Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Khoa học - Công nghệ

Đồng bằng Sông cửu Long: Mô hình tôm-lúa gặp khó do biến đổi khí hậu

PV - 11:04, 17/07/2018

Những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu (BĐKH) đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến mô hình tôm lúa ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL). Thực tế này đòi hỏi phải có các giải pháp cụ thể về giống lúa, giống tôm. Đồng thời, xây dựng các mô hình canh tác thích ứng, bền vững về môi trường, đảm bảo sinh kế cho người dân vùng chuyên canh tôm-lúa.

mô hình Trồng thử nghiệm giống lúa thích ứng BĐKH tại Cà Mau.

Mô hình lúa-tôm truyền thống

Tại ĐBSCL mô hình tôm- lúa đã hình thành từ những năm 1970 và luôn phát triển. Năm 2000, diện tích nuôi tôm-lúa là 71.000ha. Đến năm 2015, diện tích nuôi tôm-lúa các tỉnh ĐBSCL đạt 175.000ha, chiếm 30,5% tổng diện tích nuôi tôm sú toàn vùng, sản lượng đạt 75.000 tấn. Nhiều nhất là tỉnh Kiên Giang đạt 77.866ha, tiếp đến là Cà Mau 42.800ha, Bạc Liêu 29.400ha, Sóc Trăng 10.200ha.

Thực tế khoa học cũng đã chứng minh, trồng lúa trên đất nuôi tôm sẽ giúp cải tạo tốt đất canh tác nhờ vào khả năng hấp thu những chất mùn bã hữu cơ, thức ăn dư thừa, chất thải của tôm. Mặt khác, quá trình cải tạo đất từ mặn sang ngọt để trồng lúa có tác dụng cắt mầm bệnh gây hại từ vụ nuôi tôm này sang vụ nuôi tôm khác, hạn chế sự suy thoái đất đai do nuôi tôm liên tục nhiều năm, giúp cân bằng được hệ sinh thái trong ruộng nuôi vì có sự phân bố hài hòa giữa động vật và thực vật.

Tuy nhiên, những tác động của BĐKH đã và đang ảnh hưởng trực tiếp đến hệ thống tôm lúa ở vùng ĐBSCL. Mới đây, tại Cà Mau, Trung tâm Khuyến nông quốc gia phối hợp với Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Cà Mau tổ chức diễn đàn “Khuyến nông @ Nông nghiệp” với chủ đề “Nuôi tôm-lúa đạt hiệu quả cao thích ứng BĐKH”. Diễn đàn thu hút gần 130 đại biểu đến từ 7 tỉnh ĐBSCL, trong đó có 60 nông dân tại tỉnh Cà Mau đến dự.

Chia sẻ tại Diễn đàn này, đại diện cho Vụ Nuôi trồng Thủy sản (Tổng cục Thủy sản) nhấn mạnh, ĐBSCL là một trong những vùng chịu ảnh hưởng lớn của BĐKH, đó là xâm nhập mặn, nắng nóng, cực đoan thời tiết; mùa mưa ngắn, lượng mưa ít đang và sẽ gây ra những tác động bất lợi rất lớn cho nuôi trồng thủy sản của vùng.

Ông Mã Huy, Phó Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh Cà Mau, thông tin: “Thực trạng BĐKK với diễn biến phức tạp, trong khi hệ thống thủy lợi của nhiều địa phương hiện chưa đạt yêu cầu, dịch bệnh còn xảy ra thường xuyên. Thương hiệu sản phẩm hiện chưa được quan tâm đúng mức... Vì vậy, sản phẩm của nông dân làm ra chưa bán được giá cao”.

Cần chủ động tiếp cận mô hình sản xuất mới

Nói về giải pháp canh tác tôm-lúa hiệu quả và bền vững, thích ứng BĐKH, Thạc sĩ Nguyễn Công Thành, Trung tâm Tập huấn và Chuyển giao công nghệ nông nghiệp vùng ĐBSCL (Trung tâm Khuyến nông quốc gia) cho rằng: Cần tuyên truyền rộng rãi đến người dân canh tác lúa-tôm hiểu được mối quan hệ tương tác, hỗ trợ lẫn nhau giữa vật nuôi và cây trồng trong hệ sinh thái đồng ruộng, để tăng tính chủ động, thích ứng với điều kiện sản xuất. Bên cạnh đó, tăng cường tổ chức thăm quan học hỏi kinh nghiệm từ những mô hình ứng dụng kỹ thuật có hiệu quả. Khuyến khích nông dân phát triển theo hướng tổ hợp tác, hợp tác xã, cánh đồng mẫu lớn, cánh đồng lớn, việc phát triển đơn lẻ sẽ khó kiểm soát nước, gây thẩm lậu, xâm nhập mặn…

Đại diện Tổng cục Thủy lợi cho rằng, việc xây dựng hệ thống thủy lợi nhằm cấp nước mặn sạch và tiêu thoát nước thải phục vụ cho nuôi trồng thủy sản là yêu cầu cấp thiết nhất hiện nay. Tuy nhiên, hệ thống thủy lợi khi thiết kế đầu tư xây dựng thì phải kết hợp bố trí giao thông thủy, bộ.

Để mô hình tôm-lúa mang lại hiệu quả, ngành Nông nghiệp nên thường xuyên tập huấn kỹ thuật cho đội ngũ cán bộ làm công tác khuyến nông các cấp và nông dân. Qua đó, sẽ phát huy được vai trò tổ chức sản xuất, nhất là việc liên kết, trao đổi học hỏi, hỗ trợ kinh nghiệm, kỹ thuật...

SONG VY