Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xuân ấm trên bản vùng cao Cóc Rế

Chí Tín - Vũ Mừng - 08:57, 24/12/2023

Sau những cái ôm và siết tay thật chặt, tôi cùng đoàn công tác sải bước chân trên con đường chạy băng qua những thửa ruộng bậc thang, để về thăm ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng từ nguồn vốn Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào dân tộc thiểu số giai đoạn 2021-2030 (Chương trình MTQG 1719) của anh Thèn Sào Thưởng. Sẻ chia về cuộc sống hiện tại, chàng trai người Nùng rạng rỡ: “Xây được ngôi nhà to thế này, nhiều đêm liền vợ chồng em không sao ngủ được, cứ đi ra đi vào ngắm nghía mãi”.

Anh Thèn Sào Thưởng và chị Lù Thị Chắm hạnh phúc bên ngôi nhà mới
Anh Thèn Sào Thưởng và chị Lù Thị Chắm hạnh phúc bên ngôi nhà mới

Hiện thực hóa ước mơ an cư lạc nghiệp

Chúng tôi có mặt tại xã Nàng Đôn, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang khi bình minh vừa ló rạng. Nằm ở độ cao 1200m so với mực nước biển, trung tâm hành chính của xã, như một đài quan sát tự nhiên vô cùng lý tưởng dành cho khách lạ khi có dịp ghé thăm. Phóng tầm mắt qua những thửa ruộng bậc thang khổng lồ, hàng hàng, lớp lớp những ngôi nhà kiên cố của đồng bào dân tộc Nùng, dân tộc Mông hiện lên rõ mồn một.

Thôn Cóc Rế xã Nàng Đôn có 69 hộ gia đình, với 343 nhân khẩu, 100% là đồng bào dân tộc Nùng. Nhiều năm trước đây, trong khi nền kinh tế tự cung tự cấp của không ít bản làng vùng sâu, vùng xa đã dần được thay thế thì các hoạt động của người dân tại thôn Cốc Rế vẫn mang tính tự phát, manh mún và chắp vá. 

Kinh tế truyền thống của đồng bào là trồng trọt, chăn nuôi, tiểu thủ công và khai thác tự nhiên chỉ đóng vai trò bổ trợ. Thế nhưng, nhờ nguồn lực hỗ trợ từ các Chương trình Mục tiêu quốc gia: Nông thôn mới; Giảm nghèo bền vững và Chương trình MTQG 1719 mà diện mạo và đời sống vật chất, tinh thần của đồng bào dân tộc Nùng tại đây đã đổi khác, khấm khá hơn hẳn.

Sẻ chia với chúng tôi về căn nhà mới, anh Thèn Sào Thưởng xúc động: "Em lập gia đình từ năm 2012. Hơn 10 năm hai vợ chồng cùng xây dựng hạnh phúc mới, 3 cháu nhỏ lần lượt ra đời. Nỗi lo thường trực khi nhà ở của gia đình dần xuống cấp mà không có điều kiện kinh tế để sửa chữa lại khiến bản thân em loay hoay, trăn trở. Nhiều lần thấy các cháu cặm cụi học bài dưới mái nhà dột lòng em buồn lắm. Tới tháng 7 năm 2023, gia đình em được Nhà nước hỗ trợ 44 triệu đồng để xây dựng nhà. Ngày khởi công, anh em làng xóm và các ban ngành, đoàn thể trong xã đến phụ giúp rất đông, niềm vui cứ thế nhân lên anh ạ”.

Cán bộ Phòng dân tộc huyện Hoàng Su Phì và xã Nàng Đôn thăm căn nhà mới của hộ gia đình anh Thèn Sào Thưởng.
Cán bộ Phòng dân tộc huyện Hoàng Su Phì và xã Nàng Đôn thăm căn nhà mới của hộ gia đình anh Thèn Sào Thưởng.

Tham quan căn nhà sàn rộng hơn 100m2, anh Thèn Sào Thưởng giới thiệu: Quá trình thi công, vợ chồng anh bàn bạc chia căn nhà thành nhiều không gian sinh hoạt. Nơi có cửa sổ em sử dụng làm góc học tập cho các cháu. Một phần không gian sẽ đặt máy may để vợ khâu vá để gia đình có thêm nguồn thu nhập. Nơi cao ráo, trang trọng em đặt ban thờ tổ tiên theo truyền thống của dân tộc mình. Và chỗ kín gió vợ chồng em giành riêng để tích trữ, bảo quản lương thực thu hái được sau mỗi mùa vụ. Niềm vui đến bất ngờ càng khiến gia đình có động lực vượt khó để làm ăn và nuôi dạy con cái học hành.

Xây những ngôi nhà từ “ý Đảng, lòng dân”

Chủ tịch UBND xã Nàng Đôn, Lù Văn Dương thông tin: Nằm cách trung tâm huyện khoảng 30 km, Nàng Đôn là xã vùng cao của huyện Hoàng Su Phì. Do địa hình phức tạp và khí hậu khắc nghiệt, giao thông đi lại tương đối khó khăn nên đời sống của người dân tại 7 thôn bản còn nhiều vất vả. Thực hiện Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719, xã Nàng Đôn có 10 hộ nghèo được hỗ trợ nhà ở, với mức hỗ trợ 44 triệu đồng/hộ, trong đó ngân sách Trung ương 40 triệu đồng/hộ, ngân sách địa phương 4 triệu đồng/hộ. Ở thời điểm hiện tại địa phương đã tiến hành nghiệm thu và giải ngân xong.

Trước niềm vui của các hộ được nhận hỗ trợ nhà, ông Lù Văn Dương cũng phấn khởi chia sẻ, trong quá trình triển khai thực hiện Dự án xã Nàng Đôn luôn nhận được sự chỉ đạo sâu sát của các cấp, ngành, đặc biệt là sự tham gia hưởng ứng của Nhân dân. Việc làm ý nghĩa này sẽ góp phần xóa đói, giảm nghèo cho đồng bào vùng sâu, vùng xa, đồng bào các DTTS tiếp tục bám đất, bám bản, yên tâm lao động sản xuất, ổn định cuộc sống; củng cố niềm tin của Nhân dân vào chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước.

Căn nhà tại thôn Cóc Rế được nhà nước hỗ trợ xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng
Căn nhà tại thôn Cóc Rế được nhà nước hỗ trợ xây dựng theo lối kiến trúc truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng

Kinh nghiệm thực tế tại xã Nàng Đôn cho thấy, các đối tượng được hỗ trợ là những đối tượng được rà soát, bình xét đúng theo quy định, đảm bảo công khai, minh bạch và đúng đối tượng thụ hưởng. Những ngôi nhà mới được hoàn thành xây dựng đảm bảo 3 cứng (cứng nền – tường – mái).

 Đặc biệt, các cấp ủy Đảng và chính quyền xã Nàng Đôn luôn xác định, không chỉ hỗ trợ người dân có một mái ấm để yên tâm phát triển kinh tế, mà còn chăm lo tới việc bảo tồn văn hóa, bản sắc dân tộc thông qua kiến trúc của ngôi nhà. 100% những ngôi nhà được xây dựng tại xã nằm trong Dự án đều được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt theo lối kiến trúc truyền thống của đồng bào.

Dưới nếp nhà truyền thống của đồng bào dân tộc Nùng của anh Thèn Sào Thưởng, nhìn bếp lửa đang reo tí tách, chúng tôi thấy lòng rộn ràng khi nghe tiếng ba đứa trẻ líu ríu chào bố mẹ để đi học và trên con dốc dẫn lên hiên nhà, cây đào rừng cổ thụ cũng khe khẽ “cựa mình” bung nở những cánh hoa đầu tiên báo hiệu một mùa xuân nữa đang về…

Thông tin với phóng viên Báo Dân tộc và Phát triển, Phó Chủ tịch UBND huyện Hoàng Su Phì Hoàng Đức Tân cho biết: “Trong thời gian tới, huyện Hoàng Su Phì sẽ tiếp tục triển khai thực hiện 03 chương trình mục tiêu quốc gia trên địa bàn huyện giai đoạn 2023-2025; phấn đấu giảm nghèo đa chiều, bền vững, hạn chế tái nghèo. Giảm dần số xã, thôn đặc biệt khó khăn, phát triển toàn diện giáo dục, đào tạo, y tế, văn hóa, cải thiện rõ rệt đời sống của Nhân dân...; Bên cạnh đó, tiếp tục xây dựng hệ thống chính trị ở cơ sở vững mạnh; tăng cường khối đại đoàn kết các dân tộc, nâng cao niềm tin của Nhân dân đối với Đảng và Nhà nước, góp phần hoàn thành thắng lợi Nghị quyết đại hội Đảng bộ huyện nhiệm kỳ 2020 - 2025.

Tin cùng chuyên mục
Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Từng làm nghề chèo đò chở khách qua sông Ba, ông Ksor Yan (dân tộc Gia Rai, 60 tuổi, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, Gia Lai) chứng kiến những nguy hiểm rình rập với bà con mỗi khi muốn qua sông, ông đã quyết tâm đứng ra làm cầu gỗ bắc qua sông Ba, giúp cho hàng trăm hộ dân hai bên bờ đi lại thuận lợi, tiết kiệm thời gian.