Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Pháp luật

Bình Định: Sau gần 17 năm thu hồi đất vẫn chưa giải quyết quyền lợi thỏa đáng cho người dân

Tiếng Dân - 20:47, 09/12/2024

Dự án xây dựng Khu Phi thuế quan, Khu kinh tế Nhơn Hội (Bình Định) bắt đầu thực hiện công tác bồi thường GPMB cho các hộ dân từ đầu năm 2007. Nhưng vì nhiều nguyên nhân, việc bồi thường cho những hộ bị ảnh hưởng bởi dự án chưa chính xác, khiến cho việc khiếu nại, khiếu kiện kéo dài. Trong đó có hộ ông Huỳnh Văn Cảnh đã “đội đơn” khiếu nại khắp nơi nhưng quyền lợi vẫn chưa được giải quyết thoả đáng.

“Đội đơn” khiếu nại khắp nơi

Gửi đơn kêu cứu đến Báo Dân tộc và Phát triển, ông Cảnh trình bày: Tại dự án xây dựng Khu Phi thuế quan (thuộc Khu Kinh tế Nhơn Hội), gia đình ông có thửa đất số 03, tờ bản đồ 51, tổng diện tích 11.475m2, loại đất nuôi trồng thuỷ sản (NTTS) có nguồn gốc nhận chuyển nhượng lại của các ông Đặng Lanh, ông Đặng Đời, ông Lê Tuấn Cảnh, bà Nguyễn Thị Tài và bà Đỗ Thị Dẫn người cùng địa phương.

Năm 2007, thực hiện dự án Khu Phi thuế quan (đợt 2) thuộc Khu kinh tế Nhơn Hội thì Hội đồng đã lập phương án bồi thường thửa đất trên và được Chủ tịch UBND tỉnh Bình Định phê duyệt giá trị bồi thường tại Quyết định số 2857/QĐ-CTUBND ngày 11/12/2007 và Quyết định số 2923/QĐ-CTUBND ngày 29/12/2008. Sau khi 05 hộ nhận số tiền bồi thường đã được UBND tỉnh phê duyệt tại 02 Quyết định nêu trên và đã đưa lại cho gia đình tôi (vì 05 hộ trên đều là bà con thân thiết trong gia đình).

Đến năm 2011, UBND tỉnh Bình Định có chủ trương cho tính hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với các hộ có đất nông nghiệp bị thu hồi thuộc dự án Khu Phi thuế quan thì 05 hộ nghĩ rằng đây là phần giá trị hỗ trợ thêm (ngoài giá trị bồi thường) nên có ý định không đưa lại số tiền tính hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm cho gia đình tôi như giá trị bồi thường trước đây. Do đó, tôi đã làm đơn khiếu nại và đã cung cấp giấy sang nhượng lại phần đất NTTS của 05 hộ dân cho UBND xã Nhơn Hội và Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh để được xem xét giải quyết.

Ngày 22/11/2013, Hội đồng Bồi thường đã họp, xem xét việc tính hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm đối với thửa đất trên và đã thống nhất như sau: “05 hộ dân (ông Đặng Lanh, ông Đặng Đời, ông Lê Tuấn Cảnh, bà Nguyễn Thị Tài, bà Đỗ Thị Dẫn) và hộ ông Huỳnh Văn Cảnh đều đủ điều kiện được tính hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm theo quy định của pháp luật. Chỉ khác biệt là, trường hợp 05 hộ dân (ông Đặng Lanh, ông Đặng Đời, ông Lê Tuấn Cảnh, bà Nguyễn Thị Tài và bà Đỗ Thị Dẫn) ngoài tính hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm còn phải bố trí thêm mỗi hộ 50m2 đất dịch vụ và tính hỗ trợ ổn định đời sống cho số nhân khẩu sống chung trong 05 hộ”.

Do có phát sinh tranh chấp nhưng UBND xã Nhơn Hội, TP. Quy Nhơn không xác nhận làm rõ ai là chủ sử dụng đất và nhận thấy vụ việc có khả năng gây thiệt hại cho ngân sách, nếu tính hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm sai đối tượng nên Hội đồng đã tạm dừng tính hỗ trợ và có Báo cáo số 2093/BQL-GPMB ngày 16/12/2013 đề nghị UBND tỉnh giao cho cơ quan chức năng làm rõ việc chuyển nhượng đất của hộ ông Cảnh và 5 hộ thì mới xem xét tính hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm.

Trao đổi với phóng viên, ông Huỳnh Văn Cảnh bày tỏ: Trường hợp của gia đình tôi cũng tương tự như hộ ông Trần Văn Tâm, hộ Phạm Thị Huệ, nhóm hộ Giang Tử.... họ đều đã được nhận tiền bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm theo quy định. Còn gia đình tôi, do cơ quan Nhà nước hướng dẫn sai về công tác kê khai, kiểm kê… nên quyền lợi của gia đình tôi không được giải quyết theo quy định. Tôi đã nhiều lần làm đơn khiếu nại lên các cấp chính quyền nhưng vẫn chưa được giải quyết. Mong các cơ quan chức năng sớm điều chỉnh lại để đảm bảo quyền lợi cho gia đình tôi.

Vì sao chính quyền xã không điều chỉnh?

Theo kết quả kiểm tra, xác minh của Chánh Thanh tra tỉnh Bình Định đã được UBND tỉnh thống nhất tại Văn bản số 1637/UBND-TD ngày 27/3/2021 thì “Do không có điều kiện đầu tư để nuôi tôm nên 5 hộ đã chuyển nhượng bằng giấy viết tay cho vợ chồng ông Huỳnh Văn Cảnh ở cùng thôn Hội Lợi, xã Nhơn Hội (02 hộ chuyển nhượng năm 2003, 3 hộ chuyển nhượng năm 2006). Sau khi nhận chuyển nhượng, hộ ông Huỳnh Văn Cảnh sử dụng đất nuôi tôm cho đến thời điểm Nhà nước thu hồi đất”.

Trên cơ sở ý kiến chỉ đạo của UBND tỉnh, các sở, ban, ngành gồm: Ban Quản lý Khu kinh tế tỉnh; Sở Tài chính; Sở Tài nguyên Môi trường; Sở Xây dựng; Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn; UBND TP.Quy Nhơn; UBND xã Nhơn Hội đã họp ngày 13/12/2023 và thống nhất ý kiến như sau: Theo các quy định của pháp luật; kết luận của Thanh tra tỉnh và công văn xác nhận của UBND xã Nhơn Hội thì hộ ông Cảnh có hộ khẩu thường trú tại xã Nhơn Hội, được Nhà nước cân đối giao quyền sử dụng đất và trực tiếp sản xuất nông nghiệp nên đều đủ điều kiện được tính bồi thường và hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm khi Nhà nước thu hồi đất.

Thửa đất gia đình ông Huỳnh Văn Cảnh nằm một phần dự án Khu Phi thuế quan
Thửa đất gia đình ông Huỳnh Văn Cảnh nằm một phần dự án Khu Phi thuế quan

Theo tìm hiểu của phóng viên, trên cơ sở kết quả kiểm tra, Ban Quản lý Khu kinh tế (thường trực Hội đồng bồi thường) đã có Văn bản đề nghị UBND xã Nhơn Hội điều chỉnh thay thế nội dung đã xác nhận trước đây để có cơ sở điều chỉnh cho đúng với đối tượng sử dụng đất. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, UBND xã Nhơn Hội lại không điều chỉnh, không thay thế nội dung xác nhận tại Biên bản cuộc họp ngày 27/7/2007. Việc này, làm cho các cơ quan chức năng không có cở sở để điều chỉnh tên đối tượng được bồi thường, hỗ trợ chuyển đổi nghề và tạo việc làm theo quy định.

Như vậy có thể khẳng định, việc hộ ông Cảnh đến nay vẫn chưa được điều chỉnh phương án để tính các khoản hỗ trợ là trách nhiệm của của các cơ quan chức năng trong việc thu hồi đất. Đặc biệt là trách nhiệm của UBND xã Nhơn Hội trong việc xác nhận nguồn gốc đất. Thiết nghĩ, các cơ quan chức năng, cụ thể là UBND TP. Quy Nhơn cần nhanh chóng chỉ đạo UBND xã Nhơn Hội điều chỉnh lại việc xác nhận nguồn gốc đất, đảm bảo quyền lợi chính đáng cho người dân, tránh tình trạng khiếu nại, khiếu kiện kéo dài.

Tin cùng chuyên mục
Nghệ An: “Đưa pháp luật” về bản làng

Nghệ An: “Đưa pháp luật” về bản làng

Đó là một trong những nội dung mà Ban Dân tộc tỉnh Nghệ An thực hiện những năm qua, từ việc triển khai Chương trình MTQG phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS&MN giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719). Kết quả rõ nhất từ việc đưa pháp luật về bản làng, là nhận thức, suy nghĩ của người dân về các chủ trương, chính sách pháp luật của Đảng và Nhà nước đã được nâng lên; đây cũng là điều kiện quan trọng để đồng bào DTTS thực hiện phát triển kinh tế, xây dựng cuộc sống mới ngày càng tốt hơn.
Đọc nhiều