Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Chính sách dân tộc

Giải quyết đất sản xuất cho đồng bào DTTS ở Lâm Đồng

PV - 10:41, 17/07/2019

Lâm Đồng là tỉnh thuần nông nên đất canh tác là nền tảng quan trọng đối với đời sống sản xuất của nông dân nói chung và đồng bào các DTTS nói riêng. Việc thực hiện tốt các chính sách về đất đai giúp cho đồng bào phấn khởi, yên tâm lao động sản xuất, hạn chế tình trạng du canh, du cư và giảm nghèo một cách bền vững.

Bài 1: Sinh kế bền vững nhờ có đất sản xuất

Lâm Đồng là địa phương có số hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất ít nhất trong các tỉnh khu vực Tây Nguyên. Bởi ngoài nguồn lực hỗ trợ của Trung ương, thì tỉnh Lâm Đồng cũng có những quy định để giữ đất canh tác cho đồng bào DTTS, góp phần giúp đồng bào ổn định sinh kế.

Có đất sản xuất, đời sống ổn định

Đạ Long là xã thuộc diện khó khăn nhất của huyện 30a Đam Rông (Lâm Đồng). Toàn xã có 683 hộ, với 3.460 nhân khẩu, chủ yếu là đồng bào dân tộc Cơ-ho; tổng diện tích đất tự nhiên của Đạ Long khoảng 6.700ha, trong đó có gần 1.000ha đất sản xuất nông nghiệp.

Ông Lơ Mu Ha Poh, Chủ tịch UBND xã Đạ Long cho biết, toàn xã hiện chỉ còn 20 hộ thiếu đất sản xuất. Nguyên nhân thiếu đất sản xuất là do một số hộ mới tách, một số gia đình có đất sản xuất nhưng bị sạt lở. Số hộ thiếu đất không nhiều nên tình hình sản xuất của xã rất khả quan, đời sống của đồng bào DTTS tương đối ổn định.

“Trong 6 tháng đầu năm 2019, tổng diện tích gieo trồng toàn xã đạt 831,3ha, tăng 7,93% so với cùng kỳ năm ngoái. Riêng diện tích gieo trồng vụ đông-xuân đạt 112ha, sản lượng ước đạt 498,4 tấn, bảo đảm vấn đề lương thực của người dân trên địa bàn”, ông Poh cho biết.

Có đất sản xuất, đồng bào DTTS ở Lâm Đồng ổn định sinh kế nên kết quả giảm nghèo của Lâm Đồng khá bền vững. (Trong ảnh: Nông dân xã Tu Trả, huyện Đơn Dương thu hoạch rau màu) Có đất sản xuất, đồng bào DTTS ở Lâm Đồng ổn định sinh kế nên kết quả giảm nghèo của Lâm Đồng khá bền vững.
(Trong ảnh: Nông dân xã Tu Trả, huyện Đơn Dương thu hoạch rau màu)

Theo thống kê, của UBND huyện Đam Rông toàn huyện có 12.656 hộ (trong đó có 9.076 hộ đồng bào DTTS), hiện trên địa bàn chỉ còn 96 hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất.

Ông Thân Hùng Mạnh, Trưởng Phòng Dân tộc huyện Đam Rông cho biết: nguồn lực đầu tư, hỗ trợ của các chương trình, dự án những năm qua, đã giúp đồng bào DTTS của huyện có điều kiện về tư liệu sản xuất. Ngoài đất sản xuất nông nghiệp, đồng bào ở đây còn được giao đất trồng rừng (bình quân mỗi hộ 1ha), giao khoán quản lý bảo vệ rừng (bình quân mỗi hộ nhận 10-15ha).

Đồng bào DTTS còn được tập huấn, áp dụng khoa học-kỹ thuật vào sản xuất, được hỗ trợ nông cụ, vật tư phân bón, giống cây trồng, vật nuôi,… Nhờ có tư liệu và được hỗ trợ phát triển sản xuất nên dù thu nhập của bà con ở đây chưa cao nhưng sinh kế rất ổn định.

Giảm nghèo bền vững

Không chỉ riêng huyện Đam Rông mà ở các địa phương khác của tỉnh Lâm Đồng, số hộ đồng bào DTTS thiếu đất sản xuất không nhiều. Toàn tỉnh hiện còn 1.083 hộ DTTS thiếu đất sản xuất, thấp hơn nhiều so với các tỉnh khác trong khu vực (như Đăk Lăk còn trên 8 nghìn hộ thiếu đất sản xuất, Đăk Nông có hơn 5.400 hộ…).

Đồng bào DTTS không thiếu đất sản xuất nên kết quả giảm nghèo của tỉnh Lâm Đồng khá bền vững. Báo cáo tại Hội nghị đánh giá giữa kỳ Chương trình Mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững giai đoạn 2016-2020 trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng (tổ chức ngày 25/4/2019) cho thấy, trong 3 năm (2016-2018), cả tỉnh giảm được 6.862 hộ nghèo so với cuối năm 2016. Bình quân mỗi năm, tỷ lệ hộ nghèo giảm 1,27%, trong đó tỷ lệ hộ nghèo trong đồng bào DTTS giảm 3,54%.

Đáng chú ý, trong năm 2018, toàn tỉnh có 3.895 hộ thoát nghèo, nhưng chỉ có 51 hộ tái nghèo. Tính đến cuối năm 2018, trong 70.672 hộ đồng bào DTTS của tỉnh Lâm Đồng chỉ còn 6.008 hộ nghèo (tỷ lệ 8,5%) và 7.437 hộ cận nghèo (tỷ lệ 10,5%)

Theo ông Dơ Woang Ya Gương, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lâm Đồng, kết quả giảm nghèo của tỉnh ngày càng bảo đảm được yếu tố bền vững. Để có được kết quả này thì quan trọng nhất là đồng bào DTTS trên địa bàn có tư liệu sản xuất, kết hợp vận dụng hiệu quả nguồn lực từ các chương trình, dự án hỗ trợ để phát triển sản xuất, từ đó ổn định và từng bước nâng cao thu nhập.

Ở Lâm Đồng, từ những năm 90 của thế kỷ trước, tỉnh đã ban hành những quy định bắt buộc khi mua bán, chuyển nhượng đất đai của đồng bào DTTS trên địa bàn. Gần đây nhất, những quy định đó được ban hành trong Quyết định số 08/2015/QĐ-UBND, ngày 30/01/2015 của UBND tỉnh Lâm Đồng.

Theo đó, tỉnh Lâm Đồng quy định: Với các hộ đồng bào DTTS đã được cấp quyền sử dụng đất có diện tích trên 0,6ha, có nhu cầu bán, chuyển nhượng thì vẫn được quyền, nhưng không được bán, chuyển nhượng hết tất cả. Số diện tích dư ngoài 0,6ha thì được mua bán, chuyển nhượng; còn tối thiểu phải giữ lại 0,6ha, nếu bán quá thì chính quyền địa phương không chứng thực.

Tỉnh Lâm Đồng cũng quy định rõ: tổ chức, hộ gia đình, cá nhân thực hiện chuyển nhượng, mua bán khi không đủ điều kiện, thì chính quyền địa phương thực hiện xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực đất đai. Đồng thời, tổ chức, hộ gia đình, cá nhân đó phải trả lại diện tích đất đã nhận chuyển nhượng, mua bán của hộ đồng bào DTTS.

Với những quy định đó, Lâm Đồng đã giữ đất sản xuất ổn định cho đồng bào DTTS trên địa bàn, góp phần thực hiện có hiệu quả các chính sách đầu tư, hỗ trợ phát triển kinh tế-xã hội vùng DTTS và miền núi. Nhưng qua khảo sát thực tế, tỉnh Lâm Đồng cũng cần phải điều chỉnh những quy định về chuyển nhượng, mua bán đất của hộ đồng bào DTTS cho phù hợp với tình hình mới. Báo Dân tộc và Phát triển sẽ phản ánh nội dung này trong số báo tiếp theo.

SỸ HÀO

Tin cùng chuyên mục
Chương trình MTQG 1719 năm 2024 ở Nghệ An: Sớm có kế hoạch phân bổ nguồn vốn sự nghiệp

Chương trình MTQG 1719 năm 2024 ở Nghệ An: Sớm có kế hoạch phân bổ nguồn vốn sự nghiệp

Hội đồng Nhân dân tỉnh Nghệ An vừa ban hành Nghị quyết số 12 ngày 22/4/2024 về việc phân bổ kinh phí sự nghiệp nguồn ngân sách Trung ương thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia phát triển kinh tế-xã hội vùng đồng bào DTTS và miền núi giai đoạn 2021-2025, năm 2024 (Chương trình MTQG 1719). Đây là cơ sở quan trọng để các địa phương có nguồn lực thực hiện các nội dung, tiểu dự án, dự án của Chương trình MTQG 1719. Tuy nhiên, tỉnh Nghệ An cần ưu tiên xem xét, lập kế hoạch phân bổ nguồn vốn này sớm hơn, làm cơ sở cho các địa phương chủ động thực hiện.