Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Đổi thay ở vùng bãi ngang, ven biển U Minh

PV - 09:55, 23/10/2018

U Minh (Cà Mau) là huyện có 4/6 xã, 38 ấp thuộc bãi ngang, ven biển và các ấp đặc biệt khó khăn. Những năm qua, nhờ thụ hưởng các nguồn vốn Chương trình Mục tiêu quốc gia xây dựng Nông thôn mới, Chương trình 30a, Chương trình 135, vốn vay Ngân hàng chính sách xã hội… đã giúp nhiều hộ nghèo giảm bớt khó khăn, diện mạo vùng ven biển dần khởi sắc.

Phó Chủ tịch UBND huyện U Minh, Ngô Thanh Điền cho biết: Thực hiện chương trình hỗ trợ đầu tư hạ tầng cho các xã, ấp đặc biệt khó khăn (giai đoạn 2016–2018), U Minh có 59 công trình đầu tư với tổng nguồn vốn ngân sách Trung ương và địa phương trên 26 tỷ đồng. Theo đó, huyện đã xây dựng và đưa vào sử dụng 44 công trình; 15 công trình đang thi công. Các công trình được đầu tư đã mang lại hiệu quả thiết thực, đảm bảo mục đích dân sinh. Qua đó, diện mạo nông thôn ngày càng khởi sắc, điều kiện sinh hoạt, giao lưu văn hóa cải thiện. Từ khi thực hiện các dự án, đời sống người dân từng bước được cải thiện. Tỷ lệ hộ nghèo giảm nhanh, hiện U Minh còn 3.060 hộ nghèo (chiếm 11,94%), giảm 9,75% so với trước khi thực hiện các tiểu dự án đầu năm 2016; hộ cận nghèo cũng giảm còn 1.083 hộ (chiếm 4,2%).

Hộ nông dân Đào Từ ở ấp 6 (xã Khánh Hoà) nuôi tôm sú, cho thu nhập từ 180–200 triệu đồng/năm. Hộ nông dân Đào Từ ở ấp 6 (xã Khánh Hoà) nuôi tôm sú, cho thu nhập từ 180–200 triệu đồng/năm.

Về lại xóm Khmer Lớn thuộc ấp 6, xã Khánh Hoà (huyện U Minh, Cà Mau), đời sống của bà con ngày một thay da đổi thịt. Ông Đào Thành, Trưởng Ban Trị sự Salatel ấp 6, xã Khánh Hòa (huyện U Minh) cho biết: Những năm qua, đồng bào dân tộc Khmer xã Khánh Hòa luôn nhận được sự quan tâm đặc biệt của Đảng và Nhà nước. Những nơi có đông đồng bào dân tộc Khmer sinh sống đều được quan tâm đầu tư xây đường, cầu, lưới điện, trạm xá, trường học, hỗ trợ vốn sản xuất… Nhờ đó, nhiều hộ đã vươn lên thoát nghèo ổn định cuộc sống, bản sắc văn hóa dân tộc tiếp tục được phát huy, giữ gìn.

Còn ông Đào Từ ở ấp 6, xã Khánh Hoà cũng cho biết, ông có 3ha đất sản xuất lúa–tôm, trước đây, cuộc sống gia đình gặp khó khăn do thiếu vốn sản xuất. Từ khi chính quyền địa phương quan tâm hỗ trợ vốn vay và hướng dẫn kỹ thuật sản xuất nuôi tôm, cá, sò huyết..., gia đình ông và nhiều hộ Khmer trong xã đã nhanh chóng thoát nghèo. 3 năm gần đây, nhờ biết áp dụng mô hình nuôi đa con (thủy sản) trên cùng diện tích 3ha đất canh tác, gia đình ông đã có thu nhập ổn định bình quân từ 180–200 triệu đồng/năm.

Tương tự, Khánh Tiến là xã bãi ngang ven biển của huyện U Minh, đời sống của một bộ phận người dân còn gặp nhiều khó khăn, từ đó ảnh hưởng không nhỏ đến quá trình xây dựng nông thôn mới, nhất là tiêu chí hộ nghèo. Chính vì vậy, với các nguồn vốn từ Chương trình Mục tiêu quốc gia và nguồn vốn vay ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội đã tạo điều kiện thuận lợi cho người dân phát triển các mô hình sản xuất hiệu quả như nuôi dê, nuôi tôm–cua kết hợp, nuôi tôm ít thay nước, nuôi rắn ri tượng, trồng màu… Nhiều hộ dân không còn trông chờ ỷ lại vào Nhà nước mà đã có ý thức vươn lên thoát nghèo, đẩy mạnh lao động sản xuất để tăng thu nhập, phát triển kinh tế gia đình và sẵn sàng đăng ký thoát nghèo.

Ông Đỗ Văn Quằng, ở ấp 8, xã Khánh Tiến, cho biết: “Nhờ được các cấp, các ngành quan tâm hỗ trợ, giúp đỡ, hướng dẫn cách thức làm ăn, nhất là được tham gia các lớp tập huấn chọn thả giống tôm nên việc nuôi tôm của gia đình đạt hiệu quả hơn trước. Giờ đây, cuộc sống gia đình tôi cũng ổn định nên tôi đăng ký thoát nghèo”.

Theo ông Nguyễn Văn Nữa, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến, từ đầu năm đến nay, Khánh Tiến đã phối hợp với Trung tâm Khuyến nông mở 2 lớp kỹ thuật chọn giống và thả giống tôm tại ấp 8, ấp 10 và 1 cuộc tư vấn khuyến nông tại ấp 5 với 105 lượt người dân tham dự. Thông qua các lớp tập huấn, người dân đã áp dụng vào thực tế mô hình sản xuất tại gia đình, mang lại hiệu quả cao.

Bên cạnh đó, năm 2018, Khánh Tiến được hỗ trợ xây mới và sửa chữa 148 căn nhà theo Quyết định 22 của Thủ tướng Chính phủ với số tiền hơn 1,46 tỷ đồng. Qua đó, giúp các gia đình hộ chính sách nghèo có được chỗ ở ổn định, an tâm hơn trong lao động sản xuất, phát triển kinh tế gia đình. “Đến nay, Khánh Tiến còn 110 hộ nghèo (chiếm 3,75%, giảm được 71 hộ nghèo so với đầu năm); hộ cận nghèo còn 142 hộ (chiếm 4,84%); thu nhập đạt 41 triệu đồng/người/năm. Chúng tôi phấn đấu đưa xã về đích nông thôn mới vào cuối năm 2018 này”, Phó Chủ tịch UBND xã Khánh Tiến cho biết.

PHƯƠNG NGHI

Tin cùng chuyên mục
Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Các huyện biên giới Thanh Hóa: Đẩy mạnh tuyên truyền, phổ biến pháp luật về các thôn, bản đặc biệt khó khăn

Thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế - xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025 (Chương trình MTQG 1719), các huyện biên giới Thanh Hóa đang đẩy mạnh nhiều hoạt động tuyên truyền, phổ biến giáo dục kiến thức pháp luật và trợ giúp pháp lý cho Nhân dân, tập trung hướng về các thôn, bản đặc biệt khó khăn, nhằm nâng cao nhận thức về chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước đối với vùng DTTS.