Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Đồng bào DTTS và miền núi với Chương trình MTQG phát triển kinh tế xã hội

Hướng tới mục tiêu xóa nhà tạm ở vùng đồng bào DTTS và miền núi

Khánh Thi - 06:52, 14/12/2023

Để góp phần giảm nghèo bền vững, từ các chương trình, dự án có nguồn ngân sách nhà nước và sự hỗ trợ của cộng đồng, Chính phủ đặt mục tiêu đến năm 2030 xóa hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm cho người dân. Với những quy định “mở”, Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021 – 2030; giai đoạn I: 2021 – 2025 (Chương trình MTQG 1719) là giải pháp quan trọng để hướng tới hoàn thành mục tiêu này.

Nghị quyết số 42-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm cho người dân.
Nghị quyết số 42-NQ/TW đặt mục tiêu đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm cho người dân.

“Cởi trói” điều kiện thụ hưởng

Trong hầu hết các chính sách hỗ trợ mới từ ngân sách nhà nước, một trong những quy định bắt buộc là đối tượng chưa thụ hưởng chính sách tương tự tại các chương trình, dự án khác. Với nội dung hỗ trợ nhà ở, trong Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững 2021 – 2025 cũng quy định, đối tượng được thụ hưởng là hộ nghèo, hộ cận nghèo chưa được hỗ trợ sửa chữa, xây mới nhà ở theo các chính sách trước đây (được ban hành tại Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg,…).

Nhìn lại thời gian ban hành các quyết định nêu trên thì thấy rằng, các hộ gia đình được hỗ trợ về nhà ở cách đây cũng đã hàng chục năm. Hơn nữa, định mức hỗ trợ nhà ở theo các chương trình này rất thấp. Trong đó, đối với Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg ngày 20/7/2004, ngân sách Trung ương hỗ trợ 5 triệu đồng/hộ để làm nhà ở (tại Quyết định số 198/2007/QĐ-TTg ngày 31/12/2007 về sửa đổi, bổ sung một số điều của Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, mức hỗ trợ được nâng lên 6 triệu đồng/hộ).

Còn tại Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, định mức ngân sách Trung ương cũng chỉ 7 triệu đồng/hộ. Ngoài ra, hộ nghèo có nhu cầu thì được hỗ trợ vay vốn ưu đãi, nhưng tối đa không quá 8 triệu đồng để làm nhà ở.

Theo đại biểu Quốc hội Hồ Thị Kim Ngân (Đoàn đại biểu Quốc hội tỉnh Bắc Kạn), với định mức hỗ trợ thấp nên yêu cầu tuổi thọ về nhà ở trong Quyết định số 134/2004/QĐ-TTg, Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg là không dài. Riêng tại Bắc Kạn, theo đại biểu Ngân, toàn tỉnh thụ hưởng các chính sách hỗ trợ nhà ở trước nay, nay vẫn thuộc đối tượng hộ nghèo, hộ cận nghèo, hiện trạng nhà ở đã hư hỏng, dột nát, có nguy cơ sụp đổ và có nhu cầu cấp thiết cần được hỗ trợ về nhà ở để ổn định cuộc sống.

Hỗ trợ xây nhà ở kiên cố giúp hộ nghèo giảm thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước thoát nghèo bền vững. (Ảnh minh họa)
Hỗ trợ xây nhà ở kiên cố giúp hộ nghèo giảm thiếu hụt tiếp cận dịch vụ xã hội cơ bản, từng bước thoát nghèo bền vững. (Ảnh minh họa)

Hộ nghèo người DTTS ở Bắc Kạn nói riêng, ở các địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi nói chung, đã được thụ hưởng chính sách về nhà ở trước đây, nhưng nay có nhu cầu cấp bách về nhà ở vẫn có thể được hỗ trợ từ Chương trình MTQG 1719. Theo kế hoạch, Chương trình MTQG dự kiến giải quyết về nhà ở cho 18.300 hộ ở các địa bàn triển khai Chương trình.

Theo Thông tư 02/2022/TT-UBDT hướng dẫn thực hiện một số dự án thuộc Chương trình MTQG 1719, đối tượng được hỗ trợ nhà ở gồm: Hộ đồng DTTS nghèo sinh sống trên địa bàn vùng đồng bào DTTS và miền núi, hộ nghèo dân tộc Kinh sinh sống ở xã, thôn đặc biệt khó khăn vùng đồng bào DTTS&MN chưa có nhà ở, hoặc nhà ở bị dột nát, hư hỏng. Ngoài ra, theo quy định tại Dự án 1 của Chương trình MTQG 1719, hộ gia đình được hỗ trợ đất ở, thì được đồng thời xem xét hỗ trợ nhà ở.

Huy động cộng đồng tham gia

Để hỗ trợ hộ nghèo đa chiều giảm thiếu hụt về chỉ số nhà ở, các chính sách đều có những quy định chặt chẽ về chất lượng nhà ở, đáp ứng “3 cứng” (nền cứng, khung cứng, mái cứng), có tuổi thọ từ 20 năm trở lên theo quy định tại Quyết định số 90/QĐ-TTg phê duyệt Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 - 2025. Tuy nhiên, khi thảo luận về định mức hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, nhiều ý kiến bày tỏ băn khoăn về tính khả thi của những yêu cầu này.

Cùng với ngân sách nhà nước thì cần huy động đóng góp của cộng đồng, người dân trong thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. (Trong ảnh: Người dân thôn Dì Thàng, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang chung tay hỗ trợ một trong thôn sửa chữa nhà ở )
Cùng với ngân sách nhà nước thì cần huy động đóng góp của cộng đồng, người dân trong thực hiện hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo. (Trong ảnh: Người dân thôn Dì Thàng, xã Bản Nhùng, huyện Hoàng Su Phì, tỉnh Hà Giang chung tay hỗ trợ một trong thôn sửa chữa nhà ở )

Theo bà Chu Thị Hồng Thái, Phó Chánh Văn phòng Hội Nông dân tỉnh Lạng Sơn, khi tiếp cận chính sách hỗ trợ nhà ở, để đáp ứng yêu cầu chất lượng “3 cứng”, tuổi thọ 20 năm trở lên, thì với số tiền hỗ rợ từ ngân sách 40 triệu đồng/hộ xây mới (20 triệu/hộ sửa chữa) thì hộ nghèo cần có tiền đối ứng mới bảo đảm được. Nhưng đã là hộ nghèo thì còn phải lo ăn từng bữa, vì thế việc đáp ứng được yêu cầu của chương trình là vấn đề rất khó khăn, nan giải.

Đây là một trong những nguyên nhân khiến nội dung hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo của Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững giai đoạn 2021 – 2025 đến nay, nhiều địa phương chưa thực hiện được. Chương trình đặt ra mục tiêu đến năm 2025 hỗ trợ nhà ở cho tối thiểu 100.000 hộ nghèo, hộ cận nghèo trên địa bàn các huyện nghèo; nhưng theo báo cáo của Chính phủ tại kỳ họp thứ 5, Quốc hội khóa XV, tính đến tháng 7/2023 mới thực hiện được 6.051 căn (trong đó xây mới là 4.406 căn, sửa chữa là 1.645 căn).

Là chương trình “sát sườn” với hộ nghèo ở những địa bàn “lõi nghèo” của vùng đồng bào DTTS và miền núi, trong Chương trình MTQG 1719, bên cạnh định mức hỗ trợ từ ngân sách Trung ương (40 triệu đồng/hộ xây mới, 20 triệu/hộ sửa chữa), thì hộ nghèo được thụ hưởng được tiếp cận vay vốn tín dụng ưu đãi. Cụ thể, Thông tư số 02/2023/TT-UBDT ngày 21/8/2023 sửa đổi, bổ sung một số điều Thông tư 02/2022/TT-UBDT bổ sung chính sách vay vốn ưu đãi theo Nghị định số 28/2022/NĐ-CP ngày 26/4/2022, với mức vay tối đa 40 triệu đồng/hộ; thời hạn vay tối đa 15 năm, trong 5 năm đầu chưa phải trả nợ gốc.

Cũng như các chính sách trước đây, Chương trình MTQG 1719 khuyến khích cộng đồng và người dân trong thực hiện mục tiêu giải quyết nhà ở cho hộ nghèo, hộ cận nghèo ở vùng đồng bào DTTS và miền núi. Hiệu quả của việc huy động cộng đồng và người dân tham gia xóa nhà dột nát, nhà tạm đã được đúc kết từ thực tiễn triển khai Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg về chính sách hỗ trợ nhà ở cho hộ nghèo.

Trong Báo cáo số 855/BC-UBDT ngày 3/6/2022 về tổng kết 10 năm thực hiện Nghị định số 05/2011/NĐ-CP của Chính phủ về công tác dân tộc, Ủy ban Dân tộc cho biết, chính sách theo Quyết định số 167/2008/QĐ-TTg đã hỗ trợ nhà ở cho 531.000 hộ nghèo, trong đó 45% số hộ là người DTTS. Một số tỉnh đã bổ sung thêm ngân sách địa phương và huy động sự tham gia của cộng đồng, các nguồn vốn hợp pháp khác đạt kết quả cao trong hỗ trợ nhà ở như: Bà Rịa – Vũng Tàu (100%), Quảng Ninh (86,5%), Yên Bái (84%), Đăk Lăk (88%),…

Cùng với chính sách hỗ trợ nhà ở tử các chươngtrình MTQG, tại phiên họp lần thứ 6 (ngày 10/8/2023), Hội đồng Thi đua - Khenthưởng Trung ương đã thảo luận và thống nhất phát động Phong trào thi đua “Xóanhà tạm, nhà dột nát” từ nay đến năm 2025. Tại Hội nghị Trung ương 8 (từ ngày 2 đến ngày 8/10/2023), Ban Chấp hành Trung ương đã ban hành Nghị quyết số 42-NQ/TW, trong đó xác định mục tiêu đến năm 2030, xây dựng được 1 triệu căn nhà ở xã hội cho người thu nhập thấp, công nhân khu công nghiệp; đến năm 2030 sẽ xóa bỏ hoàn toàn nhà dột nát, nhà tạm cho người.
Tin cùng chuyên mục
Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Thanh Hóa: Biểu dương, tôn vinh 150 điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi

Ngày 27/12, UBND tỉnh Thanh Hóa tổ chức Hội nghị biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến trong vùng đồng bào DTTS và miền núi của tỉnh năm 2023. Dự hội nghị có: Vụ trưởng Vụ Chính sách Dân tộc (Ủy ban Dân tộc) Lưu Xuân Thủy; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Phó Bí thư Tỉnh ủy Thanh Hóa Trịnh Tuấn Sinh; Ủy viên Ban Thường vụ Tỉnh ủy, Trưởng Ban Dân vận Tỉnh ủy, Chủ tịch Ủy ban MTTQ Việt Nam tỉnh Thanh Hóa Phạm Thị Thanh Thủy; Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa Đầu Thanh Tùng; lãnh đạo Ban Dân tộc tỉnh, một số sở, ngành, đơn vị của tỉnh, UBND 11 huyện miền núi và 6 huyện, thị xã giáp ranh có xã, thôn, bản miền núi cùng 150 đại biểu điển hình tiên tiến đại diện cho trên 701.000 người DTTS toàn tỉnh.