Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Chương trình MTQG phát triển KT-XH vùng DTTS và miền núi là cơ hội phát triển mới cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc

Minh Thu - Việt Hùng - 20:35, 20/04/2021

Đó là phát biểu của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Ủy ban Dân tộc Hầu A Lềnh tại Diễn đàn “Đầu tư phát triển KT - XH vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Tầm nhìn 2020-2030” diễn ra ngày 20/4/2021, tại TP. Việt Trì, tỉnh Phú Thọ. Diễn đàn do Ban Kinh tế Trung ương phối hợp với Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam và UBND tỉnh Phú Thọ tổ chức.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh phát biểu tại Diễn đàn
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh phát biểu tại Diễn đàn

Ông Nguyễn Hồng Sơn, Phó Trưởng Ban Kinh tế Trung ương, ông Vũ Tiến Lộc, Chủ tịch Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, ông Bùi Minh Châu, Bí thư Tỉnh ủy Phú Thọ đồng chủ trì Diễn đàn. Tham dự Diễn đàn có Lãnh đạo 14 tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc cùng hơn 200 doanh nghiệp trong vùng. Về phía Ủy ban Dân tộc (UBDT) có sự tham dự của Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh.

Báo cáo đề dẫn tại Diễn đàn cho thấy: Vùng Trung du và miền núi phía Bắc là một trong 6 vùng kinh tế - xã hội (KT - XH) của Việt Nam; gồm 14 tỉnh, với diện tích trên 100 ngàn km2; tổng dân số gần 14 triệu người với trên 30 dân tộc anh em chung sống. Sau 17 năm thực hiện Nghị quyết số 37 - NQ/TW ngày 1/7/2004 của Bộ Chính trị về phương hướng phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo quốc phòng, an ninh vùng Trung du và miền núi phía Bắc đến năm 2020, bộ mặt của vùng đã có nhiều thay đổi; KT - XH có bước phát triển, đời sống vật chất và tinh thần của người dân được nâng lên…

Đại diện các cơ quan Trung ương thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn.
Đại diện các cơ quan Trung ương thảo luận, chia sẻ kinh nghiệm tại Diễn đàn.

Tuy nhiên, tốc độ phát triển của vùng Trung du và miền núi phía Bắc vẫn còn nhiều hạn chế. Đây vẫn là vùng nghèo và khó khăn nhất cả nước, thu nhập bình quân đầu người thấp, tỉ lệ hộ nghèo cao, nhiều chỉ số về văn hóa, xã hội đạt mức thấp hơn trung bình toàn quốc. Kết cấu hạ tầng KT - XH chậm được cải thiện, nhất là kết nối hạ tầng giao thông, năng lực cạnh tranh của vùng chậm được cải thiện…

Với ý nghĩa quan trọng đối với sự phát triển KT - XH của vùng trong bối cảnh mới, Diễn đàn “Đầu tư phát triển KT - XH vùng Trung du và miền núi phía Bắc: Tầm nhìn 2020-2030” đã nhận được sự tham gia, đóng góp ý kiến, thảo luận của nhiều chuyên gia, Lãnh đạo các địa phương. Tại Diễn đàn, các đại biểu đã tập trung phân tích, đánh giá những tiềm năng, lợi thế và những khó khăn, thách thức, những điểm nghẽn đối với vùng và các địa phương trong vùng trong bối cảnh phát triển mới; chỉ ra cơ hội, chính sách thu hút, mời gọi các nhà đầu tư; đề xuất các quan điểm, giải pháp nhằm hoàn thiện, xây dựng quy hoạch …

Toàn cảnh Diễn đàn
Toàn cảnh Diễn đàn

Phát biểu tại Diễn đàn, Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh khẳng định: Thời gian qua, Nghị quyết số 37 - NQ/TW đã đem lại nguồn lực to lớn đối với các tỉnh vùng Trung du và miền núi phía Bắc. Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh bày tỏ: Đảng, Nhà nước ta đặc biệt quan tâm đến vùng đồng bào DTTS với rất nhiều chính sách của Trung ương và địa phương đã góp phần thúc đấy phát triển KT-XH của vùng. Tỷ lệ hộ nghèo toàn vùng giảm từ trên 30% (năm 2015) xuống còn trên 10% như hiện nay là một kết quả rất đáng ghi nhận.

Bộ trưởng, Chủ nhiệm UBDT Hầu A Lềnh thông tin: Hiện nay, UBDT đang gấp rút hoàn thiện Báo cáo nghiên cứu khả thi Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển KT-XH vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2030 với tổng nguồn lực đầu tư cho cả giai đoạn là 157 nghìn tỷ đồng. Trong đó riêng khu vực miền núi phía Bắc (gồm 14 tỉnh) được đầu tư gần 80 nghìn tỷ đồng. Đây là cơ hội phát triển mới cho vùng Trung du và miền núi phía Bắc.

Bày tỏ đồng tình với những nội dung của Diễn đàn đặt ra, Bộ trưởng, Chủ nhiệm Hầu A Lềnh khẳng định, chúng ta có quyền tự hào về vùng đất lịch sử cách mạng với nhiều tiềm năng, cảnh quan thiên nhiên hùng vĩ, đặc biệt là nơi lưu giữ nhiều bản sắc văn hóa độc đáo của các dân tộc anh em. Vì vậy, Trung ương cần xem xét ban hành những cơ chế, chính sách giúp vùng Trung du và miền núi phía Bắc khai thác tốt tiềm năng, lợi thế để phát triển mạnh mẽ hơn nữa trong tương lai.