Tại cuộc gặp, hai nhà lãnh đạo bày tỏ vui mừng trước sự phát triển ngày càng mạnh mẽ, sâu rộng của quan hệ Việt Nam-Liên minh châu Âu (EU), đặc biệt là hợp tác kinh tế, thương mại và đầu tư từ khi Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam-EU (EVFTA) có hiệu lực năm 2020.
Hai bên nhất trí tiếp tục mở rộng, làm sâu sắc hợp tác tương xứng với tiềm năng; đẩy mạnh hơn nữa các trao đổi, tiếp xúc cấp cao; tháo gỡ vướng mắc và rào cản đối với thương mại, đầu tư; hợp tác hiệu quả trong các lĩnh vực mới, như kinh tế số, trí tuệ nhân tạo, đổi mới sáng tạo, chuyển đổi xanh và ứng phó với biến đổi khí hậu.
Thủ tướng Phạm Minh Chính khẳng định, Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác với EU và các nước thành viên; đề nghị EU tiếp tục quan tâm, thúc đẩy các nước thành viên còn lại sớm phê chuẩn Hiệp định Bảo hộ đầu tư giữa hai bên (EVIPA) và sớm gỡ bỏ "thẻ vàng" IUU đối với xuất khẩu thuỷ hải sản của Việt Nam.
Nhân dịp này, Thủ tướng Chính phủ cũng gửi lời cảm ơn chân thành tới phía EU đã cung cấp khoản viện trợ nhân đạo trị giá 650.000 Euro giúp Việt Nam khắc phục hậu quả của cơn bão số 3 (bão Yagi) vừa qua.
Nhấn mạnh Việt Nam là đối tác quan trọng trong triển khai Chiến lược Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương của EU, Chủ tịch Charles Michel khẳng định EU sẽ thúc đẩy sớm phê chuẩn EVIPA, xem xét tích cực việc tháo gỡ "thẻ vàng" IUU cho Việt Nam và tiếp tục hỗ trợ Việt Nam triển khai hiệu quả khuôn khổ Đối tác chuyển đổi năng lượng công bằng (JETP).
Trao đổi về tình hình quốc tế, hai bên đề cao tầm quan trọng của việc tuân thủ luật pháp quốc tế, Hiến chương Liên Hợp Quốc, phối hợp chặt chẽ tại các diễn đàn đa phương khu vực và toàn cầu.
Chủ tịch Charles Michel bày tỏ mong muốn cùng Việt Nam và các nước thành viên ASEAN làm sâu sắc hơn nữa quan hệ đối tác giữa ASEAN và EU, khẳng định ủng hộ lập trường chung và vai trò trung tâm của ASEAN trong các vấn đề khu vực, nhất là Biển Đông, Myammar.
Hai nhà lãnh đạo nhấn mạnh tầm quan trọng của việc bảo đảm an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, giải quyết các tranh chấp bằng các biện pháp hòa bình, phù hợp với luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật biển (UNCLOS) năm 1982, đóng góp vào hòa bình, ổn định và thịnh vượng chung ở khu vực và trên thế giới./.