Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Thể thao - Giải trí

Game show vũ đạo: Đừng để...một thời xa vắng

PV - 13:15, 17/08/2022

Từng có quãng thời gian, cứ mở tivi lên là thấy tràn ngập game show nhảy múa, vũ đạo trên khắp các kênh sóng. Tuy nhiên, sau quãng thời gian nở rộ những chương trình này đã “lặn không sủi tăm” vì nhiều nguyên nhân khác nhau…

Tiết mục “Ôi quê tôi” của thí sinh Thu Phương trong chương trình “Thử thách cùng bước nhảy” Ảnh: HUY NGUYỄN
Tiết mục “Ôi quê tôi” của thí sinh Thu Phương trong chương trình “Thử thách cùng bước nhảy” Ảnh: HUY NGUYỄN

Đến thời điểm này, một số sân chơi nhảy múa bắt đầu rục rịch trở lại. Thế nhưng, câu hỏi được khán giả đặt ra là liệu các game show này có đi cùng năm tháng không hay cũng rơi vào tình trạng “sớm nở tối tàn” như trong quá khứ?

Thành công nhưng cũng không thể bước tiếp

“Phát súng” đầu tiên cho sự nở rộ game show vũ đạo ở nước ta phải kể đến Bước nhảy hoàn vũ trên sóng truyền hình Quốc gia năm 2010. Format mới lạ, sự xuất hiện của nhiều khách mời nổi tiếng, cùng với đó là sự kết hợp của dàn vũ công nước ngoài, Bước nhảy hoàn vũ ngay lập tức trở thành một trong những chương trình có tỷ suất người xem (rating) “khủng” trên VTV3. Không chỉ thổi làn gió mới cho thị trường giải trí thời điểm đó, Bước nhảy hoàn vũ còn có công trong việc lan toả tình yêu Dancesport tới khán giả. Nhận được nhiều tình cảm của người xem, chương trình kéo dài được 7 mùa. Đến năm 2016, Bước nhảy hoàn vũ dần “lép vế” và phải nói lời chia tay, để lại cho khán giả nhiều tiếc nuối. Tương tự với phiên bản người lớn, Bước nhảy hoàn vũ nhí cũng lặng lẽ rút lui chỉ sau 2 mùa lên sóng.

Không phải là chương trình về vũ đạo đầu tiên ở Việt Nam, nhưng “chất” nhất vẫn phải kể đến Thử thách cùng bước nhảy do Đài Truyền hình TP.HCM (HTV) sản xuất. Lên sóng mùa đầu tiên năm 2012, chương trình được khán giả, giới nghề đón nhận khi là game show nói không với drama, tập trung khai thác sự nghiêm túc, điêu luyện của những vũ công trong quá trình theo đuổi nghề. Lần đầu tiên qua những thước phim ngắn cùng màn trình diễn của thí sính trên sân khấu, khán giả hiểu hơn về sự khổ luyện để có được vài phút thăng hoa trên sân khấu. Sự biến hoá không ngừng, liên tục phá vỡ giới hạn bản thân là lý do chính khiến khán giả luôn mong chờ từng tập Thử thách cùng bước nhảy phát sóng. Sức nóng của chương trình còn được minh chứng bằng việc không chỉ phát trên HTV, chương trình còn được phát đồng thời trên nhiều kênh sóng như HanoiTV1, DRT1 (Đà Nẵng), Yan TV, VTVCab1 - Giải trí TV… Nhiều khán giả chia sẻ rằng, qua Thử thách cùng bước nhảy, họ hiểu hơn về nghệ thuật múa và trân trọng hơn sự lao động nghiêm túc của người nghệ sĩ. Khán giả cùng khóc, cười với nỗi buồn, niềm vui với nhân vật, câu chuyện mà người nghệ sĩ múa hóa thân. Đặc biệt, Thử thách cùng bước nhảy là nơi chắp cánh cho rất nhiều tài năng nhảy múa bay cao như Lâm Vinh Hải, Quang Đăng, Đình Lộc, Phạm Lịch, Huỳnh Mế, Sơn Lâm, Tuấn Đạt… Thành công là vậy nhưng đến năm 2016, Thử thách cùng bước nhảy cũng không thể bước tiếp.

Ngoài Bước nhảy hoàn vũ, Thử thách cùng bước nhảy, một số game show khác như Vũ điệu đam mê (VTV), Vũ điệu xanh (VTV), Bước nhảy ngàn cân (VTV), Bước nhảy xì tin (Yan TV)… cũng thu hút được sự chú ý của khán giả. Tuy nhiên, “tuổi thọ” của những chương trình này không dài, giảm sức hút qua từng mùa và cuối cùng đều phải chịu cảnh “dừng cuộc chơi”. Hai năm trở lại đây, Nhóm nhảy siêu Việt hay Sàn đấu vũ đạo... đã đánh dấu sự hồi sinh của game show nhảy múa, nhưng chưa rõ những chương trình này trụ được đến bao giờ?

Niềm vui ngắn chẳng tày gang

Trong bối cảnh chương trình giải trí phát triển ồ ạt, những game show thi tài về nhảy múa ra đời được cho là món ăn tinh thần mới lạ, hấp dẫn. Thế nhưng, nghịch lý là chúng thường không thể đi đường dài mà chỉ sau ít mùa là “vụt tắt”, nguyên nhân là bởi trong suy nghĩ của một số khán giả, nhảy múa là bộ môn nghệ thuật mang tính hàn lâm, “xa vời”. Ngoài một bộ phận khán giả ít nhiều am hiểu về chuyên môn thì người xem chủ yếu chỉ là người nhà của thí sinh, do đó, độ phủ về khán giả khó bằng được những chương trình khác. Bên cạnh đó, công tác quảng bá, tuyên truyền đôi khi chưa rộng, rầm rộ. Chính vì vậy, sức lan tỏa của game show thể loại này chưa cao.

Một nguyên nhân khác cũng dễ nhận thấy là vì không có được rating cao, nên game show nhảy múa thường bị cho xuống sóng. Rating cao cũng đồng nghĩa với việc nhà đài dễ thu về quảng cáo, có quảng cáo là có lợi nhuận. Thế nhưng, các nhà đài, đơn vị sản xuất cần thay đổi tư duy vì những giá trị do game show nhảy múa mang lại đôi khi không thể đong đếm bằng kinh tế. Thực tế, đây là kênh quảng bá nghệ thuật rất hiệu quả, nhất là với những điệu múa dân gian đang cần được bảo tồn và phát huy các giá trị. Do đó, nếu vẫn đặt nặng suy nghĩ làm game show để kiếm thu nhập thì những giá trị văn hóa dân tộc cũng sẽ mất đi một kênh quảng bá rộng rãi.

Ngoài ra, chính những chương trình giải trí về vũ đạo đã và đang góp phần không nhỏ trong đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao cho lĩnh vực này ở nước ta. Trải qua nhiều chương trình phát sóng, không ít thí sinh được bồi dưỡng về chuyên môn, “đường đường” bước vào showbiz với tư cách là nghệ sĩ, biên đạo múa chuyên nghiệp. Nhiều người liên tục được nhà đài mời dàn dựng cho các tiết mục biểu diễn. Vũ công, biên đạo múa vì thế sống được với nghề. Sống được với nghề thì họ mới lan tỏa tình yêu về nhảy múa đến với công chúng, thay đổi nhận thức và thu hút nhiều người đến với bộ môn nghệ thuật này hơn.

Mang nhiều giá trị nhưng game show nhảy múa đang đứng trước nguy cơ “lụi tàn”. Do đó, ngoài việc thay đổi suy nghĩ của nhà sản xuất, rất cần đến sự đầu tư chiến lược, dài hơi của các cơ quan Nhà nước để quảng bá nghệ thuật múa. Có được sự đầu tư bài bản, các game show về vũ đạo sẽ sớm lấy lại vị thế, nhất là trong bối cảnh khán giả đang rất cần những chương trình nói không với drama nhưng vẫn hấp dẫn như hiện nay. Đây là điều các game show nhảy múa từng làm được trong quá khứ. 

Đọc nhiều