Cho đến nay, đã có 67.266.568 ca nhiễm COVID-19 trên toàn cầu được công bố khỏi bệnh. Trong số 24.945.318 ca bệnh đang điều trị thì có 24.833.638 ca ở thể nhẹ (chiếm 99,6%) và 111.681 ca (chiếm 0,4%) còn lại trong tình trạng nghiêm trọng. Dịch bệnh hiện đang tác động đến 219 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới. Mỹ, Ấn Độ, Brazil là 3 “vùng dịch” lớn nhất trên thế giới. Virus SARS-CoV-2 hiện đã lây lan khắp thế giới và tạo ra một số đột biến gien dẫn tới sự xuất hiện các chủng biến thể mới.
Báo Newsweek, ngày 15/1 đưa tin các nhà khoa học đã xác định được một chủng virus SARS-CoV-2 mới có thể nói là trội hơn cả tại Mỹ. Dẫn nguồn kết quả một nghiên cứu khoa học hiện chưa được chính thức công bố, tờ Newsweek cho biết chủng mới có tên là 20C-US, có lẽ xuất hiện ban đầu từ khu vực miền Nam nước Mỹ hồi cuối Xuân, đầu Hè năm ngoái và sau đó các chuyên gia nghiên cứu đã tìm thấy chủng virus này xuất hiện ở bang Texas vào tháng 5/2020. Các nhà khoa học tại đại học Southern Illinois (SIU) cũng tuyên bố chủng 20C-US nhiều khả năng là chủng virus có nguồn gốc từ Mỹ, đồng thời cũng là chủng phổ biến nhất gây bệnh COVID-19 tại Mỹ. Sự lây lan nhanh của chủng virus 20C-US diễn ra đúng vào thời điểm số ca tử vong ở Mỹ giảm nhẹ khiến các nhà khoa học cho rằng có thể chủng 20C-US dễ lây hơn nhưng đỡ nguy hiểm chết người hơn.
Xét theo phạm vi khu vực, thống kê cụ thể trên worldometers.info vào sáng sớm 16/1 cho thấy tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Âu là 27.153.654 trường hợp, trong đó có 618.949 ca tử vong và 14.689.938 ca được điều trị khỏi. Trong 24 giờ qua, cựu lục địa ghi nhận thêm 249.768 ca nhiễm và 5.721 ca tử vong mới vì COVID-19. Tình hình dịch bệnh tại châu Âu đang diễn biến đáng quan ngại sau khi các ca nhiễm biến thể mới của virus SARS-CoV-2 gây bệnh viêm đường hô hấp cấp COVID-19 được ghi nhận từ những ngày cuối năm 2020, ngay cả khi các nỗ lực phân phối và tiêm chủng vaccine trên diện rộng đang được đẩy mạnh.
Trong 24 giờ qua, Bắc Mỹ ghi nhận thêm 240.188 ca nhiễm COVID-19 và 4.406 ca tử vong vì dịch bệnh, nâng các con số thống kê được tại khu vực này tới thời điểm hiện tại lên lần lượt là 27.451.287 và 578.164 trường hợp. Sau nhiều tuần liên tiếp, Mỹ vẫn là vùng dịch lớn nhất tại khu vực và trên thế giới, với tổng số 24.065.730 ca nhiễm và 401.232 ca tử vong vì COVID-19. Sau Mỹ, Mexico là nước có nhiều ca nhiễm và tử vong vì COVID-19 đứng thứ 2 ở khu vực, với tổng cộng 1.588.369 và 137.916 ca ghi nhận được tính đến thời điểm hiện tại. Tiếp đến là Canada với 694.412 ca nhiễm và 17.707 ca tử vong vì COVID-19.
Tính đến sáng 16/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Á là 21.890.859 trường hợp, với 354.502 ca tử vong và 20.313.414 ca điều trị khỏi. Trong tổng số 1.222.943 ca bệnh đang điều trị thì có 24.167 ca trong tình trạng nghiêm trọng. Trong 24 giờ qua, Ấn Độ ghi nhận thêm 13.560 ca nhiễm mới COVID-19, tiếp tục củng cố vị trí “dẫn đầu” châu Á về số ca nhiễm (10.542.068 ca).
Trong 24 giờ qua, Nam Mỹ ghi nhận thêm 106.375 ca nhiễm và 1.604 ca tử vong vì COVID-19, nâng tổng số ca nhiễm tại khu vực này lên 14.459.275 trường hợp, với 385.196 ca tử vong. Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Brazil tiếp tục là nước bị tác động nặng nề nhất bởi dịch bệnh trong khu vực, tiếp theo sau là Colombia, Argentina, Peru…với lần lượt 8.390.341; 1.870.179; 1.783.047; 1.048.662… ca nhiễm COVID-19 được ghi nhận tới thời điểm hiện tại.
Tính đến sáng 16/1, tổng số ca nhiễm COVID-19 tại châu Phi là 3.222.268 trường hợp, trong đó có 77.737 ca tử vong và 2.628.132 ca bình phục. Trong tổng số 516.399 ca đang điều trị thì có 2.598 ca trong tình trạng nguy kịch.
Sau nhiều ngày dẫn đầu bảng thống kê, Nam Phi tiếp tục là nước chịu tác động nặng nề nhất trong khu vực, với 1.311.686 ca nhiễm COVID-19 và 36.467 ca tử vong vì dịch bệnh. Trong 24 giờ qua, nước này ghi nhận thêm 14.880 ca nhiễm và 615 ca tử vong. Xếp các vị trí tiếp theo trong bảng thống kê là Ma-rốc, Tunisia và Ai Cập với lần lượt 457.625; 175.065; 154.620 ca nhiễm bệnh.
Trong 24 giờ qua, châu Đại Dương có thêm 26 ca nhiễm COVID-19, trong đó 7 ca ở Australia, 18 ca ở New Zealand và 1 ca còn lại ở Papua New Guinea. Hiện khu vực này ghi nhận 49.457 ca nhiễm và 1.071 ca tử vong vì COVID-19. Australia vẫn là nước có số ca nhiễm cao nhất trong khu vực, với 28.665 ca, tiếp theo sau là French Polynesia với 17.590 ca./.