Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Bến đỗ cho người lầm lỡ

PV - 06:59, 12/03/2018

Sau những tháng ngày sa chân vào con đường ma túy, mại dâm mang trong mình căn bệnh HIV, Cao Thị D (dân tộc Raglai) ở miền sơn cước Khánh Sơn (Khánh Hòa) như trôi vào tuyệt vọng.

Đúng lúc ấy, CLB Niềm tin số 4 Khánh Hòa tìm đến chị an ủi, sẻ chia, động viên khơi dậy khát vọng sống, làm việc có ích cho gia đình, xã hội đồng thời mang đến cho D một khoản vay không lãi suất để D tạo dựng cơ nghiệp cho mình. Hàng trăm người lầm lỡ khác từ thành thị đến nông thôn ở Khánh Hòa cũng đã tìm được bến đỗ bình yên ở các CLB Niềm tin.

Luôn rộng cửa đón nhận

Nhìn dãy cửa hàng ăn tấp nập khách ra vào của chị Lê Thị Nh và Trần Thị Huyền ở thị trấn Khánh Vĩnh (Khánh Hòa), ông Trần Quốc Thông, Quyền Chi cục trưởng Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Khánh Hòa chia sẻ; ít ai ngờ được những phụ nữ cần cù trong các quán ấy, một thời chìm đắm vào tệ nạn ma túy, mại dâm.

Nhiều đối tượng lầm lỡ ở khu vực huyện Diên Khánh được học nghề, giới thiệu việc làm. Nhiều đối tượng lầm lỡ ở khu vực huyện Diên Khánh được học nghề, giới thiệu việc làm.

Qua đi tuổi thanh xuân, nhiều người sực tỉnh muốn quay về làm công việc khác nhưng không biết bám vào đâu. Chúng tôi đã tìm đến họ, trao cho họ cơ hội làm lại cuộc đời. Có người tuổi 30, 40, 50 nhưng khi sát cánh bên nhau làm ăn chân chính họ nhanh chóng gắn kết với nhau như thân thích, vượt qua và xóa nhòa những năm tháng trượt ngã trong quá khứ”, ông Thông cho biết.

Lật lại ký ức của mình, Nguyễn Thị Dịu vẫn còn rùng mình. Chị bộc bạch rằng: Khoảng chục năm trước, chị từ vùng sâu của huyện Diên Khánh xuống TP. Nha Trang làm công nhân, sau đó theo đám bạn xấu ngày đêm chèo kéo khách và điên đảo với thuốc lắc. Nhan sắc tàn tạ, sức khỏe sa sút, người thân khóc cạn nước mắt, tưởng không rút chân ra được nhưng khi phong phanh nghe Chi Cục phòng chống tệ nạn xã hội tỉnh, là đầu mối tiếp nhận và có cách mở ra tương lai mới, chị Dịu cùng hàng chục phụ nữ nông thôn lầm lỡ khác kéo nhau đến.

Như bừng thức khát vọng về một chân trời mới khi hàng loạt thành viên của các CLB Niềm tin trong tỉnh Khánh Hòa đón tiếp, đỡ đần, lo ăn ở và đưa đi chữa bệnh, lo thuê mặt bằng, Chi cục Phòng chống tệ nạn lo làm hồ sơ vay vốn để Dịu cùng nhiều người khác mở quán phở, sạp bán trái cây… Sau 2 năm làm ăn, cửa hàng của chị Dịu tạo thêm việc làm cho nhiều khác cùng cảnh ngộ với mình.

Vạch ra hướng đi bền vững cho người lầm lỡ, ông Trần Quốc Thông khẳng định: “Bất kỳ ai lỡ sa ngã, đừng ngại cứ tìm đến với chúng tôi. Chúng tôi sẽ làm đầu mối tạo vốn, vay vốn, tạo cách làm ăn để các đối tượng làm lại cuộc đời. Nhiều phụ nữ vùng sâu, vùng xa vì thiếu tự tin, thu mình như thế càng khiến cuộc sống nặng nề và bế tắc hơn”.

Xóa nhòa mọi kỳ thị

Theo Chi cục Phòng chống tệ nạn xã hội Khánh Hòa hiện tại số cơ sở kinh doanh dịch vụ có điều kiện dễ phát sinh tệ nạn xã hội trên địa bàn là trên 1.500 cơ sở. Số lao động tham gia các cơ sở này khoảng 4.000 người, có trên 50% tiếp viên, nhân viên tại các cơ sở này là người đến từ nhiều vùng nông thôn khác nhau, kể cả các tỉnh lân cận.

Để kịp thời hạn chế tác hại của tệ nạn xã hội, Chi cục đã triển khai nhiều mô hình hiệu quả như: Mô hình hỗ trợ sinh kế cho người lầm lỡ; Mô hình tái hòa nhập cộng đồng; Mô hình chuyển đổi giáo dục, chữa trị và hỗ trợ cho người bán dâm tại cộng đồng; 4 CLB Niềm tin…

Không chỉ sát cách cùng người lầm lỡ mà các mô hình này còn thực hiện chương trình tuyên truyền, vận động và áp dụng các biện pháp hỗ trợ việc làm giúp đối tượng hòa nhập cộng đồng bền vững. Ngoài ra, các CLB còn trang bị các kỹ năng phòng tránh những rủi ro bệnh tật, cưỡng bức, mua bán người...

Chỉ trong một thời gian ngắn, hàng ngàn đối tượng ma túy, mại dâm hoàn lương đã được dạy nghề, chăm sóc sức khỏe, thay đổi công việc. Có gần 70 đối tượng lầm lỡ được vay vốn ưu đãi với số tiền trên 1,3 tỷ đồng, bình quân mỗi đối tượng được vay hơn 20 triệu. Sau khi trang bị vốn, các cán bộ còn xuống tận địa phương hướng dẫn cách làm ăn nên 95% số đối tượng đã sử dụng hiệu quả vốn vay đúng mục đích để kinh doanh buôn bán nhỏ (cà phê, quán ăn), chăn nuôi, nghề thủ công. Đến năm 2018, hầu hết các đối tượng được vay vốn đã ổn định và họ vững tin vào tương lai của mình, đồng thời không có đối tượng quay lại con đường cũ.

HÀ VĂN ĐẠO