Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Dấu son về xây dựng Đảng

PV - 13:30, 25/01/2021

Trong nhiệm kỳ XII, công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng được Trung ương và cấp ủy các cấp đặc biệt coi trọng, triển khai thực hiện toàn diện, đồng bộ với quyết tâm chính trị cao, nỗ lực lớn, hành động quyết liệt và đạt được những kết quả rõ rệt, góp phần quan trọng thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XII của Đảng.

Dấu son về xây dựng Đảng
Dấu son về xây dựng Đảng 1

Thực hiện di huấn của Chủ tịch Hồ Chí Minh về xây dựng, chỉnh đốn Đảng, trong nhiều năm qua, nhất là từ nhiệm kỳ Đại hội XI của Đảng đến nay, công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngày càng được coi trọng. Đặc biệt, Đại hội XII của Đảng xác định: Phát triển kinh tế - xã hội là trung tâm, xây dựng Đảng là then chốt, trong đó nhấn mạnh nhiệm vụ “Xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức”, đưa công tác xây dựng Đảng về đạo đức ngang tầm với xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Đây là sự bổ sung, phát triển quan trọng về lý luận và thực tiễn của Đảng ta trong công tác xây dựng Đảng toàn diện, càng cho thấy rõ hơn tầm quan trọng của công tác xây dựng Đảng về đạo đức trong giai đoạn phát triển mới của đất nước.


Dấu son về xây dựng Đảng 2

Triển khai đồng bộ nhiệm vụ xây dựng Đảng, Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã đề ra nhiều chủ trương, định hướng quan trọng, gắn chặt công tác xây dựng Đảng về đạo đức với công tác xây dựng Đảng về chính trị, tư tưởng và tổ chức. Trong đó, đẩy mạnh việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh là một nội dung quan trọng của công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng; góp phần xây dựng Đảng trong sạch, vững mạnh về chính trị, tư tưởng, tổ chức và đạo đức, xây dựng đội ngũ cán bộ, nhất là đội ngũ cán bộ cấp chiến lược đủ năng lực, phẩm chất, ngang tầm nhiệm vụ; ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và những biểu hiện "tự diễn biến”, "tự chuyển hóa" trong nội bộ, đẩy mạnh đấu tranh phòng, chống tham nhũng, lãng phí, quan liêu.

5 năm thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW của Bộ Chính trị khóa XI về “Tiếp tục đẩy mạnh học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh” đã đạt được kết quả bước đầu, góp phần quan trọng vào việc thực hiện thắng lợi Nghị quyết Đại hội XI của Đảng và Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XI) "Một số vấn đề cấp bách về xây dựng Đảng hiện nay”. Tuy nhiên, việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh còn có những hạn chế, chưa trở thành việc làm thường xuyên, chưa thành ý thức tự giác của không ít tổ chức đảng, cơ quan, địa phương, đơn vị và một bộ phận cán bộ, đảng viên.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng phát biểu khai mạc Hội nghị lần thứ 15 Ban Chấp hành Trung ương khóa XII.

Thực hiện Nghị quyết Đại hội XII của Đảng, phát huy những kết quả đã đạt được, khắc phục những hạn chế trong việc thực hiện Chỉ thị số 03-CT/TW, ngay từ đầu nhiệm kỳ, Bộ Chính trị đã ban hành Chỉ thị 05-CT/TW về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh.

Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ 4, Trung ương khóa XII đã ban hành Nghị quyết số 04-NQ/TW về tăng cường xây dựng, chỉnh đốn Đảng. Trung ương thống nhất phải tiến hành đồng bộ nhiều công việc cụ thể, thiết thực. Chú trọng nêu gương những người tốt, việc tốt; ngăn ngừa, cảnh báo, phê phán những việc làm sai trái. Trung ương đặc biệt nhấn mạnh muốn Nghị quyết này đi vào cuộc sống, tạo ra chuyển biến rõ rệt, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc. Cần kết hợp có hiệu quả việc thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) với việc triển khai Chỉ thị 05-CT/TW trong toàn hệ thống chính trị.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2020.
Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc phát biểu tại Chương trình "Cả nước chung tay vì người nghèo" năm 2020.

Thực tế, trong nhiệm kỳ XII của Đảng, Chính phủ, các ban, ngành, địa phương đã tổ chức nhiều cuộc vận động, phong trào thi đua thiết thực. Thủ tướng Chính phủ phát động Phong trào thi đua “Cả nước chung tay vì người nghèo - Không để ai bị bỏ lại phía sau”. Quân ủy Trung ương phát động Cuộc vận động “Phát huy truyền thống, cống hiến tài năng, xứng danh bộ đội Cụ Hồ”, xây dựng các mô hình: “Tự soi, tự sửa”, “Làm việc theo chức trách, nêu gương trong hành động”; “Trên làm gương mẫu mực, dưới tích cực làm theo”; “Đảng viên dìu dắt quần chúng”…

Dấu son về xây dựng Đảng 5

Nhiều địa phương cũng đã có những các cách làm hay, sáng tạo và hiệu quả trong việc đưa Chỉ thị 05-CT/TW vào cuộc sống. Đặc biệt, trong năm 2020, trước những ảnh hưởng của đại dịch COVID-19, người dân trên mọi miền Tổ quốc đã chung sức, đồng lòng với Đảng, Nhà nước chống lại đại dịch. Nhiều tổ chức, cá nhân đã tự nguyện sản xuất, cấp phát khẩu trang, nước sát khuẩn miễn phí, thiết thực giúp đỡ nhân dân. Màu áo xanh tình nguyện của thanh niên, sắc phục trang nghiêm của cán bộ, chiến sỹ lực lượng vũ trang kịp thời xuất hiện trên các địa bàn, đồng hành sát cánh cùng bà con trong cuộc chiến phòng, chống dịch bệnh…

Dấu son về xây dựng Đảng 6
Dấu son về xây dựng Đảng 7

Điểm nhấn quan trọng trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức của nhiệm kỳ Đại hội XII là tập trung vào phát huy trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, được thể hiện qua nhiều chỉ thị, nghị quyết, quy định quan trọng của Đảng. Cụ thể là Chỉ thị số 05-CT/TW của Bộ Chính trị “Về đẩy mạnh học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh”; Nghị quyết Trung ương 4 (khóa XII) về xây dựng, chỉnh đốn Đảng; Quy định số 55-QĐ/TW của Bộ Chính trị “Về một số việc cần làm ngay để tăng cường vai trò nêu gương của cán bộ, đảng viên”; Quy định số 08-QĐi/TW của Ban Chấp hành Trung ương về “Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên, trước hết là Ủy viên Bộ Chính trị, Ủy viên Ban Bí thư, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương”.

Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trong tình hình mới", sáng 29/6/2020, tại Hà Nội.
Quang cảnh Hội thảo khoa học quốc gia "Trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên Công an nhân dân trong tình hình mới", sáng 29/6/2020, tại Hà Nội.

Tinh thần của các chỉ thị, nghị quyết, quy định nêu trên, tất cả cán bộ, đảng viên, người đứng đầu cơ quan, đơn vị phải nêu cao tinh thần trách nhiệm trong thực thi nhiệm vụ, thường xuyên tu dưỡng, rèn luyện đạo đức cách mạng; tự giác, gương mẫu trong việc học tập và làm theo tư tưởng, đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh; đấu tranh, ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ.

Nhiều cấp ủy, tổ chức đảng đã xây dựng những chuẩn mực, quy định cụ thể về đạo đức của cán bộ, đảng viên phù hợp với đặc điểm, nhiệm vụ chính trị của từng cơ quan, đơn vị và nghề nghiệp, việc làm của cán bộ, đảng viên. Nhiều cán bộ, đảng viên đã phát huy vai trò tiên phong, gương mẫu, tự giác, hăng hái, tận tụy với công việc, tạo sức lan tỏa mạnh mẽ, thực sự là những tấm gương sáng.

Đảng viên Nguyễn Tăng Đậu (thứ 2, bên phải), thôn 11, phường Đội Cấn, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) đã hỗ trợ toàn bộ chi phí máy móc và một phần vật liệu để làm đường bê tông liên thôn.
Đảng viên Nguyễn Tăng Đậu (thứ 2, bên phải), thôn 11, phường Đội Cấn, TP Tuyên Quang (tỉnh Tuyên Quang) đã hỗ trợ toàn bộ chi phí máy móc và một phần vật liệu để làm đường bê tông liên thôn.

Thôn Lời, xã Cao Xá, huyện Tân Yên, tỉnh Bắc Giang, đã thành công trong việc vận động người dân hiến đất làm đường, tạo diện mạo mới cho địa phương, bắt nguồn từ sự gương mẫu thực hiện của các đảng viên trong thôn. Tấm gương chị Sầm Thị Hoàn, Trưởng thôn Dạ 2, xã Cam Đường, thành phố Lào Cai, luôn đi đầu, hết lòng vì công việc chung, khiến người trong thôn luôn tin tưởng, quý mến.

Với suy nghĩ “mình phải gương mẫu làm trước, làm tốt bà con dân bản mới tin, mới làm theo”, chị Hồ Thị Thoi, Bí thư Đảng ủy xã Trọng Hóa, huyện Minh Hóa, tỉnh Quảng Bình (người dân tộc Bru - Vân Kiều) luôn là người tiên phong trong các phong trào, hoạt động ở địa phương. Năng nổ, sâu sát cơ sở, cùng bà con tháo gỡ khó khăn, gây dựng kinh tế, chị Hồ Thị Thoi được dân bản yêu thương ví như một bông hoa rừng đang tỏa hương thơm ngát giữa đại ngàn.

Trong đợt mưa lũ lịch sử những tháng cuối năm 2020, nhiều tấm gương về sự dũng cảm, dấn thân của những cán bộ vì dân đã gây xúc động mạnh trong lòng người dân cả nước. Trong lúc giúp dân vùng lũ, Chủ tịch UBND xã Bắc Trạch (huyện Bố Trạch, Quảng Bình) đã bị nhiễm vi khuẩn gây ra bệnh Whitmore, dẫn đến tử vong. Sự ra đi đột ngột của đồng chí Phan Thanh Miên để lại sự tiếc thương cho người thân và nhân dân địa phương.

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình (sơ mi ngắn tay xanh nhạt) họp bàn trước lúc lên đường cứu trợ đoàn công nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3.
Chủ tịch UBND huyện Phong Điền Nguyễn Văn Bình (sơ mi ngắn tay xanh nhạt) họp bàn trước lúc lên đường cứu trợ đoàn công nhân mất tích tại Thủy điện Rào Trăng 3.

Chủ tịch UBND huyện Phong Điền (Thừa Thiên - Huế) Nguyễn Văn Bình cùng đoàn công tác của Quân khu 4 và tỉnh Thừa Thiên - Huế vào cứu nạn tại Thủy điện Rào Trăng 3 đã hy sinh trong khi làm nhiệm vụ để lại mẹ già đau ốm cùng vợ và hai con đang tuổi ăn tuổi lớn. Vụ sạt lở tại thủy điện Rào Trăng 3 cũng đã cướp đi một vị tướng của Quân khu 4, một vị tướng ra trận cứu dân nhiều lần trong lũ dữ, một vị tướng cùng đồng đội chọn đi về phía nhân dân - Thiếu tướng Nguyễn Văn Man.

Câu nói cuối cùng của Thiếu tướng Nguyễn Văn Man khi báo cáo với Thủ tướng về người đồng đội của mình: “Nhân dân đang cần chúng ta đến thì bất luận có hy sinh cũng phải đến” đã gây xúc động mạnh trong lòng quân, dân cả nước. Vào những thời khắc khó khăn, sinh tử, Thiếu tướng Nguyễn Văn Man đã lựa chọn sự dấn thân vì dân, vì nước. Những tấm gương, câu chuyện người thực, việc thực như vậy cho thấy người cán bộ khi nói được, làm được, sẽ luôn có sức ảnh hưởng, thu phục quần chúng…

Hình ảnh Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (người nghe điện thoại) đội mưa, lội nước, trực tiếp chỉ huy ứng cứu trong thiên tai bão lũ để lại nhiều xúc động, khâm phục trong ký ức mỗi cán bộ, chiến sỹ, người dân Quảng Bình.
Hình ảnh Thiếu tướng Nguyễn Văn Man (người nghe điện thoại) đội mưa, lội nước, trực tiếp chỉ huy ứng cứu trong thiên tai bão lũ để lại nhiều xúc động, khâm phục trong ký ức mỗi cán bộ, chiến sỹ, người dân Quảng Bình.

Những kết quả đạt được trong công tác xây dựng Đảng về đạo đức nhiệm kỳ XII đã góp phần đấu tranh ngăn chặn có hiệu quả tình trạng suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện "tự diễn biến", "tự chuyển hóa" trong đội ngũ cán bộ, đảng viên, nhất là cán bộ lãnh đạo, quản lý và người đứng đầu các tổ chức, cơ quan, đơn vị; xây dựng đội ngũ cán bộ có bản lĩnh chính trị vững vàng, phẩm chất đạo đức trong sáng, có trách nhiệm và động cơ đúng đắn, tiên phong, gương mẫu hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao.

Dấu son về xây dựng Đảng 12

Thực tế công tác xây dựng và chỉnh đốn Đảng nói chung, công tác cán bộ nói riêng (bao gồm lựa chọn, quy hoạch, đào tạo, bồi dưỡng, sử dụng, khen thưởng, kỷ luật, kiểm tra, giám sát, giải quyết khiếu nại, tố cáo...) cho thấy, một trong những vấn nạn nhức nhối, nổi cộm hiện nay, được đề cập trong các văn kiện Đại hội của Đảng, trong các nghị quyết, chỉ thị của Đảng chính là “chạy chức, chạy quyền”. Nhờ “chạy”, những kẻ cơ hội, đầu cơ chính trị đã chui sâu, leo cao vào các vị trí quan trọng trong tổ chức bộ máy của Đảng, Nhà nước và các tổ chức chính trị - xã hội.

Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 45, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.
Đồng chí Trần Cẩm Tú, Bí thư Trung ương Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương chủ trì Kỳ họp thứ 45, Ủy ban Kiểm tra Trung ương.

Dư luận thời gian vừa qua xôn xao trước nhiều vụ việc tiêu cực liên quan đến công tác cán bộ từ cấp Trung ương đến địa phương. Ông Lê Phước Thanh đã bị Ban Bí thư cách chức Bí thư Tỉnh ủy Quảng Nam (nhiệm kỳ 2010-2015) vì những biểu hiện ưu ái trong việc quy hoạch, đào tạo, luân chuyển, điều động và bổ nhiệm cho con trai mình là Lê Phước Hoài Bảo, mặc dù không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, vi phạm quy trình, thủ tục trong công tác cán bộ. Nguyên Phó Trưởng ban Thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ Nguyễn Phong Quang - người trực tiếp ký bổ nhiệm trên 30 trường hợp không đúng nguyên tắc, quy trình, thủ tục, điều kiện và tiêu chuẩn, đã bị Ban Bí thư cách tất cả các chức vụ trong Đảng (Phó Trưởng Ban thường trực Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Ủy viên Ban Chấp hành Đảng bộ Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ; Bí thư Đảng ủy Cơ quan Ban Chỉ đạo Tây Nam Bộ).

Nhiệm kỳ XII, các cơ quan pháp luật đã đưa ra xét xử các vụ “đại án” liên quan đến những sai phạm của một số cán bộ cấp cao như: Đinh La Thăng, Trịnh Xuân Thanh; cựu Chủ tịch và Phó Chủ tịch thành phố Đà Nẵng… Đáng buồn là tất cả sai phạm của các trường hợp trên đều liên quan đến công tác cán bộ.

Cách thức chạy chức, chạy quyền tinh vi, lắt léo khác nhau nhưng hậu quả lại giống nhau, đó là làm cho bộ máy Nhà nước kém hiệu quả, người có năng lực phẩm chất không được trọng dụng, làm suy giảm niềm tin của nhân dân đối với Đảng.

Xét xử các vụ “đại án” liên quan đến sai phạm của một số cán bộ cấp cao.
Xét xử các vụ “đại án” liên quan đến sai phạm của một số cán bộ cấp cao.

Tại Hội nghị lần thứ 4 (khóa XII), khi đánh giá về những bất cập, hạn chế trong việc kiểm soát quyền lực, Ban Chấp hành Trung ương đã chỉ rõ: Việc “chạy chức, chạy quyền” là một bức xúc, nhức nhối trong công tác tổ chức - cán bộ hiện nay và đang diễn biến ngày càng tinh vi, phức tạp.

Tiếp đó, tại Hội nghị lần thứ 7 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương nhận định: “Tình trạng chạy chức, chạy quyền, chạy tuổi, chạy quy hoạch, chạy luân chuyển, chạy bằng cấp, chạy khen thưởng, chạy danh hiệu, chạy tội..., trong đó có cả cán bộ cao cấp, chậm được ngăn chặn, đẩy lùi…

Việc sắp xếp, bố trí, phân công, bổ nhiệm, giới thiệu cán bộ ứng cử vẫn còn tình trạng đúng quy trình nhưng chưa đúng người, đúng việc. Tình trạng bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn, điều kiện, trong đó có cả người nhà, người thân, họ hàng, “cánh hẩu” xảy ra ở một số nơi, gây bức xúc trong dư luận xã hội”.

Trước vấn nạn đang đánh thẳng vào khâu trọng yếu trong công tác xây dựng Đảng, tại Hội nghị lần thứ 7 (khóa XII), Ban Chấp hành Trung ương yêu cầu nhận thức sâu sắc về tác hại nghiêm trọng của tệ chạy chức, chạy quyền, coi đây là hành vi tham nhũng trong công tác cán bộ, cần đấu tranh quyết liệt, hiệu quả với các đối tượng có biểu hiện, hành vi chạy chức, chạy quyền.

Toàn cảnh Hội nghị lần thứ mười bốn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.
Toàn cảnh Hội nghị lần thứ mười bốn, Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII.

Cán bộ là nhân tố quyết định sự thành bại của cách mạng. Công tác cán bộ là khâu "then chốt" của công tác xây dựng Đảng và hệ thống chính trị. Để lấp "lỗ hổng" trong công tác cán bộ, ngăn chặn từ gốc những mầm mống thao túng quyền lực, Bộ Chính trị đã ban hành Quy định số 205-QĐ/TW về việc kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ và chống chạy chức, chạy quyền.

Quy định 205-QĐ/TW được ban hành đã nhận được sự đồng tình, đánh giá cao của đông đảo cán bộ, đảng viên, nhân dân. Lần đầu tiên, một văn bản của Đảng đã quy định, chỉ rõ thế nào là chạy chức, chạy quyền; thế nào là bao che, tiếp tay cho các hành vi này.

Việc ban hành, thực thi nghiêm túc Quy định 205-QĐ/TW là hành động quyết liệt của Đảng trong nhiệm kỳ XII để chống lại vấn nạn tồn tại từ rất lâu, được chỉ ra trong nhiều văn bản của Đảng, đó là tệ thao túng quyền lực, chạy chức, chạy quyền. Việc làm này càng có ý nghĩa đặc biệt trong công tác nhân sự tại đại hội đảng bộ các cấp tiến tới Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng chuẩn bị diễn ra tại Thủ đô Hà Nội từ ngày 25/1-2/2/2021.

Dấu son về xây dựng Đảng 16

Sinh thời, Chủ tịch Hồ Chí Minh từng nói “Tham nhũng là giặc nội xâm” và chỉ rõ “Thắng giặc ngoại xâm đã khó, thắng giặc nội xâm lại càng khó hơn”. Thực hiện chỉ đạo của Người, những năm 60 của thế kỷ trước, Đảng ta đã tiến hành cuộc vận động "Ba xây ba chống", gồm: Nâng cao tinh thần trách nhiệm; tăng cường quản lý kinh tế tài chính, cải tiến kỹ thuật; chống tham ô, lãng phí, quan liêu.

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 25/11/2020.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng chủ trì cuộc họp Thường trực Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng ngày 25/11/2020.

Cuộc chiến chống tham nhũng, quan liêu, lãng phí tiếp tục được Đảng ta đẩy mạnh trong suốt thời kỳ đổi mới. Đặc biệt ở Đại hội XII, công cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng đã được đặt ở vị trí cao hơn, đề cập rõ cả trong xây dựng Nhà nước và xây dựng Đảng, thể hiện quyết tâm chính trị của Đảng đối với tệ nạn nguy hiểm này, coi tham nhũng là một nguy cơ đe dọa sự tồn vong của đất nước, chế độ. Nghị quyết Đại hội XII nêu rõ: "Nguy cơ tệ nạn tham nhũng, lãng phí, quan liêu và các tiêu cực xã hội, làm suy yếu Đảng".

Dấu son về xây dựng Đảng 18

Biến chủ trương thành hành động, trong nhiệm kỳ Đại hội XII, công cuộc phòng, chống tham nhũng bước sang một giai đoạn mới, với những cách làm, hướng đi ngày càng quyết liệt, triệt để.

Bộ Chính trị, Ban Bí thư đã có nhiều chỉ đạo để hoàn thiện các luật, quy định về phòng, chống lãng phí. Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể về thực hành tiết kiệm, chống lãng phí giai đoạn 2016 - 2020 để triển khai thực hiện; tập trung chỉ đạo thực hiện phòng, chống lãng phí trong quản lý và sử dụng ngân sách Nhà nước, đầu tư công, quản lý tài nguyên, vốn, tài sản của Nhà nước ở các doanh nghiệp… Đảng đã lãnh đạo thể chế hóa chủ trương thành các đạo luật, tạo hành lang pháp lý quan trọng để phòng, chống tham nhũng như Luật Phòng, chống tham nhũng (sửa đổi); Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật Hình sự; Luật Tố cáo (sửa đổi)...

Xuất phát từ yêu cầu, nhiệm vụ trong tình hình mới và với quyết tâm tạo bước chuyển mới, rõ rệt hơn nữa trong công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, Hội nghị Trung ương 5 khóa XI (tháng 5/2012) đã quyết định chủ trương thành lập Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng trực thuộc Bộ Chính trị do Tổng Bí thư làm Trưởng ban để chỉ đạo toàn diện công tác phòng, chống tham nhũng trên phạm vi cả nước. Thực hiện chủ trương này, ngày 1/2/2013, Bộ Chính trị khóa XI đã quyết định thành lập Ban Chỉ đạo với thành phần gồm những cán bộ lãnh đạo chủ chốt ở các cơ quan rất quan trọng của Đảng, Nhà nước.

Năm 2020, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý.
Năm 2020, Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương đã xử lý nghiêm minh nhiều cán bộ cấp cao diện Trung ương quản lý.

Từ đầu nhiệm kỳ Đại hội XII đến nay, cấp ủy, Ủy ban Kiểm tra các cấp đã thi hành kỷ luật trên 87.000 cán bộ, đảng viên, trong đó, có trên 3.200 đảng viên bị kỷ luật liên quan đến tham nhũng; đã thi hành kỷ luật trên 110 cán bộ thuộc diện Trung ương quản lý (27 Ủy viên Trung ương Đảng, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 Ủy viên Bộ Chính trị, nguyên Ủy viên Bộ Chính trị, trên 30 sĩ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang).

Bên cạnh đó, công tác điều tra, truy tố, xét xử các vụ án tham nhũng, kinh tế được tiến hành kiên quyết, không khoan nhượng, không nương nhẹ, không làm oan, không bỏ lọt tội phạm. Phương châm “không có vùng cấm, không có ngoại lệ, bất kể người đó là ai” đã được các cơ quan quán triệt thực hiện nghiêm túc, xuyên suốt và có hiệu quả.

Từ năm 2013 đến nay, các cơ quan tố tụng trong cả nước đã khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm hơn 11.700 vụ án tham nhũng, chức vụ, kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng, với gần 4.400 bị cáo.

Dấu son về xây dựng Đảng 20

Riêng Ban Chỉ đạo phòng, chống tham nhũng đã đưa vào theo dõi, chỉ đạo hơn 800 vụ án, vụ việc ở 3 cấp độ, trong đó trực tiếp theo dõi, chỉ đạo 133 vụ án, 94 vụ việc tham nhũng, kinh tế nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm.

Các cơ quan đã đưa ra xét xử sơ thẩm 86 vụ án, 814 bị cáo, trong đó có 18 cán bộ diện Trung ương quản lý bị xử lý hình sự (1 Ủy viên Bộ Chính trị, 7 Ủy viên, nguyên Ủy viên Trung ương Đảng, 4 bộ trưởng, nguyên bộ trưởng, 7 sỹ quan cấp tướng trong lực lượng vũ trang...).

Dấu son về xây dựng Đảng 21

Thiếu tướng Nguyễn Duy Ngọc, Thứ trưởng Bộ Công an khẳng định, các cơ quan đã điều tra làm rõ một số vụ đặc biệt nghiêm trọng mà trước đó cho là có “vùng cấm, nhạy cảm”. Nhiều vụ việc nghiêm trọng, phức tạp, dư luận xã hội quan tâm, kể cả những vụ tồn đọng từ nhiều năm trước được xử lý dứt điểm, nghiêm minh, đúng pháp luật, không còn tình trạng xử lý thiếu kiên quyết, kéo dài, “chìm xuồng”.


Thứ trưởng Bộ Công an nhấn mạnh, tất cả các vi phạm đều được xử lý theo đúng quy định của pháp luật, “bất kể người đó là ai”. Điều này thể hiện qua việc cơ quan điều tra đã khởi tố một bị can nguyên là Ủy viên Bộ Chính trị, ba bị can nguyên là Bộ trưởng, một số cán bộ tướng lĩnh trong lực lượng vũ trang…

Từ kết quả điều tra, truy tố đã xét xử các bị cáo với những mức án nghiêm khắc, trong đó có cả án chung thân, tử hình. Điển hình như Dương Chí Dũng và Mai Văn Phúc trong vụ án xảy ra tại Tổng Công ty Hàng hải Việt Nam; Vũ Quốc Hảo, Phạm Minh Tuấn, Đặng Văn Hai trong vụ án xảy ra tại Công ty cho thuê tài chính ALC2; Châu Thị Thu Nga, nguyên đại biểu Quốc hội trong vụ Lừa đảo chiếm đoạt tài sản xảy ra tại Công ty Housing Group…

Dấu son về xây dựng Đảng 22

Để công cuộc đấu tranh phòng, chống tham nhũng đạt hiệu quả, bên cạnh sự lãnh đạo, chỉ đạo sâu sát, quyết liệt của Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống tham nhũng, sự đồng lòng, nhất trí của toàn Đảng, toàn dân, sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị và toàn xã hội đóng vai trò rất quan trọng. Trong đó, sự tham gia tích cực của Mặt trận Tổ quốc, các tổ chức chính trị - xã hội và nhân dân, sự chủ động vào cuộc tích cực của báo chí, truyền thông đã tạo nên sức mạnh tổng hợp của toàn hệ thống chính trị trong phòng, chống tham nhũng.

Các đơn vị thông tin của Thông tấn xã Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh trong phòng, chống tham nhũng.
Các đơn vị thông tin của Thông tấn xã Việt Nam luôn chủ động, tích cực tham gia vào cuộc đấu tranh trong phòng, chống tham nhũng.

Phó Chủ tịch Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam Ngô Sách Thực cho biết, thực hiện nhiệm vụ của mình, trong nhiệm kỳ qua, hệ thống Mặt trận cùng với 47 tổ chức thành viên đã đẩy mạnh tuyên truyền, vận động nhằm nâng cao ý thức, trách nhiệm công dân, thực hiện nghiêm pháp luật về phòng, chống tham nhũng; tuyên truyền để nhân dân, các cơ quan, tổ chức trong hệ thống chính trị nhận diện rõ và có thái độ đấu tranh với hành vi tham nhũng, “nói không với tham nhũng”.

Bên cạnh đó, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và các thành viên tổ chức để nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý, góp phần hoàn thiện chính sách về phòng, chống tham nhũng. Trên cơ sở lắng nghe tâm tư, nguyện vọng của nhân dân, doanh nghiệp về những lĩnh vực dễ xảy ra tham nhũng, các biểu hiện sách nhiễu, phiền hà người dân, doanh nghiệp, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam yêu cầu các cơ quan, tổ chức có thẩm quyền áp dụng biện pháp xác minh vụ việc tham nhũng, xử lý người có hành vi tham nhũng, phòng ngừa tham nhũng.

Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, phòng, chống tham nhũng.
Nhân dân tham gia giám sát, phản biện xã hội, góp ý xây dựng đảng, phòng, chống tham nhũng.

Đáng chú ý, hệ thống Mặt trận các cấp đã tích cực vận động nhân dân tham gia có hiệu quả trong việc giám sát công tác cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức, đại biểu dân cử; theo dõi, phát hiện và tố giác các hành vi tham nhũng. Ban Thường trực Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã, các Ban công tác Mặt trận ở khu dân cư phát huy vai trò nòng cốt là người tổ chức và là chỗ dựa để nhân dân trên địa bàn phát huy quyền làm chủ, thực hiện cơ chế “Dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra, giám sát”, tham gia có hiệu quả vào công tác quản lý ở địa phương theo quy định của pháp luật, giám sát thường xuyên, chặt chẽ hoạt động của chính quyền, đội ngũ cán bộ, đảng viên, công chức ở cơ sở để ngăn chặn tham nhũng.

Giải "Búa liềm Vàng" 2020 tôn vinh những tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng.
Giải "Búa liềm Vàng" 2020 tôn vinh những tác phẩm báo chí về xây dựng Đảng.

Trong khi đó, với ngòi bút sắc bén, lực lượng báo chí đã phát hiện, tạo áp lực xã hội mạnh mẽ ủng hộ đấu tranh phòng chống tham nhũng, lãng phí. Những thông tin công khai, minh bạch trên báo chí đã góp phần giúp cho các cơ quan chức năng có thêm căn cứ, bằng chứng để điều tra, xác minh các vụ việc tham nhũng. Mặt khác, những thông tin về tham nhũng, tiêu cực trên báo chí là tiếng nói của công luận, của nhân dân để tạo ra áp lực xã hội nhằm thúc đẩy các cơ quan chức năng sớm vào cuộc làm rõ những vấn đề báo chí đã nêu.

Không chỉ cung cấp thông tin để làm rõ các vụ việc tham nhũng, hoạt động của giới báo chí trong nhiều năm qua đã tạo ra nhiều tác phẩm báo chí có giá trị, phân tích, nhìn nhận sâu thực trạng tham nhũng, nguyên nhân và kiến giải các biện pháp phòng, chống tham nhũng, chống lợi ích nhóm, chống thao túng xây dựng chính sách...

Dấu son về xây dựng Đảng 26

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, từ kết quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân.

Công cuộc phòng, chống tham nhũng ngày càng quyết liệt, mạnh mẽ và hiệu quả:

Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng khẳng định, từ kết quả đạt được trong thời gian qua, đặc biệt là trong nhiệm kỳ Đại hội XII của Đảng, với quyết tâm chính trị cao của Đảng, Nhà nước, sự vào cuộc tích cực, đồng bộ của các cấp ủy, tổ chức đảng, chính quyền, cả hệ thống chính trị và toàn xã hội, công tác phòng, chống tham nhũng trong nhiệm kỳ Đại hội XIII của Đảng tới đây sẽ có bước tiến mới, mạnh mẽ hơn, quyết liệt hơn và hiệu quả hơn. Tham nhũng nhất định sẽ được ngăn chặn và đẩy lùi, góp phần xây dựng Đảng, Nhà nước ngày càng trong sạch, vững mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp cách mạng và niềm tin yêu, mong đợi của nhân dân.