Tham dự cuộc làm việc có Bí thư Trung ương Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ Lê Minh Khái và các Ủy viên Trung ương Đảng: Tổng Thư ký Quốc hội, Chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội Bùi Văn Cường; Chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật Hoàng Thanh Tùng; Chủ nhiệm Ủy ban Tài chính - Ngân sách Lê Quang Mạnh; Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng và An ninh, Trung tướng Lê Tấn Tới; Trưởng Ban Dân nguyện Dương Thanh Bình; Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng; Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Đặng Quốc Khánh.
Về phía Ban Thường vụ Tỉnh ủy Hậu Giang có: Ủy viên Trung ương Đảng, Bí thư Tỉnh ủy Nghiêm Xuân Thành; Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy, Chủ tịch HĐND tỉnh Trần Văn Huyến; Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Đồng Văn Thanh...
Cùng dự có: đại diện Thường trực một số cơ quan của Quốc hội, lãnh đạo một số bộ, ngành và Đoàn đại biểu Quốc hội, lãnh đạo các sở, ngành tỉnh Hậu Giang.
Tăng trưởng kinh tế là điểm sáng, bứt phá
Tỉnh Hậu Giang có diện tích 1.622 km2, dân số khoảng 800 nghìn người, nằm ở vị trí trung tâm tiểu vùng Tây Nam sông Hậu và gần 2 trục phát triển chính của vùng đồng bằng sông Cửu Long (trục TP. Hồ Chí Minh - Cần Thơ - Cà Mau và trục nam sông Hậu); tiếp giáp với sông Hậu là luồng vận tải đường thuỷ và hàng hải chính của vùng đồng bằng Sông Cửu Long (ĐBSCL). Điều kiện tự nhiên của tỉnh có hệ thống sông ngòi, kênh, rạch chằng chịt (trên 2.300km) cũng là một tiềm năng rất lớn. Hậu Giang có truyền thống cách mạng kiên cường, là vùng căn cứ “chiến địa” của Quân khu 9, mặc dù bị chiến tranh tàn phá nặng nề, nhưng người dân kiên trung, anh dũng, một lòng theo Đảng, cách mạng.
Sau 20 năm kể từ khi tách tỉnh, Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Hậu Giang đã quán triệt tinh thần "xuất phát điểm thấp, tỉnh nhỏ thì phải nuôi khát vọng lớn"; phát huy truyền thống cách mạng, đoàn kết, nêu cao trách nhiệm, luôn cố gắng nỗ lực vì sự phát triển chung của tỉnh. Từ đó, đã tạo nên một sức mạnh tổng hợp đưa Hậu Giang vượt qua nhiều khó khăn để vươn lên, đạt những thành quả tích cực ở nhiều lĩnh vực.
Tại cuộc làm việc, lãnh đạo tỉnh Hậu Giang đã báo cáo với Chủ tịch Quốc hội và Đoàn công tác về việc triển khai thực hiện các nhiệm vụ trọng tâm từ đầu nhiệm kỳ đến nay, định hướng nhiệm vụ trọng tâm đến cuối nhiệm kỳ; quán triệt và thực hiện Nghị quyết số 13-NQ/TW của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội và bảo đảm quốc phòng, an ninh vùng đồng bằng sông Cửu Long đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (Nghị quyết số 13); thực hiện các nghị quyết của Quốc hội về Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025; về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội và các dự án cao tốc qua địa bàn tỉnh Hậu Giang và một số đề xuất, kiến nghị của tỉnh Hậu Giang.
Theo đó, qua nửa nhiệm kỳ thực hiện Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh lần thứ XIV, bám sát các chủ trương của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, tỉnh Hậu Giang đã đạt được những kết quả khá toàn diện, có tính bứt phá trên nhiều lĩnh vực, trọng tâm là công tác tổ chức xây dựng Đảng, phát triển kinh tế - xã hội, bảo đảm quốc phòng, an ninh.
Về kinh tế - xã hội, Nghị quyết Đại hội Đảng bộ tỉnh Hậu Giang nhiệm kỳ 2020 - 2025 đề ra 18 chỉ tiêu chủ yếu, trong đó có 16 chỉ tiêu về kinh tế - xã hội, kết quả có 3 chỉ tiêu vượt kế hoạch (tăng trưởng kinh tế, tỷ lệ giảm nghèo, chỉ số cải cách hành chính PAR INDEX); có 4 nhóm chỉ tiêu đạt trên 70% kế hoạch (GRDP bình quân đầu người; thu ngân sách; y tế; quốc phòng, an ninh), 8 nhóm chỉ tiêu đạt từ 50% kế hoạch trở lên, 1 chỉ tiêu đạt dưới 50% kế hoạch (xuất khẩu và dịch vụ thu ngoại tệ).
Từ đầu nhiệm kỳ đến nay, tăng trưởng kinh tế của tỉnh Hậu Giang là điểm sáng trong bức tranh tăng trưởng kinh tế của cả nước. Tỉnh liên tục có tốc độ tăng trưởng cao hơn khu vực và cả nước, đánh dấu sự phát triển bứt phá nhất trong gần 20 năm thành lập tỉnh. Tốc độ tăng trưởng kinh tế (GRDP) năm 2021 đạt 3,28%, cao hơn 0,72% so với mức bình quân của cả nước (cả nước tăng trưởng 2,56%); năm 2022 đạt 13,94%, mức cao nhất kể từ khi thành lập tỉnh, đứng thứ tư cả nước, tăng 5,92% so với bình quân cả nước (cả nước tăng trưởng 8,02%); 9 tháng năm 2023, tăng trưởng kinh tế tiếp tục dẫn đầu cả nước, đạt 13,30%.
Trên địa bàn tỉnh đang triển khai thực hiện 6 dự án thuộc nguồn vốn Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội, với tổng mức đầu tư 10.300 tỷ đồng, kế hoạch năm 2023 là 1.707,478 tỷ đồng. Đến nay giải ngân được 1.025,644 tỷ đồng, đạt 60,07% kế hoạch.
Thực hiện Nghị quyết số 43 của Quốc hội, trong 9 tháng năm 2023, tỉnh đã tạo và giải quyết việc làm mới cho 13.748 lao động, đạt 91,66% kế hoạch; hỗ trợ đưa 514 lao động đi làm việc có thời hạn ở nước ngoài, đạt 93,97% kế hoạch; thực hiện trợ cấp cho 345.523 lượt đối tượng bảo trợ xã hội với số tiền 190.179 triệu đồng; trợ giúp khẩn cấp cho 65 trường hợp với số tiền 1.159 triệu đồng.
Tỉnh thực hiện nghiêm chủ trương giảm lãi suất cho vay, nhất là giảm lãi suất cho vay đối với các khoản cho vay đang còn dư nợ hiện hữu và các khoản cho vay mới, phấn đấu mức giảm lãi suất tối thiểu từ 1,5-2%/năm để tích cực hỗ trợ doanh nghiệp, người dân phục hồi sản xuất kinh doanh, thúc đẩy tăng trưởng; thực hiện nghiêm cam kết giảm lãi suất cho vay. Đến cuối tháng 8.2023, so với cuối năm 2022: cho vay thu mua lúa, gạo xuất khẩu và tiêu dùng dư nợ 2.592 tỷ đồng, tăng trưởng 14,24%; cho vay thực hiện chính sách nhà ở xã hội dư nợ 202 tỷ đồng, tăng trưởng 26,25%; các chương trình tín dụng chính sách dư nợ đạt 3.737 tỷ đồng, tăng trưởng 8,16%; cho vay phát triển nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn dư nợ 22.579 tỷ đồng, tăng trưởng 5,01%...
Lãnh đạo tỉnh Hậu Giang cũng cho biết, hoạt động của HĐND có nhiều điểm đổi mới, nổi bật, chất lượng hoạt động ngày càng được nâng lên. Trong đó, đã tổ chức kịp thời, linh hoạt, chất lượng, chưa có tiền lệ nhiều kỳ họp với tinh thần tích cực, khẩn trương, trách nhiệm cao; bám sát yêu cầu thực tiễn, các chủ trương, nghị quyết của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy, kịp thời quyết nghị ban hành nhiều chính sách quan trọng phục vụ cho sự phát triển của tỉnh.
Trong nửa nhiệm kỳ qua, HĐND tỉnh đã tổ chức 15 kỳ họp (5 kỳ họp thường lệ, 10 kỳ họp chuyên đề), xem xét thông qua 192 nghị quyết quan trọng thuộc các lĩnh vực, góp phần thực hiện tốt nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh trên địa bàn tỉnh. UBND tỉnh và chính quyền các cấp tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính, đặc biệt là chuyển đổi số, chính quyền điện tử; quyết liệt chỉ đạo, thực hiện thành công công tác phòng, chống, kiểm soát dịch bệnh Covid-19 và thúc đẩy phục hồi, phát triển kinh tế - xã hội.
Huy động mọi nguồn lực thực hiện các dự án hạ tầng chiến lược, trọng điểm
Về định hướng phát triển trong thời gian tới, Phó Bí thư Thường trực Tỉnh ủy Hậu Giang Trần Văn Huyến nêu rõ, Ban Chấp hành Đảng bộ tập trung tăng cường lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện tốt một số nhiệm vụ trọng tâm.
Trong đó, tổ chức và phối hợp thực hiện hiệu quả Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050 và Kế hoạch thực hiện Quy hoạch vùng đồng bằng sông Cửu Long thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, trong đó, Hậu Giang phát triển dịch vụ logistic để bổ trợ cho thành phố Cần Thơ về thực hiện vai trò là trung tâm logistic của vùng.
Tham gia xây dựng và triển khai cơ chế, chính sách hỗ trợ tài chính về phát triển chuỗi giá trị nông nghiệp; hỗ trợ đào tạo lực lượng lao động có trình độ, kỹ năng, tính chuyên nghiệp cao; xây dựng môi trường sống tốt, điểm đến hấp dẫn của vùng đồng bằng sông Cửu Long.
Huy động mọi nguồn lực, cả hệ thống chính trị, với quyết tâm cao, nỗ lực lớn, hoàn thành vượt tiến độ công tác thu hồi đất, bồi hoàn, hỗ trợ tái định cư các dự án hạ tầng chiến lược, trọng điểm, đặc biệt là hai khu công nghiệp Sông Hậu 2 và khu công nghiệp Đông Phú 2.
Đối với 2 dự án cao tốc qua địa bàn, Dự án thành phần đoạn Cần Thơ - Hậu Giang - Cà Mau thuộc Dự án xây dựng công trình đường bộ cao tốc Bắc - Nam phía Đông giai đoạn 2021 - 2025, tỉnh tập trung chỉ đạo bàn giao mặt bằng sạch đối với 25 hộ còn lại và di dời các công trình hạ tầng kỹ thuật trước ngày 31/1/2023. Tập trung triển khai Dự án thành phần 3 thuộc Dự án đầu tư xây dựng đường bộ cao tốc Châu Đốc - Cần Thơ - Sóc Trăng giai đoạn 1 theo Nghị quyết của Quốc hội và Chính phủ. Triển khai các thủ tục giao mỏ cát cho nhà thầu triển khai thi công đối với mỏ cát UBND tỉnh An Giang, UBND tỉnh Vĩnh Long giao cho Tỉnh, phấn đấu hoàn thành trong năm 2023 để kịp thời hạn áp dụng cơ chế đặc thù theo Nghị quyết của Quốc hội.
Tỉnh cũng sẽ chỉ đạo quyết liệt công tác triển khai, quán triệt và tổ chức thực hiện nghiêm túc, hiệu quả, thực chất các nghị quyết, đề án, kế hoạch của Tỉnh ủy, Ban Thường vụ Tỉnh ủy về công tác xây dựng Đảng và phát triển kinh tế - xã hội, đưa Nghị quyết Đại hội đại biểu Đảng bộ tỉnh và Chương trình số 50-CTr/TU của Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa XIV thật sự đi vào cuộc sống. Tổ chức triển khai công tác chuẩn bị đại hội đảng bộ các cấp nhiệm kỳ 2025 - 2030.
Lãnh đạo triển khai các nhiệm vụ, giải pháp đồng bộ tổ chức thực hiện Quy hoạch tỉnh Hậu Giang thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050, đề ra lộ trình, tiến độ thực hiện từng năm và cả giai đoạn theo tinh thần Nghị quyết số 09- NQ/TU ngày 23.12.2022 về nâng cao hiệu quả triển khai thực hiện Quy hoạch và thu hút đầu tư tỉnh Hậu Giang, giai đoạn 2021 - 2030 và các năm tiếp theo. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo mục tiêu phát triển nhanh, hiệu quả bền vững. Tập trung nguồn lực tài chính phát triển, hoàn thiện hệ thống kết cấu hạ tầng chiến lược đồng bộ, nhất là hạ tầng giao thông, hạ tầng khu công nghiệp tạo động lực gia tăng nhanh tỷ trọng cơ cấu kinh tế công nghiệp, dịch vụ.
Tổ chức triển khai thực hiện có hiệu quả Nghị quyết về xây dựng và phát triển văn hóa, con người Hậu Giang đáp ứng yêu cầu phát triển nhanh và bền vững. Hiện thực hóa tiềm năng du lịch của tỉnh; nâng cao chất lượng các hoạt động và xây dựng sản phẩm trong lĩnh vực du lịch, quảng bá hình ảnh Hậu Giang với du khách trong và ngoài nước. Triển khai hiệu quả Đề án phát triển kinh tế ban đêm ở Hậu Giang giai đoạn 2021 - 2025, định hướng đến năm 2030; Đề án tổng thể phát triển thể lực, tầm vóc người Việt Nam giai đoạn 2011 - 2030 tại tỉnh Hậu Giang...