Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Cô gái Ê-đê với kế hoạch khởi nghiệp từ thổ cẩm

PV - 13:56, 02/07/2018

Sinh ra giữa cái nôi của nghề dệt truyền thống buôn Mduk, phường Ea Tam, TP. Buôn Ma Thuột (Đăk Lăk), H’Sanh Niê mê mẩn với những nét hoa văn độc đáo trên những tấm thổ cẩm truyền thống mẹ dệt. Được mẹ truyền nghề từ nhỏ, 12 tuổi, H’Sanh dệt những tấm thổ cẩm truyền thống có hoa văn đơn giản. Dần dần bằng sự sáng tạo và đôi tay khéo léo, H’Sanh đã tự thiết kế, cắt may thủ công tạo ra những sản phẩm đẹp mắt được nhiều người thích thú...

H’Sanh (bên phải) giới thiệu cho khách các sản phẩm thổ cẩm. H’Sanh (bên phải) giới thiệu cho khách các sản phẩm thổ cẩm.

 

Gặp H’Sanh khi cô nữ sinh này tham gia gian trưng bày sản phẩm thổ cẩm truyền thống trong Ngày hội Văn hóa-Thể thao đồng bào các DTTS TP. Buôn Ma Thuột lần thứ X. Với sản phẩm là những món hàng lưu niệm nhỏ nhắn, xinh xắn được cắt, may thủ công gồm, đôi búp bê nam nữ mặc trang phục truyền thống của người Ê-đê, túi đựng điện thoại, túi xách… thu hút sự quan tâm của nhiều du khách.

Cô gái trẻ nhiệt tình chia sẻ với khách câu chuyện giữ nghề dệt truyền thống của mẹ; giới thiệu những sản phẩm của mình và dự định tương lai đối với nghề dệt. Theo lời H’Sanh trước đây, thổ cẩm chủ yếu dệt thủ công chỉ làm trang phục truyền thống, đồ dùng trong sinh hoạt của đồng bào Ê-đê. Những tấm thổ cẩm dệt thủ công tuy rất đẹp mắt, nhưng lại rất khó bán vì khó cạnh tranh với các sản phẩm thời trang công nghệ. Sản phẩm làm ra chủ yếu là váy áo, khăn trải bàn giá thành cao nên chỉ bán cho đồng bào Ê-đê trong vùng để sử dụng trong các lễ hội, ngày vui của buôn làng, hiếm có du khách nào lại chọn mua để làm kỷ niệm.

Ngoài giờ học H’Sanh phụ mẹ dệt thổ cẩm. Ngoài giờ học H’Sanh phụ mẹ dệt thổ cẩm.

 

Ngày nay, nhiều sản phẩm quà lưu niệm làm từ chất liệu thổ cẩm ra đời, nhưng lại chủ yếu sản xuất bằng vải công nghiệp nên em muốn cải tiến làm sao có được sản phẩm quà lưu niệm đúng chất truyền thống, để tạo được ấn tượng mà vẫn giữ được văn hóa đặc trưng, H’Sanh tâm sự.

Nắm bắt thị hiếu của người tiêu dùng, từ những tấm vải mẹ dệt, H’Sanh đã tự thiết kế, cắt may tạo ra những chiếc váy maxi, áo ghi lê, áo không tay, cà vạt cách tân hợp thời trang và những chiếc túi nhỏ gọn, đa dạng về kích cỡ, kiểu dáng dễ dàng sử dụng và tiện lợi mang theo bên mình. Để tạo điểm nhấn trên sản phẩm, H’Sanh còn đính thêm hạt cườm, thắt nơ và dùng miếng lót xốp để tạo độ cứng cho sản phẩm.

Năm 2015, H’Sanh đăng các sản phẩm của mình trên trang Facebook cá nhân giới thiệu sản phẩm; đồng thời lắng nghe ý kiến đánh giá của cộng đồng để sản phẩm ngày càng hoàn thiện và chính thức nhận bán quà lưu niệm chất liệu thổ cẩm truyền thống.

Chỉ trong thời gian ngắn, rất nhiều khách hàng ở xa biết và đặt mua sản phẩm của H’Sanh. Qua giới thiệu của bạn bè, không ít khách hàng từ TP. Hồ Chí Minh cũng tìm đến tận nơi xem và đặt sản phẩm. Đặc biệt, là người mẫu H’Ăng Niê đặt thổ cẩm của gia đình em để trưng bày tại Festival đồ thổ cẩm diễn ra tại TP. Hồ Chí Minh.

Từ việc cắt may và bán sản phẩm, H’Sanh có nguồn thu nhập ổn định trang trải việc học hành và phụ giúp thêm cho gia đình. Đến nay, lượng khách hàng khá đông, có thời điểm sản phẩm làm ra không đủ để bán. Ngoài việc không ngừng sáng tạo làm ra những mẫu mới phục vụ khách hàng, H’Sanh sẽ đầu tư may sẵn trang phục truyền thống nhiều lứa tuổi khác nhau mở dịch vụ thuê đồ phục vụ khách du lịch thuê chụp hình, biểu diễn văn nghệ…

H’Sanh hiện đang là sinh viên năm 3, khoa Quản trị kinh doanh, Trường Đại học Tây Nguyên. Dự định sau khi ra trường, em sẽ khởi nghiệp với sản phẩm thổ cẩm truyền thống hoàn toàn bằng thủ công từ khâu dệt đến hoàn thiện sản phẩm. Để đảm bảo việc học và tạo ra các sản phẩm quà lưu niệm, em tranh thủ thời gian mọi lúc, mọi nơi, để thiết kế, cắt may.

“Em dự định sau khi ra trường, sẽ tập hợp người biết dệt, may vá giỏi trong buôn làm theo thiết kế, mở một cửa hàng trưng bày riêng, tìm đầu ra bán các sản phẩm của các mẹ, các chị làm ra”, H’Sanh chia sẻ.

Lê Hường

Tin cùng chuyên mục
Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ghi nhận chuyển đổi số phát triển kinh tế ở vùng đồng bào DTTS và miền núi Nghệ An

Ứng dụng công nghệ thông tin vào sản xuất, phát triển kinh tế -xã hội đang là xu thế mới ở các bản làng vùng DTTS Nghệ An. Từ nét đẹp văn hóa truyền thống, những gùi măng, con gà, con lợn, hay các sản phẩm từ nghề truyền thống như đan lát, thổ cẩm... từng bước xuất hiện trên không gian mạng, không chỉ quảng bá giới thiệu, lan tỏa được bản sắc của đồng bào các DTTS đến được với nhiều khách hàng mà còn mang về nguồn thu tốt hơn cho bà con.