Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thời sự

Công tác TĐKT cần quan tâm đến đối tượng là đồng bào DTTS, người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông dân

Minh Thu - 11:33, 28/10/2021

Đó là ý kiến của một số đại biểu Quốc hội về Dự thảo Luật Thi đua Khen thưởng (TĐKT, sửa đổi) tại phiên họp trực tuyến thảo luận về Dự thảo Luật TĐKT (sửa đổi) ngày 28/10. Bên cạnh đó, các đại biểu có nhiều ý kiến đóng góp về việc khắc phục những bất cập trong thủ tục, quy trình xét tặng các danh hiệu thi đua; việc khen thưởng “Huy chương Thanh niên xung phong (TNXP) vẻ vang” cho các thế hệ Thanh niên xung phong (TNXP).

Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp trực tuyến thảo luận Dự thảo Luật TĐKT (sửa đổi
Phó Chủ tịch Thường trực Quốc hội Trần Thanh Mẫn điều hành phiên họp trực tuyến thảo luận Dự thảo Luật TĐKT (sửa đổi

Công tác TĐKT cần quan tâm đến đối tượng là đồng bào DTTS, người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông dân

Theo đại biểu Điểu Huỳnh Sang, Đoàn Bình Phước: Dự thảo Luật TĐKT mới chỉ quan tâm chủ yếu đến lực lượng cán bộ, công chức, lực lượng vũ trang, chưa quan tâm đến đội ngũ công nhân, nông dân, trí thức, các quy định còn chung chung, mang tính định tính, chưa tạo động lực, chưa gắn kết sâu rộng công tác thi đua với thực hiện nhiệm vụ. Cần bổ sung đối tượng, quy định khen thưởng cho đối tượng TNXP, phong trào thi đua ở nông thôn, vùng sâu, vùng ĐBKK, bởi việc quy định một số danh hiệu chưa bao quát hết phong trào ở cơ sở, một số quy định còn bất cập như tiêu chuẩn danh hiệu thi đua.

Đồng tình với ý kiến của đại biểu Điểu Huỳnh Sang, từ điểm cầu tỉnh Thanh Hóa, đại biểu Mai Văn Hải cho rằng, công tác TĐKT cần quan tâm đến đối tượng là đồng bào DTTS, người dân ở vùng sâu, vùng xa, nông dân. Cần có quy định, tiêu chí cụ thể, phù hợp với các vùng miền, nhất là miền núi, vùng sâu vùng xa, để thúc đẩy phong trào thi đua ở những vùng còn khó khăn, vùng đồng bào DTTS. Dự thảo luật cần xem xét phạm vi đối tượng, những sáng kiến và tạo điều kiện cho nông dân, người dân ở vùng sâu, vùng xa tích cực tham gia các phong trào thi đua, tiếp cận các danh hiệu thi đua.

Đại biểu Đào Chí Nghĩa thảo luận Dự thảo Luật TĐKT tại điểm cầu TP Cần Thơ
Đại biểu Đào Chí Nghĩa thảo luận Dự thảo Luật TĐKT tại điểm cầu TP Cần Thơ

Khắc phục những bất cập trong thủ tục, quy trình xét tặng các danh hiệu thi đua

Bày tỏ băn khoăn về công tác TĐKT còn mang tính hình thức, đại biểu Trương Quốc Huy, Đoàn Hà Nam cho rằng, nội dung thi đua vẫn còn mang nặng tính hành chính, tính hình thức. Đại biểu đề nghị Ban soạn thảo Dự án luật cần bổ sung phạm vi, đối tượng, thẩm quyền phát động phong trào thi đua với sự tham gia của đông đảo thành phần xã hội. Để khắc phục tính thành tích, Dự thảo luật cần có quy định rõ, cụ thể, khen thưởng phải dựa trên công trạng của đối tượng, từ đó khích lệ cộng đồng phát huy các phong trào thi đua trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Cần có rà soát, thống nhất các tiêu chuẩn cụ thể trong việc khen thưởng (ghi nhận công trạng). Có quy định rõ về nguyên tắc, trách nhiệm, nhất là trách nhiệm người đứng đầu trong công tác TĐKT.

Sau khi sửa đổi, bổ sung dự thảo Luật TĐKT có 8 chương và 98 điều, trong đó có các nội dung sửa đổi, bổ sung về thi đua; sửa đổi, bổ sung về khen thưởng; sửa đổi, bổ sung các quy định về thẩm quyền; sửa đổi, bổ sung liên quan đến cải cách thủ tục hành chính, ứng dụng công nghệ thông tin trong quản lý công tác thi đua, khen thưởng.

Còn theo đại biểu Đào Chí Nghĩa, Đoàn Cần Thơ, Dự thảo Luật TĐKT cần khắc phục những bất cập về xét thi đua theo tỷ lệ, tránh tình trạng nể nang, phân định cấp trên, cấp dưới, mang nặng tính hình thức. Luật cần quan tâm khắc phục tối đa sự rườm rà trong xét khen thưởng, để kịp thời biểu dương, tránh phiền hà cho tổ chức, cá nhân được khen thưởng. Chú ý xây dựng hình thức, cách thức xét khen thưởng trong cơ quan Nhà nước và cơ quan Đảng, tạo sự đồng nhất cho khen thưởng với các tổ chức, cá nhân. Cần bổ sung khen thưởng “Huy chương TNXP vẻ vang” cho các thế hệ TNXP trong công cuộc bảo vệ đất nước, không nên quy định thời gian tại ngũ để bảo đảm tính nhân văn.

Bày tỏ đồng tình với các ý kiến thảo luận về việc khen thưởng “Huy chương TNXP vẻ vang” cho đối tượng là TNXP, đại biểu Lý Tiết Hạnh, Đoàn Bình Định cho rằng, TNXP là lực lượng có nhiều cống hiến, được giao nhiệm vụ cụ thể, rất xứng đáng được Nhà nước ghi nhận. Tuy nhiên, hiện có 588.000/670.000 TNXP chưa được khen thưởng thành tích kháng chiến, trong khi đa phần trong số họ đã lớn tuổi, nhiều người đã mất. Việc khen thưởng TNXP không chỉ động viên mà còn bảo đảm việc thực hiện chính sách, có ý nghĩa lớn trong giáo dục đối với thế hệ trẻ. Tuy nhiên, cần căn cứ thời gian tham gia, mức độ cống hiến, thành tích để phân hạng khen thưởng, vừa bảo đảm công bằng đối với từng người, vừa tương thích với hệ thống TĐKT của pháp luật. Cần quy định rõ việc xử lý nghiêm minh đối với vi phạm về TĐKT.