Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

10 sự kiện nổi bật trong nước năm 2022

PV - 22:44, 31/12/2022

Năm 2022 sắp khép lại với những nhiều sự kiện dấu ấn nổi bật trong đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội của đất nước. Dưới đây là 10 sự kiện nổi bật trong nước năm 2022.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 - 1/11/2022
Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng và Tổng Bí thư, Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình trong chuyến thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 - 1/11/2022

1.Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng thăm chính thức Trung Quốc từ ngày 30/10 - 1/11/2022. Chuyến thăm của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng diễn ra ngay sau khi kết thúc Đại hội XX của Đảng Cộng sản Trung Quốc là sự kiện đối ngoại đặc biệt quan trọng đối với cả Việt Nam và Trung Quốc, thể hiện sự coi trọng của Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc và cá nhân Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình đối với vị thế, vai trò quốc tế của Việt Nam và cá nhân Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng.

Trong chuyến thăm này, hai bên đã ra Tuyên bố chung gồm 13 điểm, bao gồm cả những nội dung mang tính chiến lược định hướng cho phát triển quan hệ hai nước trên tất cả các lĩnh vực trong thời gian tới; nhất trí tiếp tục củng cố và phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc theo phương châm 16 chữ “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần 4 tốt “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”.

“Tuyên bố chung về việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam-Trung Quốc” và 13 văn kiện hợp tác trên các lĩnh vực đã phản ánh một cách chân thực và sinh động về tầm vóc cũng như mức độ gắn kết của quan hệ Việt Nam - Trung Quốc; khẳng định quyết tâm mạnh mẽ của hai Đảng, hai nước trong việc tiếp tục đẩy mạnh và làm sâu sắc hơn nữa quan hệ hợp tác giữa hai nước trong thời gian tới.

Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương
Hội nghị lần thứ 6 Ban Chấp hành Trung ương

2. Nhiều vấn đề hệ trọng được quyết định có ý nghĩa chiến lược với sự phát triển của đất nước

Hội nghị Trung ương 5 và Trung ương 6, khóa XIII đã quyết định nhiều nội dung quan trọng như: Định hướng Quy hoạch tổng thể quốc gia thời kỳ 2021 - 2030 và tầm nhìn đến năm 2050; Tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa; Đổi mới phương thức lãnh đạo của Đảng; Xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa Việt Nam; Chính sách, pháp luật về đất đai; Vấn đề nông nghiệp, nông dân, nông thôn, kinh tế tập thể; Nâng cao chất lượng đội ngũ đảng viên trong giai đoạn mới...

Bộ Chính trị ban hành 6 Nghị quyết Vùng về phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng - an ninh đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045, tạo sự thống nhất cao về nhận thức và hành động trong toàn Đảng, toàn dân, toàn quân.

Trên cơ sở đó, Quốc hội, Chính phủ đã thể chế hóa, cụ thể hóa thành các chương trình, dự án, quyết định cụ thể và tổ chức triển khai ngay trong thực tiễn, mở ra cơ hội phát triển bền vững, toàn diện của đất nước cả trước mắt và lâu dài.

Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022
Hội nghị toàn quốc tổng kết 10 năm công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực giai đoạn 2012-2022

3. Trung ương ban hành nhiều Nghị quyết về phòng chống tham nhũng, tiêu cực

Trong năm 2022, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống tham nhũng, tiêu cực đã ban hành gần 30 nghị quyết, chỉ thị, kết luận, quy định về xây dựng, chỉnh đốn Đảng và phòng, chống tham nhũng, tiêu cực.

Trong đó phải kể đến chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh. Chủ trương này đã được Hội nghị Trung ương 5 thống nhất rất cao.

Ngày 2/6/2022, Thường trực Ban Bí thư Võ Văn Thưởng ký Quy định số 67 của Ban Bí thư về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, tổ chức bộ máy, chế độ làm việc, quan hệ công tác của Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Ngay sau đó các tỉnh, thành trong cả nước đã thành lập Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng, tiêu cực cấp tỉnh do Bí thư Tỉnh ủy làm Trưởng ban.

Hay như Quy định 69 của Bộ Chính trị về kỷ luật tổ chức đảng và đảng viên vi phạm với nhiều điểm mới đáng chú ý như: Thêm Điều 30 về xử lý kỷ luật đảng viên vi phạm quy định về chống chạy chức, chạy quyền; nhiều điểm mới trong kỷ luật các vi phạm trong công tác tổ chức, cán bộ…

Đặc biệt là kết luận của Bộ Chính trị về chủ trương bố trí công tác đối với cán bộ thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý sau khi bị kỷ luật. Trong đó, Bộ Chính trị khuyến khích cán bộ bị kỷ luật cảnh cáo hoặc khiển trách mà năng lực hạn chế, uy tín giảm sút tự nguyện xin từ chức.

Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng nêu rõ, trong đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực phải làm quyết liệt và đồng bộ; quyết liệt, đồng bộ giữa xây và chống. Việc Xử lý nghiêm minh các sai phạm theo đúng quan điểm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể đó là ai”. Cùng với xử lý nghiêm sai phạm, Tổng Bí thư yêu cầu phải kịp thời thay thế những cán bộ bị kỷ luật, năng lực hạn chế, uy tín thấp theo phương châm: “Có vào, có ra, có lên, có xuống”.

Tổng Bí thư cũng khẳng định: Đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, tiêu cực không làm “nản chí”, “chùn bước”, sợ sai không dám làm của cán bộ, đảng viên, mà chỉ làm “chùn bước” những ai có động cơ không trong sáng, đã trót “nhúng chàm”...

Một trong những điểm nhấn là Nghị quyết 18 với chủ trương quan trọng - bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định mức “phù hợp với giá phổ biến trên thị trường"
Một trong những điểm nhấn là Nghị quyết 18 với chủ trương quan trọng - bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định mức “phù hợp với giá phổ biến trên thị trường"

4. Trung ương ban hành Nghị quyết về đất đai

Năm 2022, Trung ương Đảng ban hành hàng loạt nghị quyết. Một trong những điểm nhấn là Nghị quyết 18 với chủ trương quan trọng - bỏ khung giá đất, chuyển sang xác định mức “phù hợp với giá phổ biến trên thị trường". Việc thu hồi đất chỉ làm sau khi phương án bồi thường, hỗ trợ, tái định cư được phê duyệt. Đất công dùng không đúng mục đích sẽ bị thu hồi. Người có nhiều nhà, đất, đầu cơ đất, chậm sử dụng hoặc bỏ đất hoang sẽ bị áp thuế cao.

Nghị quyết 18 là định hướng để Bộ Tài nguyên và Môi trường xây dựng dự thảo Luật Đất đai sửa đổi sau nhiều lần trì hoãn trình Quốc hội, khắc phục bất cập thị trường bất động sản nhiều rủi ro, giá đất được xác định thường thấp hơn giá thị trường gây thất thoát thuế...

Nhiều nghị quyết quan trọng khác cũng được ban hành trong năm như: tiếp tục đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước đến năm 2030; xây dựng, hoàn thiện Nhà nước pháp quyền trong giai đoạn mới; đổi mới phương thức lãnh đạo, cầm quyền của Đảng…

Chính phủ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 8%
Chính phủ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 8%

5. Tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt 8%

Báo cáo trước Quốc hội, Chính phủ dự báo tốc độ tăng trưởng GDP năm 2022 đạt khoảng 8%, vượt mục tiêu đề ra (6 - 6,5%).

Có thể thấy tăng trưởng kinh tế của Việt Nam có sự phục hồi tích cực kể từ đầu năm 2022 trong khi nhiều nền kinh tế thế giới và khu vực đối diện với khó khăn, tiềm ẩn rủi ro suy thoái. Trong quý I/2022, quý II/2022 và quý III/2022 tốc độ tăng GDP lần lượt đạt 5,05%, 7,72% và 13,67%; tăng trưởng kinh tế 9 tháng đầu năm 2022 tăng 8,83%, là mức tăng cao nhất của 9 tháng giai đoạn 2021-2022, vượt dự kiến kịch bản đặt ra. Mức tăng trưởng GDP 8% như ước tính kể trên đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều năm.

Tăng trưởng GDP cũng góp phần khiến số thu ngân sách tăng cao. Tổng thu ngân sách nhà nước ước cả năm đạt khoảng 1,61 triệu tỷ đồng, vượt khoảng 202,4 nghìn tỷ đồng (tăng 14,3%) so với dự toán, tăng 2,9% so với thực hiện năm 2021. Điều này đóng góp quan trọng trong việc bảo đảm đủ nguồn cho các nhiệm vụ chi đã bố trí dự toán, đồng thời tạo dư địa trong điều hành chính sách tài khóa và triển khai các chính sách hỗ trợ tăng trưởng, ổn định và nâng cao đời sống người dân.

Với 205 Huy chương vàng giành được tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn
Với 205 Huy chương vàng giành được tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn

6. SEA Games 31 đã diễn ra thành công vượt bậc

Đại hội Thể thao Đông Nam Á lần thứ 31 (SEA Games 31) đã diễn ra từ ngày 5-23/5, ngay sau khi Việt Nam quyết định mở lại hoạt động du lịch từ ngày 15/3.

Với thành công của SEA Games 31, Việt Nam được đánh giá cao về công tác tổ chức, thành tích chuyên môn cũng như công tác quảng bá hình ảnh đất nước, con người và du lịch Việt Nam sau hơn hai năm chiến đấu chống đại dịch COVID-19.

Với 205 Huy chương vàng (HCV) giành được tại SEA Games 31, thể thao Việt Nam giành ngôi nhất toàn đoàn. Đáng chú ý, số HCV này là kỷ lục mà một quốc gia có thể giành được ở một kỳ SEA Games.

Trong 446 huy chương các loại, thể thao Việt Nam dẫn đầu hàng loạt nội dung tranh tài Olympic, thể hiện cú bứt tốc vượt bậc về chuyên môn lẫn vị thế ở đấu trường khu vực.

Vượt qua những trắc trở do dịch bệnh COVID-19, việc tổ chức thành công kỳ SEA Games đầy ấn tượng mang đến giá trị vượt bậc cho thể thao Việt Nam. Tại SEA Games 31, có niềm vui và cả những giọt nước mắt nhưng trên tất cả là tinh thần thể thao cao thượng, tinh thần đoàn kết của cộng đồng ASEAN. Một kỳ SEA Games đặc biệt trong lịch sử khi trên tất cả là tinh thần đoàn kết, đồng lòng, mạnh mẽ vượt qua những khó khăn bủa vây của dịch bệnh, nỗ lực phục hồi kinh tế xã hội.

Vượt qua giá trị của sự kiện ngày hội thể thao Đông Nam Á, SEA Games 31 với những dấu ấn của nước chủ nhà Việt Nam đã khẳng định tầm nhìn và sứ mệnh của ASEAN: đoàn kết - hòa bình - hữu nghị - hợp tác và phát triển. SEA Games 31 đã diễn ra thành công vượt bậc với tinh thần “Vì một Đông Nam Á mạnh mẽ hơn”.

Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”
Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”

7. Tạo dấu ấn đặc biệt để phát triển văn hóa

Triển khai thực hiện kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021, trong năm qua các Bộ, ngành, địa phương và đoàn thể đã tích cực, chủ động triển khai thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, từng bước đưa Văn hóa thấm sâu vào trong các hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Bộ VHTTDL đã tổ chức Lễ phát động chủ đề công tác năm 2022 của Ngành Văn hóa, Thể thao và Du lịch: “Xây dựng môi trường văn hóa cơ sở và công tác tổ chức cán bộ”; ban hành Kế hoạch hành động thực hiện Kết luận của Tổng Bí thư tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc và Chiến lược phát triển văn hóa đến năm 2030 (giai đoạn 2023-2025)… Nhiều hoạt động của các bộ, ngành, địa phương khác cũng được triển khai thực hiện, bước đầu đã đem lại những chuyển biến tích cực trong nhận thức cũng như hành động của các cấp, các ngành cũng như mỗi người dân về xây dựng và phát triển văn hóa như Hội thảo quốc gia “Hệ giá trị quốc gia, hệ giá trị văn hóa, hệ giá trị gia đình và chuẩn mực con người Việt Nam trong thời kỳ mới”, Hội thảo “Thể chế, chính sách và nguồn lực cho phát triển văn hóa”.

Đây được đánh giá là 2 Hội thảo có ý nghĩa và tác động rất lớn đối với sự phát triển văn hóa nói riêng và phát triển đất nước nói chung. Hai Hội thảo đã tạo dấu ấn và trở thành “điểm sáng” thổi “động lực” cho những người hoạt động trong ngành Văn hóa, tạo sự thống nhất, đồng thuận trong toàn dân,góp phần xây dựng và phát huy giá trị văn hóa, sức mạnh con người Việt Nam, phát triển đất nước nhanh và bền vững, hoàn thành các nhiệm vụ mà Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ XIII đã đề ra.

Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia
Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia

8. Đẩy mạnh chuyển đổi số quốc gia

Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng đã xác định rõ nhiệm vụ quan trọng là “đẩy mạnh chuyển đổi số Quốc gia, phát triển kinh tế số trên nền tảng khoa học và công nghệ, đổi mới sáng tạo”. Chuyển đổi số chỉ có thể thành công nếu lấy người dân là trung tâm và huy động được sự tham gia của toàn dân.

Ngày 22/4/2022, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 505/QĐ-TTg lấy ngày 10 tháng 10 hàng năm là Ngày Chuyển đổi số quốc gia. Năm 2022 là năm đầu tiên các hoạt động nhân Ngày Chuyển đổi số quốc gia được tổ chức với chủ đề “Chuyển đổi số giải quyết các vấn đề của xã hội vì một cuộc sống tốt đẹp hơn cho người dân”. Các hoạt động hưởng ứng Ngày Chuyển đổi số quốc gia năm 2022 tập trung vào phát động các sáng kiến, giới thiệu những sản phẩm, dịch vụ số, thúc đẩy phổ cập kỹ năng số… mang lại lợi ích thiết thực cho người dân, doanh nghiệp.

Năm 2022 là năm chứng kiến những kết quả nổi bật trong xây dựng Chính phủ số, kinh tế số, xã hội số và giao dịch điện tử. Chuyển đổi số đã trở thành toàn dân, toàn diện, với sự tham gia tích cực của các Bộ, Ngành, địa phương.

Nghị quyết Trung ương 6 đã chính thức coi chuyển đổi số là một phương thức phát triển mới có tính đột phá, giúp đẩy nhanh, rút ngắn tiến trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước.

Thị trường xăng dầu hiện tạm ổn sau những nỗ lực điều phối từ cơ quan quản lý
Thị trường xăng dầu hiện tạm ổn sau những nỗ lực điều phối từ cơ quan quản lý

9. Tình trạng thiếu hụt xăng dầu ở nhiều địa phương

Trong tháng 10 và 11, người dân ở nhiều địa phương phải xếp hàng dài để chờ mua xăng hoặc chỉ được mua xăng theo định mức. Tình trạng này là hệ quả của những diễn biến phức tạp trên thị trường dầu mỏ thế giới và cũng bộc lộ những bất cập trong công tác quản lý kinh doanh xăng dầu.

Ngoài tác động từ thế giới, nguyên nhân khiến thị trường năm nay bất ổn, là các doanh nghiệp đầu mối phải nhập hàng ở thời điểm giá cao, bán ra lúc giá thấp nên bị lỗ; chi phí kinh doanh xăng dầu tăng vọt nhưng không được điều chỉnh kịp thời vào giá cơ sở. Cùng đó, Bộ Công Thương tước giấy phép kinh doanh xăng dầu với 5 doanh nghiệp đầu mối ở phía Nam từ 30 đến 45 ngày, trong khi chưa có kịch bản ứng phó, điều phối hàng để bù đắp... càng “bồi” thêm khó khăn về nguồn cung.

Thị trường xăng dầu hiện tạm ổn sau những nỗ lực điều phối từ cơ quan quản lý. Bộ Công Thương đang trình cấp có thẩm quyền xem xét, sửa đổi một số quy định trong kinh doanh xăng dầu (Nghị định 95/2022) để lập lại trật tự thị trường. Việc sửa đổi Nghị định 95/NĐ-CP liệu có giúp thị trường xăng dầu trong nước hoạt động trơn tru hơn hay không là điều rất quan trọng cho năm 2023. Xăng dầu là máu của nền kinh tế, không thể để tái diễn tình trạng này.

Xử lý hàng loạt sai phạm trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu
Xử lý hàng loạt sai phạm trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu

10. Xử lý hàng loạt sai phạm trên thị trường cổ phiếu, trái phiếu

Thị trường trái phiếu doanh nghiệp – kênh dẫn vốn trung và dài hạn bị ảnh hưởng tiêu cực khi một số vụ án liên quan đến phát hành trái phiếu doanh nghiệp bị khởi tố. Nhà đầu tư cá nhân bán lại trái phiếu trước hạn do lo ngại doanh nghiệp không trả được nợ.

Những nhóm cổ phiếu đầu cơ như FLC hay Louis Holdings vào tầm ngắm. Người đứng đầu những hệ sinh thái này, Trịnh Văn Quyết và Đỗ Thành Nhân, bị khởi tố cùng tội danh thao túng, thổi giá cổ phiếu. Thị trường bị ảnh hưởng, các chỉ số lao dốc, đi cùng với sụt giảm về thanh khoản và niềm tin của nhà đầu tư. Đà bán tháo tăng vọt, đặc biệt là nhóm penny và bất động sản.

Với thị trường trái phiếu, sau hơn hai năm bùng nổ, kênh đầu tư này bất ngờ bị siết chặt. Guồng quay với tốc độ cao bị khựng lại đột ngột khiến nhiều doanh nghiệp, ngay cả quy mô lớn, cũng gặp vấn đề về thanh khoản.

Việc giới hạn nhà đầu tư tham gia và nâng cao yêu cầu phát hành trái phiếu riêng lẻ khiến giá trị phát hành rơi thẳng đứng. Một phần nguyên nhân đến từ lòng tin của nhà đầu tư, khi nhiều sai phạm bị khởi tố. Khởi đầu là đợt phát hành hơn 9.000 tỷ đồng trái phiếu của Tân Hoàng Minh, nối tiếp là Vạn Thịnh Phát.

Để chấn chỉnh hoạt động của thị trường này, ngày 16/9, Chính phủ đã ban hành Nghị định số 65/2022/NĐ-CP sửa đổi Nghị định 153/2020/NĐ-CP quy định về chào bán trái phiếu doanh nghiệp; yêu cầu Bộ Tài chính tiếp tục rà soát sửa đổi Nghị định 65, bảo đảm công khai, minh bạch, quyền, lợi ích hợp pháp của nhà đầu tư và an toàn, an ninh thị trường tài chính tiền tệ./.