Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Sự kiện - Bình luận

Giữ nhịp mùa Xuân

Tùng Nguyên - 06:00, 15/02/2024

Sự phát triển của mỗi quốc gia, dân tộc không chỉ được đánh giá bằng tăng trưởng kinh tế mà còn bằng các chỉ số: giáo dục tốt, sức khoẻ và dinh dưỡng ở mức cao, tỉ lệ nghèo đói thấp, có đời sống văn hoá cao... Trên con đường đi lên xã hội chủ nghĩa, văn hoá là sức mạnh nội sinh, giữ nhịp cho sự phát triển bền vững, làm nên những mùa Xuân tươi đẹp của đất nước.

Văn hóa tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước. (Trong ảnh: Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn giữ gìn trang phục truyền thống)
Văn hóa tiếp tục đóng vai trò quan trọng cho sự phát triển của đất nước. (Trong ảnh: Phụ nữ dân tộc Pà Thẻn giữ gìn trang phục truyền thống)

Cách đây hơn hai năm, ngày 24/11/2021, tại Hội trường Diên Hồng, tòa nhà Quốc hội, Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng đã tổ chức Hội nghị Văn hóa toàn quốc, triển khai Nghị quyết Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng. Đây là hội nghị có ý nghĩa đặc biệt quan trọng trên nhiều phương diện để đưa đất nước phát triển bền vững.

Trên cơ sở khẳng định quan điểm xuyên suốt của Đảng là văn hóa phải được đặt ngang hàng với chính trị, kinh tế, xã hội, “văn hóa soi đường cho quốc dân đi”, Hội nghị Văn hóa toàn quốc đã đề ra những nhiệm vụ để tiếp tục xây dựng, giữ gìn, chấn hưng và phát triển nền văn hóa dân tộc. Quán triệt chỉ đạo của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng, hơn hai năm qua, các cấp, các ngành, các địa phương và các tầng lớp Nhân dân đã thay đổi về cách nghĩ, cách làm, để giữ gìn và phát triển nền văn hóa dân tộc.

Với sự đồng lòng, chung sức đó, văn hóa đang thấm đẫm trong đời sống xã hội, là nguồn lực, động lực và mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Những đổi thay trong hơn hai năm qua trong đời sống văn hóa của nước nhà không phải là những cảm nhận trừu tượng mà có thể đo đếm bước đầu bằng những sự kiện nổi bật, những con số biết nói, những công trình và sản phẩm cụ thể.

Nhiều giá trị văn hóa truyền thống của dân tộc được phát huy; chuẩn mực ứng xử văn hóa mới được hình thành; đời sống văn hóa vùng đồng bào DTTS và miền núi được quan tâm. Nhiều lễ hội truyền thống và hoạt động văn hóa, nghệ thuật được tổ chức an toàn, lành mạnh, tiết kiệm, vui tươi, tạo nên bức tranh ấn tượng, đa sắc màu của dân tộc, góp phần thúc đẩy hoạt động sản xuất, kinh doanh, nâng cao đời sống vật chất, thúc đẩy đời sống tinh thần Nhân dân.

Và trong năm 2023 – năm giữa nhiệm kỳ Đại hội lần thứ XIII của Đảng, cùng với sự phát triển sôi động trên các lĩnh vực kinh tế, ngoại giao,… lĩnh vực văn hóa cũng đã có một năm để lại nhiều dấu ấn, góp phần lan tỏa những giá trị truyền thống của dân tộc Việt Nam trên trường quốc tế. Những sự kiện “lần đầu tiên” của ngành Văn hóa trong năm Quý Mão đã, đang và sẽ kết nối để lan tỏa những giá trị truyền thống, phát huy sức mạnh nội sinh của dân tộc.

Năm 2023, lần đầu tiên Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (VHTT&DL) tổ chức Hội nghị Tuyên dương gương điển hình tiên tiến trong lĩnh vực văn hóa toàn quốc (ngày 28/8). Đây là sự kiện có ý nghĩa quan trọng để đánh giá phong trào thi đua của ngành Văn hóa; đánh giá quá trình triển khai thực hiện 6 nhiệm vụ, 4 giải pháp để xây dựng và phát triển văn hóa, con người Việt Nam trong thời kỳ mới theo kết luận của Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng tại Hội nghị Văn hóa toàn quốc năm 2021.

Múa Xòe gắn kết cộng đồng, làm cho con người gần nhau hơn, đoàn kết và hòa điệu tâm hồn
Múa Xòe gắn kết cộng đồng, làm cho con người gần nhau hơn, đoàn kết và hòa điệu tâm hồn

Cũng trong dịp kỷ niệm 78 năm ngày thành lập ngành (28/8/1945 – 28/8/2023), Bộ VHTT&DL lần đầu tiên tổ chức Hội nghị Cán bộ Văn hóa toàn quốc. Hơn 1.000 cán bộ làm công tác văn hóa đã tham dự Hội nghị để gặp gỡ, cùng nhìn lại chặng đường đã đi qua và nhận diện các mô hình tiêu biểu trong xây dựng môi trường văn hóa cơ sở để nhân rộng, lan tỏa trong đời sống xã hội.

Trong năm 2023, lần đầu tiên Ngày hội Văn hóa các dân tộc có số dân dưới 10.000 người lần thứ I tại tỉnh Lai Châu được tổ chức, với chủ đề “Bảo tồn, phát huy và lan tỏa bản sắc văn hóa truyền thống của các dân tộc rất ít người”. Đây là minh chứng thiết thực, cụ thể hoá sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với lĩnh vực công tác dân tộc, thực hiện chính sách ở vùng đồng bào DTTS, nhất là các dân tộc có số dân dưới 10.000 người. Ngày hội là dịp quảng bá tiềm năng, thế mạnh văn hóa, du lịch của các dân tộc có số dân dưới 10.000 người; thực hiện chính sách đoàn kết, bình đẳng giữa các dân tộc.

Cùng với thành tựu trên lĩnh vực kinh tế, Việt Nam cũng là điểm sáng trên bản đồ thế giới về phát triển văn hóa, được cộng đồng quốc tế ghi nhận. Năm 2023, Việt Nam đã trúng cử, trở thành thành viên của Ủy ban Di sản Thế giới nhiệm kỳ 2023 – 2027. Đúng như khẳng định của bà Audrey Azoulay, Tổng Giám đốc UNESCO: “Việt Nam là điển hình thành công trong kết nối giữa phát triển kinh tế và văn hóa; và là một hình mẫu tốt về bảo tồn môi trường và phát triển du lịch bền vững”.

Đất nước đã bước vào năm 2024 – năm then chốt để thực hiện các mục tiêu, chỉ tiêu Nghị quyết Đại hội lần thứ XIII của Đảng. Tại Hội nghị tổng kết công tác năm 2023 của ngành Văn hóa (diễn ra ngày 3/1), Thủ tướng Chính phủ Phạm Minh Chính đã nhận định, năm 2024, kinh tế thế giới được dự báo phát triển thấp hơn năm 2023; các vấn đề an ninh, biến đổi khí hậu khó lường, do đó, tình hình năm nay khó khăn thách thức nhiều hơn năm ngoái.

Trong bối cảnh đó, văn hóa tiếp tục đóng vai trò “giữ nhịp” cho sự phát triển của đất nước. Trên nền tảng đã có, chúng ta cần bản lĩnh hơn, tự tin hơn, mạnh mẽ hơn để phát huy tối đa sức mạnh của dân tộc, nền văn hóa ngàn năm văn hiến, phát huy tối đa sức mạnh nội sinh, phát huy tối đa sức mạnh thể chất của người Việt Nam để tự tin, vững bước đi lên, tạo bứt phá, tăng tốc phát triển nhanh và bền vững cho đất nước.