Lại xuất hiện tình trạng "tranh mua tranh bán đất"
Đầu năm, thị trường bất động sản lại dậy sóng, nhất là sau khi một clip mua bán đất nền "có một không hai" được lan truyền rộng rãi trên các trang mạng xã hội. Trong clip xuất hiện một nhóm người ăn mặc lịch lãm, dựng các khung rạp trên một bãi đất trống để giao dịch bất động sản diễn ra tại tỉnh Bình Phước. Các hoạt động giao dịch như chốt, cọc chỉ diễn ra chớp nhoáng, có phần tranh giành, chen lấn. Lập tức, nhiều ý kiến cho rằng, đây chỉ là 1 "kịch bản ảo" do các môi giới tạo ra. Đáng chú ý, đây chỉ là 1 trong rất nhiều vụ việc tương tự từng diễn ra trên thị trường nhà đất. Xin lưu ý là hình ảnh trong đoạn clip đang lan truyên trên mạng xã hội, không rõ nguồn gốc. Tuy nhiên, phía công ty rao bán đất đã xác nhận clip phản ánh đúng sự việc diễn ra tại Bình Phước.
Theo tìm hiểu, nhóm người đứng ra rao bán đất thuộc một công ty có trụ sở tại tỉnh Bình Dương. Còn khu đất được dựng rạp rao bán nhộn nhịp này thuộc huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước. Mặc dù nhiều ý kiến bình luận cho rằng, cảnh nhộn nhịp chỉ là "chiêu trò" của bên bán đất tạo ra, nhưng công ty bán đất lại khẳng định, các lô đất có người mua thật.
Tuy tổ chức bán rầm rộ, nhưng lãnh đạo địa phương khẳng định, trên địa bàn xã Lộc Khánh, huyện Lộc Ninh, tỉnh Bình Phước không có bất cứ dự án khu dân cư nào được cấp phép. Đại diện công ty bán đất lại cho rằng, đây không phải là đất dự án mà là đất nền họ mua gom từ người dân địa phương, sau đó bán lại cho nhà đầu tư.
Đây không phải là lần đầu tiên những cảnh tranh mua, tranh bán đất diễn ra. Theo chính các nhà đầu tư nhiều kinh nghiệm, các địa phương như Đà Nẵng, Hà Nội, Bà Rịa - Vũng Tàu, Nha Trang (Khánh Hòa) đều đã từng xuất hiện kịch bản này.
Các chiêu trò thổi giá đất lên cao ngất ngưởng
Nhiều chuyên gia cũng như các nhà đầu tư giàu kinh nghiệm khẳng định, có yếu tố "chiêu trò" tạo sốt đất ảo trong các sự việc đó. Các chuyên gia đã chỉ ra 3 chiêu trò tạo sốt đất ảo nổi bật nhất của các "cò đất".
Khan hiếm hàng
Kịch bản tạo "khan hiếm" hàng, để đẩy giá nhà đất lên cao được giới cò đất áp dụng rất thường xuyên. Đôi khi đó là sự kết hợp khéo léo giữa nhân viên môi giới và chủ đầu tư bằng cách luôn thông báo hết hàng, hết căn… để khách hàng sốt sắng, nóng ruột khi không mua được nhà. Nhiều người sẵn sàng thêm tiền chênh lệch, tức là thêm tiền ngoài hợp đồng, để mua được nhà đất.
Tạo tâm lý đám đông
3 năm trở lại đây, những chuyến xe bus đưa đón khách đi xem đất vào cuối tuần được tổ chức thường xuyên, liên tục, tại cả Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh, trong số này, ít nhiều có "cài cắm"" người của cò đất. Những người này sẽ tiên phong chốt cọc mua đất, tạo ra khung cảnh nhộn nhịp, tranh mua, tranh bán, khiến những người khác bị "tâm lý đám đông", sợ bị bỏ lỡ.
Ông Phạm Đức Toản, Tổng giám đốc Công ty Cổ phần Đầu tư và Phát triển Bất động sản EZ Land, cho biết: "Sự việc đó không phải là cá biệt trong giới kinh doanh bất động sản. Các công ty môi giới thường cài lẫn nhân viên của họ vào đóng vai khách hàng. Trong quá trình giao dịch, nhân viên là khách hàng giả thường liên lục tác động tâm lý đến khách hàng thật, tâm lý đám đông họ xuống tiền đặt cọc thật, họ mua".
Tung tin đồn quanh dự án; Một con đường lớn sắp mở; Một dự án của tập đoàn lớn sắp triển khai gần đó; Địa phương sắp lên quận, thành phố… Nhiều lời đồn thiếu căn cứ, đôi khi không hề đúng với quy hoạch, được giới đầu cơ tung hỏa mù, lấy cớ để tăng giá đất.
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa nói: "Người ta dựa vào văn bản xúc tiền đầu tư của các tập đoàn lớn để tung tin, thổi phồng giá đất".
Ông Vũ Cương Quyết, Tổng Giám đốc Sàn Giao dịch BĐS Đất Xanh Miền Bắc, chia sẻ: "Các nhà đầu cơ bám vào các thông tin có quy hoạch, của các dự án bất động sản tại nơi đấy để đẩy sóng lên. Trước đấy họ đi mua gom, tạo sóng ảo, họ ăn chênh lệch, trên 1 nền đất họ ăn chênh lệch lên vài lần. Việc này rất nguy hiểm".
Giải pháp tránh sập bẫy thổi giá bất động sản
Nhiều người tìm mua nhà đất đã than thở rằng, nhiều khi họ gần như "bội thực" trước quá nhiều nguồn tin, quá nhiều môi giới. Vậy làm thế nào để tránh "sập bẫy" chiêu trò thổi giá đất? Dưới đây là một số chia sẻ ngắn từ các chuyên gia và nhà đầu tư.
Để tránh "sập bẫy" từ các cò đất, người mua cần cập nhật thường xuyên tin tức thị trường để nắm tình hình; kiểm tra kỹ quy hoạch; không quyết định vội vàng mà luôn cân nhắc kỹ trước khi xuống tiền và đặc biệt là tham khảo giá nhà đất tương tự cùng khu vực để nắm được mức giá chung hiện tại của thị trường.
Ông Nguyễn Văn Đính, Chủ tịch Hội Môi giới Bất động sản Việt Nam: "Nhà đầu tư nếu thiếu hiểu biết thì cần phải tìm đến với các đơn vị tư vấn chuyên nghiệp có uy tín có thương hiệu, họ hoạt động tuân thủ các quy định của pháp luật sẽ được họ tư vấn hướng dẫn và sẽ có kết nối đến các dự án phù hợp, đảm bảo và hiệu quả".
Ông Phan Việt Hoàng, Tổng Thư ký Hội môi giới Bất động sản tỉnh Khánh Hòa: "Người mua để ở phải dành thời gian tham khảo chính quyền sở tại để biết miếng đất mình mua đã có quy hoạch chung hay chưa?".
Ông Nguyễn Quốc Anh, Phó Tổng Giám đốc Công ty PropertyGuru Việt Nam: "Các thông tin mình phải tin cậy, phải trở thành hiện thực, ví dụ xây cầu, đường xá, tránh việc thổi giá cao, nhà đầu tư vướng nhưng không thể thoát được".
Người mua đất có thể kiểm tra xem liệu đất có vướng quy hoạch hay không, hoặc các quy hoạch dự án như thế nào tại UBND cấp huyện, xã. Riêng người dân muốn xem thông tin quy hoạch tại Hà Nội và Thành phố Hồ Chí Minh có thể xem thông tin quy hoạch tại các trang web cụ thể. Từ đó, đối chiếu so sánh với các quảng cáo, tư vấn từ môi giới để đưa ra quyết định cuối cùng.
+ Tra cứu quy hoạch đất tại TP. Hồ Chí Minh: https://thongtinquyhoach.hochiminhcity.gov.vn/
+ Tra cứu quy hoạch đất tại Hà Nội: http://qhkhsdd.hanoi.gov.vn:2015/home.aspx
Rõ ràng, hiện nay có rất nhiều nguồn thông tin khác nhau để người mua nhà có thể tìm hiểu kỹ hơn về các bất động sản họ định mua. Điều người mua cần đó là sự bình tĩnh, tỉnh táo suy xét trước các "chiêu trò" của một bộ phận môi giới, cò đất. Theo kinh nghiệm từ các nhà đầu tư, dù mảnh đất có khả năng sinh lợi nhuận cao đến đâu, gấp đôi, hay gấp ba, thì cũng đều phải xuất phát từ yếu tố pháp lý của dự án. Chỉ khi pháp lý rõ ràng, người mua mới nắm chắc được an toàn, và lợi nhuận trong tương lai, tránh cảnh "sốt ảo", "giá ảo", nhưng tiền thì mất thật./.