Số liệu trên trang web thống kê worldometers.info cũng cho thấy tính đến sáng 30/4, đã có 128.444.355 ca nhiễm CODVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 19.487.095 ca bệnh đang điều trị, có 19.375.356 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,4%) và 111.739 ca (chiếm 0,6%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện vẫn hoành hành tại 222 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới.
Trong 24 giờ qua, với thêm tới 386.888 ca nhiễm, Ấn Độ tiếp tục là quốc gia ghi nhận nhiều ca nhiễm COVID-19 mới nhất trên thế giới, tiếp theo sau là Brazil (69.079 ca) và Mỹ (59.269 ca). Cùng với đó, Ấn Độ cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất trong một ngày qua với 3.501 ca, sau đó là Brazil (3.074 ca) và Mỹ (870 ca).
Số liệu mới cập nhật trên worldometers.info cho thấy trong 24 giờ qua, châu Âu đã ghi nhận thêm 144.824 ca nhiễm và 3.169 ca tử vong mới vì COVID-19. Đây là châu lục có số ca nhiễm COVID-19 nhiều nhất thế giới. Pháp, Nga và Anh tiếp tục là 3 nước bị tác động nhiều nhất bởi đại dịch này tại châu Âu khi có lần lượt 5.592.390; 4.796.557 và 4.414.242 ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại. Tuy nhiên, Anh lại hiện là nước có số ca tử vong vì COVID-19 cao nhất khu vực, với tổng số 127.502 ca, sau khi có thêm 22 ca trong 24 giờ qua; tiếp sau đó là Italy (120.544 ca) và Nga (109.731 ca).
Với 38.994.918 ca nhiễm COVID-19 tính đến sáng 30/4, châu Á trở thành khu vực có nhiều ca nhiễm thứ hai thế giới. Trong đó, 515.518 ca đã tử vong do COVID-19 và 33.371.095 ca được điều trị khỏi. 3 quốc gia có số người nhiễm và tử vong do COVID-19 cao nhất tại châu Á là Ấn Độ, Thổ Nhĩ Kỳ và Iran với lần lượt số trường hợp nhiễm COVID-19 ghi nhận tới thời điểm hiện tại là 18.754.984; 4.788.700 và 2.479.805 ca; và số trường hợp tử vong lần lượt là 208.313; 39.737 và 71.351 ca.
Là khu vực có số ca nhiễm nhiều thứ ba thế giới, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại Bắc Mỹ tiếp tục gia tăng, với tổng số 38.252.610 ca, trong đó có 860.315 ca tử vong và 29.942.529 ca được điều trị khỏi. Với 33.044.068 ca nhiễm và 589.207 ca tử vong vì COVID-19, Mỹ vẫn đứng đầu bảng danh sách của khu vực. Tiếp sau là Mexico và Canada với con số thống kê lần lượt là 2.336.944 và 1.211.083 ca nhiễm, cùng 215.918 và 24.169 ca tử vong vì COVID-19.
Trong khi đó, Nam Mỹ ghi nhận thêm 135.477 ca nhiễm và 4.858 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 24.762.994 ca và 668.429 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê của khu vực, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực khi có thêm 69.079 ca nhiễm mới, nâng tổng số trường hợp bị nhiễm COVID-19 lên con số 14.592.886 vào thời điểm hiện tại. Với 3.074 ca tử vong được ghi nhận trong một ngày qua, Brazil cũng là nước có thêm nhiều ca tử vong nhất vì COVID-19; tiếp sau đó là Argentina với 561 ca tử vong mới và Colombia với 505 ca tử vong mới do COVID-19.
Tính đến sáng 30/4, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 4.587.788 ca, trong đó có 121.848 ca tử vong và 4.112.028 ca bình phục. Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất bởi đại dịch COVID-19 trong khu vực, với 1.579.536 ca nhiễm và 54.331 ca tử vong sau khi ghi nhận thêm 1.086 ca nhiễm mới và 46 ca tử vong trong vòng 24 giờ qua. Tiếp theo đó là Morocco và Tunisia, với tổng số lần lượt 510.886 và 307.215 ca nhiễm bệnh cùng 9.020 và 10.641 ca tử vong.
Tại châu Đại Dương, con số thống kê được ghi nhận là 62.858 ca nhiễm (tăng 128 ca) và 1.194 ca tử vong (tăng 2 ca) do dịch bệnh COVID-19. Đứng đầu danh sách thống kê trên trang worldometers.info vẫn là Australia với 28 ca nhiễm mới trong 24 giờ qua, nâng tổng số ca nhiễm lên 29.777 ca, trong đó 910 ca tử vong.
Trong bối cảnh đại dịch COVID-19 tiếp tục diễn biến nghiêm trọng, ngày 29/4, Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) đã đưa ra cảnh báo mạnh mẽ với các quốc gia châu Âu rằng việc nới lỏng các biện pháp phòng chống dịch COVID-19 có thể kích hoạt một "cơn bão lớn" khiến số ca nhiễm gia tăng chóng mặt như trường hợp xảy ra tại Ấn Độ.
Người đứng đầu WHO khu vực châu Âu, ông Hans Kluge nêu rõ: "Khi mà các biện pháp bảo vệ cá nhân được nới lỏng, khi có các hoạt động tụ tập đông người, khi xuất hiện nhiều biến thể lây lan nhanh hơn và công tác tiêm chủng vaccine còn thấp, những điều này có thể tạo ra một cơn bão lớn ở bất kỳ quốc gia nào. Điều quan trọng là phải nhận thức được rằng tình trạng ở Ấn Độ có thể xảy ra ở bất cứ đâu".
Biến thể của virus SARS-CoV-2 được phát hiện tại Ấn Độ, có ký hiệu B.1.617, hiện đang bùng phát mạnh mẽ tại quốc gia này, nhưng WHO vẫn chưa xác nhận liệu nó có khả năng lây truyền cao hơn hoặc gây tử vong nhiều hơn các chủng virus khác hay không. Các chuyên gia cho rằng các cuộc tập trung đông người là một phần nguyên nhân dẫn đến bùng nổ số ca mắc COVID-19 mới ở Ấn Độ./.