Theo Đặc phái viên, tiếp tục chương trình làm việc tại New York, Hoa Kỳ, ngày 22/9/2021, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đã có các cuộc tiếp xúc với Tổng thống các nước Mông Cổ, Thụy Sĩ, Áo và Chủ tịch Hội đồng châu Âu.
Tại cuộc gặp với Tổng thống Mông Cổ Ukhnaagin Khurelsukh, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và Tổng thống Ukhnaagin Khurelsukh cùng khẳng định luôn coi trọng mối quan hệ hữu nghị anh em giữa hai nước, sự ủng hộ, hỗ trợ lẫn nhau trong thời kỳ đấu tranh giải phóng dân tộc cũng như trong công cuộc xây dựng đất nước hiện nay.
Chủ tịch nước cho biết sẵn sàng phối hợp với Tổng thống Ukhnaagin Khurelsukh cùng các bộ, ngành hai nước tìm ra biện pháp thích hợp để đưa quan hệ hợp tác đi vào thực chất, hiệu quả trên nhiều lĩnh vực hơn, có lợi cho nhân dân hai nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cho rằng hai bên cần cùng nhau tạo điều kiện xuất khẩu nhiều hơn các mặt hàng thế mạnh của mỗi nước, sớm đạt mục tiêu quy mô 100 triệu USD thương mại hai chiều.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí tiếp tục duy trì và thúc đẩy các hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc ở các cấp bằng hình thức linh hoạt như trực tiếp, trực tuyến hay điện đàm; phát huy vai trò của cơ chế Uỷ ban liên chính phủ, đẩy mạnh hợp tác giữa các bộ ngành hai nước, triển khai linh hoạt các cơ chế hợp tác, đối thoại song phương hiện có, tăng cường giao lưu nhân dân, qua đó tạo môi trường thuận lợi để thúc đẩy hợp tác trên các lĩnh vực.
Thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại Việt Nam-Thụy Sĩ
Tại cuộc tiếp Tổng thống Thụy Sĩ Guy Parmelin, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng gặp lại Ngài Tổng thống, đặc biệt trong bối cảnh năm nay hai nước Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao (1971-2021). Hai nhà lãnh đạo bày tỏ niềm tự hào khi hai nước có quan hệ bền chặt.
Tổng thống Guy Parmelin chia sẻ với những thách thức mà Việt Nam đang trải qua trong phòng, chống COVID-19 và khẳng định mong muốn thúc đẩy hợp tác kinh tế thương mại với Việt Nam; thúc đẩy chương trình hợp tác phát triển giai đoạn 2021-2024 với số vốn ODA 80 triệu USD mà Thụy Sĩ đã cam kết.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí hai bên cần tìm kiếm các giải pháp phục hồi trao đổi thương mại bị tác động mạnh bởi dịch COVID-19, trong đó cần thúc đẩy sớm ký kết FTA giữa Việt Nam và Hiệp hội Mậu dịch tự do châu Âu (EFTA).
Thay mặt Nhà nước và nhân dân Việt Nam, Chủ tịch nước trân trọng cảm ơn Chính phủ Thụy Sĩ về sự hỗ trợ kịp thời và quý báu khi tặng Việt Nam nhiều trang thiết bị y tế phục vụ phòng, chống dịch.
Cảm ơn và đánh giá cao Thụy Sĩ cung cấp ODA cho Việt Nam trong các lĩnh vực đào tạo nguồn nhân lực, phát triển đô thị, xóa đói giảm nghèo, phát triển nông thôn, Chủ tịch nước cho biết Việt Nam mong tiếp tục nhận được sự hỗ trợ ODA của Thụy Sĩ thông qua các dự án phát triển cho giai đoạn tới để có thể tiếp cận và thích ứng dễ dàng hơn với bối cảnh mới hậu COVID-19.
Với việc coi khoa học, công nghệ và đổi mới sáng tạo là nền tảng quan trọng và động lực chủ yếu trong phát triển đất nước, Chủ tịch nước mong muốn tăng cường hợp tác trong lĩnh vực này với Thụy Sĩ, quốc gia có nền khoa học công nghệ phát triển, đặc biệt trong đổi mới sáng tạo.
Tổng thống Thụy Sĩ trân trọng mời Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc thăm chính thức Thụy Sĩ. Chủ tịch nước vui vẻ nhận lời.
Tạo điều kiện cho doanh nghiệp Áo đầu tư tại Việt Nam
Tại cuộc gặp Tổng thống Áo Alexander Van Der Bellen, Chủ tịch nước bày tỏ vui mừng gặp lại Tổng thống Alexander Van Der Bellen và trân trọng mời Tổng thống thăm Việt Nam năm 2022 nhân dịp hai nước Kỷ niệm 50 năm quan hệ ngoại giao.
Hai nhà lãnh đạo nhất trí hợp tác kinh tế là trọng tâm của hợp tác hai nước khi từ nhiều năm nay, Áo luôn đứng trong top 10 thị trường xuất khẩu lớn nhất của Việt Nam ở châu Âu.
Do đó, hai bên cần sớm tổ chức cuộc họp lần thứ 10 Ủy ban hỗn hợp Việt Nam-Áo kể cả bằng hình thức trực tuyến nhằm rà soát và trao đổi các biện pháp tăng cường hợp tác. Chủ tịch nước khẳng định Việt Nam sẽ tạo điều kiện thuận lợi để các doanh nghiệp Áo đầu tư, kinh doanh lâu dài tại Việt Nam.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc đề nghị Áo tạo điều kiện thuận lợi cho Việt Nam trong hợp tác chuyển giao công nghệ sản xuất; xem xét hỗ trợ các trang thiết bị y tế nhằm giúp Việt Nam nhanh chóng kiểm soát và vượt qua đại dịch.
Đề nghị EU thúc đẩy sớm hoàn tất thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVIPA
Tiếp Chủ tịch Hội đồng châu Âu Charles Michel, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc khẳng định EU là một trong những đối tác hàng đầu trong chính sách đối ngoại của Việt Nam và mong muốn làm sâu sắc hơn nữa quan hệ với EU, nhất là trong bối cảnh hai bên sắp kỷ niệm 10 năm quan hệ Đối tác và Hợp tác toàn diện vào năm 2022.
Chủ tịch nước cảm ơn những hỗ trợ thiết thực của EU dành cho Việt Nam nhằm ứng phó với COVID-19. Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Việt Nam, Chủ tịch nước mong EU tiếp tục quan tâm hỗ trợ Việt Nam tiếp cận nguồn cung cấp vaccine, thuốc điều trị và thiết bị y tế.
Hai nhà lãnh đạo đánh giá hợp tác kinh tế tiếp tục là điểm sáng trong quan hệ Việt Nam-EU. Sau hơn một năm triển khai Hiệp định EVFTA, thương mại hai chiều đạt 32,2 tỷ USD trong 7 tháng đầu năm 2021, tăng 18% trong bối cảnh đại dịch, đóng góp vào nỗ lực phục hồi kinh tế của hai bên.
Chủ tịch Hội đồng châu Âu mong muốn hợp tác với Việt Nam trong lĩnh vực biến đổi khí hậu, thúc đẩy các mô hình kinh tế để ứng phó với biến đổi khí hậu, tận dụng cách mạng số.
Để tiếp tục đẩy mạnh quan hệ hợp tác nhiều mặt, hai nhà lãnh đạo nhất trí hai bên sớm nối lại hoạt động trao đổi đoàn và tiếp xúc các cấp, phát huy hiệu quả hơn nữa các cơ chế hợp tác, đối thoại hiện có và có các biện pháp thúc đẩy quan hệ.
Chủ tịch nước đề nghị EU thúc đẩy các nước thành viên EU sớm hoàn tất các thủ tục phê chuẩn Hiệp định EVIPA.
Trong trao đổi, Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc cũng đề nghị lãnh đạo các nước tạo điều kiện cho người Việt Nam ở sở tại hòa nhập và đóng góp vào sự phát triển của mỗi quốc gia và là cầu hối quan hệ giữa Việt Nam và các nước.
Chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc và lãnh đạo các nước cũng đã trao đổi về tình hình thế giới, khu vực, về tầm quan trọng của việc xây dựng hệ thống đa phương hữu hiệu, lấy Liên hợp quốc làm trung tâm nhằm đối phó với những thách thức toàn cầu, đa dạng và phức tạp, chống cường quyền và tuân thủ luật pháp quốc tế, bảo đảm an ninh an toàn, tự do hàng hải, hàng không tại các vùng biển, trong đó có Biển Đông./.