Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Xã hội

Giữ cờ Tổ quốc

Thanh Hải - 11:44, 21/01/2021

Giữa trùng khơi bao la, lá cờ Tổ quốc thiêng liêng lắm. Không chỉ khẳng định chủ quyền lãnh hải, màu cờ đỏ tung bay trên mỗi con tàu còn tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để ngư dân bám biển. Giữ lá cờ Tổ quốc luôn tung bay giữa biển cả không chỉ là trách nhiệm mà còn là niềm tự tôn, tự hào dân tộc.

Cờ Tổ quốc tung bay trên những chiếc thuyền ra khơi
Cờ Tổ quốc tung trên những chiếc thuyền ra khơi

“Màu cờ phải luôn tươi mới”

Tàu vừa cập cảng cá Cửa Hội (Nghệ An) sau chuyến hải trình gần một con trăng, thuyền trưởng Ngô Trí Đông, xã Diễn Bích, huyện Diễn Châu (Nghệ An) đã “lệnh” thuyền viên Phạm Văn Tiến tức tốc lên bờ mua cờ Tổ quốc về thay. Nắng, gió và những mặn mòi từ biển cả đã khiến lá cờ Tổ quốc bạc màu lại rách phần đuôi, dù mới thay cách đó mấy ngày.

Gấp nhỏ lá cờ cho vào túi áo, Tiến nhanh nhẹn trèo lên cột cảo trước buồng lái. Cột cảo được thiết kế như một cái thang hình chữ A, có hệ thống ròng rọc trợ giúp để kéo lưới. Phía trên đỉnh cột được khoét một lỗ nhỏ để cắm lá cờ. 

Khi đã ngồi trên đỉnh cột, hai chân đan chéo chắc chắn, một tay Tiến cầm cán cờ, một tay gỡ bó từng mối buộc của đoạn thép mềm. Vì phải buộc chắc chắn để tránh cán cờ bị đổ nghiêng, cờ bay mất nên phải một hồi lâu, Tiến mới mở xong các mối cột. Hai tay cậu cẩn thận gỡ bỏ lá cờ cũ, rách nát rồi nhẹ nhàng lấy lá cờ mới trong túi áo luồn vào cán cờ. Vì gió mạnh nên Tiến rất vất vả mới treo xong cờ.

Tất cả những công đoạn thay lá cờ không nằm ngoài con mắt chăm chú của thuyền trưởng Ngô Trí Đông. Ông Đông kể: “Bất kể lúc nào, thấy lá cờ bạc màu là phải thay ngay, ngay cả khi tàu đang neo đậu tại cảng”.

Ngư dân Phạm Văn Tiến treo cờ Tổ quốc trên nóc tàu, chuẩn bị cho chuyến vươn khơi
Ngư dân Phạm Văn Tiến treo cờ Tổ quốc trên nóc tàu, chuẩn bị cho chuyến vươn khơi

Cặp tàu của Ngô Trí Đông có công suất mỗi chiếc 540CV, thuộc vào hàng lớn nhất và nằm trong đội tàu vươn khơi của tỉnh Nghệ An. Ngư trường khai thác của cặp tàu này chủ yếu là vùng biển Vịnh Bắc Bộ, từ phía bắc đảo Bạch Long Vỹ đến giáp tỉnh Quảng Bình. Đấy là vùng hải phận đánh cá chung mà tàu các nước trong khu vực như Trung Quốc, Philippin, Malaixia… thường xuyên có mặt.

Ngư dân Đông cho biết: “Mỗi chuyến vươn khơi, thiếu gì thì thiếu nhưng không thể thiếu cờ Tổ quốc. Chúng tôi đều có dự phòng để thay khi cờ bị rách, bạc màu. Đó là quy định “nằm lòng” của ngư dân chúng tôi”.

Thấy tôi tò mò chuyện treo cờ và giữ cờ Tổ quốc trên tàu, ngư dân Võ Duy Nhãn (quê Quảng Ngãi, cũng tham gia đánh bắt ở ngư trường Vịnh Bắc Bộ) ở kế bên góp chuyện: “Lá cờ Tổ quốc đều được các thuyền treo lên những điểm cao nhất, nhìn rõ nhất. Ở vùng hải phận chung, lá cờ Tổ quốc nhìn thiêng liêng lắm. Điều đó như thêm một lần khẳng định vị thế Việt Nam ra các nước khu vực và quốc tế".

Những lúc thấy cờ rách nhưng quanh tàu là sóng lớn và gió rít, các anh có thay cờ? “Nhiều lần chúng tôi cũng đã cố gắng nhưng đành chịu, phải chờ biển lặng hơn mới thay được. Những lúc như thế cảm thấy bồn chồn không yên”, ngư dân Nhãn trải lòng.

Lá cờ Tổ quốc thiêng liêng lắm. Điều đó như thêm một lần khẳng định vị thế Việt Nam ra các nước khu vực và quốc tế.

Ngư dân Võ Duy Nhãn - Quảng Ngãi

Kể từ khi nối nghiệp cha, ngư dân Trần Văn Đồng, chủ cặp tàu 360CV và 380CV đang neo đậu tại cảng cá Lạch Quèn (Quỳnh Lưu) đã quá quen với việc người nhà sắm cờ Tổ quốc, mua lễ cúng chọn giờ lành. Ông Đồng chia sẻ: “Vợ tôi thường đi chợ mua lễ và mấy lá cờ Tổ quốc rồi làm lễ chọn giờ lành để mong một chuyến đi biển nhiều bình an, may mắn. Không ai phạt vì không treo cờ Tổ quốc lên tàu thuyền nhưng yêu Tổ quốc thì mình treo”. 

Rồi ngư dân Đồng nói tiếp: “Giữa bao la biển cả. Lá cờ Tổ quốc thiêng liêng lắm. Không chỉ khẳng định chủ quyền lãnh hải, màu cờ đỏ chói lọi phần phật trên mỗi nóc tàu còn tiếp thêm sức mạnh, niềm tin để ngư dân chúng tôi yên tâm vươn khơi”.

Không thể để mất cờ

Theo cha, anh đi biển từ nhỏ, những ngư dân như ông Đông, ông Nhãn, ông Đồng chẳng còn nhớ nỗi bao lần đã giương cờ, giong thuyền bám biển. Họ cũng chẳng còn nhớ nỗi, đã bao lần mua cờ Tổ quốc rồi thay khi thấy cờ bị rách, bạc màu. 

Ngư dân Ngô Trí Đông cho biết: “Ở vùng hải phận chung, tàu các nước cách nhau rất gần. Việc treo cờ Tổ quốc là biểu tượng, là để phân biệt tàu nước ta với nước khác”.

Không ở đâu như ở giữa khơi xa, sóng gió đã làm cờ rất nhanh rách và bạc màu. Cũng không ở đâu như ở nơi đây, dù đang kéo lưới nhưng hễ thấy lá cờ Tổ quốc không còn vẹn nguyên hoặc bị quấn chặt vào cán cờ, ngư dân đều tự giác leo lên đỉnh cột cảo chỉnh sửa. Và cũng không ở đâu như giữa trùng dương, những con tàu mang trên mình lá cờ đỏ sao vàng càng khiến ngư dân thêm vững tin và ấm lòng.

Mỗi chuyến vươn khơi, thiếu gì thì thiếu nhưng không thể thiếu cờ Tổ quốc. Chúng tôi đều có dự phòng để thay khi cờ bị rách, bạc màu. Đó là quy định nằm lòng của ngư dân chúng tôi.

Ngư dân Ngô Trí Đông - Nghệ An

Yêu Tổ quốc, thấy phải có trách nhiệm với mỗi “tấc biển” cha ông ngàn đời gìn giữ, tất cả các tàu thuyền vươn khơi đều tự giác treo cờ Tổ quốc. Treo cờ là một chuyện, giữ màu cờ luôn tươi mới là chuyện khác nhưng giữ để không mất cờ Tổ quốc trên mỗi con tàu mới là điều quan trọng nhất.

Những ngư dân mà tôi hỏi đều chắc nịch một điều rằng: “Nếu có va chạm, tàu hàng tỉ đồng hư hỏng có thể sửa nhưng nếu mất cờ Tổ quốc là mất nước. Vì thế, ngư dân chúng tôi những lúc vươn khơi đều luôn kiên định với ý chí không thể để mất cờ Tổ quốc”.

Chạy dọc theo bờ biển, không có con tàu nào thiếu cờ Tổ quốc. Dù tàu to, thuyền lớn đánh bắt cá ở vùng hải phận chung hay chỉ là tấm bè mảng mỏng manh chỉ xa bờ 2 - 3 hải lý, tất thảy đều tự thiết kế một vị trí trang trọng và cao nhất để treo cờ. Chủ tịch Nghiệp đoàn nghề cá xã Diễn Bích (Diễn Châu, Nghệ An) Nguyễn Văn Liên thông tin: Chúng tôi luôn nhắc nhở các tàu thuyền trong nghiệp đoàn phải chú ý đến việc treo cờ và giữ cờ. Giữ lá cờ Tổ quốc vẹn nguyên, tươi mới và không được thiếu trong suốt hải trình chính là gìn giữ biểu tượng của đất nước, niềm tự hào của dân tộc.

Tin cùng chuyên mục
Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Chuyện người đàn ông Gia Rai làm cầu bắc qua sông Ba

Từng làm nghề chèo đò chở khách qua sông Ba, ông Ksor Yan (dân tộc Gia Rai, 60 tuổi, xã Ia Kdăm, huyện Ia Pa, Gia Lai) chứng kiến những nguy hiểm rình rập với bà con mỗi khi muốn qua sông, ông đã quyết tâm đứng ra làm cầu gỗ bắc qua sông Ba, giúp cho hàng trăm hộ dân hai bên bờ đi lại thuận lợi, tiết kiệm thời gian.