Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Chống sạt lở "Cuộc chiến" chưa hồi kết: Vào mùa sạt lở (Bài 1)

Nguyễn Phú- CĐ - 16:28, 13/08/2021

Sạt lở ven biển, ven sông luôn là vấn đề nóng đối với chính quyền và người dân Cà Mau, nhất là khi vào mùa mưa bão, sạt lở trở thành nỗi ám ảnh, nguy cơ thường trực trong tâm trí hàng ngày của mỗi người. Dù trong suốt thời gian qua các cấp, các ngành từ tỉnh đến huyện, xã và người dân đã không ngừng nỗ lực để chống sạt lở với hàng loạt các giải pháp đã được áp dụng. Thế nhưng, cuộc chiến chống sạt lở xem ra vẫn chưa có hồi kết.

Tuyến đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến an toàn của hàng trăm ha sản xuất của người dân trong đê.
Tuyến đê biển Tây trên địa bàn tỉnh Cà Mau thời gian qua có nhiều điểm sạt lở nghiêm trọng đe dọa đến an toàn của hàng trăm ha sản xuất của người dân trong đê.

Với tác động ngày một cực đoan của biến đổi khí hậu, tình trạng sạt lở ven biển, ven sông đã trở thành nỗi trăn trở của nhiều thế hệ lãnh đạo tỉnh; cũng như đã trở thành nỗi ám ảnh của người dân Cà Mau trong hơn 10 năm trở lại đây. Con số thống kê mức độ thiệt hại do tình trạng sạt lở, cứ ngày một lớn qua từng năm, đồng nghĩa với nỗi lo ngày một tăng lên.

Đê biển phía Tây oằn mình trước sạt lở

Tình trạng sạt lở trên địa bàn tỉnh Cà Mau bắt đầu xuất hiện nghiêm trọng kể từ năm 2006. Đây cũng là thời điểm mà tỉnh Cà Mau đã ban bố tình trạng hộ đê khẩn cấp, để huy động sự tham gia của toàn quân, toàn dân cùng chung sức, khắc phục và hạn chế thiệt hại do sạt lở. Song với nguồn lực có hạn và sóng biển rất dữ dội nên bờ biển của tỉnh ngày một sạt lở nghiêm trọng.

Ông Nguyễn Thanh Tùng, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thuỷ lợi tỉnh Cà Mau cho biết, qua khảo sát và ước tính của các ngành, hiện có khoảng 80% đường bờ biển trong tỉnh đang ở tình trạng bị sạt lở. Tốc độ sạt lở bình quân mỗi năm khoảng 15m, có nơi lên đến 50m, và diện tích rừng phòng hộ bị mất theo sạt lở khoảng hơn 300ha mỗi năm. Đặc biệt có những điểm không còn rừng phòng hộ, sóng đánh trực diện vào thân đê, nguy cơ phá vỡ đê biển bất cứ lúc nào.

Trong số hàng loạt điểm sạt lở dọc theo tuyến đê biển phía Tây, hiện có 3 điểm sạt lở, được đánh giá là nghiêm trọng thuộc huyện Trần Văn Thời và U Minh. Cụ thể, gồm đoạn T25-T29, dài 1.000m; đoạn T29- Khánh Hội, dài 500m và đoạn bờ Bắc vàm Lung Ranh khoảng 200m. Đây là những đoạn chưa có kè chắn sóng bên ngoài, do đó thân đê đang ngày đêm bị sóng biển đánh trực tiếp, nguy cơ xảy ra vỡ đê bất cứ lúc nào, nếu không có giải pháp bảo vệ kịp thời.

Một góc kè chống sạt lở đê biển Tây
Một góc kè chống sạt lở đê biển Tây

Trở lại khu vực đê biển phía Tây, đoạn từ Vàm T25 hướng về Vàm T29 cho thấy, tại đây có khoảng 1km đang trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Chỉ trong thời gian ngắn, nhiều diện tích rừng phòng hộ đã bị sóng biển cuốn trôi. Hiện, diện tích rừng còn lại rất mỏng, chỉ từ 25m đến 40m. 

Sạt lở diễn biến đặc biệt nguy hiểm và liên tục không chỉ uy hiếp trực tiếp đến thân đê, đe dọa trực tiếp đến an toàn đê biển phía Tây, khu dân cư sinh sống tập trung Vàm T25 mà còn ảnh hưởng trực tiếp vùng sản xuất lúa 2 vụ với diện tích khoảng 1.700ha, 17.000ha rừng sản xuất và hệ thống điện hạ thế, trường học Lê Văn Tám.

Tương tự đoạn từ Vàm T29 + 1.300m hướng về Vàm Khánh Hội cũng đang nằm trong tình trạng sạt lở đặc biệt nguy hiểm. Sạt lở đang đe dọa trực tiếp đến an toàn đê biển phía Tây, khu dân cư sinh sống tập trung Vàm T29, khu dân cư tập trung Vàm Khánh Hội, vùng sản xuất lúa 2 vụ với diện tích khoảng 1.200ha, 17.000ha rừng sản xuất. Đồng thời, nếu tình trạng sạt lở này không được khắc phục sẽ có nguy cơ ảnh hưởng đến hệ thống điện trung thế và hạ thế, 01 trạm y tế, 03 trường học (Trường Bông Hồng, Kim Đồng và Lý Tự Trọng).

Đó chỉ là 2 trong số hàng loạt điểm sạt lở hiện nay, trên đê biển phía Tây của tỉnh Cà Mau. Để hạn chế và tiến tới khắc phục tình trạng sạt lở, thời gian qua, nhiều công trình dự án bảo vệ đê, bảo vệ rừng phòng hộ đã được triển khai thực hiện. Nhiều gói thầu thi công kè hộ đê, thi công các khu dân cư, gia cố, bảo trì các đoạn đê thi công còn dang dở, bơm bùn tạo bãi trồng rừng... đã được triển khai.

Tuy nhiên, theo ông Tô Quốc Nam, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT, do ảnh hưởng của thời tiết mưa nhiều, sóng to gió lớn, vật tư đang có giá khá cao, một số gói thầu còn vướng giải phóng mặt bằng, nên tiến độ thi công còn chậm. Sở đang chỉ đạo các nhà thầu, đơn vị thi công khắc phục khó khăn, đẩy nhanh tiến độ thi công các gói thầu, sớm đưa vào sử dụng.

Nội đồng rung động

Bên cạnh sạt lở ven biển, thì tình hình sạt lở đất ven sông trên địa bàn tỉnh Cà Mau cũng đang rất nghiêm trọng. Số vụ sạt lở đất ven sông liên tục tăng khiến nhiều người không khỏi quan ngại, lo lắng. Từ đầu năm đến nay, toàn tỉnh Cà Mau có 117 vị trí ven sông bị sạt lở với chiều dài 2.380m. Trong đó, làm thiệt hại hơn 639m lộ bê tông; 02 mố trụ cầu; 40m bờ kè; 100m lộ cấp VI... Tổng giá trị thiệt hại về tài sản do thiên tai mang lại về tài sản đã lên trên 6,2 tỷ đồng.

 Chỉ trong tháng 7/2021, toàn tỉnh Cà Mau đã xảy ra 55 vụ sạt lở đất ven sông với tổng chiều dài sạt lở 1.104m, làm thiệt hại 22 căn nhà, 01 trại tôm giống, 01 cổng chào, 01 cống xổ vuông, ước tổng thiệt hại do sạt lở đất hơn 1,9 tỷ đồng.

Thời gian qua tình trạng sạt lở ven biển ven sông đã làm thiệt hại hàng trăm căn nhà của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau
Thời gian qua tình trạng sạt lở ven biển ven sông đã làm thiệt hại hàng trăm căn nhà của người dân trên địa bàn tỉnh Cà Mau

Nhắc đến vùng sông nước Cà Mau, hẳn nhiều người sẽ nhớ ngay đến con sông Cửa Lớn. Nhiều người biết đến sông Cửa Lớn không chỉ bởi sự độc đáo đặc biệt (con sông  nối từ một đầu là biển Đông đổ ra biển Tây), mà còn bởi vai trò vô cùng quan trọng trong phát triển sản xuất, giao thương hàng hoá và cả quốc phòng an ninh,… Từ bao đời nay, phù sa từ con sông Cửa Lớn, đã góp phần quan trọng vào sự phát triển kinh tế của nhiều xã, huyện mà nó đi qua. Nhiều trung tâm hành chính, trung tâm giao thương trao đổi hàng hoá sầm uất đã được hình thành dọc theo tuyến sông này. Có thể kể đến như: Viên An, Viên An Đông, chợ Thủ Tam Giang (huyện Ngọc Hiển), chợ Vàm Đầm (huyện Đầm Dơi) hay như chợ Hàng Vịnh và đặc biệt là khu đô thị thị trấn Năm Căn,….

Mang lại giá trị lớn cả về kinh tế, văn hoá và cả quốc phòng, an ninh,… nhưng nó cũng lấy đi không ít công sức của người dân do tình trạng sạt lở hàng năm. Có không ít hộ đã có tất cả từ sự phóng khoáng của con sông này và cũng mất gần như tất cả từ chính con sông này.

Dù đã hơn 4 năm trôi qua, nhưng hình ảnh thất thần của ông Nguyễn Thái Khương, ấp Xóm Lớn Ngoài, xã Hàng Vịnh khiến tôi không sao quên được. Cặm cụi thu nhặt những gì còn lại của căn nhà sau vụ sạt lở bờ sông, ông Khương vẫn không thể tin đây là sự thật. Tích góp gần cả đời người, gia đình ông mới đủ tiền xây cất được căn nhà, những tưởng phần còn lại sẽ được ấm cúng hơn, nhưng chỉ qua một đêm công sức cả đời gia đình ông còn lại chỉ là một đống đổ nát.

Cùng cảnh ngộ mất trắng nhà cửa do sạt lở như gia đình ông Khương là gia đình anh Nguyễn Gia Phước, Nguyễn Văn Tư khóm 8 thị trấn Năm Căn. Sống ven tuyến Kênh Tắc, một nhánh của con sông Cửa Lớn chảy từ thị trấn Năm Căn vào sông Bảy Háp tại Đầm Cùng, huyện Cái Nước. Nhiều năm qua, gia đình anh Phước và anh Tư cùng không ít hộ dân bị lâm cảnh “màn trời chiếu đất” vì sạt lở. Hiện, khu vực này vẫn là điểm nóng về sạt lở trên địa bàn huyện Năm Căn.

Dù biết nguy hiểm nhưng nhiều người dân gì cuộc sống mưu sinh đã đánh cược với tự nhiên
Dù biết nguy hiểm nhưng nhiều người dân gì cuộc sống mưu sinh đã đánh cược với tự nhiên

Theo ông Lê Văn Ngời, Chủ tịch UBND huyện Năm Căn, tình trạng dông lốc xoáy và sạt lở đã gây thiệt hại nghiêm trọng trên địa bàn huyện. Từ đầu năm đến nay, trên địa bàn huyện đã xảy ra 18 vụ sạt lở và 11 vụ lốc xoáy, khiến một số tuyến lộ giao thông bị thiệt hại. Tổng thiệt hại ước tính hơn 2 tỷ đồng.

Sạt lở bờ sông đã khiến cuộc sống của không ít gia đình bị xáo trộn. Bởi lẽ, phần lớn trường hợp mất nhà vì sạt lở đất đều là hộ nghèo ở ven sông, không có đất sản xuất. Vì cuộc sống mưu sinh mà họ đành chấp nhận đối diện với nguy cơ sạt lở đang trực chờ. Tình trạng này đã diễn ra từ nhiều năm nay và đang tiếp tục tiếp diễn ở hầu khắp các huyện, nhất là trên địa bàn các huyện Đầm Dơi, Năm Căn, Cái Nước và Ngọc Hiển.

 Để giúp người dân hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tình trạng sạt lở, nhiều giải pháp đã được chính quyền địa phương triển khai thực hiện như: xây dựng kè chống sạt lở, tuyên truyền để người dân nâng cao ý thức cảnh giác, di dời dân đến những nơi an toàn, bố trí tái định cư,… Tuy nhiên, do còn khó khăn về nguồn vốn, nên nhiều khu vực người dân vẫn đang phải đối diện nguy cơ sạt lở.

Tin cùng chuyên mục
Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024

Tiêu chuẩn chức danh công chức lãnh đạo, quản lý trong cơ quan hành chính nhà nước; quy định mới về xét tặng danh hiệu "Nhà giáo nhân dân", "Nhà giáo ưu tú"; cơ chế điều chỉnh mức giá bán lẻ điện bình quân từ 15/5;... là những chính sách mới có hiệu lực từ tháng 5/2024.