Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Có một bản sao “Y Moan” nơi núi rừng Tây Bắc

PV - 21:26, 30/01/2018

Chính bài hát “Giấc mơ Chapi” được ngân lên giữa núi rừng Tây Bắc đã làm cho chúng tôi có ấn tượng mạnh mẽ về ông trong một lần đi công tác. Với mái tóc lưa thưa, nước da ngăm đen, bộ quần áo dân tộc Ê-đê, trên cổ được đeo trang sức bằng nanh lợn rừng, vuốt hổ. Khi ông cất lên tiếng ca cùng với vũ điệu cuồng nhiệt của bài hát đã làm cho khán giả phía dưới đê mê, ngây ngất theo. Nghe ông hát, mọi người đều nghĩ rằng đang được nghe bài hát từ chính cố nghệ sĩ Y Moan. Vậy ông là ai?

Qua người dân địa phương chúng tôi cũng biết được bản sao của nghệ sĩ “Y Moan” kia là ai. Ông tên thật là Bạch Chí Tình, sinh năm 1956, lớn lên ở xứ Mường Động (xã Tú Sơn, huyện Kim Bôi, tỉnh Hòa Bình) với biệt danh “Y Cớt Tình” và điều đặc biệt là ông cũng chọn những ca khúc biểu diễn đều là nhạc của Nguyễn Cường và phong cách biểu diễn thì y trang “Y Moan”. Nên đôi khi người ta vẫn gọi ông với cái tên trìu mến “Nghệ sĩ Y Moan của núi rừng Tây Bắc”.

Gặp trò chuyện, ông kể: Khoảng thời gian từ năm 1990-1995, để mưu sinh, ông đi khắp nơi vùng Tây Bắc để thu mua những sản vật rừng đem xuống dưới xuôi bán. Tình cờ, giọng hát của ông được nhiều người biết đến trong một lần giao hàng cho nhà hàng Lệ Mật nổi tiếng nằm trên đường Nguyễn Văn Dực, Gia Lâm, Hà Nội.

Nghệ sỹ đồng quê Bạch Chí Tình cùng PV trước dàn cồng chiêng. Nghệ sỹ đồng quê Bạch Chí Tình cùng PV trước dàn cồng chiêng.

 

Nhà hàng này được biết đến là nơi thường lui tới của những đại gia Hà Thành. Khi thượng khách tới thưởng thức thường được nghe các ca sĩ hát phục vụ. Hôm đó, ca sĩ nhà hàng thuê vì lý do nào đó đã không đến được theo thỏa thuận. Ông chủ nhà hàng lo sốt vó, vừa điện thoại vừa đứng ngồi không yên. Bạch Chí Tình đang ngồi uống nước cùng ông chủ liền ngỏ lời: “Nếu ông không ngại tôi có thể hát phục vụ đêm nay”. Tỏ ra hồ nghi ông chủ hỏi lại: “Liệu anh có làm được không?”. Bạch Chí Tình chỉ nói: “Ông hãy tin ở tôi”, rồi nhờ người đi mượn cho chiếc áo dân tộc, ông xõa tóc, lôi chiếc vòng cổ mà ông vẫn thường đeo ra ngoài áo. Ông tự tin bước ra sân khấu.

Hôm đó, tất cả các thực khách đều “ồ lên” và đứng cả dậy vỗ tay vì họ nhầm tưởng nhà hàng mời được “nghệ sĩ Y Moan”. Sau khi cúi đầu chào khán giả, ông giới thiệu mình không phải là “Y Moan” mà là “Y Cớt Tình”. Bởi trong tiếng Mường thì “Moan” và “Cớt” đều có nghĩa là “dọn”, ông hóm hỉnh kể. Mọi người nghe giới thiệu với cái tên lạ hoắc tôi có thể nhìn thấy rõ sự thất vọng trên từng gương mặt. Tuy nhiên, khi ông cất lời bài hát như: “Anh muốn sống bên em trọn đời, Đi tìm nữ thần mặt trời, Ly cà phê Ban Mê...” của nhạc sĩ Nguyễn Cường thì khán giả đều đứng bật dậy, vỗ tay, reo hò, cổ vũ... như một buổi biểu diễn ca nhạc thực sự vậy. Sau buổi diễn ông được nguyên tiền cát-xê của ca sĩ và còn được bo bằng cả tiền hàng hôm đó.

Nhờ những buổi diễn ở nhà hàng Lệ Mật mà cái tên ca sỹ “Y Cớt Tình” đã được nhiều người biết đến. Các đoàn đi biểu diễn cũng đã mời ông tham gia. Đối với người “nghệ sĩ đồng quê” như ông, được đi diễn là niềm đam mê lớn nhất, nên ông bỏ bê công việc đi lưu diễn theo đoàn.

Ông Tình kể lại, lần ông đi diễn ở Lạng Sơn cùng với đoàn nghệ sĩ Minh Vượng. Khi ông xuất hiện với chất giọng của rừng núi, trầm lắng, da diết thì khán giả ngây lặng và đương nhiên họ nghĩ ông là “nghệ sĩ Y Moan”, cho dù ông giới thiệu mình là “Y Cớt Tình”, nhưng chẳng ai quan tâm đến điều đó. Khi bài hát kết thúc cũng là những tiếng reo hò, cổ vũ rào rào, khán giả chạy lên sân khấu tặng hoa, xin chữ ký làm ông ngây ngất.

Để có được chất giọng, phong thái biểu diễn và nhất là các bài hát được xử lý điêu luyện như vậy, không phải là “ngày một ngày hai” mà có ngay được, ông đã phải học, phải tập và khổ luyện hơn 40 năm nay.

Theo lời ông kể thì thời gian còn trong quân đội (Trung đoàn 220), thuộc Quân chủng Phòng không Không quân. Khi phải hát những bài hát truyền thống quân đội, ông đã cảm thấy mình rất yêu thích chỉ vài lần tập là ông đã thuộc lời, thuộc nhạc. Chẳng mấy chốc ông trở thành người lĩnh xướng trong những lần hát tập thể. Một thời gian ngắn ông đã có thể hát và xử lý điêu luyện những bài hát cách mạng và trở thành “cây văn nghệ” của Trung đoàn. Ông Tình chia sẻ: “Văn nghệ đã ngấm vào máu của tôi. Hát để xua tan mệt mỏi sau những buổi thao trường, tiếng hát tiếp thêm sức mạnh để các chiến sĩ hăng say luyện tập”.

Mặc dù chưa từng được học qua trường lớp nào nhưng với niềm đam mê ca hát cộng với trí nhớ “siêu việt”. Những ca khúc hay ông chỉ nghe 1 đến 2 lượt là thuộc cả lời và nhạc điệu. Sau đó, ông còn có cách xử lý bài hát để mang đậm phong cách riêng của mình. Anh em trong đơn vị khi thưởng thức những bài hát “đi cùng năm tháng” do ông thể hiện đã không ngoa khi nhận xét chiến sĩ Tình hát còn “ăn đứt” những ca sĩ chuyên nghiệp.

Dù biểu diễn nhiều dòng nhạc nhưng theo “Nghệ sĩ đồng quê” Bạch Chí Tình thì: “Tôi mê những sáng tác của Nguyễn Cường, bởi ở đó “có cái nắng, có cái gió” và cuộc sống chân chất như quê hương tôi. Mỗi lần thể hiện bài hát tôi thả hồn chân chất vào bài hát, hát bằng say sưa, bằng đam mê nên có lẽ điều đó đã được khán giả đón nhận”.

DOÃN KIÊN