Chủ tịch nước đã thăm gia đình Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên, thương binh hạng 3/4, địa chỉ tổ dân phố số 8, phường Cầu Diễn, quận Nam Từ Liêm, Hà Nội. Thiếu tướng Hoàng Trung Kiên nhập ngũ tháng 5-1972, bị thương ngày 30-4-1975 tại ngã tư Bảy Hiền - TP Hồ Chí Minh trong khi lái xe tăng tiến vào Dinh Ðộc lập do bị sức ép xe cháy, đạn nổ. Trước khi nghỉ hưu, ông là Thiếu tướng, Chính ủy Bộ Tư lệnh Tăng thiết giáp. Tiếp đó, Chủ tịch nước thăm, tặng quà gia đình Mẹ của liệt sĩ Nguyễn Thái Lai, địa chỉ số 578 Thụy Khuê, phường Bưởi, quận Tây Hồ, Hà Nội. Liệt sĩ Nguyễn Thái Lai hy sinh ngày 26-4-1975 tại Mặt trận phía nam.
Thăm, tặng quà hai gia đình, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định Ðảng, Nhà nước luôn ghi nhớ, tri ân công lao của các anh hùng, liệt sĩ, các thương, bệnh binh đã đóng góp xương máu của mình vào sự nghiệp giải phóng, thống nhất đất nước. Chủ tịch nước căn dặn lãnh đạo TP Hà Nội và chính quyền địa phương làm tốt hơn nữa công tác chăm sóc người có công trên địa bàn để phần nào bù đắp những hy sinh, mất mát của các anh hùng, liệt sĩ, thương binh, bệnh binh. Chủ tịch nước cũng bày tỏ mong muốn hai gia đình luôn sống gương mẫu, chấp hành tốt chủ trương, đường lối, chính sách, pháp luật của Ðảng, Nhà nước, tích cực tham gia các hoạt động, phong trào xây dựng Thủ đô ngày càng giàu đẹp và phát triển.
★ Sáng 29-4, tại Hà Nội, diễn ra phiên họp thứ 12 của Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư. Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc, Trưởng Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư chủ trì.
Tại phiên họp, Ban Chỉ đạo Cải cách tư pháp T.Ư thảo luận về báo cáo kết quả thực hiện hai đề án: Xây dựng Trường đại học Luật Hà Nội và Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh thành các trường trọng điểm về đào tạo cán bộ pháp luật; xây dựng Học viện Tư pháp thành trung tâm lớn đào tạo các chức danh tư pháp; cho ý kiến về đề án các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật.
Phát biểu ý kiến kết luận phiên họp, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc nêu rõ, sau thời gian triển khai thực hiện các đề án xây dựng Trường đại học Luật Hà Nội, Trường đại học Luật TP Hồ Chí Minh và Học viện Tư pháp thành các trung tâm trọng điểm trong đào tạo cử nhân luật và các chức danh tư pháp, đã đạt nhiều kết quả tích cực, quy mô và chất lượng đào tạo được nâng cao, thể hiện sự nỗ lực, cố gắng, khát vọng vươn lên của các cơ sở đào tạo, góp phần quan trọng xây dựng nền tư pháp vững mạnh, hiện đại. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều bất cập, hạn chế khiến kết quả thực hiện chưa đạt được mục tiêu đề ra, nhất là các nội dung liên quan công tác xây dựng thể chế và tổ chức thực hiện.
Tán thành sự cần thiết nhằm tiếp tục thực hiện hai đề án nêu trên, Chủ tịch nước đề nghị các bộ, ngành liên quan đề xuất các mục tiêu, giải pháp cụ thể phù hợp thực tiễn và toàn diện, sâu sắc hơn trong bối cảnh mới. Trong đó, bảo đảm nguyên tắc Nhà nước đề ra các tiêu chí, cơ sở đào tạo bảo đảm kiểm định chất lượng chặt chẽ; chú ý hoàn thiện thể chế, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở đào tạo phát triển quy mô, không ngừng nâng cao chất lượng đào tạo, tăng cường phối hợp giữa các hệ thống tòa án, viện kiểm sát, trường đại học để phát huy kinh nghiệm thực tiễn của các chức danh tư pháp gắn với công tác giảng dạy. Cùng với đó, chú trọng rèn luyện bản lĩnh chính trị, đạo đức nghề nghiệp để hình thành đội ngũ tư pháp trong sạch, vững mạnh, có chất lượng cao, phù hợp yêu cầu, mục tiêu xây dựng và hoàn thiện Nhà nước pháp quyền XHCN.
Về đề án các giải pháp tăng cường kiểm soát chất lượng đào tạo luật, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị, Bộ Giáo dục và Ðào tạo cần đánh giá toàn diện, cụ thể, đầy đủ hơn thực trạng kiểm soát chất lượng đào tạo luật hiện nay, bổ sung các giải pháp có tính cụ thể, đột phá, khả thi để kiểm soát chất lượng đào tạo luật một cách thực chất, hiệu quả. Lưu ý, tập trung rà soát, sắp xếp lại 95 cơ sở đào tạo luật trên cả nước bằng cơ chế kiểm soát, đánh giá chất lượng, năng lực, uy tín nhằm chấn chỉnh, sắp xếp lại hợp lý theo hướng siết chặt công tác đào tạo cử nhân luật, thu gọn và chỉ duy trì các cơ sở có đủ năng lực, uy tín.