễn Chơn chỉ huy, chiến đấu ở chiến trường Tây Nguyên, gọi là B3. Rồi tiếp tục tiến đánh địch ở Bình Định, Quảng Ngãi. Chính ở chiến trường này, ông bị thương lần 2 và không thể tiếp tục chiến đấu được nữa. “Miền Nam chưa được giải phóng, thế mà tôi lại không thể tiếp tục cầm súng được nữa, tiếc lắm” – giọng ông Phong chùng xuống.

Ông Phong ngừng một lúc như để qua cơn xúc động, rồi vỗ vào vai tôi, nhỏ nhẹ: Tôi còn may mắn lắm, chỉ bị thương một tay, nhiều đồng đội của tôi phải nằm lại chiến trường, nhiều người đến nay vẫn chưa tìm được mộ. Nghĩ thế nên mình phải càng nỗ lực lao động, không để trở thành gánh nặng cho gia đình và xã hội.

Thương binh Vang Hồng Phong say sưa kể về một thời hào hùng
Thương binh Vang Hồng Phong say sưa kể về một thời hào hùng

Vẫn rực sáng tinh thần tiến công

Phục viên, anh thương binh Vang Hồng Phong được giao làm kế toán hợp tác xã. “Làm cái anh kế toán, đầu đội chính sách, vai mang chứng từ, phải phân minh, công tâm thì bà con mới tin” – ông Phong nói như thế, và thêm rằng, mình làm việc vô tư, trong sáng nên bà con quý lắm, vì mình là bộ đội cụ Hồ mà.

Nghỉ kế toán, bà con lại bầu ông làm trưởng bản. Ông kể, ngày xưa bản nghèo lắm, ít ruộng nên thiếu đói liên miên. Mình là trưởng bản thì phải nghĩ cho bà con. Ít ruộng thì phải tăng năng suất. Muốn tăng năng suất thì phải bón phân, phải tìm giống lúa mới, cứ làm theo lối cũ thì làm sao mà đủ ăn được. Thế là tôi vận động bà con nuôi nhốt trâu bò để lấy phân bón ruộng, vận động họ phải trồng giống lúa mới…Mà muốn nói cho bà con nghe thì mình phải làm trước.

Tuổi lớn, sức yếu, ông xin nghỉ trưởng bản thì bà con lại bầu làm Người có uy tín. Cùng thời gian này, ông được nhận đất rừng sản xuất. “À, vừa có đất sản xuất, nhưng cũng vừa là mô hình cho bà con học tập” – ông Phong nói trong niềm hân hoan. Nhận đất, việc đầu tiên là ông quy hoạch từng khu trồng cây và chăn nuôi. Phần đỉnh đồi thì trồng cây lâu năm, tiếp nữa là cây ăn quả và cuối cùng là trồng rau…

Mùa nào thức ấy, nhà ông Phong ngày nào cũng có thu nhập từ rau quả
Mùa nào thức ấy, nhà ông Phong ngày nào cũng có thu nhập từ rau quả

Chúng tôi cùng lên núi để tận mắt khu rừng mà theo ông là “đầy đủ các chủng loại cây trồng”. Thấy tôi ngạc nhiên trước ao cá nằm ở lưng chừng núi, ông Phong cười, nói: Mấy ông Tây về làm việc ở vườn quốc gia Pù Mát, đến đây cũng rất ngạc nhiên. Họ cứ hỏi đi hỏi lại làm sao mà đào được ao trên núi? “Bữa phát hiện ra mạch nước ngầm ở đây, tôi reo lên, sung sướng lắm, có nước là có cây. Thế là thuê máy đào ao, vừa nuôi cá, vừa dùng làm nước tưới cho cả khu này. Vì thế mà mùa nào thức nấy, ngày nào bà nhà tôi cũng có thứ mang ra chợ bán, ít ra cũng có thu nhập dăm ba trăm ngàn đồng một ngày”.

Bác làm được như thế này thì có vận động bà con làm theo không?

- Có chứ. Tôi đã từng rất buồn trước cảnh đất vườn thì có nhưng nhiều bà con lại cứ ra chợ mua rau. Ngoài vườn rau nhà tôi làm hình mẫu, tôi thường kể cho họ nghe chuyện ở miền Tây Nam bộ, nơi mà tôi được đi tham quan, rằng, họ sống trên sông nước, thế mà vẫn trồng được rau xanh để bán. Tại sao ta có đất mà lại phải đi mua rau. “Lời nói của tôi có tác dụng lắm, bây giờ nhà nào cũng có rau xanh quanh năm” – ông Phong rất phấn khởi.

Xuống núi, tôi thân mật hỏi ông, có tiếp tục làm Người có uy tín khóa tới nữa không. Ông Phong không trực tiếp trả lời câu hỏi của tôi mà chỉ kể lại câu chuyện hồi đầu năm: “Tôi vào thăm con gái ở Đăk Lăk có mấy tháng thôi mà bà con điện thoại tíu tít, họ nhớ lắm. Khi trở về, mọi người đến kín nhà, ai cũng nói nhớ bác, mong bác về lắm lắm…”

Câu chuyện giản dị của ông Phong đã làm tôi rất xúc động. Chia tay ông, tôi thầm nghĩ, vì bác là “bộ đội cụ Hồ”!

Tin cùng chuyên mục
Người nặng lòng với văn hóa của dân tộc Bru-Vân kiều ở làng Chênh Vênh

Người nặng lòng với văn hóa của dân tộc Bru-Vân kiều ở làng Chênh Vênh

Là người dân tộc Bru-Vân kiều, ông Hồ Văn Lý (huyện Hướng Hóa, Quảng Trị), đã có nhiều cách để lưu giữ nét đẹp văn hóa của dân tộc mình. Từ Làn điệu dân ca, đến cách chơi các loại nhạc cụ truyền thống đều được ông tận tâm truyền dạy cho người trẻ với mong muốn giữ những âm điệu tà oải, xà nớt, Ta lư...vang mãi trên đỉnh Trường Sơn.