Analytic
Báo Dân tộc và Phát triẻn
Chuyên trang

Dân tộc - Tôn giáo với sự phát triển của đất nước

Công tác Dân tộc

Hỗ trợ phát triển KT-XH các DTTS rất ít người ở Lào Cai: Bảo tồn văn hóa truyền thống (Bài 2)

Trọng Bảo - 10:31, 06/11/2020

Qua khảo sát thực tế, bên cạnh những khó khăn về kinh tế thì, đồng bào hai dân tộc Phù Lá, Bố Y ở Lào Cai không còn giữ được tiếng nói, trang phục truyền thống, nhiều phong tục, tập quán tốt đẹp, lễ hội bản sắc dân tộc đang dần mai một… Do đó, bên cạnh việc hỗ trợ phát triển kinh tế, tạo sinh kế nâng cao thu nhập, thì việc triển khai chính sách đầu tư, hỗ trợ cho đồng bào khôi phục, bảo tồn bản sắc văn hóa cũng đang được chú trọng.

Hàng chục lớp học múa, hát cho đồng bào dân tộc Bố Y, Phù Lá đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai.
Hàng chục lớp học múa, hát cho đồng bào dân tộc Bố Y, Phù Lá đã và đang được triển khai trên địa bàn tỉnh Lào Cai.

Cách làm bài bản

Một trong những thế mạnh của tỉnh Lào Cai là có nền văn hóa đa dạng, giàu bản sắc, là sự hội tụ của văn hóa truyền thống của 25 dân tộc anh em. Do đó, tỉnh xác định, bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống của đồng bào các dân tộc, là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế của tỉnh, góp phần giảm nghèo bền vững cho đồng bào các DTTS.

Theo bà Mã Én Hằng, Phó Trưởng Ban Dân tộc tỉnh Lào Cai, tình trạng mai một bản sắc văn hóa của hai dân tộc Phù Lá và Bố Y rất đáng lo ngại. Hầu như bà con không còn giữ được tiếng nói, trang phục, ý thức về phong tục, tập quán tốt đẹp, lễ hội dân tộc cũng dần mai một…

“Một bộ phận bà con dân tộc Phù Lá ở huyện Bắc Hà, Mường Khương do sinh sống ở khu vực biên giới nên chủ yếu sử dụng tiếng Quan Hỏa trong giao tiếp hằng ngày, chứ không còn dùng tiếng dân tộc gốc của người Phù Lá”, bà Hằng thông tin.

Trước thực trạng này, hàng chục lớp học múa, hát, học tiếng dân tộc đã được mở ra từ nguồn hỗ trợ theo Quyết định 2086. Các lớp học được triển khai đều khắp ở các huyện nơi có đồng bào Bố Y và Phù Lá sinh sống. Để thực hiện mục tiêu này, bắt đầu từ năm 2019, Ban Dân tộc tỉnh đã ký hợp đồng với Trường Cao đẳng Lào Cai trong việc hướng dẫn các nội dung về ca, múa, nhạc và dẫn chương trình cho các đội văn nghệ.

Nhạc sĩ Đỗ Xuân Quỳnh, Trưởng khoa Văn hóa Nghệ thuật, Trường Cao đẳng Lào Cai cho biết: Căn cứ kết quả khảo sát, nhà trường đã tư vấn cho UBND các xã ra quyết định kiện toàn danh sách các đội văn nghệ DTTS của thôn với 100% là đồng bào dân tộc Phù Lá, Bố Y; số nghệ nhân, diễn viên tham gia ở độ tuổi 15 - 18 chiếm 20%, 18 - 30 chiếm 50%, 30 - 50 chiếm 30%. Trong quá trình hoạt động đã khuyến khích sự tham gia đông đảo của người dân tại thôn bản, có sự điều chỉnh bổ sung thành viên, đặc biệt là số thành viên trẻ nhằm phát huy lâu dài giá trị bản sắc văn hóa dân tộc.

“Khi bắt đầu thành lập các đội văn nghệ, đề án hỗ trợ trang phục dân tộc, nhạc cụ, đạo cụ... để các thành viên có điều kiện tập luyện, biểu diễn. Trong quá trình tập luyện, đề án cũng hỗ trợ một phần kinh phí nhỏ cho từng thành viên tham gia”, nhạc sĩ Đỗ Xuân Quỳnh nói.

Những kết quả bước đầu

Buổi nghiệm thu văn nghệ dân tộc Phù Lá của 3 thôn Ta Khuấn, Khe Chấn của xã Sơn Thủy và Nậm Cằn của xã Nậm Dạng, huyện Văn Bàn được đông đảo người dân trong thôn, xã tới xem và cổ vũ. Tại đây, 30 thành viên của mỗi đội văn nghệ đã tự tin hoàn thành bài báo cáo nghiệm thu của mình với 5 tiết mục văn nghệ đặc sắc, được đầu tư dàn dựng mới dựa trên âm hưởng, nhạc điệu và phong tục, tập quán truyền thống của dân tộc Phù Lá. Không chỉ thành thục trong các điệu múa, mà các thành viên còn sử dụng thành thạo một số nhạc cụ truyền thống của dân tộc như trống, chũm chọe, chuông...

Chị Nông Thị Loan, thành viên đội văn nghệ thôn Nhai Thổ 2 cho biết: Trước đây, thôn không có đội văn nghệ, dù rất muốn tham gia nhưng cũng chẳng có ai đứng ra tổ chức, hướng dẫn. Được sự hỗ trợ của Nhà nước về trang phục, nhạc cụ… các thầy cô về hướng dẫn nhiệt tình, bây giờ ai cũng phấn khởi tham gia tập luyện và có thể đăng ký biểu diễn tại các chương trình văn nghệ của thôn, của xã tổ chức.

Không chỉ đơn thuần hỗ trợ xây dựng, tập luyện, đội ngũ giảng viên còn hướng dẫn bà con cách sưu tầm những bài hát, điệu múa, sử dụng nhạc cụ đã bị mai một, phát triển, nâng tầm các giá trị văn hóa bằng các làn điệu mới phù hợp và gần hơn với giới trẻ để thực hiện truyền dạy lại cho các thế hệ sau.

Đến thời điểm này đã có 14 đội văn nghệ thôn bản tại 12 xã trên địa bàn các huyện có đồng bào Phù Lá, Bố Y sinh sống được thành lập, tập luyện. Trong đó, có 3 đội văn nghệ dân tộc Bố Y, 11 đội dân tộc Phù Lá. Bên cạnh đó, hàng chục lớp học tiếng dân tộc cũng đã được mở tại các thôn bản để tổ chức dạy tiếng Phù Lá, Bố Y gốc với phương thức truyền khẩu.

Theo bà Mã Én Hằng, Phó Trưởng Ban Dân tộc Lào Cai, trong quá trình triển khai, khôi phục những nét văn hóa của hai dân tộc, khó khăn nhất là việc mở các lớp dạy tiếng dân tộc gốc cho bà con. Để thực hiện được nội dung này, Ban Dân tộc tỉnh đã phải tìm các nghệ nhân, người cao tuổi còn biết tiếng Phù Lá, Bố Y gốc; sau đó tổ chức các lớp tập huấn về phương pháp sư phạm, cách truyền đạt.

Kết quả bước đầu này, ngày càng củng cố niềm tin của đồng bào đối với các chủ trương, chính sách Đảng và Nhà nước; từ đó, đồng bào quyết tâm phát huy nội lực, tranh thủ nguồn lực để vươn lên thoát nghèo, xây dựng cuộc sống ngày càng ấm no, đầy đủ hơn. 

Qua 2 năm triển khai thực hiện đã có gần 22 tỷ đồng hỗ trợ để bảo tồn, phát huy giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc, nâng cao đời sống tinh thần cho đồng bào Phù Lá, Bố Y trên địa bàn tỉnh Lào Cai. Trong đó, năm 2019 là trên 12 tỷ đồng và năm 2020 là 9,5 tỷ đồng.