Tạo sức bật xây dựng nông thôn mới
Huyện Nguyên Bình có 17 đơn vị hành chính cấp xã. Giai đoạn 2021 – 2025, theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, toàn huyện chỉ có thị trấn Nguyên Bình thuộc khu vực I; 16 xã, thị trấn còn lại đều thuộc khu vực III.
Đến cuối năm 2023, huyện Nguyên Bình còn 4.120 hộ nghèo, chiếm tỷ lệ trên 44% tổng số hộ. Hiện Nguyên Bình chưa có xã nào đạt chuẩn nông thôn mới (NTM); bình quân các tiêu chí NTM của huyện đạt 9,6 tiêu chí/xã.
Khó khăn là vậy, nhưng huyện Nguyên Bình vẫn đặt quyết tâm cao, phần đấu đến cuối năm 2025 sẽ có 02 xã (Tam Kim, Hoa Thám) “về đích” NTM. Nguồn vốn đầu tư, hỗ trợ từ Chương trình MTQG đang là động lực để huyện Nguyên Bình hướng tới hoàn thành mục tiêu này.
Ở xã Tam Kim, theo ông Ma Văn Luyện, Bí thư Đảng ủy xã, năm 2023, xã được phân bổ hơn 2,431 tỷ đồng để triển khai Dự án 1, Dự án 3, Dự án 4 và Dự án 8 thuộc Chương trình MTQG 1719. Từ nguồn vốn này, xã đã triển khai hỗ trợ nước sinh hoạt, dauy tu, sửa chữa công trình, hỗ trợ phát triển sản xuất...
“Trong đó, xã đã bố trí kinh phí để thực hiện dự án duy tu, bảo dưỡng tuyến đường Pác Dài – Khau Đinh. Công trình hoàn thành và nghiệm thu đầu tháng 6/2023”, ông Luyện cho biết.
Để tạo sức bật cho Tam Kim “về đích” NTM đúng hẹn, năm 2024, lồng ghép vốn các Chương trình MTQG, huyện Nguyên Bình đã phân bổ vốn để xã đầu tư 03 công trình hạ tầng, gồm 02 nhà văn hóa (Bản Um và xóm Nà Mạ) và bê tông hóa đường giao thông nông thôn Khuổi Xuống - Nà Khuổi, xóm Thượng Thác; tổng vốn được giao là 1,275 tỷ đồng (1,260 tỷ đồng là vốn ngân sách Trung ương).
Với nguồn lực đầu tư đó, xã tam Kim đã hoàn thành 16/19 tiêu chí; xã đang tiếp tục phấn đấu hoàn thiện các tiêu chí còn lại, gồm: thu nhập, tỷ lệ chiều, môi trường và an toàn thực phẩm. Nguồn vốn hỗ trợ phát triển sản xuất thuộc Dự án 3 của Chương trình MTQG 1719 được kỳ vọng giúp xã Tam Kim hoàn thành thu nhập và tỷ lệ hộ nghèo.
Từ năm 2023, thực hiện Dự án 3 “Phát triển sản xuất nông, lâm nghiệp bền vững, phát huy tiềm năng, thế mạnh của các vùng miền để sản xuất hàng hóa theo chuỗi giá trị”, Tam Kim được bố trí hơn 1,337 tỷ đồng. Từ kinh phí này, ngoài triển khai khoán bảo vệ rừng thì xã đã bố trí 700 triệu đồng để xây dựng dự án hỗ trợ phát triển sản xuất theo chuỗi giá trị.
Tương tự là xã Hoa Thám, thực hiện các Chương trình MTQG, từ năm 2022 đến nay, xã được bố trí hơn 10,233 tỷ đồng. Theo ông Hà Văn Đình, Chủ tịch UBND xã Hoa Thám, từ kinh phí này, xã đã đầu tư duy tu bảo dưỡng, sửa chữa 03 tuyến đường, khởi công xây mới 02 mương thủy lợi, mở mới 04 tuyến đường và hỗ trợ xi măng 07 tuyến đường ngõ xóm... Đến nay, Hoa Thám đã hoàn thành 10/19 tiêu chí xây dựng NTM.
Nỗ lực đạt mục tiêu
Cũng như xã Tam Kim và Hoa Thám của huyện Nguyên Bình, các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh Cao Bằng đang được trợ sức kịp thời từ nguồn vốn Chương trình 1719 trên hành trình vượt lên, thoát khỏi danh sách xã nghèo.
Theo Quyết định số 861/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh Cao Bằng có 126/161 xã khu vực III; toàn tỉnh có 938 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực III; 43 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực I và 15 thôn đặc biệt khó khăn thuộc xã khu vực II.
Trong Kế hoạch số 2015/KH-UBND ngày 08/8/2022 về thực hiện Chương trình MTQG 1719 giai đoạn I (2021 – 2025), UBND tỉnh Cao Bằng đặt mục tiêu phấn đấu đưa 62 xã và 24 thôn ra khỏi địa bàn đặc biệt khó khăn; đồng thời phấn đấu giảm tỷ lệ nghèo trong đồng bào DTTS của tỉnh bình quân 4%/năm trở lên.
Theo ông Bế Văn Hùng, Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, giai đoạn 2021 – 2025, tỉnh triển khai thực hiện 10/10 dự án thành phần thuộc Chương trình MTQG 1719; với tổng mức vốn là 7.499,965 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là ngân sách Trung ương (5.776,773 tỷ đồng).
Để giảm dần địa bàn đặc biệt khó khăn, tỉnh Cao Bằng ưu tiên nguồn lực đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu phục vụ sản xuất và dân sinh. Trong đó, thực hiện Dự án 4 thuộc Chương trình MTQG 1719, tỉnh bố trí hơn 2.030 tỷ đồng; ngoài ra còn được bổ sung nguồn lực từ Chương trình MTQG giảm nghèo bền vững và các chương trình, chính sách dân tộc khác.
“Với sự đầu tư đó, hiện tỷ lệ xã có đường ô tô đến trung tâm xã được cứng hóa theo chuẩn của Bộ Giao thông - Vận tải 159/161 xã trên địa bàn tỉnh đạt 98,8%; tỷ lệ thôn có đường đến trung tâm được cứng hóa: 1.220/1.462 thôn, xóm có đường trục giao thông được cứng hóa đạt tỷ lệ 83%; các công trình hạ tầng phục vụ sản xuất và dân sinh khác cùng từng được được đầu tư đồng bộ ở các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh”, ông Hùng cho biết.
Theo Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Cao Bằng, Chương trình MTQG 1719 triển khai trên địa bàn tỉnh gồm 10 dự án thành phần, 14 tiểu dự án và 12 nội dung bao phủ trên mọi lĩnh vực, tập trung giải quyết những vấn đề cấp bách nhất của người dân như: Giao thông, thủy lợi, trạm y tế, chợ, nước sinh hoạt, nhà ở; hỗ trợ sản xuất, đào tạo nghề; hỗ trợ trực tiếp các nhu cầu thiết yếu cho hộ DTTS; giữ gìn và bảo tồn các giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các DTTS. Vì vậy, đây là động lực quan trọng để các địa bàn đặc biệt khó khăn của tỉnh hoàn thiện các tiêu chí cần nguồn lực đầu tư lớn trong xây dựng NTM.
Từ nguồn vốn Chương trình MTQG 1719, giai đoạn 2022 – 2024, tỉnh Cao Bằng đã triển khai đầu tư 1.366 công trình thiết yếu ở các địa bàn đặc biệt khó khăn. Trong đó có 90 công trình nước sinh hoạt; 854 công trình đường giao thông; 196 công trình mương thủy lợi; 35 công trình cầu; 22 công trình chợ xã; 37 công trình trạm y tế xã; 6 công trình trường học; 77 nhà văn hóa xóm, sân thể thao; 01 nhà văn hóa xã; 02 trụ sở xã, 44 công trình điện sinh hoạt, 02 công trình khác; thực hiện duy tu bảo dưỡng 415 công trình.