Theo trang thống kê worldometer.info, tính đến 6h ngày 16/12 (theo giờ VN), toàn thế giới ghi nhận tổng cộng 73.719.408 ca nhiễm virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19, bao gồm 1.639.362 ca tử vong.
Số bệnh nhân bình phục đã lên tới 51.748.695 người, 20.331.533 bệnh nhân đang được điều trị tích cực và 106.420 ca nguy kịch.
Trong vòng 24 giờ qua, các nước ghi nhận số ca dương tính với virus SARS-CoV-2 nhiều nhất thế giới gồm: Mỹ (151.511 ca), Brazil (40.625 ca) và Nga (26.689 ca); Mỹ cũng dẫn đầu về số ca tử vong mới (với 2.112 ca), tiếp theo là Brazil (854 ca) và Italy (846 ca).
Quốc gia chịu ảnh hưởng nghiêm trọng nhất vẫn là Mỹ với 310.209 ca tử vong trong tổng số 17.095.527 ca nhiễm. Tiếp đó là Ấn Độ với 142.994 ca tử vong trong số 9.854.208 ca bệnh. Brazil đứng thứ 3 với 181.123 ca tử vong trong số 6.880.127 bệnh nhân.
WHO đàm phán với Pfizer để sớm phân phối vaccine trên toàn cầu
Ngày 15/12, cố vấn cấp cao của Tổ chức Y tế thế giới (WHO) Bruce Aylward thông báo tổ chức này đang đàm phán với hãng dược phẩm Pfizer (Mỹ) để sớm phân bổ vaccine ngừa bệnh COVID-19 của hãng ra toàn cầu.
Phát biểu tại họp báo, ông Aylward cho biết đã nhận thấy một cam kết mạnh mẽ của Giám đốc điều hành (CEO) Pfizer, Albert Bourla nhằm đề ra mức giá vaccine hợp lý cho người nghèo. Ông cũng kỳ vọng trong những tuần tới sẽ nhận được tin từ một số nhà sản xuất vaccine đang tham gia vào Cơ chế Tiếp cận vaccine phòng COVID-19 trên phạm vi toàn cầu (COVAX).
Bên cạnh đó, WHO đang tìm kiếm các nguồn tài chính mới cho quỹ tài trợ trị giá khoảng 28 tỷ USD để chi cho các công cụ chống dịch COVID-19. WHO và Liên minh vaccine toàn cầu (GAVI) đang kêu gọi các nhà tài trợ đóng góp cho Cơ chế ACT-Accelerator nhằm phân phối vaccine, phương tiện điều trị và xét nghiệm công bằng tại các quốc gia, bất kể giàu nghèo. Cơ chế này hiện đang thiếu 4,3 tỷ USD vốn hoạt động khẩn cấp và 23,9 tỷ USD trong năm 2021.
Mỹ: Mở đường cấp phép vaccine COVID thứ hai
Tại Mỹ, theo các tài liệu công bố ngày 15/12, Cơ quan Thực phẩm và Dược phẩm Mỹ (FDA) không còn mối quan ngại nào về dữ liệu liên quan đến vaccine ngừa COVID-19 do hãng Moderna (Mỹ) bào chế, qua đó mở đường cho giới chức Mỹ nhanh chóng phê duyệt vaccine thứ hai. Theo FDA, vaccine tiêm 2 liều của Moderna rất hiệu quả trong việc ngăn ngừa các ca mắc COVID-19. Cơ quan này cũng không đưa ra bất kỳ quan ngại nào về vấn đề an toàn trong việc sử dụng vaccine đối với người trên 18 tuổi.
Mỹ đang lên kế hoạch phân phối 40 triệu liều vaccine, đủ cho 20 triệu người, trong tháng này, bao gồm vaccine của Moderna và vaccine của Pfizer/BioNTech. Trước đó, FDA đã cấp phép sử dụng khẩn cấp đối với vaccine ngừa COVID-19 do hãng Pfizer và BioNTech (Đức) phối hợp bào chế.
Trong một diễn biến khác, Cơ quan Dược phẩm châu Âu (EMA) đã quyết định sẽ nhóm họp để thảo luận về việc cấp phép cho vaccine ngừa COVID-19 của Pfizer và BioNTech vào ngày 21/12 tới, thay vì đợi đến ngày 29/12.
Trong một diễn biến liên quan, Phó Tổng thống Mỹ Mike dự kiến sẽ được tiêm vaccine trong ngày 17/12, theo hai nguồn tin tiết lộ với CNN. Nhiều khả năng, ông Pence sẽ được ghi hình khi nhận mũi tiêm.
Châu Âu phối hợp triển khai chương trình tiêm chủng COVID
Ngày 15/12, Đức, Pháp, Italy và 5 quốc gia châu Âu khác gồm Bỉ, Luxembourg, Hà Lan, Tây Ban Nha và Thụy Sĩ tuyên bố sẽ phối hợp khởi động các chiến dịch tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19.
Tuyên bố của bộ trưởng y tế 8 quốc gia trên khẳng định sẽ thúc đẩy "sự phối hợp trong công tác triển khai các chiến dịch tiêm chủng" và sẽ nhanh chóng chia sẻ thông tin về cách thức tiến hành, cùng với những cam kết về những nội dung khác, chẳng hạn như sự minh bạch.
Tây Ban Nha sẽ sản xuất vaccine COVID của Johnson & Johnson
Tại Tây Ban Nha, công ty dược phẩm Reig Jofre thông báo đã đạt được thỏa thuận với hãng dược phẩm Johnson & Johnson của Mỹ để sản xuất vaccine ngừa COVID-19 tại một nhà máy ở thành phố Barcelona. Theo thỏa thuận, Reig Jofre sẽ chịu trách nhiệm về thành phần, sản xuất và đóng gói chừng nào vaccine này được nhà chức trách phê duyệt, trong khi chi nhánh Janssen của Johnson & Johnson sẽ phụ trách phân phối.
Năm 2018, Reig Jofre đã đầu tư 30 triệu euro (36,4 triệu USD) để xây một nhà máy tại Barcelona. Nhà máy dự kiến đi vào hoạt động trong quý I/2021 và sẽ tăng sẽ gấp ba công suất sản xuất hiện nay.
Vaccine ngừa COVID-19 của Johnson & Johnson đang trải qua giai đoạn thử nghiệm cuối cùng với sự tham gia của 60.000 người tại hơn 200 địa điểm ở Mỹ và các nước khác. Kết quả thử nghiệm sẽ được công bố vào cuối tháng 1/2021.
Cùng ngày, Thủ tướng Ba Lan Mateusz Morawiecki thông báo chính phủ đã trích ra khoảng 3 tỷ zloty (tương đương 820,59 triệu USD) cho chương trình vaccine ngừa COVID-19 dự kiến bắt đầu vào tháng 1/2021. Trong khi đó, Bộ trưởng Y tế Ba Lan Adam Niedzielski khuyến cáo người dân nên ở nhà trong dịp Giáng sinh và Năm mới để ngăn dịch bệnh lây lan. Theo ông, nếu dịch bệnh leo thang, sẽ rất khó để tổ chức tiêm phòng hiệu quả.
Thuỵ Điển, Pháp: Bệnh nhân nhập viện cao kỷ lục
Tại châu Âu, Thụy Điển và Pháp đều ghi nhận số bệnh nhân đang điều trị tại các bệnh viện ở mức cao chưa từng thấy. Truyền hình Thụy Điển đưa tin số người mắc COVID-19 nhập viện ở nước này tăng lên mức cao nhất từ trước đến nay với tổng cộng 2.389 bệnh nhân nằm viện ngày 14/12, tăng 65 người so với mức đỉnh điểm ghi nhận vào giữa tháng 4 năm nay. Đến nay, Thụy Điển đã có tổng cộng 320.098 ca nhiễm, trong đó 7.514 ca tử vong.
Tại Pháp, số bệnh nhân COVID-19 nhập viện cũng tăng cao ngày thứ ba liên tiếp. Theo số liệu mới nhất, số người mắc COVID-19 nhập viện tại Pháp ngày 14/2 tăng thêm 242 người lên 25.481 người, trong khi số bệnh nhân cần điều trị tích cực tăng thêm 35 người lên 2.906 người. Tính đến hết ngày 15/12, Pháp đã ghi nhận tổng cộng 2.391.447 ca nhiễm và 59.072 ca tử vong.
Nga bắt đầu tiêm vaccine trên phạm vi cả nước
Bộ trưởng Y tế Mikhail Murashko ngày 15/12 cho biết tất cả các khu vực của Nga đã bắt đầu tiến hành tiêm vaccine ngừa bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19.
Bộ trưởng Murashko nêu rõ trước khi bàn giao số lượng lớn vaccine, các đơn vị cung cấp đã tiến hành thử nghiệm chuỗi cung ứng. Hiện tất cả các khu vực đã sẵn sàng tiếp nhận vaccine, thống nhất các thông số về công tác vận chuyển, bảo quản và tiêm chủng. Cũng tại cuộc họp, Thủ tướng Mikhail Mishustin chỉ thị phải đảm bảo "việc phân phối vaccine đến các khu vực một cách nhịp nhàng và kịp thời ". Bộ Y tế Nga đã lập kế hoạch phân phối thuốc để cung cấp cho các khu vực trong 3 tháng tới. Điều quan trọng là đảm bảo toàn bộ công việc này diễn ra suôn sẻ.
Trước đó, Tổng thống Nga Vladimir Putin đã chỉ thị bắt đầu tiến hành tiêm chủng quy mô lớn ở trong nước để phòng bệnh COVID-19, sau khi đã đảm bảo đủ vaccine phục vụ cho những công dân nằm trong nhóm có nguy cơ mắc bệnh cao.
Tại Italy, chính phủ nước này đang cân nhắc áp dụng trên toàn quốc các hạn chế gắt gao hơn trong suốt kỳ nghỉ Giáng sinh và Năm mới, trong bối cảnh có các cuộc tụ họp đông người tăng trở lại vào cuối tuần qua sau khi Rome nới lỏng một số quy định trong tháng trước.
Tại Hà Lan, Thủ tướng Mark Rutte cho biết nước này sẽ thực hiện lệnh phong tỏa nghiêm ngặt nhất từ trước đến này và kéo dài trong 5 tuần nhằm ngăn chặn đà lây lan của dịch COVID-19.
Đan Mạch chuẩn bị áp đặt phong tỏa toàn quốc
Tại Đan Mạch, kênh truyền hình TV2 đưa tin chính phủ nước này sẽ áp đặt các biện pháp phong tỏa hiện nay trên toàn quốc. Tuần trước, chính phủ chỉ áp đặt các biện pháp này tại một số khu vực bao gồm việc đóng cửa các quán bar, nhà hàng và bảo tàng sau khi số ca nhiễm tăng nhanh.
Theo trang thống kê worldometers.info, tính đến thời điểm này, Đan Mạch đã ghi nhận tổng cộng 116.087 ca nhiễm và 961 ca tử vong do COVID-19.
Châu Á: Trung Quốc lại phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì thực phẩm nhập khẩu
Ngày 15/12, chính quyền thành phố Trùng Khánh, khu vực Tây Nam Trung Quốc, đã phát hiện virus SARS-CoV-2 trên bao bì thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Argentina. Theo cơ quan phòng ngừa và kiểm soát COVID-19 quận Cao Tân, công tác kiểm soát thường xuyên đã phát hiện virus SARS-CoV-2 trên một mẫu bao bì đóng gói thịt bò đông lạnh nhập khẩu từ Argentina. Phần lớn trong số 342 sản phẩm thịt bò nhập khẩu thuộc lô hàng vẫn ở trong nhà kho, song 66 sản phẩm trong số đó đã được bán ra tại các quận, huyện chưa được xác định ở Trùng Khánh.
Hàn Quốc: Thêm 880 ca nhiễm mới
Tại Hàn Quốc, tình hình dịch bệnh có dấu hiệu phức tạp, khi Cơ quan Kiểm soát và Phòng ngừa dịch bệnh Hàn Quốc (KDCA) ngày 15/12 cho biết nước này có thêm 880 ca nhiễm mới, trong đó 848 ca lây nhiễm trong cộng đồng, nâng tổng số ca mắc ở Hàn Quốc lên 443.364 ca, trong đó có 600 ca tử vong. Theo KDCA, ngoài những ổ lây nhiễm gần đây liên quan đến trường học, học viện và nơi làm việc, những ổ lây nhiễm nhóm mới đang lần lượt xuất hiện tại các cơ sở tôn giáo và viện dưỡng lão vốn đã trở nên "yên ắng" trong thời gian dài vừa qua.
Cùng ngày 15/12, Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc cho biết Trung Quốc đại lục đã ghi nhận thêm 17 ca mắc mới trong ngày 14/12, gồm 3 ca lây nhiễm trong cộng đồng và 14 ca nhập cảnh. Trong số các ca lây nhiễm trong nước, 2 ca ghi nhận tại tỉnh Hắc Long Giang và 1 ca tại tỉnh Tứ Xuyên. Trung Quốc đại lục không ghi nhận thêm ca tử vong hay nghi nhiễm nào, trong khi có thêm 18 bệnh nhân COVID-19 đã bình phục và xuất viện trong ngày 14/12.
Tính đến hết ngày 14/12, Trung Quốc đại lục ghi nhận tổng cộng 86.758 ca mắc, trong đó 4.634 ca tử vong, 81.812 ca được chữa khỏi bệnh.
Nhật Bản: Đa số người dân thấy cần huỷ hoặc lùi Olympic
Tại Nhật Bản, kết quả thăm dò dư luận mới nhất do đài truyền hình NHK thực hiện cho thấy đa số người dân Nhật Bản cho rằng cần phải hủy bỏ hoặc lùi thời gian tổ chức các thế vận hội Olympic và Paralympic Tokyo.
Cuộc thăm dò được thực hiện vào cuối tuần trước, với sự tham gia của hơn 1.200 người. Trả lời câu hỏi liệu họ có cho rằng cần tổ chức các thế vận hội này vào năm 2021 hay không, 27% người được hỏi cho rằng cần tổ chức, trong khi 32% cho rằng cần hủy bỏ và 31% cho rằng cần tiếp tục hoãn Olympic và Paralympic.
Trong cuộc thăm dò dư luận trước đó vào tháng 10 vừa qua, số người cho rằng cần tổ chức Olympic và Paralympic là 40%, trong khi 23% đề nghị hủy và 25% đề nghị hoãn Điều này phản ánh nhiều người Nhật Bản lo ngại tình hình dịch COVID-19 sẽ trở nên trầm trọng nếu Nhật Bản quyết tâm tổ chức các sự kiện thể thao này.
Cuối tháng 3/2020, Chính phủ Nhật Bản đã quyết định lùi thời gian tổ chức Olympic và Paralympic Tokyo sang năm 2021 sau khi dịch COVID-19 bùng phát và lan khắp thế giới. Theo kế hoạch mới, Olympic Tokyo sẽ được tổ chức từ ngày 23/7 đến 8/8/2021, trong khi Paralympic Tokyo sẽ diễn ra từ ngày 24/8 đến 5/9/2021.
Indonesia cấm tổ chức sự kiện đông người đón Giáng sinh - Năm mới
Tại châu Á, nhằm kiềm chế tốc độ lây lan của dịch COVID-19, đặc biệt trong các dịp nghỉ lễ đang tới gần, ngày 15/12, giới chức Indonesia đã thông báo quyết định cấm tổ chức các hoạt động đông người nơi công cộng vào dịp lễ Giáng sinh 2020 và Năm mới 2021 trên phạm vi toàn quốc. Lệnh cấm có hiệu lực từ ngày 18/12/2020 đến ngày 8/1/2021.
Thái Lan cân nhắc tình trạng khẩn cấp
Tại Thái Lan, Thủ tướng Prayut Chan-o-cha cho biết đang cân nhắc thi hành sắc lệnh về tình trạng khẩn cấp và cấm tụ tập hơn 5 người nếu tình hình đại dịch COVID-19 ở nước này trở nên tồi tệ hơn.
Tại Singapore, chính phủ thông báo sẽ cho phép doanh nhân và quan chức các nước nhập cảnh từ tháng tới. Theo kế hoạch, một số lượng du khách hạn chế có thể xin thời gian lưu trú lên đến 14 ngày kể từ giữa tháng 1/2021. Tuy nhiên, một số quy định nghiêm ngặt vẫn được áp đặt đối với những người muốn đến thăm Singapore, quốc gia về cơ bản đã kiểm soát được dịch bệnh. Theo đó, du khách đều phải tiến hành các xét nghiệm COVID-19 trước khi nhập cảnh vào Singapore.
Malaysia nới thời gian cách ly nhập cảnh
Tại Malaysia, Bộ trưởng Quốc phòng Ismail Sabri Yaakob cho biết thời gian cách ly đối với những trường hợp nhập cảnh sẽ giảm xuống 7 ngày nếu có kết quả xét nghiệm COVID-19 âm tính trong thời gian 3 ngày trước chuyến bay. Đối với các trường hợp nhập cảnh không làm xét nghiệm trước chuyến bay sẽ phải cách ly 10 ngày như trong thông báo ngày 13/12 của Tổng Thư ký Bộ Y tế Noor Hisham Abdullah.
Tình hình dịch COVID-19 tại Malaysia vẫn diễn biến tương đối phức tạp khi số ca lây nhiễm mới hàng ngày gần đây đều ở mức 4 con số. Ngày 15/12, quốc gia Đông Nam Á này đã ghi nhận thêm 1.772 ca nhiễm mới và 3 ca tử vong, nâng tổng số ca nhiễm lên 86.618 ca, gần bằng số bệnh nhân COVID-19 của Trung Quốc, trong đó có 422 ca tử vong.
Campuchia đề nghị miễn thi tốt nghiệp trung học
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen ngày 15/12 đã đề nghị Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao nước này miễn thi tốt nghiệp cho học sinh lớp 12 vào tháng tới, thay vào đó sẽ xét tốt nghiệp dựa vào kỳ thi cuối kỳ trước đó.
Trước đó, Bộ Giáo dục, Thanh niên và Thể thao ấn định ngày 11/1/2021 là ngày thi tốt nghiệp trung học phổ thông sau khi kỳ thi này bị hoãn do “sự cố cộng đồng ngày 28/11” – vụ việc làm lây lan dịch COVID-19 ra cộng đồng lần đầu tiên tại Campuchia.
Thủ tướng Campuchia Samdech Techo Hun Sen cũng thông báo bộ trưởng Bộ Y tế và Bộ Tài chính nước này đã ký thỏa thuận mua vaccine ngừa bệnh COVID-19 cho 20% dân số Campuchia thông qua Cơ chế Tiếp cận vaccine toàn cầu COVAX.
Tại Saudi Arabia, Bộ Y tế nước này đã bắt đầu tiếp nhận đăng ký tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của công dân và người nước ngoài hiện đang lưu trú tại nước này. Trong khi đó, Jordan thông báo nước này cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer/BioNTech, song chưa công bố kế hoạch triển khai chương trình tiêm chủng.
Israel hiện đã bắt đầu tiến hành thử nghiệm vaccine phòng COVID-19 giai đoạn 2 trên 1.000 tình nguyện viên khỏe mạnh từ 18 tuổi trở lên. Nếu thử nghiệm lần này thành công, Israel sẽ tiến hành tiêm đại trà cho người dân vào cuối mùa Hè năm 2021.
Nhiều nước phê chuẩn vaccine của Pfizer/BioNTech
Trong cuộc họp cấp chính phủ liên quan đến công tác mua vaccine ngừa COVID-19 ngày 15/12, Thủ tướng Hàn Quốc Chung Sye-kyun cho biết nước này có kế hoạch tiếp nhận các loại vaccine mới đã đặt mua trong quý I/2021 để triển khai chương trình tiêm chủng theo kế hoạch đã đề ra vào trước tháng 3/2021. Ông cam kết sẽ đích thân giám sát toàn bộ chương trình vaccine, từ khâu đặt mua, vận chuyển đến tiêm chủng để đảm bảo thời gian tiêm chủng không bị trì hoãn.
Hàn Quốc hiện đã hoàn tất thỏa thuận mua vaccine của AstraZeneca Inc. và đang trong thương thảo với các nhà cung cấp vaccine khác gồm Pfizer, Janssen của Johnson & Johnson và Moderna.
Trong khi đó, ngày 15/12, hãng thông tấn Saudi Arabia đưa tin Bộ Y tế nước này đã bắt đầu tiếp nhận đăng ký tiêm chủng vaccine ngừa COVID-19 của công dân và người nước ngoài hiện đang lưu trú tại nước này.
Trước đó, Jordan thông báo nước này cũng đã cấp phép sử dụng khẩn cấp vaccine của Pfizer/BioNTech, tuy nhiên chưa cho biết kế hoạch triển khai chương trình tiêm chủng.
Singapore và Bahrain cũng đã phê chuẩn vaccine của Pfizer/BioNTech, trong khi Canada đã tiêm vaccine này cho công dân đầu tiên vào ngày 14/12, một ngày sau khi Mỹ bắt đầu triển khai tiêm chủng đại trà vaccine này.