Từ lươn (Nghệ An), nhãn (Hưng Yên) đến vải thiều (Bắc Giang), xoài (Đồng Tháp)…
Trong nền kinh tế hiện nay, mối quan hệ giữa cung - cầu, sản xuất - tiêu thụ đang chịu tác động rất lớn từ yếu tố thông tin thị trường. Đặc biệt, thông tin sai lệch nhiều khi để lại những hậu quả rất lớn đến hoạt động sản xuất. Đối với các mặt hàng nông sản thì những tác động này lại càng rõ ràng, cụ thể. Không khó để tìm thấy ví dụ chứng minh cho điều này. Người nông dân ở nhiều nơi đã phải gánh chịu những thiệt hại nặng nề do thông tin thất thiệt. Đó là thông tin lươn (Nghệ An) được nuôi bằng… thuốc tránh thai; nhãn (Hưng Yên) tẩm lưu huỳnh để giữ cho mẫu mã đẹp, tươi lâu; hay như tin Xoài (Đồng Tháp) được ủ thuốc trong các túi giấy lạ; rau cần Khai Thái (Hà Nội) được người dân phun thuốc tăng trưởng…
Chưa dừng lại ở đó, thông tin sai lệch về giá cả nông sản hoặc những thông tin thiếu chính xác về thị trường tiêu thụ cũng trực tiếp gây thiệt hại cho hoạt động sản xuất của người nông dân. Cách đây chưa lâu, thông tin “vải thiều Bắc Giang rớt giá” trên một số tờ báo cũng đã khiến hàng nghìn nông dân ở đây “khóc dở, mếu dở”. Trong khi giá vải thiều trong vụ vải năm 2018 vừa qua khá ổn định ở mức cao thì các tờ báo này lại đưa tin “vải thiều rớt giá thảm hại, gặp khó khăn trong tiêu thụ. Có nơi, vải thiều bị ép giá xuống 3.000 đồng/kg….”. May mắn là ngay sau đó, UBND tỉnh Bắc Giang đã cùng với Bộ Nông nghiệp & Phát triển nông thôn (NN&PTNT) kiểm tra tính chính xác của nguồn tin trên và đề nghị đính chính thông tin; tránh ảnh hưởng đến hoạt động sản xuất của địa phương. Hay gần đây nhất, trong những ngày qua, thông tin về việc thị trường Trung Quốc đóng cửa không nhập thanh long của Việt Nam đã trở thành một nguyên nhân khiến cho giá thu mua thanh long ở trong nước giảm nhanh chóng. Tuy nhiên, thực tế lại hoàn toàn không phải như vậy. Không có việc thị trường Trung Quốc không nhập thanh long của Việt Nam. Thông tin sai lệch đã gây ảnh hưởng lớn đến hoạt động sản xuất; trong đó, “nạn nhân” trực tiếp của những thông tin nói trên không ai khác chính là những người nông dân. Trao đổi với báo chí, đồng chí Hoàng Trung, Cục trưởng Bảo vệ thực vật, Bộ NN&PTNT cho biết, việc xuất khẩu thanh long sang Trung Quốc tại các cửa khẩu ở Lào Cai, Lạng Sơn vẫn diễn ra rất bình thường; bình quân mỗi ngày Việt Nam xuất khoảng 13.000 tấn quả thanh long tươi qua các cửa khẩu tại biên giới phía Bắc.
Đến trách nhiệm của người cầm bút…
Có thể thấy, việc tung tin thất thiệt về những mặt hàng nông sản trong thời gian qua đã để lại những hậu quả không hề nhỏ. Dù vô tình hay hữu ý, việc lan truyền các thông tin sai lệch cũng hết sức đáng trách. Chị Nguyễn Thị Thơm, một nông dân ở huyện Khoái Châu (Hưng Yên) chia sẻ: “Người dân quê tôi cả năm chỉ trông vào quả nhãn. Vậy mà ai đó lại đưa tin là nhãn Hưng Yên tẩm ướp lưu huỳnh. Đến ngay cả người thân của tôi ở Hà Nội cũng gọi điện về hỏi. Đến khi thị trường biết đó là thông tin sai lệch thì giá mua nhãn của thương lái cũng đã giảm đi gần ½. Buồn lắm mà không biết làm thế nào”. Còn anh Phan Văn Thịnh ở huyện Đô Lương (Nghệ An) bức xúc: “Chả biết họ nghe ở đâu mà lại nói là quê tôi nuôi lươn có sử dụng… thuốc tránh thai. Sau đó là số lượng người mua lươn cũng giảm; lươn xuất bán được thì cũng sụt giá. Nhiều nơi, đến cháo lươn người ta cũng không dám ăn. Phải mất nhiều tháng sau, việc nuôi lươn mới dần được khôi phục lại”.
Khách quan nhìn nhận, có một thực tế đáng suy ngẫm đó là thời gian qua, một số tờ báo, một số người cầm bút đã trở thành “tác nhân” để các thông tin sai lệch nói trên lan truyền nhanh trong dư luận. Vì nhiều lý do: Nghiệp vụ của phóng viên, hiệu quả xác minh thông tin, động cơ viết bài… nhưng thực tế là đã có không ít bài báo trích dẫn các thông tin thiếu chính xác liên quan đến các mặt hàng nông sản trong nước. Theo nhiều chuyên gia kinh tế, dù do nguyên nhân nào thì những thông tin báo chí sai lệch cũng đã trực tiếp làm “xấu” hình ảnh mặt hàng nông sản của nước ta trên thị trường; đồng thời, tạo những khó khăn không đáng có đối với người sản xuất trong việc tiêu thụ các mặt hàng nông sản.
Sản xuất nông nghiệp ở Việt Nam những năm qua đã có bước tiến lớn trong ứng dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, song nhìn chung, người nông dân vẫn gặp không ít khó khăn do chi phí đầu tư sản xuất; thiên tai, dịch bệnh; sự biến động của thị trường tiêu thụ… Do vậy, việc lan truyền các thông tin sai lệch, thiếu chính xác về các mặt hàng nông sản sẽ không chỉ ảnh hưởng xấu đến hoạt động sản xuất nông nghiệp mà còn là yếu tố trực tiếp làm tăng thêm những khó khăn đối với người nông dân. Về lâu dài, sẽ tiềm ẩn những tác động tiêu cực đến kinh tế xã hội đất nước.
Trong khi cuộc cách mạng 4.0 đang ngày càng phát triển, cuộc sống người dân đang ngày càng gắn bó với mạng xã hội, báo điện tử thì chỉ cần một thông tin thất thiệt sẽ gây hậu quả lớn đến hoạt động sản xuất và hoạt động tiêu thụ sản phẩm. Nhiều khi, người tiêu dùng mất niềm tin vào chất lượng của sản phẩm nông sản; người sản xuất điêu đứng cũng chỉ vì một thông tin thiếu cơ sở, thiếu kiểm chứng. Do vậy, với trách nhiệm của người cầm bút, mỗi phóng viên, nhà báo cần coi trọng việc kiểm chứng thông tin, xác minh rõ sự việc trong quá trình tác nghiệp; cần đề cao lương tâm, trách nhiệm của người làm báo ở mỗi tin bài trước khi đưa đến bạn đọc. Đó là cách để mỗi người cầm bút góp phần đẩy lùi những thông tin thất thiệt; bảo vệ người nông dân trước những thông tin sai lệch và tạo dựng môi trường thông tin lành mạnh, chính xác vì lợi ích chung của toàn xã hội./.
THEO BÁO ĐT ĐẢNG CỘNG SẢN