Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Bảo đảm phòng dịch khi mở lại thị trường lao động - việc làm: Khó mấy cũng phải làm

Khánh Thư - 21:12, 29/04/2020

Tháng 5 hằng năm là Tháng hành động về an toàn vệ sinh lao động (ATVSLĐ), hay còn gọi là Tháng Công nhân. Tháng Công nhân năm nay, việc bảo đảm ATVSLĐ phải gắn chặt với công tác phòng, chống dịch Covid-19 và hỗ trợ lao động bị ảnh hưởng.

Thị trường lao động mở lại để tái sản xuất nhưng phải tuân thủ quy định phòng dịch. (Ảnh minh họa)
Thị trường lao động mở lại để tái sản xuất nhưng phải tuân thủ quy định phòng dịch. (Ảnh minh họa)

Năm 2020, Tháng Công nhân lần thứ 4 được tổ chức trong bối cảnh đặc biệt khi đại dịch Covid-19 đã tác động nặng nề đến thị trường lao động - việc làm của nước ta. Biến động lớn nhất là tỷ lệ lao động (LĐ) thiếu việc làm trong độ tuổi ở mức cao nhất trong 5 năm qua.

Kết quả khảo sát, điều tra tình hình lao động - việc làm 4 tháng đầu năm 2020 của Tổng cục Thống kê (TCTK) cho thấy, ghi nhận đến giữa tháng 4/2020, cả nước có gần 5 triệu LĐ bị mất việc, giãn việc, nghỉ luân phiên. Trong đó, số LĐ chịu ảnh hưởng trong ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là 1,2 triệu người; ngành bán buôn, bán lẻ khoảng 1,1 triệu người; ngành dịch vụ lưu trú, ăn uống khoảng 740 nghìn người.

Nhưng số liệu điều tra của TCTK chỉ mới là “phần nổi của tảng băng chìm”. Bởi số LĐ được thống kê trên là có danh sách quản lý. Còn với nhóm lao động tự do (người bán hàng rong, quà vặt; người làm nghề bốc vác, xe đẩy; lái xe ôm, xe xích lô; người bán vé số…) thì thống kê như thế nào? Dự kiến, trong thời gian thực hiện giãn cách xã hội để phòng, chống dịch, có hàng triệu LĐ thuộc nhóm yếu thế này lao đao vì không có nguồn thu nhập.

Bởi thế, Tháng Công nhân năm nay không chỉ được phát động để bảo đảm ATVSLĐ mà cần phải hướng tới nhóm LĐ yếu thế này. Gói an sinh gần 62 nghìn tỷ đồng hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động (NLĐ) đã được Quốc hội thông qua, Chính phủ cũng đã ban hành nghị quyết và hướng dẫn để triển khai.

LĐ tự do là 1/7 nhóm đối tượng được hỗ trợ trực tiếp bằng tiền mặt, trong 3 tháng (tháng 4, 5, 6), với định mức 1 triệu đồng/lao động/tháng. Nhưng để tiền đến được tay NLĐ, giúp họ vượt qua khó khăn không hề dễ.

Chính Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung đã nhìn nhận rằng, việc hỗ trợ đối với LĐ tự do là vấn đề rất khó. Bởi vì khó định lượng được tiêu chí về công việc; nhưng đây lại là đối tượng bị ảnh hưởng nhiều nhất, bị tác động sâu nhất bởi dịch này. Vì thế, người đứng đầu ngành LĐTB&XH khẳng định: “Khó mấy thì chúng ta vẫn phải làm. Bây giờ phải tìm cách để làm sao tiền hỗ trợ đến tay NLĐ nhanh nhất”.

Trở lại với vấn đề ATVSLĐ, Tháng Công nhân năm nay, chắc chắn cũng lại xoay quanh vấn đề bảo đảm ATVSLĐ trong bối cảnh dịch Covid-19 còn diễn biến phức tạp. Sau khi giãn cách xã hội được nới lỏng (bắt đầu từ 23/4), thị trường lao động - việc làm từng bước sôi động trở lại để vực dậy các hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Nhưng điều này cũng tiềm ẩn nguy cơ lây lan dịch bệnh bởi diễn biến dịch vẫn còn hết sức phức tạp, vắc xin phòng dịch vẫn đang trong phòng thí nghiệm. Chỉ một sự lơ là, nhất định sẽ khiến bao công sức phòng, chống dịch “trôi sông, trôi biển”.

Rõ ràng, khởi động lại thị trường lao động - việc làm để tái sản xuất là cần thiết; nhưng bảo đảm ATVSLĐ trong điều kiện dịch bệnh lại vô cùng cấp thiết. Biết rằng, để đáp ứng yêu cầu này là không hề dễ, nhưng phải làm bằng được nếu không muốn kinh tế bị “đóng băng”, NLĐ tiếp tục lao đao. Vì thế, các cấp ngành, địa phương, các doanh nghiệp và NLĐ phải tiếp tục tuyệt đối tuân thủ các quy định về phòng, chống dịch; đồng thời tích cực, sáng tạo trong sản xuất, kinh doanh để “vượt bão”.

Từ năm 2017, sau khi Luật ATVSLĐ có hiệu lực, tháng 5 hằng năm được chọn để phát động các hoạt động chăm lo, bảo vệ sức khỏe cho NLĐ. Tháng hành động về ATVSLĐ năm 2020 được phát động từ ngày 1 - 31/5, với chủ đề: “Đẩy mạnh cải thiện điều kiện lao động và kiểm soát các nguy cơ rủi ro về ATVSLĐ tại nơi làm việc”.