Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Tin tức

Giữ nghề cũng là giữ bản sắc văn hóa dân tộc

PV - 16:39, 24/07/2019

Mặc dù đã bước sang tuổi 83, nhưng nghệ nhân Nguyễn Văn Thực, dân tộc Mường, ở tổ 7, phường Thái Bình, TP. Hòa Bình (Hòa Bình) vẫn rất say mê chế tác đồ mỹ nghệ. Với đôi bàn tay khéo léo ông đã tạo nên những tác phẩm mỹ nghệ mang đậm bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc mình.

Đến thăm ngôi nhà của nghệ nhân Nguyễn Văn Thực, trước mắt chúng tôi là vô số những sản phẩm mỹ nghệ do ông tự tay chế tác. Trước cửa chính ông treo một dàn những chiếc chuông gió làm bằng nứa. Trên bức tường gỗ ở phòng khách, ông treo những chiếc đàn bầu, đàn tính, sáo, cung tên, nỏ… Dưới nền nhà, có nhiều đồ mỹ nghệ như điếu cày, vỏ dao và cả những nhạc cụ như chiêng, cây múa xênh tiền…

Trò chuyện với chúng tôi, ông Thực chia sẻ: Sinh ra và lớn lên trong gia đình dân tộc Mường, có truyền thống đan lát nên từ khi 12 tuổi ông đã biết làm cung, nỏ, đan rọ tôm, đánh chiêng và chơi một số loại đàn, sáo dân tộc. Ban đầu, ông chỉ có ý định làm những món đồ mỹ nghệ vì sở thích. Sau đó, được nhiều người biết đến và đặt hàng nhiều nên ông đã chế tác để phục vụ nhu cầu của du khách và người dân trong khu vực.

Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực đang chế tác đồ mỹ nghệ. Nghệ nhân Nguyễn Văn Thực đang chế tác đồ mỹ nghệ.

Với đôi tay khéo léo, các sản phẩm ông làm ra như: cung tên, nỏ, chuông gió, điếu cày, nhà sàn, sáo, đàn tính, đàn bầu… đều thể hiện được những đường nét tinh tế và rất bắt mắt. Các sản phẩm của ông chế tác được tư thương đặt mua để mang đi tiêu thụ tại Làng Văn hóa-Du lịch các dân tộc Việt Nam, khu du lịch bản Lác-Mai Châu, bản Giang Mỗ-Bình Thanh, huyện Cao Phong…

Với ý nghĩ không muốn nghề truyền thống của mình bị mất đi, nghệ nhân Nguyễn Văn Thực đã truyền nghề cho 3 người con trai. Họ đều làm thành thạo và được ông đánh giá là làm đẹp và khéo léo hơn cả ông nữa. Thế nhưng vì thu nhập thấp, lại bấp bênh nên các con ông không sống được với nghề mà đã chuyển sang làm những công việc khác.

Ông Thực cho biết: Khoảng thời gian từ 2017 trở về trước, công việc của ông diễn ra rất suôn sẻ. Nhưng khoảng 2 năm trở lại đây thị trường tiêu thụ những sản phẩm này có phần bị chững lại. Do hiện nay có nhiều hàng hóa hiện đại nên các sản phẩm thủ công làm ra khó tiêu thụ hơn.

Tuy nhiên, đam mê chưa bao giờ nguội tắt nên ông Thực quyết bám trụ với nghề chế tác đồ gỗ mỹ nghệ dân tộc. Đối với ông Thực, bây giờ chế tác đồ mỹ nghệ không phải để sống vì nghề nữa, ông làm là vì yêu thích, vì sự đam mê để góp phần gìn giữ bản sắc văn hóa dân tộc Mường.

Nhận xét về những đóng góp của nghệ nhân Nguyễn Văn Thực trong công tác bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc, ông Dương Đình Thắng, Tổ trưởng tổ 7, phường Thái Bình cho biết: Ông Thực là nghệ nhân rất tâm huyết, đam mê giữ gìn bản sắc văn hóa truyền thống của dân tộc Mường thông qua chế tác các đồ mỹ nghệ của dân tộc. Ngoài ra, ông còn rất nhiệt tình tham gia vào các hoạt động văn hóa của Tổ dân phố, tham gia truyền dạy lại nghề cho thế hệ con cháu để bảo tồn bản sắc văn hóa dân tộc.

Với những cống hiến, đóng góp đó, ông Nguyễn Văn Thực đã được Hội Văn nghệ Dân gian Việt Nam tặng Bằng công nhận danh hiệu Nghệ nhân Dân gian năm 2011. Năm 2015, ông Thực được Chủ tịch nước tặng danh hiệu Nghệ nhân Ưu tú vì đã có cống hiến xuất sắc trong gìn giữ và phát huy di sản văn hóa của dân tộc.

HƯƠNG HỒNG