Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Dấu ấn bảo đảm quyền con người trong lĩnh vực lao động-xã hội của Việt Nam: Thành tựu an sinh xã hội (Bài 2)

Tùng Nguyên - 09:48, 14/12/2022

Sau hơn 5 năm thực hiện Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội, Việt Nam đã đạt nhiều thành tựu được quốc tế ghi nhận, tiếp tục là điểm sáng về giảm nghèo và phát triển bền vững. Trong đó, nổi bật là hội nhập quốc tế về an sinh xã hội trên các lĩnh vực như bảo hiểm xã hội (BHXH), giảm nghèo bền vững và thúc đẩy công bằng xã hội.

Hội nghị phát triển thị trường lao động, linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập được tổ chức ngày 20/8/2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.
Hội nghị phát triển thị trường lao động, linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập được tổ chức ngày 20/8/2022 dưới sự chủ trì của Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính.

Nỗ lực mở rộng BHXH

Chiến lược hội nhập quốc tế về lao động và xã hội đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 145/QĐ-TTg ngày 20/01/2016 (gọi tắt là Chiến lược 145). Chiến lược là bước cụ thể hóa Nghị quyết 22-NQ/TW ngày 10/4/2013 về Hội nhập quốc tế của Bộ Chính trị khóa XI và Nghị quyết số 31/NQ-CP ngày 13/5/2014 của Chính phủ về Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 22/NQ-TW.

Thành tựu nổi bật sau hơn 5 năm thực hiện Chiến lược 145, là việc cải cách chính sách BHXH của Việt Nam được thực hiện theo xu hướng chung của toàn cầu. Chính sách BHXH không chỉ mở rộng diện bao phủ, hướng tới mục tiêu BHXH toàn dân, mà còn được thiết kế theo hướng đa tầng, giúp người dân tiếp cận chính sách BHXH một cách toàn diện.

Tại Hội nghị phát triển thị trường lao động, linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập được tổ chức ngày 20/8/2022, Bộ trưởng Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội (LĐTB&XH) Đào Ngọc Dung cho biết, tính đến tháng 7/2022, số người tham gia BHXH đạt khoảng 17,15 triệu người, chiếm 34,65% lực lượng lao động trong độ tuổi. Đặc biệt, chính sách BHXH của Việt Nam đã thực hiện theo xu thế hội nhập quốc tế. Theo đó, chế độ thai sản không chỉ đối với lao động nữ mà cả cho lao động nam; chế độ hưu trí được sửa đổi để giảm sự phân biệt đối xử giữa người lao động làm việc trong khu vực kinh tế nhà nước và ngoài nhà nước; giữa nam và nữ.

Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị phát triển thị trường lao động, linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập ngày 20/8/2022. (Tại Hội nghị, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức ILO – thứ hai từ trái sang, khẳng định: Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về chuyển đổi cơ cấu, đạt được thành tựu phát triển kinh tế và chuyển dịch lao động)
Các đại biểu quốc tế tham dự Hội nghị phát triển thị trường lao động, linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập ngày 20/8/2022. (Tại Hội nghị, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức ILO – thứ hai từ trái sang, khẳng định: Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về chuyển đổi cơ cấu, đạt được thành tựu phát triển kinh tế và chuyển dịch lao động)

Trong bối cảnh hội nhập quốc tế, để đảm bảo quyền lợi BHXH cho người lao động di cư, Việt Nam đã tích cực thúc đẩy việc đàm phán và ký kết Hiệp định về BHXH giữa Việt Nam và các nước (Hàn Quốc, Nhật Bản, CHLB Đức); cải cách chính sách BHXH về việc rà soát, sửa đổi các quy định về người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, người nước ngoài vào làm việc tại Việt Nam tham gia BHXH bắt buộc, gắn với việc đẩy mạnh đàm phán, ký kết hiệp định song phương về BHXH.

Tại Hội nghị phát triển thị trường lao động, linh hoạt, hiện đại, bền vững và hội nhập tổ chức hôm 20/8/2022, bà Ingrid Christensen, Giám đốc Tổ chức Lao động Quốc tế (ILO), khẳng định, Việt Nam là câu chuyện thành công của thế giới về chuyển đổi cơ cấu, đạt được thành tựu phát triển kinh tế và chuyển dịch lao động. 

Giám đốc Tổ chức ILO cũng khuyến nghị, ở Việt Nam, lao động có việc làm phi chính thức đã giảm đáng kể trong 15 năm qua nhưng vẫn chiếm tỉ lệ lớn trong số lao động có việc làm. Sự tăng trưởng dựa vào một thị trường lao động trong đó có hơn 60% lao động không có tiếp cận an sinh xã hội sẽ không bền vững, đặc biệt là trong một xã hội đang có sự già hóa về dân số như Việt Nam.

Chúng ta thấy tình trạng nghèo cùng cực đã giảm đáng kể, ước tính tỉ lệ này đã giảm mạnh tới 44% trong giai đoạn 1992 đến 2020. Việt Nam cũng là nước tiên phong trong việc thúc đẩy giảm nghèo đa chiều, tiêu chí không chỉ dựa trên thu nhập mà cả các yếu tố khác mà con người cần cho cuộc sống.
Ông Johnathan Pincus
Chuyên gia kinh tế cao cấp Tổ chức UNDP tại Việt Nam.

Để góp phần lấp những khoảng trống này theo khuyến nghị của bà Ingrid Christensen, Bộ trưởng Bộ LĐTB&XH Đào Ngọc Dung cho rằng, thời gian tới, Việt Nam tiếp tục thúc đẩy tạo việc làm bền vững, sử dụng lao động hiệu quả thông qua các chương trình, đề án, chính sách tín dụng hỗ trợ tạo việc làm, tham gia thị trường lao động, đặc biệt quan tâm đến các nhóm lao động đặc thù, lao động yếu thế. 

Đồng thời tiếp tục hỗ trợ phát triển lưới an sinh và bảo hiểm thông qua cung cấp thông tin và dịch vụ tư vấn pháp lý miễn phí cho người lao động khi tham gia thị trường lao động.

Thúc đẩy công bằng xã hội

Một thành tựu vượt bậc về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người trong lĩnh vực lao động - xã hội của Việt Nam là kết quả giảm nghèo đầy ấn tượng, cho dù được đo lường bởi bất kể phương pháp nào. Trong 10 năm (2011 – 2021), tỷ lệ nghèo đa chiều giảm liên tục và đáng kể từ 18,1% năm 2012 xuống 10,9% năm 2016 và 4,4% năm 2020.

Tại Lễ công bố Báo cáo Nghèo đa chiều 2021 diễn ra ngày 28/7/2022, ông Johnathan Pincus, Chuyên gia kinh tế cao cấp Tổ chức Phát triển Liên Hợp Quốc (UNDP) tại Việt Nam, cho rằng: “'Tôi nghĩ Việt Nam vẫn là nước đi đầu trong khu vực về xóa đói giảm nghèo. Chúng tôi ủng hộ mạnh mẽ việc chuyển đổi thước đo nghèo dựa trên thu nhập sang một thước đo nghèo đa chiều. Lý do là thước đo mới sẽ hỗ trợ được nhiều người hơn”.

Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân không ngừng được cải thiện. (Trong ảnh: Thăm khám cho người dân tại Trạm Y tế xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh)
Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân không ngừng được cải thiện. (Trong ảnh: Thăm khám cho người dân tại Trạm Y tế xã Lương Mông, huyện Ba Chẽ, tỉnh Quảng Ninh)

Cùng với kết quả giảm nghèo ấn tượng, thì khoảng cách mức độ phân hóa thu nhập tính theo thu nhập bình quân đầu người/tháng giữa các nhóm dân cư, khu vực, vùng, miền của Việt Nam có xu hướng thu hẹp. Năm 2019, phân hóa thu nhập theo chỉ số bình quân đầu người ở thành thị là 2019 là 7,2 lần; nông thôn là 9,6 lần; cả nước là 10,2 lần; đến năm 2020, các con số này là 5,44 lần; 7,98 lần và 8,07 lần.

Điều này chứng tỏ mức độ bình đẳng xã hội về thu nhập được bảo đảm ngày càng tốt hơn, bảo đảm phù hợp với yêu cầu phát triển. Hệ số bất bình đẳng về thu nhập (hệ số GINI) trên phạm vi cả nước cũng như trong mỗi vùng, miền, nhất là các vùng khó khăn đều có xu hướng giảm theo thời gian.

Cụ thể, hệ số GINI tính chung cho cả nước các năm 2018, 2019, 2020 lần lượt là: 0,425; 0,423; 0,375, chứng tỏ mức độ bình đẳng thu nhập ngày càng tăng lên. Đây chính là hiện thực của giá trị phát triển vì con người ở nước ta xét về mặt kinh tế.

Cùng với quá trình tăng trưởng kinh tế, công tác khám, chữa bệnh, bảo vệ sức khoẻ cho mọi tầng lớp nhân dân được chú trọng. Tỷ lệ bao phủ BHYT tăng từ 60,9% dân số (2010) lên 90,7% dân số (2020), cơ bản bao phủ toàn dân. Chỉ số bao phủ chăm sóc sức khỏe toàn dân là 73, cao hơn trung bình khu vực và trung bình thế giới. 

Công tác chăm sóc sức khỏe Nhân dân ở nước ta, không ngừng được cải thiện, đã xây dựng hệ thống 766 bệnh viện các tuyến; 114 phòng khám đa khoa khu vực; 2.000 trạm y tế xã… Sự phát triển và tính ưu việt của hệ thống y tế, chăm lo sức khỏe cho Nhân dân được phát huy từ Trung ương đến cơ sở.

Những thành tựu về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người của Việt Nam được đánh giá cao tại Hội thảo cập nhật tình hình thực hiện khuyến nghị về quyền con người trong lĩnh vực lao động – xã hội theo cơ chế UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được tổ chức ngày 8/12/2022.
Những thành tựu về bảo vệ, thúc đẩy quyền con người của Việt Nam được đánh giá cao tại Hội thảo cập nhật tình hình thực hiện khuyến nghị về quyền con người trong lĩnh vực lao động – xã hội theo cơ chế UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được tổ chức ngày 8/12/2022.

Đặc biệt, chỉ số phát triển con người (HDI) năm 2020 của Việt Nam đã có sự cải thiện trong bảng xếp hạng của Liên hợp quốc, từ vị trí 128/187 năm 2011 lên vị trí 117/187 năm 2020. Điều này đem lại niềm tin và sự hài lòng trong người dân, khẳng định tính ưu việt của chế độ xã hội chủ nghĩa dưới sự lãnh đạo của Đảng và Nhà nước.

Tại Hội thảo cập nhật tình hình thực hiện khuyến nghị về quyền con người trong lĩnh vực lao động – xã hội theo cơ chế UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên Hợp Quốc được tổ chức ngày 8/12/2022, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà khẳng định, Việt Nam đã ghi dấu nhiều thành tựu ấn tượng so với các nước trong khu vực trong việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người ở lĩnh vực lao động - xã hội và bình đẳng giới.

“Trong 13 năm qua, Việt Nam đã tham gia tích cực, trách nhiệm tại Cơ chế UPR, tỷ lệ chấp thuận và thực hiện khuyến nghị cao dần đều qua 3 chu kỳ chứng tỏ năng lực về thể chế, nguồn lực và tài chính tại Việt Nam cho việc thực hiện quyền con người ngày càng được nâng cao và mở rộng”, Thứ trưởng Bộ LĐTB&XH Nguyễn Thị Hà nhấn mạnh.

Với chính sách nhất quán về bảo vệ và thúc đẩy quyền con người, Việt Nam đã và đang nỗ lực thực hiện một cách đầy đủ, nghiêm túc các khuyến nghị theo Cơ chế UPR chu kỳ III của Hội đồng Nhân quyền Liên hợp quốc trong lĩnh vực lao động – xã hội. Đây đồng thời cũng là bước triển khai tầm nhìn, đường lối, chiến lược phát triển toàn diện đất nước với tinh thần không để ai bị bỏ lại phía sau.

Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dungnày trong số báo tiếp theo.

Tin cùng chuyên mục
Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Cần tăng thuế thuốc lá để giảm lượng tiêu thụ tại Việt Nam

Ngày 21/11, Bộ Thông tin và Truyền thông tổ chức Hội nghị tập huấn nâng cao năng lực truyền thông về phòng chống tác hại thuốc lá cho phóng viên, biên tập viên báo, đài; các cán bộ, công chức, viên chức của Sở Thông tin và Truyền thông các tỉnh, thành phố.